ĐÂY THÔN VĨ DẠ – HÀN MẶC TỬ
Hàn Mặc Tử là một ngôi sao lạ trên bầu trời với muôn ngàn vì sao của thơ Mới. Những năm tháng tồn tại trên dương gian ngắn ngủi nhưng đầy đau thương của Hàn lại là những năm tháng của sáng tạo và thăng hoa. Thơ văn ông vừa chứa đựng tình yêu cuộc sống mãnh liệt vừa là nỗi tuyệt vọng đến đau thương. Trong những thi phẩm mà nhà thơ để lại, Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ khá độc đáo. Nó như một nẻo riêng trong sáng tinh khiết, không có những bóng ma hay máu chảy, không rên xiết quằn quại mà tràn đầy tình yêu cuộc sống với những hình ảnh tươi đẹp huyền ảo. Phải chăng vì vậy mà thi phẩm còn đọng lại mãi trong lòng người yêu thơ?
Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ một câu chuyện có thật của tác giả với người con gái mang tên Hoàng Thị Kim Cúc. Hai người quen nhau trong những năm tháng Hàn Mặc Tử còn làm ở Sở Đạc điền tỉnh Bình Định. Lúc đó Hàn Mặc Tử đã thầm yêu con gái ông chủ Sở chính là nàng Kim Cúc. Khi thi sĩ quay lại Quy Nhơn thì Kim Cúc lại theo cha về hẳn Huế. Mối tình thầm kín của thi sĩ từ đó đã rơi vào vô vọng. Khi hay tin Hàn Mặc Tử bị bệnh, Kim Cúc có gửi cho chàng thi sĩ si tình ấy một bức bưu thiếp in hình phong cảnh Huế, với lời thăm hỏi sức khỏe. Nhận được tấm bưu ảnh ấy, Hàn Mặc Tử vô cùng xúc động và bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đã ra đời. Có lẽ tấm bưu ảnh đó là tác nhân gọi dậy tiếng lòng thầm kín của thi sĩ, là tiếng gõ cửa để nỗi khát khao sống, niềm thiết tha được gắn bó với cuộc đời của Hàn Mặc Tử được tràn ra. Bài thơ được in trong tập “Thơ Điên” sau đổi thành “Đau thương”, một tập thơ với hai cái tên như hai mặt đối lập mà lại thật hài hòa. Bởi Điên hay Đau thương cũng chính là xuất phát từ tình yêu cuộc sống cháy bỏng, từ nỗi đau khi gặp phải “hoạn nạn nơi trần thế”. Nó là hai cung bậc cảm xúc của một trái tim đã sống trọn vẹn kiếp người. Bài thơ gồm ba khổ, mỗi khổ như một cảnh sắc riêng mà thoáng nhìn bề mặt người ta ít thấy sự liên hệ gần gũi. Nhưng nhìn sâu hơn vào mạch ngầm của thi phẩm bạn đọc sẽ thấy một sợi dây liên kết chặt chẽ. Đó có chính là ở trạng thái cảm xúc của thi nhân, nó như một dòng chảy với những đứt nối, như một hành trình từ quá khứ đến tương lai cùng với một khắc khoải không nguôi về tình yêu cuộc sống.
