bố cũng lần đầu tiên làm bố

NLXH: Chữa đề thi HSG tỉnh Quảng Nam năm 2022 (bài viết tham khảo)

Đề bài (8/20đ):

a. Trong bộ phim “reply 1988”, sau những ứng xử thiếu tinh tế với cô con gái tên là Duk Sun, người bố giãi bày:

Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.

b. Trong bài viết “Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!”, nhà báo Trần thu Hà chia sẻ:

Mẹ tuy nhiều tuổi nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.

(Dẫn theo Kênh 14.vn ngày 02.4.2022)
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ.

Bài làm:

Nhắc đến gia đình là chạm tới nơi sâu thẳm nhất trong trái tim mỗi người. Đâu có ai sống mà không yêu thương gia đình, cha mẹ. Chúng ta luôn mong muốn gia đình mình lúc nào cũng êm ấm, hòa thuận, chan hòa yêu thương. Và một trong những nền tảng quan trọng để làm nên những điều đó chính là sự thấu hiểu. Trong bộ phim “Reply 1988”, người cha sau những ứng xử thiếu tinh tế với cô con gái Duk Sun đã ần cần giãi bày: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”. Cũng bàn về sự thấu hiểu, nhà báo Trần Thu Hà trong bài viết “nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!” có chia sẻ: “Mẹ tuy nhiều tuổi nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa”.

Nếu như ai đã từng xem qua bộ phim “Reply 1988” chắc chắn sẽ không khỏi xúc động và òa khóc khi nghe lời thoại của người bố. Sau những hành xử thiếu tinh tế trong lúc nóng giận, người bố đã ngồi lại tâm sự chân thành với con gái bé bỏng của mình. Ông chia sẻ với con rằng, chẳng có ai vừa sinh ra đã biết làm bố cả, đây cũng là lần đầu tiên mà ông làm bố. Chưa có kinh nghiệm, còn mắc nhiều sai lầm làm tổn thương con. Mong rằng con hãy hiểu cho người bố của mình. Hay những lời chia sẻ đầy ý nghĩa của nhà báo Trần Thu Hà cũng bàn về sứ mệnh của người mẹ. Cũng như bố mà thôi, mẹ cũng là lần đầu tiên làm mẹ, cũng còn nhiều lúng túng và hay mắc sai lầm. Mẹ đôi khi làm tổn thương con, làm con phải thất vọng. Nhưng mong rằng con hãy hiểu cho mẹ vì chính mẹ còn thất vọng về bản thân gấp bội lần.
Cả hai câu nói vô cùng cảm động và sâu sắc, đều bàn đến một góc độ chính là sự thấu hiểu của con cái dành cho cha mẹ. Đó chính là việc con đặt mình vào vị trí của cha mẹ, nhìn nhận vấn đề từ góc độ của họ để lý giải vì sao cha mẹ lại làm như vậy và thấu hiểu, sẻ chia với cha mẹ hơn. Cha mẹ không phải vừa sinh ra đã được gắn hai từ thiêng liêng ấy. Họ cũng là người con, cũng có cha mẹ của riêng mình. Đây cũng là lần đầu tiên họ làm cha, làm mẹ, cũng còn những sai lầm và khuyết điểm, mong con hiểu và bao dung cho cha mẹ, tránh những cãi vã, hiểu lầm, mâu thuẫn trong gia đình. Quả thực, sự thấu hiểu của cha mẹ dành cho con cái sẽ nhân lên nhiều lần tình yêu thương, bền chặt của gia đình.

Trong cuộc sống, để mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó, bền chặt hơn luôn luôn cần đến sợi dây thấu hiểu. Trong mối quan hệ gia đình, cha mẹ, con cái cũng vậy. Phải có thấu hiểu mới có quan tâm, yêu thương, sẻ chia, hòa thuận. Khi ta biết lắng nghe những lời cha mẹ nói, biết cảm ơn, trân trọng những điều cha mẹ làm cho ta thì cũng là lúc ta thực sự là một đứa con ngoan của cha mẹ. Cha mẹ làm tất cả chỉ vì muốn tốt cho ta, muốn chăm sóc ta thành người. Dù không phải mọi lời nói, hành động của cha mẹ không phải hoàn toàn đúng, có những lúc sai lầm, những lúc vụng về, lúng túng. Nhưng bất kể thế nào, chúng ta cũng không được trách cha mẹ, hãy thấu hiểu cho nỗi khổ riêng của họ. Cha mẹ và chúng ta sinh ra ở hai thời đại khác nhau, sự khác biệt về tư tưởng, bất đồng quan điểm là rất bình thường. Chỉ cần trong lúc nóng giận, gia đình hãy cùng nhau ngồi xuống, lắng nghe và giải thích cho nhau hiểu, có như vậy gia đình mới êm ấm, hạnh phúc hơn.

