Dưới đây là bài viết của bạn Hoàng Thu Huyền – giải Nhất “Cuộc thi viết nghị luận văn học lần 1” do Trạm văn tổ chức. (Bài viết đã được biên tập và chỉnh sửa)
Nhận xét chung:
– Ưu điểm
+ Bài viết thể hiện sự chỉn chu của người viết.
+ Bố cục, luận điểm, phân tích rõ ràng, đầy đủ.
+ Người viết có sự liên hệ, mở rộng; nhận định; nhận xét, đánh giá tốt.
– Một số lưu ý:
+ Mở bài vẫn có câu sao chép ở trên mạng.
+ Người viết nên bổ sung đoạn nêu ý nghĩa hình tượng nhân vật ông Hai (đại diện cho lớp người nào? Thể hiện phong cách sáng tác của tác giả như thế nào?).
+ Diễn đạt văn nói ở một số chỗ.
Đề bài: Cảm nhận nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” của Kim Lân.
Bài làm
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Bản chất của văn học là phản ánh hiện thực cuộc sống bằng sự sáng tạo và thiên chức là thắp sáng thế giới tâm hồn con người. Nhà văn chân chính, dù viết về điều gì và thể hiện như thế nào trong tác phẩm của mình thì điểm xuất phát và đích đến cuối cùng vẫn là cõi nhân sinh, vẫn là con người với những câu chuyện khác nhau. Lẽ vậy mà rẽ văn đi vào mỗi tác phẩm, người đọc lại có dịp gặp gỡ và chiêm nghiệm về những con người ấy. Đến với truyện ngắn “Làng” – tác phẩm xuất sắc nhất của Kim Lân sau cách mạng, ta đến với nhân vật ông Hai – một lão nông chất phác, thật thà, có tình yêu làng quê tha thiết, tình yêu đất nước mãnh liệt và rất có tinh thần kháng chiến.
Trong sự nghiệp sáng tác văn chương nói chung, mỗi người nghệ sĩ đều có những chất riêng làm nên phong cách của mình. Với Kim Lân – một trong số những cây bút truyện ngắn dù để lại số lượng tác phẩm không nhiều nhưng sáng tác nào của ông cũng luôn vững vàng nơi lòng người đọc và thách thức quy luật băng hoại của thời gian. Nguyên Hồng đã từng nhận xét rằng: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất với người với thuần hậu nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn”. Bằng giọng văn chân thực, giản dị, từng trang viết của Kim Lân phản ánh làng quê và con người Việt Nam. Cụ thể là truyện ngắn “Làng” được sáng tác trong những năm đầu của kháng chiến chống Pháp, lần đầu ra mắt bạn đọc trên “Tạp chí Văn nghệ” năm 1948. Lấy bối cảnh cuộc tản cư trong những năm đầu kháng chiến, tác phẩm xoay quanh những chuyển biến trong tâm trạng của nhân vật ông Hai trước, trong và sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc. Từ đó, làm nổi bật tình yêu sâu đậm và sự chuyển biến trong nhận thức của ông Hai đối với làng quê, đất nước và cách mạng.