Mở đầu bài thơ là khổ thơ tả cảnh một khu vườn xứ Huế mang vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo. Câu thơ đâu tiên là một câu hỏi tu từ như chứa đựng biết bao hàm ý, biết bao xúc cảm xa xôi:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Bạn đọc hẳn sẽ nhận ra sự đa thanh của câu thơ. Người hỏi ở đây phải chăng là cô gái xứ Huế muốn nhắn gửi tới chàng trai đã xa Huế lâu ngày chút trách giận, lại chút mời gọi quay trở về thăm lại Vĩ Dạ xưa? Nhưng cũng có thể lắm chứ đó là tiếng lòng của chính người xa Huế đang tự hỏi mình: sao còn chưa thể về thôn Vĩ, bao giờ mới có thể về thôn Vĩ lần nữa đây? Hiểu cách nào hẳn nhiên cũng có cái lý riêng. Nhưng chúng ta đều phải thừa nhận rằng dẫu hiểu ra sao thì nó cũng chỉ ra một hiện thực đó là “anh” đang ở xa Huế, đang cách biệt với Huế với Vĩ Dạ, chỉ có thể hồi tưởng và nhớ về một Vĩ Dạ mộng mơ trong hồi ức. Câu thơ có 6/7 chữ là thanh bằng như gợi đến những kỉ niệm ngọt ngào, tha thiết, những hồi ức êm đềm, sâu lắng. Rồi dòng hồi ức ấy cứ chảy ra, cảnh sắc khu vườn dần hiện lên qua từng nét bút:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Một thôn Vĩ chỉ còn như vậy thôi, chỉ còn mơ hồ vài nét vẽ nhưng đó hẳn là những ấn tượng được lưu giữ mãi mãi không phải trong miền kí ức của thi nhân. Đó là nắng thứ nắng trong trẻo đến tinh khôi của ngày mới. Nó không phải là thứ nắng chang chang hay ửng hồng ta gặp trong “Mùa xuân chín”:
– Trong làn nắng ửng khói mơ tan
– Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Nó cũng không phải cái “Nắng xuống trời lên sâu chót vót” trong thơ Huy Cận, không phải cái nắng hạ bừng chiếu như mặt trời chân lý trong thơ Tố Hữu. Trong Đây thôn Vĩ dạ, Hàn Mặc Tử không tả nắng mà thi nhân muốn gợi nên trong lòng bạn đọc cái tinh khôi, trong trẻo. Nắng trong thi phẩm là những tia nắng đầu tiên của một ngày. Trong câu thơ 7 chữ nhà thơ nhắc đến “nắng” hai lần như muốn nhấn mạnh màu nắng trong trẻo tinh khôi ấy, như muốn mở ra cả một khu vườn với sắc nắng ngập tràn. Đó là “nắng mới lên” trên những thân cau thẳng mướt. Chúng ta đều biết cau là loài ưa nắng, thân thẳng không xòe tán, là thứ cây dường như luôn được đón những tia nắng đầu tiên của một ngày. Vì vậy nắng trên hàng cau có lẽ ánh nắng tinh khôi vẹn nguyên nhất. Dường như sau một đêm thấm đẫm sương giăng, buổi ban mai đến những hàng cau lại đón nắng mới, cành lá lung linh hồi sinh sức sống. Cho nên ánh nắng đó là nắng ướt, tươi mới và long lanh. Nó vừa đủ ấm áp, vừa đủ trong trẻo lại không quá chói lóa, không quá gay gắt. Để rồi dưới ánh nắng ấy cả khu vườn như bừng lên một sức sống thanh tân:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Đại từ phiếm chỉ “ai” như khiến khu vườn trở nên xa xôi mờ ảo. Nó gợi bao nhớ thương vừa thân thiết lại vừa xa vắng. Đặc biệt cách dùng từ và so sánh trong câu thơ này cũng rất tinh tế tài hoa. Để tả cái xanh của cây lá thi nhân dùng chữ “mướt” chứ không phải “mượt”. “Mướt” đâu chỉ là màu xanh tươi của cây lá mà còn gợi thêm cái non tơ, mềm mại, óng ả, cái sức sống thanh xuân căng tràn tươi tốt của khu vườn. Hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” vốn không xa lạ trong thơ văn nhưng trong câu thơ này khi được cộng hưởng với những câu chữ khác lại tạo ra một hình ảnh mang nét đẹp riêng. Người đọc như thấy trước mắt cái sắc xanh của khu vườn, nó không chỉ mượt mà, tươi tốt mà còn có gì đó rất sáng, rất trong như sắc ngọc lung linh. Từ “quá” gợi như tiếng reo lên trầm trồ mà ngỡ ngàng, như một giây phút thi nhân không thể nén kìm được cảm xúc trước cái đẹp ngời sáng, thanh tú của cỏ cây. Cả khu vườn vì thế mà như vừa thực vừa ảo, căng tràn sức sống lại cao quý thanh tân. Một khu vườn như vậy làm sao có thể không nhớ, không yêu?
Trong cái mướt mát của cây lá ấy thấp thoáng ẩn hiện một gương mặt chữ điền. Xưa nay vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về cách hiểu gương mặt chữ điền này. Đó là gương mặt đàn ông hay đàn bà? là gương mặt của cô gái Huế hay của chàng trai xa Huế, là gương mặt của người Vĩ Dạ hay của người đang nhớ về Vĩ Dạ. Có một đặc trưng của bút pháp lãng mạn mà chúng ta nên lưu ý để có thể hiểu đúng về câu thơ này. Các nhà thơ lãng mạn khi tả người thường chỉ gợi những cảm nhận chung mà ít đi vào miêu tả chỉ tiết đường nét cụ thể. Hàn Mặc Tử cũng không phải là một ngoại lệ. Gương mặt chữ điền gợi cho người đọc về một vẻ đẹp phúc hậu, chất phác là cái đẹp của tâm tính hơn là của dung nhan. Vì vậy ở đây dẫu hiểu thế nào chúng ta đều có thể cảm nhận thấy sự hòa hợp giữa cảnh và người, thấy được vẻ thấp thoáng như có như không của gương mặt người ẩn lấp sau tàng lá, như mách bảo ta về một khoảng cách xa xôi, về một không gian chia cắt của người nơi này và ngoài kia.
