Ông lái đò và quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Tuân

Ông lái đò

Đề bài:

Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ.Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được…

(Người lái đò sông Đà – Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

Bài làm:

Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, đồng thời là “một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm” như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận định. Vì thế, ông có được cho mình cách nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng từ phương diện văn hóa, thẩm mỹ và nhìn nhận con người ở góc độ tài hoa, nghệ sĩ. Trên trang văn Nguyễn Tuân người đọc không ít lần bắt gặp những người nghệ sĩ như Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”, cụ Sáu trong “Những chiếc ấm đất”… tất cả họ đều là nghệ sĩ trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Và khi đến với nhân vật ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” một lần nữa Nguyễn Tuân đã khẳng định được phong cách nghệ thuật độc đáo, riêng biệt ấy của mình. Điều đó được thể hiện rõ nét qua đoạn trích “Cưỡi lên thác sông Đà… lái được lượn được”. Những dòng văn không chỉ khắc họa rõ nét vẻ đẹp của người lái đò, mà còn thể hiện sâu sắc quan niệm nghệ thuật về quan niệm đầy sâu sắc và mới mẻ nơi cụ Nguyễn.

Nhà văn Pauxtopxki từng tâm niệm: “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”. Với ý niệm này, Nguyễn Tuân đã cống hiến cả cuộc đời mình cho hành trình tìm kiếm cái đẹp ở thiên nhiên và con người – “một nhà văn suốt đời đi tìm cái Đẹp, cái Thật”. Khao khát tìm kiếm cái đẹp cùng lối sống “xê dịch” của ông, tất cả đã tạo nên phong cách sáng tác tài hoa, đậm chất nghệ thuật nhưng cũng vô cùng chân thực, gần gũi và bình dị – đặc trưng của văn chương Nguyễn Tuân. Nếu trước Cách mạng, Nguyễn Tuân ngược dòng quá khứ, cố gắng kiếm tìm cái đẹp của một thời vang bóng với giọng văn ngông nghênh, khinh bạc, bất cần thì sau này, ngòi bút của ông trở nên tin yêu, đôn hậu hơn khi ông tìm thấy cái đẹp, chất tài hoa ở những con người lao động bình thường, ở thiên nhiên, quê hương đất nước.

“Người lái đò sông Đà” nằm trong tập tùy bút “Sông Đà”, được Nguyễn Tuân chấp bút sau chuyến đi thực tế đến vùng Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Hành trình mới ấy không chỉ thỏa mãn khát khao “xê dịch” của nhà thám hiểm tới những miền đất lạ mà còn gieo vào lòng Nguyễn Tuân ấn tượng về vùng trời của cái đẹp. Trên nền bức họa kỳ vĩ, thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, trên dòng chảy xiết của sông Đà, nổi bật hơn cả là hình tượng người lái đò can trường, dày dặn kinh nghiệm – hiện thân đẹp, cao quý nhất của con người lao động nơi đây. Từ đó Nguyễn Tuân đã bắt tay vào sáng tác tùy bút “Người lái đò sông Đà” nói riêng và tập “Sông Đà” nói chung như một lời ngợi ca non sông, đất nước và nhân dân sau Cách mạng.

Giữa núi sông hoang vu, hùng vĩ, ông lái đò hiện lên như nhãn tự của bài tùy bút, là kết tinh của những nét đẹp quý giá nhất của nhân dân lao động vùng Tây Bắc. Dẫu trước mắt là muôn ngàn dãy núi trùng điệp, nối tiếp nhau bủa vây chiếc đò đơn độc, thế nhưng bóng hình ông lái đò Lai Châu chẳng hề xao động, vẫn vững vàng tiến về phía trước, từng bước chinh phục thiên nhiên nơi đây. Ông xuất hiện song song với ba trùng vi thạch trận, là một người lái đò không tên, không tuổi, không gia cảnh. Không phải Nguyễn Tuân nghèo ngôn từ tới mức không thể đặt cho ông một cái tên mà giống như thị ở “Vợ nhặt” hay người đàn bà làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, ông lái đò là đại diện cho tầng tầng lớp lớp con người đang ngày đêm lao động trên đất Tây Bắc nói riêng và khắp Tổ quốc nói chung trong những tháng ngày miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến với tác phẩm, người đọc không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con sông Đà mà hơn hết chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước nét tài hoa nghệ sĩ và con người giản dị, đầy trách nhiệm, sự khiêm nhường được kết tinh nơi người lái đò.

