Phân tích tác phẩm Chiều tối (Mộ) – Hồ Chí Minh

phân tích chiều tối minh thu

CHIỀU TỐI – HỒ CHÍ MINH

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

Bài thơ mở đầu tập Nhật kí trong tù đã thể hiện được tinh thần và hoàn cảnh của Hồ Chí Minh trong những ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà thơ nhưng với tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống, Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một người nghệ sĩ – chiến sĩ với nhiều tác phẩm giá trị. Nhật kí trong tù chính là một tập thơ như vậy. Tập thơ gồm 134 bài thơ được viết bằng chữ Hán trong hơn một năm Người bị giam giữ ở Trung Quốc. Nhật kí trong tù chính là bức chân dung tinh thần tự họa của Người, thể hiện vẻ đẹp của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Một trong những bài thơ tiêu biểu của tập thơ là bài Mộ (Chiều tối) được viết trên đường Người bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác. Bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, thể hiện tâm hồn của một người nghệ sĩ và bản lĩnh, ý chí sắt đá của một chiến sĩ.

Ngày 13/8/1942, Nguyễn Ái Quốc (lúc này lấy tên là Hồ Chí Minh) lên đường sang Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế. Sau nửa tháng đi bộ, ngày 27/8/1942, Người tới Túc Vinh thuộc huyện Đức Bảo tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Vừa tới nơi, Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ không lí do, không xét xử tuyên án, bị giải đi nhiều nhà tù trong nhiều tỉnh, chịu bao khổ cực đầy ải. Trong suốt 13 tháng ở tù, Người đã sáng tác được 134 bài thơ bằng chữ Hán tập hợp thành tập thơ có tên Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù). Mộ (Chiều tối) là bài thơ thứ 31 của tập thơ, được Hồ Chí Minh viết trên đường bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo vào một chiều cuối thu năm 1942. Chỉ với bốn câu thơ, nhưng Bác đã mang tới cho người đọc cảnh thiên nhiên cùng sơn cước vào thời điểm chiều tối. Ẩn sâu trong đó là tình yêu thiên nhiên, cảnh vật cùng khát khao tự do, trái tim luôn hướng về dân tộc của Người.

Mở đầu bài thơ là hai câu thơ tả cảnh mang vẻ đẹp rất Đường thi:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không

Dịch thơ:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Bằng bút pháp chấm phá, Hồ Chí Minh đã chọn hai hình ảnh quen thuộc trong thơ xưa để bắt đầu bài thơ của mình. Sau một ngày chuyển lao vất vả, Người ngước nhìn lên bầu trời ngắm nhìn cảnh vật. Ở đó có một cánh chim mỏi mệt sau một ngày kiếm ăn đang hối hả bay về rừng tìm chốn ngủ, có một chòm mây trôi nhè nhẹ giữa những tầng không bao la. Hình ảnh cánh chim và chòm mây vốn là những thi liệu quen thuộc rất giàu sức gợi. Bài thơ vì thế mang vẻ đẹp cổ điển gợi đến những thi tứ khác cùng đề tài trong thơ trung đại: người lữ khách xa xứ lúc chiều tà.

Chúng ta đã nhiều lần bắt gặp một cánh chim bay giữa những vần thơ. Từ ca dao: Chim bay về núi tối rồi; tới Truyện Kiều: Chim hôm thoi thóp về rừng; hay trong thơ của các nhà thơ Đường nổi tiếng như Vương Bột với Cánh cò bay với nắng chiều. Đến các nhà thơ Mới ta cũng bắt gặp những cánh chim mang theo dáng chiều Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa (Huy Cận) hay Con cò trên ruộng cánh phân vân (Xuân Diệu). Mỗi cánh chim trong một tứ thơ có thể có những sắc thái biểu cảm khác nhau. Nhưng hình ảnh cánh chim dường như đều đi cùng buổi chiều, gợi thời gian lúc hoàng hôn. Cánh chim trong thơ Bác vừa mang tâm trạng của người tù trong những ngày tha hương nhưng cũng là cánh chim đang hối hả tìm về tổ ấm. Câu thơ thứ nhất sử dụng liên tiếp các động từ: quyện, quy, tầm, túc như gợi được sự chủ động, sự vội vàng, hối hả của cánh chim chiều, sau một ngày lao động mệt mỏi đang tìm về tổ. Sự hối hả đó gợi đến nhịp sống thường ngày, vì vậy cánh chim dẫu có mỏi mệt nhưng không hề não nề. Cánh chim và con người như cùng mang chung một tâm trạng, gợi sự hòa quyện giữa cảnh và tình. Người tù dường như cũng luôn khát khao được quay về với Tổ quốc, được sống với đồng bào, đồng chí của mình. Phải chăng, chính vì thế mà Người không sợ những gian nao vất vả?