Như vậy có thể thấy khổ thơ thứ nhất là những nét vẽ đơn sơ nhưng tinh tế và tài hoa về vẻ đẹp của Vĩ Dạ của xứ Huế hay của chính cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. Nó là bức tranh về một khu vườn trong ánh nắng ban mai vừa trong trẻo, tinh khiết vừa tràn đầy sức sống. Tất cả mọi chỉ tiết đều hòa hợp trong sự thanh tân vừa giản dị gần gũi vừa lôi cuốn người đọc. Khi viết những câu thơ này, nhà thơ đã ở một nơi rất xa Vĩ Dạ, đang chịu cái đau đớn dày vò của bệnh tật, của mặc cảm và sự cô đơn. Nhưng những hồi ức về Vĩ Dạ vẫn hiện lên trong trẻo, tươi nguyên, nhà thơ vẫn hướng về cuộc đời với một tình yêu mãnh liệt. Có lẽ phải yêu lắm, phải gắn bó lắm, phải nhớ thương lắm, người ta mới có thể quên đi những đau đớn mà mình đang phải chịu để chỉ nhớ về những tươi đẹp nên thơ. Phải chăng vì tình yêu mãnh liệt ấy mà độc giả không thể không rung động trước bức tranh thi nhân vẽ ra?
Từ cảnh sắc khu vườn trong trẻo ở khổ thơ thứ nhất, khổ thơ thứ hai mở rộng không gian đến dòng sông Hương với gió mây, sông nước, thuyền trăng:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Thơ Hàn thường có lối chuyển tứ nhanh, đột ngột đến bất ngờ như vậy. Ở bài thơ này ta cũng bắt gặp đặc điểm ấy. Trong thoáng chốc khu vườn trong trẻo xinh xắn đã được chuyển sang cảnh mây trời, sông nước quạnh vắng đượm một nỗi buồn chia lìa. Cảm xúc ấy được gợi lên ngay từ câu thơ mở đầu khổ thơ. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự đứt gãy, chia ly khi câu thơ bị ngắt làm hai vế với nhịp thơ ¾ như ném hai sự vật về hai phía trái ngược nhau. Trong tự nhiên, gió và mây là hai sự vật gắn liền với nhau, gió thổi mây trôi. Vậy mà ở hai câu thơ này hai hình ảnh lại bị tách rời trong hai nhịp thơ gợi cảm giác chìa lìa, tan tác. Gió theo đường của gió, mây theo đường của mây. Chúng dường như chẳng còn gắn bó liên quan gì với nhau nữa. Có lẽ bút pháp lãng mạn đã tạo ra những hình ảnh đầy nghịch lý đi ngược lại quy luật của tự nhiên giúp nhà thơ diễn tả nỗi niềm tâm sự của mình. Căn bệnh hiểm nghèo mà Hàn Mặc Tử mắc phải khi tuổi còn quá trẻ, phải sống với những đau thương, mặc cảm và cách biệt với cuộc đời đã khiến thơ ông luôn phảng phất một nỗi đau, niềm bi ai, sự chia lìa.