Dù nhiều năm đã trôi qua kể từ lần cuối cầm mái chèo, ông lái đò vẫn còn mang trong mình một mảnh linh hồn của sông Đà. Dẫu đã ngoài 70, thế nhưng ông vẫn gây ấn tượng với thân hình “vẫn đẹp như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch, cùng cặp mắt tinh anh, nhãn lực nhìn xa vời vợi”. Tay ông lêu nghêu như cây sào, chân lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, gò lại như kẹp lấy cuống lái tưởng tượng, giọng ông hùng hồn, ào ào như tiếng nước trên mặt ghềnh sông. Đà giang tuy giờ đây chỉ là một dòng chảy của kí ức nhưng sự hiểm ác và những cú đánh của con sông vẫn hằn sâu trên khắp người lái đò năm xưa. Đó là những “cú nâu” mà Nguyễn Tuân ngưỡng mộ, trân trọng gọi bằng cái tên hoa mỹ “thứ huân chương lao động siêu hạng”. Chỉ với vài nét kí ngắn ngủi, mộc mạc, người nghệ sĩ đã chạm khắc vào tiềm thức độc giả về hình tượng người lái đò thân thuộc, gần gũi, một con người lao động bình dị nhưng mang trong mình sự trí dũng phi thường, độc hành đưa đưa con đò chiến đấu với sông Đà dữ dội, góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh.

Trên nền thiên nhiên kỳ vĩ, dữ dội, Nguyễn Tuân đã điểm nét chấm phá với sự hiện diện của người lái đò cùng vẻ đẹp tài hoa, trí dũng trên hành trình vượt thác đầy hiểm nguy, một cuộc chiến căng thẳng, dữ dội giữa con người và thiên nhiên. Đó là những đợt tấn công dữ dội của mặt ghềnh Hát Loóng, quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La, thế nhưng tài nghệ ấy đặc biệt tỏa sáng trong khoảnh khắc ông cùng chiếc đò nhỏ bé, mỏng manh vượt qua ba trùng vi thạch trận hiểm độc và hung bạo, một mình đối chọi với thủy quái sông Đà. Cuộc chiến diễn ra vô cùng cam go, khốc liệt, thế nhưng với tài năng và sự trí dũng của mình,ông lái đò đã thành công trong việc chế ngự con sông Đà, thể hiện chất tài hoa, nghệ sĩ trên hành trình vượt thác của mình.

Ngay từ trùng vi thạch trận thứ nhất, có rất nhiều đá được bày binh như một trận địa, nó đứng, nó nằm, nó quỳ, mặt hòn nào cũng trông “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm méo mó”, … Sông Đà đã chủ động tấn công, bày thạch trận với bốn cửa tử và một cửa sinh lập thành ba tuyến trung, tiền, hậu. Nó áp đảo về lực lượng lẫn thanh thế, nó ra sức uy hiếp, chực chờ hạ gục chiếc đò và cuốn trôi, đập tan cả người lẫn thuyền dưới đáy sông. Bất chấp thế trận nghiêng về thiên nhiên, vị thuyền trưởng lão luyện vẫn hết sức bình tĩnh, “cố nén vết thương” và nhanh trí xử lý tình huống để đưa con đò vượt cửa ải đầu tiên thành công mỹ mãn. Chỉ trong chốc lát, chiến thuật đánh nhanh của dòng sông bị phá vỡ bởi trí tuệ minh mẫn, tỉnh táo và tinh thần kiên cường của con người.

Chưa kịp ngơi tay từ đợt tấn công đầu tiên thì nay ông lái đò cùng chiếc thuyền nhỏ bé tiếp tục đối diện với móng vuốt tử thần của thủy quái sông Đà. Dường như cay cú khi phải nhận thua ở vòng đầu tiên, quái thú Đà giang trở nên mưu mô, xảo quyệt hơn. Ở vòng vây thứ hai, sông Đà lập tức thay đổi chiến thuật, rút ngắn quãng sông, mở thêm nhiều cửa tử và cửa sinh duy nhất lại “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Phía trước con đò không chỉ có những cạm bẫy sinh – tử mà còn là sự dữ dội, hung bạo của thần sông, thần đá: “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”, “bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Dẫu bị cô lập, bủa vây tứ phía, thế nhưng tất cả đều không làm khó được vị chỉ huy, ông liền thay đổi chiến thuật ứng phó với sông. Hàng bao năm gắn bó với sông nước, người thuyền trưởng giờ đây nắm rõ từng nét tính khí, từng luồng sinh, luồng tử, từng chiêu trò của Đà giang trong lòng bàn tay mình. Với đôi bàn tay linh hoạt, tài hoa đó, ông đã dứt khoát thay đổi thế trận, giành lấy quyền chủ động trong cuộc chiến không cân sức này – lúc “cưỡi lên thác”, lúc “nắm chặt được cái bờm sóng”, lúc thì “ghì chặt cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Câu văn dài, nhịp điệu dồn dập gợi khí thế dũng mãnh, hứng khởi của người lái đò khi tham gia cuộc chiến. Nhanh nhẹn, quyết đoán, không chút nao núng, sợ sệt, một lần nữa chiến thắng thuộc về ông lái đò, về con người lao động. Chiếc đò tiếp tục tiến về phía trước, bỏ lại lũ đá thất vọng, “tiu nghỉu cái mặt xanh lè” đằng sau.