Trước khi nghe làng chợ Dầu theo Tây, tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện ở tính hay khoe làng, ở nỗi nhớ, ở niềm tự hào và ở sự quan tâm đến kháng chiến. Từ nghìn đời nay, làng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân Việt Nam. Làng là gia đình, là nguồn cội, là nơi gắn bó cả cuộc đời. Đối với người dân quê, tình yêu làng đã sớm trở thành một tình cảm tự nhiên, gắn bó, sâu nặng và thiêng liêng khiến họ khi xa thì nhớ, khi gần thì thương. Như bao người nông dân khác, ông Hai cũng có một ngôi làng để gắn bó, để tự hào, để thương, để nhớ – làng chợ Dầu. Ông hãnh diện về cái làng của mình lắm nên đi đâu ông cũng khoe về nó. Trước cách mạng, ông khoe làng ông “nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh”, đường làng ông lát toàn đá xanh, đi từ đầu làng đến cuối xóm không sợ bùn dính gót chân…, thậm chí ông còn khoe cả cái sinh phần “có lăm lắm là của” thuộc viên Tổng đốc làng, mặc dù cái sinh phần ấy khiến cả làng ông phải khổ sở. Khi kháng chiến bùng nổ, người dân phải dời làng đi sơ tán. Ở nơi tản cư, ông vẫn say sưa khoe về làng mình nhưng bây giờ ông khoe về những ngày khởi nghĩa dồn dập mà ông gia nhập từ hồi còn bóng tối, ông khoe và tự hào về tinh thần kháng chiến của làng. Song, phải xa làng, ông Hai buồn lắm. Ở nơi tản cư, lòng ông đau đáu nhớ quê. Cứ nghĩ về “những ngày làm việc cùng anh em… Ông lại muốn về làng, lại muốn cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá”. Ông lão nhớ làng da diết, luôn khao khát được trở về quê: “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!”. Dường như, làng chợ Dầu luôn thường trực trong tâm trí của lão nông dân ấy để khi nói về nuôi dưỡng mình, chốn quê thân thuộc là “hai con mắt ông sáng hẳn lên”. Quả thật là một tình yêu làng quê mãnh liệt! Không chỉ gắn bó với làng quê, ông Hai còn là một người nông dân luôn quan tâm và ủng hộ kháng chiến. Dù không muốn nhưng theo tinh thần cách mạng, ông Hai cũng cùng dòng người sơ tán đến một miền quê khác. Ở nơi tản cư, hằng ngày, ông luôn tìm cách nghe tin kháng chiến “chẳng sót một tin nào”. Nghe được nhiều tin hay, nhiều tin chiến thắng của quân ta như: “Một em bé trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa”; “Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng một quả lựu đạn cuối cùng”; “Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người đi mua hàng đã bắt sống một tên quan hai bốt Thao ngay giữa chợ”…, nghe được những tin ấy, bao nhiêu ý nghĩ vui thích cứ chen chúc trong đầu ông lão, “ruột gan ông cứ múa cả lên”. Và có lẽ, ông Hai chưa nhận ra điều đó, nhưng trong tình cảm của ông, tình yêu nước đã sớm nảy nở và ngày càng sâu sắc hơn. Đúng như Rasul Gamzatov từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Dù ở nơi đâu, làm bất cứ điều gì thì trái tim, tâm hồn của ông Hai vẫn ấm nóng tình yêu làng, yêu nước.
Niềm hân hoan với tin vui chiến thắng chưa dứt thì ông Hai bị đặt vào một tình huống đầy thử thách: Ngôi làng mà mình luôn tự hào, nhớ mong da diết ấy lại theo giặc. Trong tình huống gay cấn này, tình yêu làng, yêu nước của ông Hai càng được thể hiện một cách xúc động và sâu sắc. Thoạt đầu, khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà tản cư ở quán nước nói ra: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây”, tin đó đến với ông quá đột ngột. “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại”, “da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Đó là một sự bất ngờ, tê tái của một người khi nghe tin dữ. Ông vô cùng bàng hoàng, sững sờ. Bao nhiêu niềm tin, niềm tự hào về làng trong ông tưởng như đã sụp đổ. “Một lúc lâu sau ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi: “Liệu có thật không hở bác? Hay chỉ lại…”. Ông hỏi để đính chính lại cái tin “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây”, nhưng người đàn bà tản cư đã khẳng định chắc nịch đến thế khiến ông Hai ngượng ngùng, xấu hổ, cố làm ra vẻ bình thản, rồi đánh trống lảng ra về: “Hà, nắng gớm, về nào…”. Trên đường về, ông Hai bị ám ảnh bởi tiếng mắng chửi của người đàn bà ấy, ông thấy nhục nhã, tủi hổ nên cứ “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Sự bàng hoàng, không tin và tự lừa dối bản thân mình của ông Hai chính là sự chết lặng của một tâm hồn tha thiết tình yêu làng, yêu nước.
