Bài viết xúc động về Mẹ – Tôi Yêu Mẹ!

VIẾT VỀ MẸ

“Mẹ!” Tiếng đầu tiên khi ta còn bập bẹ, và những lời nói đầy yêu thương sẽ dễ dàng được thốt lên khi ta tập nói. Nhưng đã bao lâu rồi bạn chưa nói câu “Con yêu mẹ!”, bao lâu rồi bạn chưa ôm mẹ và tặng mẹ một món quà? Suốt mười sáu năm qua, tôi được mẹ chở che và bao dung nhưng chưa một lần nào tôi nói với mẹ lời cảm ơn. Tôi đã quá e dè và nhút nhát trong việc thể hiện tình cảm, để giờ đây khi phải đi học xa nhà hằng trăm cây số, tôi mới cảm thấy hối hận vô cùng.

Mẹ tôi là một người phụ nữ đã đến tuổi tứ tuần. Tôi yêu nhất đôi bàn tay của mẹ, chính đôi bàn tay này đã dắt tôi đi trên mọi nẻo đường, đã che chở cho tôi từng hạt mưa giọt nắng. Họ nói tay mẹ tôi đã nhăn nheo, tôi nói tay mẹ đẹp nhất, ấm áp nhất. Ở tuổi đôi mươi, mẹ đẹp lắm! Thỉnh thoảng, mẹ dùng đôi bàn tay mân mê trên những tấm ảnh cũ kĩ rồi tấm tắc khen bản thân khi còn trẻ. Tôi thì khác, trong mắt tôi, mẹ lúc nào cũng đẹp. Những vết sạm trên da là do mẹ phải vất vả kiếm từng đồng nuôi tôi ăn học. Vết rạn da ở đùi, ở bụng mẹ là thành quả chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Có lần tôi hỏi mẹ “Vì sao mẹ lại từ bỏ thanh xuân đẹp đẽ của bản thân để lập gia đình?”. Mẹ xoa đầu tôi nói “Vì mẹ biết, trong tương lai mẹ sẽ gặp được con”. Nụ hôm lên trán mà mẹ dành cho tôi đã truyền hơi ấm, len lỏi đến trái tim mà suốt mười sáu năm qua, nó vẫn luôn ấm áp như thế.

Mẹ tôi là một giáo viên nên vô cùng nghiêm khác. Thử hỏi ai trong chúng ta không một lần giận dỗi khi bị mẹ mắng? Tôi là một người bướng bỉnh và vô cùng nhạy cảm. Có một thời gian, tôi đã giận dỗi mẹ đến mức bỏ nhà đi lang thang suốt một ngày trời. Mẹ mới sinh em bé, bố đi công tác xa không về, mẹ đã phải vừa đi làm lại vừa chăm sóc hai chị em tôi. Thời điểm đó, có lẽ vì quá nhiều áp lực đè nặng lên vai, nên mẹ hay cáu giận, mắng mỏ tôi và tôi chỉ biết cãi lại mà chẳng làm được gì. Lang thang một ngày trời, tôi trở về nhà. Thấy mẹ đứng trước cổng, tôi nhắm mắt chịu đòn. Nào ngờ, mẹ ôm chầm lấy tôi bật khóc. Giọt nước mắt mẹ nóng ran, thấm vào vai áo tôi, chảy xuống lồng ngực làm tim tôi hẫng đi vài nhịp. Hóa ra, cả ngày hom nay mẹ gửi em sang hàng xóm, đi tìm tôi đến nỗi sốt rất cao. Điều này đã dằn vặt tôi suốt bốn năm qua, nghĩ lại khóe mắt vẫn còn cay cay. Bây giờ xa nhà, muốn được nghe mẹ mắng mỏ thôi cũng khó khăn. Bất giác, tôi giật mình nhớ mẹ, tự hỏi mình đã báo hiếu mẹ được ngày nào hay chưa?

Xa mẹ, xa gia đình hàng trăm cây số, thỉnh thoảng mẹ chỉ lên thăm vài ngày. Những bữa cả gia đình quây quần bên nồi cơm nóng hổi và món canh tôi yêu thích giờ thay bằng hộp mì tôm và sự lủi thủi một mình. Ngày sinh nhật tôi, ngày lễ nào tôi cũng nhận được những món quà từ mẹ với lời chúc ân cần. Còn tối, ngay đến cả ngày Vu Lan báo hiếu, tôi cũng không chúc mẹ được một câu. Phải chăng, nhịp thời gian chảy trôi, những xô bồ của xã hội đã khiến tôi đã “quên” đi gia đình, quên đi những người thân yêu? Đừng đổ lỗi cho bất kì ai, hay bất kì lí do nào. Vì sâu thăm trong tim ta, ta hiểu nhất.

