Chào các bạn, mình là An. Mình từng đạt danh hiệu thủ khoa khi thi vào lớp chuyên văn. Đây là một hành trình khá chật vật nhưng cũng lắm cảm xúc ra trò đối với mình. Sau vài cơ hội cọ xát và quãng thời gian học tập tại trường chuyên, mình càng thấm thía rằng tố chất chỉ quyết định một phần, cái làm nên “nhân tài” là sự nỗ lực thông minh. Vì vậy, mình muốn chia sẻ một số trải nghiệm của bản thân tới những bạn, những em có dự định thi chuyên văn trong thời gian sắp tới nha.
Mình sẽ chia bài thành hai phần, phần đầu tiên là cách làm chủ các kiến thưc cơ bản, cho tất cả những bạn phải thi vượt cấp môn văn. Mọi người hãy cùng xem cách “tư duy cơ bản như một học sinh chuyên” thú vị và đơn giản thế nào nhé?
A. Kiến thức
• KIẾN THỨC ĐẠI TRÀ:
Đã thi chuyên văn thì chắc chắn chúng ta phải nắm vững kiến thức nền rồi đúng không nào? Nhưng mình vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa là mọi người đừng coi thường chương trình cơ bản nhé. Song đối với học sinh chuyên, chúng ta sẽ có những “mẹo” để làm chủ kiến thức cơ bản dễ dàng hơn, cụ thể như sau:
1. Đối với thơ:
Nhất định phải thuộc thơ x3 lần. Hãy chú ý tới cả hình thức của nó, từ từng dấu chấm dấu phẩy tới cách viết hoa hay viết thường của mỗi chữ. Tin mình đi, sự cẩn thận này sẽ rèn cho bạn một thói quen vô cùng có ích để tiến xa hơn cùng quá trình học văn chuyên sâu trong tương lai.
2. Đối với truyện:
Nắm kĩ các CHI TIẾT QUAN TRỌNG. Ban đầu mình học khá lười biếng và thiếu hệ thống, hậu quả là lãng phí thời gian, công sức vô cùng. Sau này làm việc với văn bản nhiều hơn, đọc nhiều hơn, mình có một vài cách khá hay ho để các bạn chỉ cần đọc 2-3 lần nhưng vẫn có thể nắm được tinh thần chủ đạo và những vấn đề quan trọng của tác phẩm.
• Tập tự tóm tắt câu chuyện: Điều này rất có ích. Bạn có thể làm bằng cách viết, hoặc muốn nhanh chóng và linh hoạt hơn thì có thể tóm tắt cho một người khác chưa từng nghe câu chuyện ấy bao giờ, ví dụ như bố mẹ, hoặc em bé trong nhà. Nếu làm chủ được thao tác này, tức bạn đã có một cách nhìn mạch lạc về nội dung tác phẩm, chưa kể trong quá trình tóm tắt, bạn cũng sẽ có sự bộc lộ quan điểm, cách đánh giá đối với từng sự kiện, nhân vật – một trong những kĩ năng rất quan trọng để phân tích dài hơi.
• Trong trường hợp bạn là người ngại giao tiếp hoặc không nhờ được ai để lắng nghe, thì mình có đường tắt nhanh hơn, chỉ cần bạn nghiêm túc đọc văn bản đúng một lần đầu tiên là có thể bằng người khác đọc đi đọc lại 4 – 5 lần dàn trải:
+) Chuẩn bị một quyển vở, một cây bút và văn bản cần đọc.
+) Tiến hành nghiên cứu văn bản, đọc đến chi tiết nào, gạch ra vở một hai từ khóa mà bạn ấn tượng nhất về chi tiết ấy. Điều này rất hiệu quả, đặc biệt là với việc sau này bạn phải ghi nhớ nhiều văn bản dài trên cấp ba.
+) Cứ liên tục như vậy cho tới hết. Kết thúc việc ghi chép, hãy đóng sách lại, nhìn vào vở và thực hiện thao tác kết nối những từ khóa bạn vừa viết được ra giấy với các hình ảnh bất kì mà bạn cho là ấn tượng và có khả năng đánh thức kí ức của bạn, đó có thể là những hình ảnh mang tính hài hước để việc học tập thú vị hơn. Chơi đùa cùng trí tưởng tượng là một quá trình hữu ích mà cũng rất chill nha. Bạn có thể mất tầm 30-45 phút cho lần đọc đầu tiên này, nhưng tin mình đi, nó cực kì tiện lợi khi bạn có thể vừa nghiên cứu nội dung tác phẩm, vừa biểu diễn lại nó theo trí tưởng tượng của mình, thay vì mất 15-20 phút mỗi lần đọc nhân với năm, sáu dịp như thế mà kiến thức vẫn trôi tuột đi. Sau này khi đã thấm hơn, bạn có thể bổ sung thêm các từ khóa, ý tưởng để hoàn thiện hình dung về tác phẩm. Giữ lại những tờ giấy đó nhé, trí nhớ không gian là một kho báu vô giá của con người. Đến gần giai đoạn ôn thi, bạn có thể không cần mở sách để đọc lại, chỉ cần lướt qua tờ giấy ghi chú ngắn một lượt, nội dung cả tác phẩm đã hiện lên trong bạn như một bộ phim rồi.