Dẫu phải đối đầu trực diện những đòn tấn công dồn dập, hiểm hóc của thủy quái sông Đà, ông lái đò vẫn hiện lên đầy trí dũng, nghị lực phi thường cùng sự nhanh nhẹn, linh hoạt và khéo léo trong cách xử lí tình huống, phong thái hệt như một người nghệ sĩ điêu luyện, ngập tràn sinh lực và đam mê. Quả đúng như ông cha ta từng nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ở đây Nguyễn Tuân đã khéo léo khắc họa chân dung ông lái đò nói riêng và người lao động nói chung với ngòi bút tài hoa, độc đáo có một không hai – các cụm từ gợi hình, gợi cảm “ghì chặt cương lái”, “nắm chặt lấy cái bờm sóng” cùng một loạt động từ mạnh “phóng nhanh, lái miết, chặt đôi, đè sấn”. Nhà văn đã đặt ông vào một trận chiến hết sức căng thẳng và quyết liệt với Đà giang – một bên hung hăng, mưu mô, hiểm độc và một bên đa tài, mưu trí và can trường – từ đó ngợi ca phẩm chất, vẻ đẹp bất khuất của ông. Vượt lên trên tất cả, con người đã giành chiến thắng áp đảo ở những mặt trận đầu tiên.

Sau hai lần giăng bẫy không thành, sự hiểm ác, tức tối của sông Đà càng trào dâng và lên đến đỉnh điểm, hội tụ ở vòng vây thứ ba, thử thách cuối cùng và cũng là vòng vây nguy hiểm hơn cả. Không còn sự xem thường, coi khinh ông lái đò nữa mà giờ nay con thủy quái ấy đang điên tiết, dồn mọi sức bình sinh để chiến đấu, quật ngã chiếc đò. Sự nham độc của dòng sông đã được nhà văn lột tả chân thực, sinh động, hệt như một thước phim hành động – bức tường đá ngất ngưởng cùng một loạt mũi tấn công ào ạt, không ngừng nghỉ trên mặt nước. Cửa sinh duy nhất giờ đây được bố trí “ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác”, thuyền và người nếu muốn sống sót thì không còn lối nào khác, đành phải tiến thẳng vào vòng vây nghiêm ngặt của những cửa tử, những luồng chết. Cuộc chiến đi đến cao trào, và đây chính là chiến tuyến, cửa ải cuối cùng, là thời khắc quyết định sinh tử cho cả người lẫn thuyền.

Đất trời như xoay chuyển theo nhịp tấn công dữ dội, khẩn trương của Đà giang, thế nhưng ống kính máy quay của Nguyễn Tuân vẫn ở lại với ông lái đò, đó là niềm tin, sự ngưỡng mộ, kính trọng thầm lặng nhà văn dành cho người nghệ sĩ. Bằng sự mưu trí, quyết đoán cùng tinh thần dũng cảm, kiên cường, ông vẫn vững tay chắc chèo, nhanh chóng biến con thuyền thành một mũi tên tre sắc bén còn ông giống như một cung thủ “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa”. Chỉ trong tích tắc cánh cổng đá sơ hở, chiếc đò không chút do dự, đắn đo liền vút qua khiến cho sông Đà không kịp trở tay. Trái ngược với đòn đánh thô bạo, vụng về của Đà giang, mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, đâm thủng các tuyến phòng ngự với sinh lực, tốc độ phi thường cùng sự nhịp nhàng, uyển chuyển hiếm có. Động từ “vút, vút” vang lên trong không gian mạnh mẽ, phá vỡ bầu không khí ngột ngạt, dày đặc của núi sông và vượt ra khỏi ống kính để xuyên vào trái tim độc giả, khiến cho phép so sánh của Nguyễn Tuân để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sau những giây phút căng thẳng cao độ, thước phim giờ đây lắng xuống, đọng lại trên màn ảnh là ông lái đò điềm tĩnh tiến đến luồng sinh với tư thế oai phong, lẫm liệt cùng bản lĩnh lớn lao, phi thường. Hồi phim dần đi đến kết thúc với chiến thắng áp đảo, vang dội của nghệ nhân chèo thuyền trước thần sông, thần đá, hay chính là hình ảnh thiên nhiên hoang sơ, rộng lớn khuất phục trước con người lao động bé nhỏ nhưng kiên cường, dũng mãnh.