Tại sao ta chẳng bao giờ ngồi xuống tâm sự với cha mẹ lấy mười lăm phút? Do công việc bận rộn? Hay do cha mẹ đã quá “lỗi thời” nên ta chẳng còn muốn sẻ chia? Tôi có thể dành cả buổi chiều để ngồi ở quán trà sữa trò chuyện, chia tay với bạn bè trước khi lên Thủ đô học, nhưng lại chẳng thể kiên nhẫn ngồi nghe mẹ dặn dò đến năm phút. Đáng buồn thay, khi tôi lên phố học, lũ bạn hẹn hò với tôi ở quán trà sữa khi đó chẳng một tin nhắn hỏi han. Còn mẹ tôi, người mà tôi phớt lờ những lời nhắc nhở thì tháng nào cũng lặn lội năm tiếng đồng hồ ngồi xe ô tô từ Móng Cái lên Hà Nội để ở bên tôi vài ngày cuối tuần, nấu cho tôi những bữa ăn, lo lắng đến từng giấc ngủ; rồi lại dúi cho tôi một ít tiền trước khi lên xe về. Mẹ chẳng dám tiêu xài gì cho bản thân, nhưng lại sẵn lòng vì tôi mà sắm sửa những thứ tốt nhất cho tôi. Sâu thẳm trong lòng, tôi luôn muốn nói “con yêu mẹ” nhưng sao lại khó khăn đến thế?

Mẹ kể chuyện, hồi bé tôi rất ngoan và nghe lời. Nhưng mọi người trong nhà, ai cũng nói rằng tôi rất hư, suốt ngày khóc, đêm không cho mẹ ngủ cứ bắt mẹ bế hoài. Đúng vậy, mẹ đã làm những gì cho ta, mẹ chẳng bao giờ kể nhưng ta chỉ cần rửa bát giúp mẹ một lần thôi cũng đã hết lời kêu ca rồi. Mẹ tôi giống như siêu nhân vậy, ban đêm có thể thức chăm em, cho em uống sữa rồi lau dọn nhà cửa vì em chớ ra. Ban ngày mẹ lại tất bận với những công việc như nấu bữa sáng cho tôi, rồi lên trường dạy học. Hai quầng mắt của mẹ thâm như gấu trúc, những vết đồi mồi, chân chim dần xuất hiện ở khóe mắt. Thời gian trôi đi nhanh quá, ta ngày càng lớn lên còn mẹ đã già đi tự thuở nào mà ta không hề nhận ra.

Tại sao ta sống để chiều lòng những người ngoài xã hội kia nhưng về đến nhà lại luôn cáu gắt với mẹ, chỉ vì mẹ hỏi rằng “Hôm nay con có mệt không”? Họ có giống như mẹ, có nuôi nấng ta được buổi nào? Mẹ tôi từng bảo rằng: “ Khi cả thế giới quay lưng lại với con thì con hãy quai lại, vì phía sau luôn có mẹ đứng chờ”. Dù ta đi đến đâu, thậm chí vòng quanh thế giới thì nơi thoải mái, tự nhiên và ấm áp nhất vẫn là NHÀ – nơi có mẹ. Học làm người, điều thứ nhất phải thực hiện đúng đạo làm con.

Xã hội bây giờ có những đứa trẻ bất hiếu, thậm chí đánh cả bố mẹ rồi gọi họ là “Ông bà già”. Bản thân tôi chẳng thể hiểu nổi họ nghĩ gì? Họ có bố mẹ yêu thường bên cạnh, tại sao lại không biết trân trọng? Trong khi những đứa con đi học xa nhà như tôi vẫn đang khao khát một bữa cơm sum vầy. Hay những đứa trẻ mồ côi, họ mong lắm một mái ấm gia đình, sao thật khó khăn?

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Hãy hiểu rằng, chẳng ai yêu thương ta bằng cha băng mẹ. Đạo làm con xin hãy nhớ rằng:
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?

Tôi yêu mẹ tôi, yêu cả những nếp nhăn trên trán mẹ, yêu cả sợi tóc bạc mẹ lén giấu dưới mái đầu. Tôi chẳng thể biểu đạt những lời mỹ miều, cũng chẳng lột tả hết được tình yêu, vẻ đẹp của mẹ qua vài câu chữ. Tôi hiện tại chỉ mong rằng gia đình mình sẽ có thể sống một cuộc đời an nhiên, và báo đáp mẹ cha là điều tôi nên làm. Tôi sẽ cố gắng hết mình, vì mẹ, vì bản thân và vì gia đình mà nỗ lực thay cho câu nói “con yêu mẹ”.

___
❤️ Bài viết của bạn Nguyễn Trà Giang, học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
(Học sinh lớp Văn cô Ngọc Anh)

Xem thêm các bài viết được chia sẻ bởi độc giả của Thích Văn Học tại chuyên mục: Tản Mạn

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học