Nhãn tự trong bài thơ Chiều tối – Hồ Chí Minh

chiều tối

Ở Senegal, với mẩu gỗ mun người ta có thể tạo ra hàng trăm nghìn hình tượng nghệ thuật. Trong tranh thủy mạc, chỉ với vài nét người họa sĩ có thể phác họa cả vũ trụ càn khôn,… Dường như đó chính là bí quyết tiết kiệm của “Nghệ thuật nhà nghèo” và là bảo bối của những ai đã chán ngấy xài sang: xài sang chất liệu, xài sang thời gian hay xài sang chữ nghĩa. Cũng bởi lẽ vậy mà ta thưởng hay nhắc đến “nhãn tự” trong thơ. So với nhiều thể loại khác, thơ ca thường có dung lượng khiêm tốn hơn song để phản ánh thế giới hiện thực muôn màu, thế giới tình cảm phức tạp của con người ngôn ngữ thơ phải thực sự hàm súc, là kết quả của sự chắt lọc công phu từ người nghệ sĩ, Nguyễn Duy đã từng viết:

“Tôi nhặt nhạnh li ti bụi chữ
Đốt lò tâm linh chơi trò luyện chữ”

“Nhãn tự” không khác sao Bắc Đẩu sáng chói giữa ngàn sao, như trụ cột đứng giữa cung điện thi ca. Trong bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh hai câu cuối Bác viết:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)

Có lẽ đây là một bài thơ tả cảnh (miền sơn cước) hiếm hoi đã lấy hình ảnh con người làm trung tâm khác hoàn toàn với thơ xưa khi con người thường vắng bóng hoặc chịu sự chi phối của ngoại cảnh mà hòa vào thiên nhiên, tĩnh lặng và thụ động như trong bài thơ “Giang tuyết” của Liễu Tông Nguyên từng viết về hình ảnh ẩn sĩ hiện lên dưới cánh chim ngàn mây núi đang buông câu thả cá mà như buông xuôi cuộc đời:

“Ngàn non bóng chim tắt
Muôn nẻo dấu người không
Thuyền đơn ông tới nón
Một mình câu tuyết sông”

Đọc hai câu thơ cuối dễ dàng thấy Bác đã có phát hiện mới mẻ trong bút pháp miêu tả thời gian đó là sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, vòng quay của chiếc vừa chấm dứt thì lò than cũng vừa rực hồng. Ánh lửa hồng xuất hiện bất ngờ tỏa sáng vào bóng đêm ảm đạm miền sơn cước đã làm xua tan đi cái lạnh lẽo, tối tăm để thắp lại ánh sáng ấm áp cho miền sơn cước. Chữ “hồng” nằm ở cuối bài thơ có một ví trí đặc biệt, nó được xem là “nhãn tự” của toàn bài thơ. Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng nhận xét rằng: “Với một chữ hồng Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã,…” Nếu như hai câu thơ trước là bức tranh miền sơn cước xám xịt, thấm đượm trong lời thơ là sự mệt mỏi của cánh chim lạc bầy, là nỗi buồn chất chứa của đám mây lững lỡ trôi thì đến hai câu thơ cuối lại hiện lên bức màu hồng đẫm tính nhân văn cao cả. Đặt hai bức tranh cạnh nhau mới thấy vì sao nhà thơ Tố Hữu lại viết rằng:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Phải chăng Bác đang khẳng định một chân lý rằng: CON NGƯỜI, chỉ có con người mới tạo nên sự thay đổi kì diệu đến thế. Ánh hông không chỉ được tỏa ra từ bếp lửa mà còn tỏa ra từ lòng nhân ái, từ tinh thân lạc quan của người tù cách mạng. Dường như trong thơ Bác rất kị bóng tối và luôn hướng về những thứ cao cả, đẹp đẽ: “từ tư tưởng đến hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai” (Nguyễn Đăng Mạnh). Trong bài “Giải đi sớm” chữ “hồng” cũng đã từng xuất hiện:

“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn sớm sạch không”

Và ta đều biết rằng, con đường cách mạng Việt Nam cũng đi từ đêm trường nô lệ để đến với con đường giải phóng dân tộc vinh quang cũng được biểu tượng qua ánh hồng:

“Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”

Như vậy, chữ “hồng” đã tạo nên một điểm sáng nghệ thuật đem lại giá trị thẩm mĩ. Nó vừa xua tan cái lạnh lẽo, vừa gợi cảm giác vui tươi, bình yên, đầm ấm của cuộc sống, vừa biểu tượng cho sự lạc quan, yêu đời của Bác. Ngọn lửa ấy đã làm bừng sáng chất thép trong thơ Hồ Chí Minh, đó là chất thép của những tình cảm lớn lao, của niềm tin và nghị lực phi thường.


Xem thêm:

Các bài viết về tác phẩm Chiều Tối trên Thích Văn Học: https://thichvanhoc.com.vn/tag/chieu-toi/

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học