Về đến nhà, ông Hai chìm trong sự chán nản, lo lắng. “Ông nằm vật ra giường”, thấy con chơi sậm chơi sụi, nội tâm ông đau đớn vì thương con: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”. Những lời độc thoại nội tâm ấy đã chứng tỏ cái tin dữ về làng chợ Dầu bắt đầu trở thành nỗi dằn vặt, ám ảnh trong tâm tư của ông Hai. “Nước mắt ông lão cứ giàn ra”, tủi nhục, giận lây, ông nắm chặt hai bàn tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Chửi người làng, nhưng ông lại ngờ ngợ vì những lời nói của mình chưa đúng lắm. Ông đã kiểm điểm lại trong suy nghĩ những người ở lại toàn những người có tinh thần, họ quyết tâm một sống một chết với giặc, “chả nhẽ cái bọn ở làng lại đổ đốn đến thế…”. Nhưng rồi cái tin về thằng Chánh Bệu buộc ông phải tin, vì “thằng Chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi”. Cuối cùng, ông trở về trong tâm trạng đau xót, cực nhục và suy sụp, bởi chính bản thân ông, ông cũng cảm thấy thù hận cái giống Việt gian bán nước: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!”. Ông lão không chỉ đau cho mình, đau cho làng mà còn đau cho những người đồng hương cùng cảnh ngộ: “Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?”. Cái tin làng Chợ Dầu theo Tây làm cho không khí của gia đình ông vô cùng khó chịu, cả nhà lặng im như tờ. Có thể nói tin dữ về làng đã khiến ông Hai cáu gắt với bà Hai một cách vô cớ bằng những câu trống không: “Gì?”, “Biết rồi!”. Thậm chí khi nghe tiếng mụ chủ nhà, “ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được”, “trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe ra bên ngoài”. Ông rất sợ hãi, sợ mụ chủ nhà biết, sợ bị tẩy chay, cô lập. Đó là nỗi nhục của kẻ mang tiếng Việt gian theo Tây. Có thể thấy rằng, tâm trạng của ông Hai chất chứa đầy sự dằn vặt, lo lắng, tủi nhục và sợ hãi. Kim Lân thật tài tình khi đã sử dụng nhiều câu cảm thán, câu hỏi tu từ, những câu độc thoại và độc thoại nội tâm để thể hiện những diễn biến tâm lí của ông Hai khi nghe tin dữ về làng. Lúc này, đối với ông Hai, làng không chỉ là nơi “chôn nhau cắt rốn” mà còn là lòng tự trọng, là danh dự của cá nhân, danh dự của làng quê. Nếu không gắn bó, không yêu làng, không coi làng là niềm kiêu hãnh thì không thể có những dòng cảm xúc day dứt đến đau lòng như vậy.
Ba bốn ngày sau đó, ông luôn sống trong tâm trạng ám ảnh, day dứt, mặc cảm, sợ hãi khi mang danh là kẻ làng Chợ Dầu phản bội cách mạng. Nỗi tủi hổ ấy khiến ông Hai không dám ló mặt ra ngoài, lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ. Hễ thấy đám đông túm lại, nhắc đến cái giống “Việt gian”, “cam-nhông”, “Tây” thì ông lại tự nhủ: “Thôi lại chuyện ấy rồi”. Có thể thấy tác giả đã thành công diễn tả nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước tin làng mình theo giặc. Ông Hai tiếp tục bị đẩy vào tình huống căng thẳng, quyết liệt hơn khi nghe mụ chủ nhà đánh tiếng: “Nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng Chợ Dầu khỏi vùng này không cho ở nữa”. Ông Hai lo sợ bị tuyệt đường sinh sống, “bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão”. Ông cảm nhận hết nỗi nhục nhã, thương dân làng Chợ Dầu và thương thân mình phải mang tiếng là dân làng Việt gian: “Đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà cho dẫu vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu”. Bị đẩy vào đường cùng, tâm trạng của ông vô cùng bế tắc, ông chớm nghĩ “hay là quay về làng”, nhưng lập tức ông lão đã phản đối ngay: “Về làm gì cái làng đấy nữa”. Bởi về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, về làng là chấp nhận quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt buộc ông phải lựa chọn giữa quê hương với đất nước. Đó là lựa chọn khó khăn nhất đối với ông. Quê hương là một phần cuộc đời ông, là nơi gắn bó với ông biết bao kỷ niệm, trong khi đất nước, cách mạng là cứu cánh của gia đình ông… Để rồi cuối cùng ông đi đến quyết định: “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Sự lựa chọn dứt khoát, quyết liệt của ông Hai đã cho thấy dù là người nông dân chân lấm