Từ sự chia ly của mây gió trên bầu trời quạnh vắng đã in bóng xuống dòng Hương giang:
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để thể hiện nỗi buồn từ lòng người tràn ra cả không gian cảnh vật. Đâu chỉ mây gió chia ly, buồn tan tác mà đến cả dòng Hương giang cũng đìu hiu, quạnh vắng mang nỗi buồn mênh mang. Vẫn là dòng Hương giang ấy, vẫn là con sông của biết bao thi phẩm ấy nhưng trong thơ Hàn lại chứa đựng một nỗi niềm khác, một tâm tư khác. Không chỉ trên dòng nước phẳng lặng in bóng mây trời buồn thiu, mà hai bên dòng sông những bông hoa bắp như có như không lay động khe khẽ. Hoa bắp vốn là một thứ hoa dung dị của đời thường, không sắc, không hương, bông rất nhẹ và mỏng manh. Nhà thơ thật tinh tế khi dùng từ “lay” để gợi chuyển động của hoa bắp. “Lay” là những chuyển động rất nhẹ, rất khẽ chỉ là một chút thoáng qua. Nó là một động từ mà dường như ko để diễn tả hành động mà thể hiện nhiều hơn những tâm tình, xúc cảm. Chúng ta từng bắt gặp trong thơ hình ảnh những bông hoa lay động bên bờ sông vắng. Từ trong ca dao:
Ai về Giồng Dứa qua truông
(Quang Dũng – Tây Tiến)
Gió đưa bông sậy bỏ buồn lòng ai
Đến thơ ca hiện đại sau này:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Dường như những câu thơ này đều gợi đến một cảm giác chung, trong cái lay động của hồn hoa là nỗi bi thương của lòng người, là sự tĩnh lặng của không gian.
Hai câu sau của khổ thơ thứ hai đưa thời gian đến một đêm trăng huyền ảo:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Các thi liệu trong hai câu thơ là các thi liệu đã rất quen thuộc. Đó là hình ảnh thuyền, bến, sông, trăng… Những hình ảnh chảy trong thi ca từ ca dao tới thơ trung đại rồi hiện đại. Các hình ảnh này thường gợi đến một không gian lãng mạn, một cảnh sắc nên thơ và thường gắn với những hẹn hò của lứa đôi. Trong thơ Hàn Mặc Tử trăng cũng là một hình ảnh đặc biệt đã trở thành một mã hóa ám ảnh những người yêu thơ ông. Hình ảnh trăng trong thơ Hàn có một sự vận động rất rõ nét qua các thời kì. Có những khi “Trăng nằm sõng soài trên cành liễu”, có những lúc “mở cửa nhìn trăng trăng tái mặt”, lại có lúc “hôm nay có một nửa trăng thôi/ một nửa trăng ai cắn vỡ rồi”… Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử gắn với những đau thương tột cùng, khát vọng tột cùng của ông. Vì thế trăng ko chỉ là hình ảnh lãng mạn mà nhiều khi còn là trăng ứa máu, trăng điên loạn. Nếu nhìn trong sự vận động ấy, vầng trăng trong Đây thôn Vĩ Dạ thật đặc biệt. Đó không phải là ánh trăng gợi tính dục cũng ko phải là ánh trăng đau thương điên loạn như trong nhiều bài thơ khác của nhà thơ bạc mệnh. Đó là ánh trăng lấp lánh, là ánh trăng huyền ảo, là ánh trăng cô đơn nhưng không ghê sợ mà gợi một vẻ đẹp đặc biệt. Cả một dòng sông lấp lánh ánh trăng và những con thuyền như chở đầy trăng đang trôi nhẹ giữa dòng nước. Một không gian tương phản giữa đêm tối mịt mờ và ánh sáng lấp lánh, tương phản giữa không gian tĩnh mịch với con thuyền chở trăng. Có cô đơn, có đau đớn nhưng lộng lẫy và huyền ảo. Đại từ phiếm chỉ “ai” một lần nữa góp phần làm nên sự hư ảo cho câu thơ. Song có lẽ chữ đắt nhất trong hai câu thơ này và cả trong toàn bài thơ chính là chữ “kịp” đi cùng với câu hỏi tu từ ở câu cuối, gợi đến cái khắc khoải và đau thương trong tâm can của thi sĩ họ Hàn. Chữ “kịp” ấy đã gói trọn những âu lo, tuyệt vọng, đau đớn của nhà thơ, đã thể hiện trọn vẹn khát vọng sống đến tột cùng nhưng số phận lại bất hạnh và bi thương. Hàn Mặc Tử đang phải chạy đua với thời gian, với bệnh tật với cái chết. Trong cuộc chạy đua ấy dường như những nỗ lực của người thi sĩ đã đi đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu với cuộc đời, khát vọng sống, khát vọng giao cảm với thế giới ngoài kia vẫn mạnh mẽ cháy bỏng. Chính những thôi thúc đó khiến Hàn Mặc Tử luôn đau đớn, khắc khoải về cuộc trở về. Như vậy ở khổ thơ thứ hai chúng ta đã thấy được sự vận động của tứ thơ sự thay đổi không chỉ về không gian, thời gian mà hơn cả là dòng cảm xúc. Từ hồi ức về thôn Vĩ dường như thi sĩ đã quay trở lại thực tại để nhìn thấy những bi thương bất hạnh cuộc đời mình. Phải chăng vì thế cả khổ thơ thấm đẫm sự chia lìa?