Dẫu sông Đà có đặt ra những thách thức, cửa ải gian nan, nhọc nhằn đến đâu thì người lái đò vẫn giữ vững mái chèo, bình thản cưỡi lên trên nó như một vị tướng chỉ huy dũng mãnh, chinh phục không chỉ dòng sông mà cả núi rừng Tây Bắc trùng điệp. Vẻ đẹp của con người lao động khi phải đối đầu với sông nước miền núi còn hiện diện ở nhân vật dượng Hương Thư trong “Vượt thác” (Võ Quảng). Đứng trước con thủy quái hung bạo, dữ dằn, vậy mà người dượng, tính tình vốn nhỏ nhẻ, nhu mì trong cuộc sống thường ngày, bỗng trở nên oai phong, lẫm liệt xuyên suốt quá trình vượt thác “như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa, ghì lên ngọn sào như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.” Dù mang phong cách sáng tác khác nhau, cả Võ Quảng và Nguyễn Tuân đều đã xuất sắc khắc họa chân dung thiên nhiên kỳ vĩ, hung bạo, từ đó ngợi ca hình tượng con người lao động trên bức nền đó, nỗ lực vượt lên trên mọi khó khăn để hoàn thành công việc, trách nhiệm của mình. Từ đó có thể thấy rằng, ông lái đò thực là một “nghệ sĩ” tài hoa trong nghề vượt thác, bởi vì ông đã điêu luyện và thành thục đến mức như “thuộc lòng” con sông Đà từ cách bày binh bố trận, các cửa tử, cửa sinh như thuộc một bản trường ca mà ông nhớ đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Và với Nguyễn Tuân, không chỉ những người làm nghệ thuật mới được coi là nghệ sĩ mà chính những người điêu luyện, tài năng trong nghề nghiệp của mình cũng đã trở thành người nghệ sĩ.

Để thể hiện được cách nhìn nhận đầy mới mẻ và sâu sắc như thế dành cho nhân vật, những sáng tác của Nguyễn Tuân (đặc biệt ở giai đoạn sau) được chi phối bởi quan niệm nghệ thuật về con người đặc biệt nơi người thợ kim hoàn của chữ này. Quan niệm nghệ thuật về con người là “sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó”. Nó được thể hiện trong chính hình tượng mà tác giả xây dựng nên trong tác phẩm. Tiêu biểu như, Nguyễn Tuân luôn nhìn mọi người dưới góc độ văn hóa và thẩm mỹ, vậy nên nhân vật của ông, dù chỉ là những người lao động bình thường, những người “không ai nhớ mặt đặt tên”, nhưng lại luôn có những nét tài hoa rất riêng, trong đó phải kể đến người lái đò sông Đà. Bằng ngôn ngữ phong phú, hình ảnh chân thực cùng một loạt các thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, mới mẻ, nhà văn đã ngợi ca hình tượng ông lái đò mưu trí, tài nghệ với ý chí, nghị lực phi thường. Phẩm chất cao đẹp của ông cũng chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc và của người lao động thầm lặng trong công cuộc xây dựng đất nước.

Để nói về Nguyễn Tuân, nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”. Quả đúng như vậy, dù hàng thập kỷ đã trôi qua nhưng văn chương của ông vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Bằng ngòi bút tài hoa, cùng cách sử dụng hình ảnh sáng tạo, mới mẻ và ngôn từ phong phú, giàu biểu cảm, nhà văn đã xuất sắc khắc họa vẻ đẹp chân thực của ông lái đò vừa tài hoa, điêu luyện vừa trí dũng, quả cảm. Chân dung người lái đò vùng Tây Bắc của Nguyễn Tuân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho dòng chảy văn học Việt Nam, đồng thời còn là động lực để nhân dân ta nỗ lực giữ gìn và bảo tồn sông ngòi, thiên nhiên đất nước trong những năm tháng sau này.