tay bùn, dù chưa đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ nhưng ông đã có sự giác ngộ sâu sắc về tự do, về cách mạng. Đây là một nét mới của ông Hai nói riêng và người nông dân nói chung, đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức, tình cảm của họ từ khi có ánh sáng cách mạng soi đường. Ở ông Hai, tình cảm tự do, tình cảm cách mạng, lòng yêu nước đã chiến thắng cảnh ngộ và tình cảm cá nhân. Điều đó đã cho thấy tình yêu làng dẫu có mãnh liệt, thiết tha đến đâu cũng không mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện cao đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam: khi cần đến, họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng. Thứ tình cảm cao quý ấy ta cũng từng bắt gặp trong thơ Chính Hữu:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”
Hay trong thơ của Nguyễn Đình Thi:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Giống như ông Hai, những người nông dân mặc áo lính trong hai bài thơ ấy sẵn sàng gác lại tình cảm gia đình, tình cảm quê hương để hướng đến tình yêu đất nước. Lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của ông Hai nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung thật tha thiết, mãnh liệt. Chính những tình cảm ấy đã góp phần tạo nên sức mạnh để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, để dân tộc ta lật thêm một trang sử vàng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hơn nữa, trước những dằn vặt, đau đớn, ông Hai đã thủ thỉ nỗi lòng sâu thẳm của mình với đứa con út. Cuộc trò chuyện ấy diễn tả vô cùng cảm động nỗi lòng và tình cảm của người nông dân với quê hương, đất nước với cách mạng và kháng chiến. Ông đã hỏi đứa con út là con ai, nhà ở đâu và ủng hộ ai để khắc ghi vào trong lòng con về tình cảm nguồn cội, gia đình, quê hương, đất nước, cách mạng. Nghe con nói: “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”, nước mắt ông Hai cứ giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má, giọng ông như nghẹn lại: “Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ?”. Tưởng chừng như có sự mâu thuẫn vì trước đó ông đã cương quyết: “làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Nhưng thực tế, ông Hai thù là thù những kẻ ở làng theo Tây bán nước, ông không muốn quay trở về vì không muốn sống chung cùng lũ bán nước. Còn ngôi làng Chợ Dầu mãi mãi là nguồn cội, là máu thịt của ông. Trò chuyện với con nhưng thực chất là ông ngỏ lòng mình, minh oan cho chính mình, mong “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông” . Đây là đoạn trích cảm động nhất, phải chăng trong tâm hồn người nông dân chất phác ấy chưa phút nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nỗi quê hương? Nhưng tình yêu làng của ông Hai giờ đây đã có sự chi phối bởi nhận thức, có sự hòa hợp với lòng yêu nước và sự trung thành với Đảng, với cách mạng, với kháng chiến. Tấm lòng thủy chung ấy của ông thật sâu nặng, bền vững và thiêng liêng: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Nhà văn Kim Lân xây dựng nhân vật ông Hai không thuộc hạng cùng đinh nghèo khổ như anh Pha, chị Dậu, cũng chẳng thuộc hàng vai vế có “miếng” có “tiếng” trong làng. Ông chỉ là một người nông dân bình thường, nồng hậu, chất phác, hay làm và chịu khó. Từ con người của làng quê, ông trở thành con người của kháng chiến, của sự nghiệp chung. Tình yêu làng quê của ông Hai vừa mang nét chung trong tâm lí người nông dân truyền thống lại vừa mang nét riêng, nét mới của thời đại cách mạng và kháng chiến. Lúc này tình cảm làng quê được mở rộng và chịu sự chi phối của lòng yêu nước, của ý thức trách nhiệm công dân trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Chính Kim Lân từng bộc bạch: “Viết văn, trước hết tôi viết cho mình, cho những ước mơ, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc”. Bằng dòng tâm trạng, cùng sự lựa chọn đầy quyết liệt của ông Hai trong một tình huống đầy thử thách, Kim Lân đã cất lên được tiếng lòng của mình cũng như cất lên tấm lòng của mọi người dân Việt Nam đối với làng quê và đất nước.
Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được đền đáp bằng tin làng ông được cải chính. Chính tình huống ấy đã bộc lộ niềm vui sướng, hồn nhiên, chân chất của ông Hai. Đến khi biết đích xác làng Chợ Dầu của ông không phải là làng Việt gian, ruột gan ông lão như múa cả lên, vô cùng vui sướng: “Ông cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”, mặt ông “tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Đối với người nông dân, căn nhà là cơ nghiệp của cả một cuộc đời dựng xây, vậy mà ông sung sướng, hả hê loan báo cho mọi người biết cái tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ”, ‘Đốt nhẵn!”. Đó là niềm tự hào, hạnh phúc thật chân chất, mộc mạc, hồn nhiên của người nông dân khi ông có minh chứng hùng hồn cho việc làng ông trong sạch và có tinh thần sẵn sàng hi sinh cho kháng chiến. Thực chất, mất nhà ai chẳng đau, chẳng xót nhưng mất nước còn nhục nhã, đớn đau gấp vạn lần. Nên họ sẵn sàng dùng sự mất mát riêng tư ấy để góp phần làm nên sức mạnh chung cho cả dân tộc. Quả thực, ở ông Hai tồn tại một tình yêu làng quê, tình yêu đất nước thật lớn lao, thật đáng trân trọng!
M.Gorki đã từng quan niệm: “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng”. Và Kim Lân với ấn tượng riêng của mình về hình ảnh người nông dân Việt Nam đã biết làm cho những ấn tượng đó có hình thức riêng qua việc thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện mang tính thử thách để nhân vật bộc lộ tâm lý, xung đột nội tâm gay gắt cùng nghệ thuật miêu tả tâm lý sâu sắc, tinh tế. Nhà thơ Trần Ninh Hồ cũng từng trân trọng vô cùng tài năng của Kim Lân: “Nếu như cho rằng văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái nghĩa ấy.” Đặc biệt, ngôn ngữ nhân vật sinh động, giàu tính khẩu ngữ khiến nhân vật vừa có nét chung của người nông dân vừa mang đậm cá tính riêng nên rất sinh động, độc đáo. Chính bút pháp nghệ thuật đặc sắc ấy đã khắc họa nổi bật một người nông dân chân chất, bình dị mà có lòng yêu làng quê hương sâu sắc, một lòng với cách mạng, với kháng chiến.
Nếu nói truyện ngắn là cưa lấy một khúc của đời sống thì Kim Lân đã cưa lấy một khúc của bối cảnh đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với mong muốn đưa đến cho bạn đọc bao thế hệ hình ảnh người nông dân Việt Nam yêu quê hương, đất nước. Phải chăng nhà văn không đặt tên truyện là “Làng chợ Dầu” mà chỉ dùng danh từ chung là “Làng” là dụng ý vừa muốn nói lên được cái riêng của nhân vật ông Hai, vừa muốn khái quát tình cảm, nhận thức chung của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Cùng với đó, hình ảnh nhân vật ông Hai giản dị, gần gũi, chất phác, nồng nàn một trái tim hướng về quê hương, đất nước cũng đã phần nào thể hiện được phong cách viết giản dị, chân phương của nhà văn Kim Lân.
Nói về lòng yêu nước, nhà văn I-li-a Ê-ren-bua có câu nói nổi tiếng: “…Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.” Ông Hai trong truyện ngắn “Làng” chính là một minh chứng cho câu nói này. Mọi niềm vui, nỗi buồn của ông luôn gắn với vận mệnh của làng chợ Dầu. Tình yêu làng của lão nông chất phác ấy được mở rộng và hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc sâu nặng và thiêng liêng. Đồng thời, qua dòng tâm trạng của nhân vật ông Hai trong tình huống truyện đầy thử thách và gay cấn, người đọc thấy được sự chuyển biến mới mẻ, tích cực trong tình cảm và nhận thức về cách mạng, kháng chiến của người nông dân thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính nhận thức mới và tình cảm sâu sắc của họ đối với làng quê, đất nước đã trở thành một nguồn sức mạnh góp phần to lớn trong sự nghiệp chống Pháp thắng lợi vẻ vang. Qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã truyền đến cho người đọc một tình cảm tốt đẹp đối với người nông dân, đối với quê hương, đất nước. Đặc biệt hơn, truyện còn đánh thức ý thức trách nhiệm còn đang ngủ quên của mỗi công dân trong thời đại mới!
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo sách Chuyên đề Lí luận văn học phiên bản 2024: Tủ sách Thích Văn học
- Tham khảo bộ tài liệu độc quyền của Thích Văn học siêu hot: Tài liệu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học