Khổ thơ thứ ba là mở đầu bằng hình ảnh khách đường xa
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hình ảnh khách đường xa được lặp lại hai lần như nhấn mạnh một bóng dáng ngày càng mờ ảo xa xôi. Ở vế thứ hai của câu thơ, chữ mơ mất đi hình ảnh khách đường xa dường như bé nhỏ dần, mờ ảo dần, như ngày một xa hơn, khó nắm bắt hơn. Phải chăng vì thế mà dù xuất hiện con người nhưng không mang đến cảm giác vui tươi, sum họp ngược lại càng làm tăng hơn cảm giác chia lìa, xa cách. Hình ảnh khách đường xa đó hòa cùng với sương khói mờ nhân ảnh với sắc trắng tới hư vô nhìn không ra. Tất cả tạo nên một không gian của hư ảo, một không gian của tâm tình sâu lắng nhất của thi sĩ chứ không còn là không gian thực. Hàn Mặc Tử đặc biệt yêu sắc trắng. Chúng ta từng gặp trong thơ ông sắc màu này ở nhiều bài thơ khác
Tôi sẽ đi tìm mỏn đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ
Có lẽ cũng bởi màu trắng là màu của thanh khiết, của trinh nguyên nên Hàn Mặc Tử dành những xúc cảm đặcbiệt trong màu này. Câu thơ thứ hai lạ về cách diễn đạt, lạ trong cách bộc lộ cảm xúc. Nó vừa như một tiếng reo lên ngỡ ngàng ngạc nhiên trước vẻ đẹp trắng trong mà như không có thực của “em”. Sắc trắng đó như xòa mọi ranh giới chỉ còn lại một không gian mờ nhòa trong “mộng trắng trong”. Không gian ở khổ ba chỉ còn một sự phân định duy nhất “ở đây”. Ở đây có lẽ là để phân biệt với ở kia, ngoài kia. Vậy là không gian không còn là Vĩ Dạ, là Hương giang hay là xứ Huế nữa. Không gian chỉ còn ở đây – nơi của bệnh tật, khổ đau, tuyệt vọng, mặc cảm và chìa lìa và ngoài kia – cuộc đời với những yêu thương, khao khát, với kí ức, kỉ niệm và hi vọng. Ta bỗng nhớ một câu thơ khác, một ý thơ khác mà chung nhiều đau thương:
Tôi đang ở đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sầu?
Sự chia định không gian đó cũng là một biểu hiện của đau thương và tuyệt vọng. Vì vậy nỗi khác khoải về tình người mới càng trở nên đau đáu khôn cùng
Ai biết tình ai có đậm đà?
Đại từ phiếm chỉ “ai” xuất hiện 2 lần, câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ, về mặt hình thức là sự liên kết với hai khổ thơ trên, về mặt cảm xúc là biểu hiện tột cùng của đau thương dâng trào. Còn gì đau đớn hơn khi khát khao giao cảm với cuộc đời mà phải chịu càng chia lìa, cô độc. CÒn gì đau đớn hơn khi ta thương nhớ về ngoài kia, mà với ngoài kia ta sẽ dần bị lãng quên? Liệu còn tình ai sẽ đậm đà? Còn ai sẽ thương nhớ?……
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ lạ trong phong trào thơ mới. Đây thôn Vĩ Dạ là thi phẩm lạ trong gia tài thơ của thi sĩ. Bài thơ không ma quái, ko ám ảnh mà trong trẻo đến lạ kì. Có lẽ đó là phần kí ức đẹp tươi của thi sĩ về cuộc đời, là ước vọng trong khổ đau và khao khát. Vì thế bài thơ có đau thương nhưng lại gợi đến những xúc cảm tích cực và trong trẻo khiến ta hiểu thêm, trân trọng hơn tâm hồn người thi sĩ và tình yêu với cuộc đời.
Bài làm của Minh Thu – Học sinh lớp Văn cô Ngọc Anh
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học
Đây thôn Vĩ Dạ – một giấc mơ về cuộc đời Hàn Mặc Tử
Tham khảo các bài viết về Đây Thôn Vĩ Dạ tại: https://thichvanhoc.com.vn/tag/day-thon-vi-da/