Tổng hợp các mở bài lí luận cho các tác phẩm lớp 9 học kỳ I

Mở bài lí luận chỉ hay và thực sự có giá trị nếu như các bạn vận dụng đúng vào vấn đề nghị luận. Đôi khi các bạn chỉ đưa vào “cho có” mà không có sự liên kết với yêu cầu của đề bài. Hiểu được khó khăn này, dưới đây là những “mở bài lí luận văn học” để các bạn tham khảo. Chúc các bạn học tốt!

 

Chuyện người con gái Nam Xương

Theo Hoài Thanh:  “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm.” “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ chính là một tác phẩm như vậy. Bao trùm lên áng văn kiệt xuất là cảm hứng nhân đạo từ trong cốt tuỷ của tác giả Nguyễn Dữ. Cụ thể là [Vấn đề nghị luận]

 

Chị em Thuý Kiều

Khi bàn về một trong những đỉnh cao chói ngời của nền văn học Việt Nam, Xanh Bơ – vơ đã không ngần ngại mà chọn Nguyễn Du cùng kiệt tác Đoạn trường tân thanh. Đến với những câu chữ của bậc thầy ngôn ngữ, không ai có thể phủ nhận tài nghệ miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật của đại thi hào. Đặc biệt là ở trích đoạn “Chị em Thuý Kiều”, [vấn đề nghị luận]

 

Cảnh ngày xuân

Ta say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm mai bình minh hay áng mây buồn khi chiều tàn khuất lối? Ta rung động trước đóa hoa đẹp lung linh dưới ánh mặt trời hay những cánh đồng đã úa tàn không còn sinh khí? Cuộc đời là hành trình đi tìm cái đẹp và luôn vì cái đẹp mà tồn tại. Xuất phát từ đặc trưng của văn học, đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, cũng là đạo đức của văn chương. Chính vì vậy, khi đến với trích đoạn “Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du, bạn đọc không khỏi xốn xang trước cái đẹp của tiết tháng ba cùng những dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh.

 

Kiều ở lầu Ngưng Bích

Bêlinxki đã từng quan niệm rằng: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng.” Thơ ca vốn là tiếng nói trực tiếp của trái tim người nghệ sĩ, là những gửi gắm quan điểm, tư tưởng. Với con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, Nguyễn Du viết Kiều bằng những lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy. Đặc biệt là niềm xót xa, đau đớn thay phận đàn bà trong trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

 

Đồng chí

Theo Nguyễn Công Hoan, mỗi nhà văn, nhà thơ không được phép “nằm ỳ” thụ động, viết theo khuôn mẫu, và cũng “đừng bao giờ để cho văn chương xa lạ” với đời sống dân tộc, bởi văn học, có bao giờ đi lệch khỏi đường biên cuộc sống mà vút cao. Đặc biệt với thơ ca, những tiếng lòng được cất lên từ hiện thực, sẽ luôn có sức rung động mạnh mẽ đối với tâm hồn. Là một trong những nhà thơ chiến sĩ, Chính Hữu khi viết “Đồng chí”, dường như ý thức sâu sắc thiên chức của chính mình, nên đã không “nằm ỳ” mà thực sự sống trong lòng dân tộc, rồi gạn lọc từ cuộc đời của mình mà viết nên thơ. Cụ thể [Vấn đề nghị luận].

 

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Trong “Tiếng nói văn nghệ”, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng viết: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại.” Thật vậy, văn chương là những công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng nên từ những vật liệu lượm lặt ở hiện thực đời sống phong phú và bộn bề. Cũng được “thai nghén” từ những vật liệu của chiến tranh khắc nghiệt, “Bài về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật có lẽ là một trong những thi phẩm xuất sắc về tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Đặc biệt là [Vấn đề nghị luận]

 

