Những nội dung “cố định” tức là những nội dung cần phải có khi viết một bài nghị luận văn học. Chắc ai đó sẽ cần nên là Thích Văn học đã chắt lọc những đoạn văn cố định giúp các bạn có thể vận dụng trực tiếp vào các dạng đề liên quan đến nhân vật Phương Định.
1. Giới thiệu khái quát tác giả Lê Minh Khuê và tác phẩm Những ngôi sao xa xôi
(Đoạn văn đặt sau phần mở bài)
Lê Minh Khuê là nữ nhà văn đã từng có năm tháng tuổi trẻ gắn bó với những con đường Trường Sơn mưa bom, bão đạn, từng chứng kiến, trải qua và chia sẻ những gian khổ, hi sinh của người lính giữa chiến trường. Bởi vậy những trang viết của bà về con người và cuộc sống nơi đây thật chân thực và xúc động vô cùng. Ở “Những ngôi sao xa xôi” sáng tác năm 1971 cũng vậy, hiện thực cuộc sống giữa chiến trường và hình ảnh những nữ thanh niên xung phong với cuộc sống gian khổ một thời cứ hiện lên sống động sau từng câu chữ. Ấn tượng sâu đậm nhất mà Lê Minh Khuê để lại trong lòng bạn đọc ở “Những ngôi sao xa xôi” là hình ảnh những con người dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao, có tình đồng chí, đồng đội sáng ngời, có tâm hồn trong trẻo, giàu mơ mộng, và nhạy cảm. Tất cả những vẻ đẹp ấy được thể hiện tập trung nhất ở nhân vật Phương Định, và chủ yếu qua đời sống nội tâm của cô.
(Trích Bài viết của cô Hoàng Thị Vĩnh – GV trường THCS Đằng Hải – Hải Phòng)
2. Khái quát về nhân vật Phương Định
Phương Định là nhân vật chính của truyện được Lê Minh Khuê tập trung ngòi bút để miêu tả. Cô vốn là con gái Hà Nội vào chiến trường. Cô có thời học sinh hồn nhiên vô tư bên người mẹ. Cô có một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh của thủ đô trong những ngày thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy, luôn sống trong lòng cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khát khao, vừa là dòng suối làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh.
(Nội dung này được xây dựng trên bài viết của Ths Hồ Thị Giáng Thu – giáo viên trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú)
3. Liên hệ, mở rộng
Lãng mạn là nét đẹp của những chàng trai, cô gái trên cung đường Trường Sơn khốc liệt, là chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng, là đỉnh cao của một thời kỳ văn học. Mối tình đầy lãng mạn, đầy lý tưởng của Nguyệt, cô gái thanh niên xung phong và Lãm, anh bộ đội lái xe trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu hay tấm gương hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong trong Khoảng trời – hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ:
“Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom.”
Nhiều và còn biết bao nhiêu nữa những tấm gương hy sinh của những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc… đã góp phần cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân).
4. Ý nghĩa hình tượng nhân vật Phương Định
Qua dòng suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật Phương Định, cuộc sống chiến đấu của các cô thanh niên xung phong được tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động với vẻ đẹp tỏa sáng. Hình tượng về những nữ thanh niên xung phong Trường Sơn không hiếm trong văn học chống Mĩ, song với những sáng tạo riêng của mình, Lê Minh Khuê trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng giàu mơ mộng, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, sự hi sinh và rất lạc quan của họ. Đó là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam đã sống và chiến đấu, hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc thân yêu:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
( “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm)
Và nếu nói văn chương thể hiện đời sống tâm hồn người nghệ sĩ và qua mỗi đứa con tinh thần phần nào phản ánh phong cách viết thì đến với tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” mà cụ thể là nhân vật Phương Định với những nét khắc họa tài tình đã thể hiện sâu sắc phong cách sáng tác của nhà văn Lê Minh Khuê. Đó là cách viết giản dị nhưng chứa đựng rất nhiều ân tinh đẹp đẽ, là viết về đời sống chiến tranh, bom đạn máu lửa của con người nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, là cuộc sống chiến đấu của những người trẻ tuổi trên tuyến đường Trường Sơn năm nào.
(Trích Bài viết của cô Hoàng Thị Vĩnh – GV trường THCS Đằng Hải – Hải Phòng)
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học