Người chỉ sốt ruột khi không có được tự do để cống hiến cho dân tộc. Tâm trạng cô đơn của người tù khi phải tha hương cũng như cánh chim chới với giữa bầu trời cao rộng. Ở đây, ta bắt gặp một trái tim tự do và tinh tế. Những gian lao của một ngày đi bộ giữa rừng núi hoang vu không giam cầm được trái tim luôn yêu thiên nhiên, giao cảm với thiên nhiên của Người.

Không chỉ hình ảnh cánh chim, chòm mây cũng là một thi liệu quen thuộc. Chúng ta từng thấy những hình ảnh này trên lầu Hoàng Hạc trong thơ Thôi Hiệu “Bạch vân thiên tải không du du” (Ngàn năm mây trắng bây giờ còn đâu); hay cánh chim trong thơ Lý Bạch “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn”. Gần hơn là tầng mây trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Chòm mây giữa bầu trời dường như đã gợi được cái động giữa tĩnh, gợi được cái nhỏ bé đối lập với cái lớn lao vô hạn. Bản dịch thơ đã không lột tả được hết sự tinh tế trong nguyên tác của bài thơ. Chữ “chòm mây” không gợi được sự cô đơn, lẻ loi nhỏ bé của từ “cô vân”. Phải là “cô vân” mới tương phản được với “độ thiên không”, một đám mây cô đơn giữa bầu trời cao rộng mới thể hiện được hết tâm trạng của người tù và sắc thái biểu cảm của hình ảnh thơ. Bên cạnh đó, từ “trôi nhẹ” cũng không thể hiện được hết giá trị biểu cảm của từ “mạn mạn”. “Trôi nhẹ” chỉ gợi được hành động còn “mạn mạn” gợi được cả tâm thế. Chòm mây cô đơn trôi hờ hững, dường như mang theo bao tâm tư sâu kín của con người. Hơn thế, chuyển động “mạn mạn” của chòm mây còn nhấn mạnh vào trạng thái tĩnh của bức tranh, gợi không gian vắng lặng của núi rừng.

Như vậy, hai câu thơ đầu tiên, với bút pháp chấm phá cùng những hình ảnh thơ quen thuộc và thi pháp đặc trưng của văn học trung đại như lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình, dùng điểm tả diện… đã gợi được cảnh núi rừng hoang vắng trong buổi chiều tà. Bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng thoáng buồn thể hiện tâm trạng của người tù sau cả một ngày bị giải đi vất vả và nỗi lòng nhớ mong quê hương Tổ quốc. Tuy thế, nét hiện đại của ý thơ là ngay trong cảnh chiều buồn quen thuộc đó ta thấy được chất thép của người chiến sĩ cách mạng. Đường chuyển lao gian khó nhưng người tù vẫn hướng ánh mắt lên bầu trời tự do cao rộng, vẫn rộng mở tâm hồn với thiên nhiên cuộc sống, vẫn nhìn thấy những nét ấm áp giữa núi rừng hoang vu. Người không buông xuôi ý chí mà tìm thấy trong thiên nhiên sự đồng điệu để rung động và thêm yêu cuộc sống, thêm giàu ý chí nghị lực vượt qua nghịch cảnh.

Hồ Chí Minh từng viết trong bài Cảm hứng đọc thiên gia thi:

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Trong thơ của Hồ Chí Minh luôn có bản lĩnh của một người chiến sĩ cộng sản, chất thép của một lãnh tụ cách mạng. Vì vậy, thơ Bác luôn có một mạch vận động cảm xúc khỏe khoắn hướng từ bóng tối đến ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui. Bài thơ Chiều tối cũng có cách vận động cảm hứng như vậy. Hai câu thơ sau mang đến một không khí ấm áp, tràn đầy sức sống:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Dịch thơ:

Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng

Nếu hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên mang màu sắc cổ điển khá quen thuộc trong thơ xưa thì hai câu sau là bức tranh sinh hoạt của con người. Điều đặc biệt là nếu trong thơ xưa, con người chỉ xuất hiện như điểm tô cho cảnh vật, hòa vào cảnh vật như “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ lác đác bên sông chợ mấy nhà” thì trong thơ Bác con người mới là trung tâm của cảnh vật, mới là tâm điểm của bức tranh. Thơ trung đại nếu có hình ảnh con người thường là những hình ảnh ước lệ, những đối tượng thuộc tầng lớp trên và thường trong trạng thái tĩnh, chiêm nghiệm về cuộc sống, về những triết lý nhân sinh. Trong thơ Bác, con người là những người dân bình thường, những người lao động nhỏ bé mang vẻ đẹp gần gũi của cuộc sống thường ngày. Đặc biệt hơn, Người tả cô gái xóm núi đang xay ngô, trong trạng thái lao động gợi sự khỏe khoắn, ấm áp, sinh động. Cô gái xóm núi xay ngô để chuẩn bị cho bữa tối sum họp bên gia đình với bếp lửa ấm áp. Bức tranh như bừng sáng. Không gian được thu hẹp, từ cảnh bầu trời rộng lớn vắng lặng thu về một nếp nhà hướng vào bên lửa ấm áp trong cảnh sinh hoạt đời thường tươi vui. Biện pháp điệp vòng tròn “ma bao túc” – “bao túc ma hoàn” như gợi được những vòng quay nặng nề của chiếc cối xay ngô, gợi được sự vất vả của công việc lao động nhưng cũng như thể hiện một quá trình lao động đã hoàn tất, bữa cơm sum họp sắp diễn ra.

Bản dịch một lần nữa lại không lột tả được hết sắc thái ý nghĩa của nguyên tác. Từ “cô em” không đủ sự trân trọng như từ “sơn thôn thiếu nữ” mà Bác dùng trong phiên âm. Bên cạnh đó chúng ta có thể nhận ra rằng bài thơ có nhan đề là Mộ (chiều tối) nhưng xuyên suốt bài thơ không có bất kì một từ tả thời gian nào được sử dụng. Người đã khéo léo dùng những hình ảnh thơ để chỉ sự vận động của thời gian từ lúc chiều tà sang buổi tối hẳn. Bản dịch thơ không làm được điều này khi dịch “xay ngô tối” khiến cho ý bị lộ. Có lẽ chuyển dịch những bài thơ tứ tuyệt luôn khó như vậy. Bởi những thi phẩm này thường có tính hàm súc rất cao lại tinh tế, cô đọng. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh lò than rực hồng. Chính ánh sáng rực hồng đó đã gợi được bước chuyển của thời gian từ chiều sang tối. Phải khi trời tối hẳn ánh lửa mới bừng lên trong không gian rộng lớn. Có thể nói, bao sức nặng của bài thơ được đặt cả vào chữ “hồng” cuối bài. Nó không chỉ tả màu sắc của bếp lửa mà còn gợi được sự ấm áp xua đi cái hiu quạnh của vùng sơn cước làm cả bài thơ như bừng sáng lên. Vị trí cuối bài thơ như một điểm nhấn mang tinh thần lạc quan hướng về ánh sáng của Người. Từ “hồng” còn được kết hợp với một động từ mạnh “dĩ” (rực) như thể hiện sự bừng sáng, nguồn năng lượng lan tỏa. Dù đang cô đơn mệt mỏi nhưng người tù chiến sĩ ấy vẫn nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống bình dị của người lao động nơi xóm núi, cảm thông sẻ chia với cuộc sống của họ. Trong lòng Người là cả một niềm vui ấm áp, tình yêu với cuộc sống được bừng sáng lên. Đó chính là chất thép, là bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng.

Bài thơ tả cảnh chiều nhưng kết thúc không phải là bóng đêm u ám mà là một niềm vui ấm áp. Người tù dù trong hoàn cảnh nào vẫn thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống sâu sắc. Chiều tối dù mang vẻ đẹp cổ điển từ đề tài, thi liệu, cấu tứ, bút pháp nhưng cũng mang vẻ đẹp hiện đại bởi một tinh thần lạc quan, cách mạng, cách nhìn cuộc sống gần gũi, chân thực. Nó thể hiện tâm hồn vừa truyền thống của Phương Đông vừa mang lí tưởng cộng sản của thời đại. Hai vẻ đẹp này không tách rời nhau mà được kết hợp nhuần nhuyễn làm nên phong cách của Hồ Chí Minh.

Chiều tối là một bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ của Hồ Chí Minh trong tập Nhật kí trong tù. Bài thơ không trực tiếp bày tỏ tâm trạng của chủ thể trữ tình mà được gửi gắm qua các hình ảnh ngoại cảnh. Ý thơ hàm súc, ngôn ngữ tinh tế giàu sức gợi. Qua bài thơ, ta như thấy được tâm hồn khoáng đạt và bản lĩnh phi thường của Bác. Phải chăng vì thế bài thơ khép lại nhưng vẫn để lại sự ấm áp trong lòng người yêu thơ?

Bài làm của Minh Thu – Học sinh lớp Văn cô Ngọc Anh


Xem thêm:

Các bài viết về tác phẩm Chiều Tối trên Thích Văn Học: https://thichvanhoc.com.vn/tag/chieu-toi/

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học