Đoàn thuyền đánh cá

Phương Lựu đã từng quan niệm rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc”. Sáng tạo là một yếu tố mà lịch sử văn học luôn trân trọng. Văn học không cho phép người nghệ sĩ lặp lại người khác và lặp lại chính bản thân mình. Nhờ đó, ta biết đến Nam Cao với một Lão Hạc chết trong sự đau đớn, một Chí Phèo lưu manh, tha hoá. Hay là Nguyễn Tuân với áng văn hoài niệm những điều đã vang bóng một thời âu rồi lại làm lành với thực tại. Cũng không ngừng mang đến cho đời một cái nhìn mới, Huy Cận vốn được biết tới với những vần thơ ảo não nhưng sau cách mạng tháng Tám, các sáng tác của nhà thơ đã khoác lên mình màu sắc tươi vui. Đặc biệt là với thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” – một khúc tráng ca lao động đầy hứng khởi, say mê.

 

Bếp lửa

Bàn về thơ ca, Xuân Diệu từng nói: “Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc”. Thơ phải được kết tinh từ những tình cảm chân thành, mãnh liệt bật ra từ trái tim của người nghệ sĩ. Thứ xúc cảm ấy không thể hời hợt, vô vị được, mà phải được thể hiện một cách nồng nàn, sôi nổi, “chín đỏ” như cây trái đã thấm đượm đủ hương vị đắng cay ngọt bùi và cả nắng gió. Ắt hẳn phải có một tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, tha thiết thì Tế Hanh mới viết nên những vần thơ nặng tình về miền quê chài lưới của mình trong thi phẩm “Quê hương”. Và cũng phải có một hồn thơ phóng khoáng, ngang tàng thì Phạm Tiến Duật mới ghi lại những hình ảnh đặc sắc của nơi Trường Sơn khói lửa qua sáng tác “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Và cũng như thế, ở “Bếp lửa”, có lẽ Bằng Việt đã “kết” nên những vần thơ thật xúc động về người bà của mình trong dòng cảm xúc dạt dào, trào dâng.

Ánh trăng

Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht đã đưa đến quan niệm về thơ đáng suy ngẫm: “Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.” Đây cũng chính là những giá trị thẩm mĩ mà Nguyễn Duy gửi gắm trong bài thơ “Ánh trăng” – một cái đẹp gần gũi, giản dị và mang giá trị nhận thức cao.

 

Làng – Cảm nhận nhân vật ông Hai

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Văn chương lấy con người làm đối tượng phản ánh thay cho hiện thực đời sống. Nhà văn chân chính, dù viết về điều gì và thể hiện như thế nào trong tác phẩm thì điểm xuất phát và đích đến cuối cùng vẫn là cõi nhân sinh, mục tiêu cao cả nhất của nhà văn vẫn là viết “một áng văn trung thực và giản dị về con người” (Chữ dùng của Hemingway). Với mỗi một tác phẩm, người đọc lại có dịp chiêm nghiệm về những con người khác nhau. Trong tác phẩm “Làng”, nhà văn Kim Lân đã tạc nên những trang viết neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật ông Hai – một trái tim yêu làng tha thiết, một linh hồn yêu nước nồng nàn.

 

Lặng lẽ Sa Pa

Quan niệm về truyện ngắn, Pauxtopxki cho rằng: “Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì đó không bình thường”. Đến với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long ta đến với bức chân dung nhân vật anh thanh niên gần gũi, giản dị nhưng lại mang đến một vẻ đẹp đầy phi thường. Đó là những suy nghĩ đẹp, hành động đẹp, lí tưởng sống đẹp vượt lên trên sự vất vả, khắc nghiệt của công việc, đáng để trân trọng và ngợi ca.

 

Chiếc lược ngà

Đại văn hào Andersen từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống vẽ nên.” Dù hiện thực đau khổ đến đâu, vẫn le lói những ánh sáng trong trẻo, ấm áp đong đầy. Đó là thứ ánh sáng diệu kỳ từ “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” mà các nhà văn luôn mải miết đi tìm. Và Nguyễn Quang Sáng là một người đi tìm miệt mài như thế. Với tác phẩm “Chiếc lược ngà”, nhà văn đã mang đến bề sâu của tâm hồn dạt dào tình cảm phụ tử ấm áp, thiêng liêng.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học