3. Thuộc bố cục phân tích:
Mỗi tác phẩm lại có một con đường tiếp cận hiệu quả riêng. Có cái thì chia theo nhân vật, có cái lại chia theo tình huống, chi tiết, hoặc cũng có những tác phẩm chia theo thời gian, không gian. Nắm được chìa khóa này, bạn sẽ không bao giờ sợ lạc đường.
4. Cách liên hệ kiến thức, tự huy động sáng tạo trong trường hợp “không biết viết gì.”
Bế tắc là vấn đề muôn thuở trong phòng thi. Càng hoảng loạn hơn khi ta trông thấy bạn bè xung quanh ầm ầm viết, ào ào xin giấy. Mình cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng tương lai nằm một phần trong điểm số, và chúng ta đâu thể cứ ngồi im buông xuôi phải không nào? Đừng quá lo, mình đã rút ra được một số tips để “chém gió” sao cho đúng và trúng đây:
• Dành thời gian cho việc kết nối kiến thức:
Hãy phân chia mọi vấn đề khó khăn của bạn thành các nhóm và lần lượt tìm cách giải quyết. Ví dụ với tác phẩm “Truyện Kiều”, khi nhắc đến giá trị nhân đạo sẽ luôn có bốn nội dung trọng tâm:
1) Phát hiện, đồng cảm
2) Cổ vũ ước mơ
3) Lên án, tố cáo
4) Đề ra giải pháp
Hãy phân chia các chi tiết thành từng nhóm trong bốn dấu hiệu trên. Ví dụ như trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, thì:
(1): Nguyễn Du phát hiện ra những bi kịch ẩn giấu của con người, ông đã cúi xuống để thấu hiểu, bênh vực cho bao kiếp tài hoa bạc mệnh bị thói đời ô trọc vùi dập.
(2) Ông thấu hiểu với nỗi niềm, mong nguyện thầm kín của tình yêu, khi để Kiều tưởng chàng Kim trước khi xót cha mẹ. Bởi thứ nhất, Thúy Kiều chỉ là người con gái mười lăm, mười sáu lần đầu biết yêu, tình cảm đôi bên vẫn còn đương nồng đậm. Do vậy khao khát tình yêu vẫn luôn khiến nàng khắc khoải, thổn thức. Thứ hai, Kiều vì bán mình chuộc cha nên đành phụ lỡ Kim lang, với chữ Hiếu nàng đã tạm tròn nhưng chữ Tình thì còn chưa trọn. Vậy nên, nàng luôn mang tâm lí dằn vặt, đớn đau khi nhớ về người mình từng hẹn thề yêu thương. => Kiều nhớ Kim trước là hợp lí, chi tiết thể hiện sự cảm thông sâu sắc với nỗi niềm vốn có nơi con người, đồng thời là tiếng nói cổ vũ cho ước mơ đôi Lứa muôn đời hết sứ nhân văn của ND.
(3): Lên án thế lực hắc ám, xấu xa như đồng tiền ô trọc và bọn buôn thịt bán người như Tú Bà, Sở Khanh khi đã cưỡng ép, đánh đạp, giam lỏng Kiều tận chốn cát hoang bụi hồng xa xôi.
(4) Ý thứ tư này trong đoạn trích không thể hiện rõ, nhưng đặt trong đối sánh với toàn tác phẩm, các bạn có thể liên hệ rằng: Nguyễn Du vẫn luôn khắc khoải về một con đường giải thoát cho những số kiếp tài mệnh tương khắc kia, Thúy Kiều sau bao phen lận đận nổi chìm vẫn còn rực lên niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc ngay cả lúc phân li. “Giải pháp” trong tác phẩm được ND đưa ra dưới khá nhiều dạng thức, ví dụ như sự xuất hiện của ánh sáng công lí như anh hùng Từ Hải để gột rửa lũ ô uế dơ bẩn đang làm nghiêng lệch cán cân xã hội.
Bài đã dài, mình tạm dừng ở đây. Nếu các bạn có hứng thú thì mình sẽ làm tiếp đoạn sau hoặc môt phần khác dành riêng cho học sinh Chuyên nha!
Hãy coi quá trình học văn như một trò giải đố lớn, mỗi giai đoạn lại là một câu hỏi cần trả lời. Việc “phân loại” kiến thức dựa trên các dấu hiệu như vậy có thể mang lại cho cách học văn của chúng ta những làn gió mới. Là một người đang trong hành trình nghiên cứu văn thêm chuyên sâu, điều duy nhất mà mình có thể khẳng định với các bạn vào thời điểm hiện tại là: tin mình đi, điểm kém không phải do các bạn “dốt”, mà là chúng ta vẫn chưa tìm được cách thức “phù hợp” thôi!
Bài viết của An An, đăng trong nhóm Thích Văn học.
Xem thêm:
Xem thêm các bài viết được chia sẻ bởi độc giả của Thích Văn Học tại chuyên mục: Tản Mạn
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học