Cha mẹ có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe ta tâm sự cả đêm nhưng rất hiếm khi cha mẹ chia sẻ những nỗi lo âu của cha mẹ. Hãy quan sát thật kĩ xem cha mẹ đang làm những gì, phải chịu những áp lực gì đè nặng trên đôi vai. Ngoài chăm lo cho chúng ta, cha mẹ còn phải chịu những áp lực vô cùng lớn trong công việc và cuộc sống. Những nỗi lo ấy bây giờ chúng ta sẽ không thể hiểu hết được, chỉ khi ta thật sự trở thành cha, mẹ ta mới thấu hiểu hết những vất vả ấy.

Đâu phải chỉ có trẻ con mới được mắc sai lầm, đúng không? Người lớn cũng thể có những sai lầm, khuyết điểm. Cha mẹ cũng là người, mà đã là người thì không một ai hoàn hảo cả. Đây cũng là lần đầu tiên họ gánh trên vai trọng trách lớn lao và cao cả đến vậy. Lần đầu tiên mà họ tự nguyện hi sinh cả mạng sống để bảo vệ những đứa con thơ bé bỏng của mình. Sự hi sinh của cha mẹ lớn biết chừng nào. Nếu chỉ vì một vài câu quát mắng, một vài cái roi mà ta cãi lại cha mẹ thì quả thực chúng ta quá sai lầm và bất hiếu rồi. Hãy lắng nghe cha mẹ giải thích, hãy quan tâm họ hơn. Vì đó mới chính là gia đình, cần có sự thấu hiểu, sẻ chia và bao dung.

Cha mẹ như một tấm khiên vững chãi, bảo vệ ta trước những bão tố cuộc đời. Cha mẹ là người mang đến cho ta sinh mạng, là người dạy ta cách yêu thương, cho ta đến trường đến lớp và không thiếu bất kì một thứ nào trên cuộc đời này. Mỗi khi ta vấp ngã, ai là người đỡ ta đứng dậy? Mỗi khi ta khóc, tổn thương ai là người ôm ta thật chặt, lắng nghe ta? Ai là người cho ta những lời khuyên, những lời dạy bảo tốt nhất, chân thành nhất? Đừng vội trách móc cha mẹ khi họ sai lầm. Chỉ có cha mẹ là người yêu thương ta mà thôi. Họ phải yêu ta đến chừng nào mới có thể cho ta nhiều điều tốt đẹp đến thế? Vậy khi họ buồn, họ khóc, họ u sầu thì chúng ta lại đang ở đâu? Không phải chính chúng ta mới là những người đáng trách, thiếu suy nghĩ hay sao?

Tôi muốn một lần được ôm ba mẹ vào lòng như cách họ ôm tôi mỗi khi tôi khóc. Tôi muốn một lần được an ủi và chia sẻ những gánh nặng của họ nhưng sao lại khó đến vậy? Tại sao tôi lại e dè, nhút nhát, tại sao tôi lại ương bướng, ngu ngốc đến vậy? Cha mẹ đã hi sinh rất nhiều để ta có được những thứ tốt đẹp của hiên tại cơ mà? Cha mẹ đã phải đánh đổi, cất giấu ước mơ thời còn trẻ để lao đầu vào công việc chỉ vì có sự xuất hiện của ta. Nhưng họ chưa một lần nào trách móc hay hối hận vì điều đó cả. Họ can tâm tình nguyện vì coi ta là món quà tuyệt diệu nhất trong cuộc đời của họ. Đừng làm cha mẹ phải buồn hay lo lắng vì ta nữa, hãy mạnh mẽ và trưởng thành, có được không bản thân tôi?

Hai câu nói được trích dẫn trong đề bài vô cùng cảm động và sâu lắng, đặt ra nhiều vấn đề triết lý và là lời khuyên chân thành cho con cái. Tình cảm gia đình là điều quý giá nhất mà chúng ta có được trong cuộc sống. Sự thấu hiểu của con cái dành cho cha mẹ sẽ làm tình cảm ấy nhân lên gấp bội lần, gắn chặt hơn tình yêu thiêng liêng, cao quý ấy. Quả thực cha mẹ cũng là lần đầu tiên làm cha, mẹ. Họ còn gặp nhiều khó khăn và trắc trở trong quá trình nuôi dạy con cái. Nhưng họ đã cố gắng để làm tốt sứ mệnh của mình và dành cho con vô vàn những điều tốt đẹp, rực rỡ trên cuộc đời này rồi. Cả thanh xuân của họ đã dành trọn vẹn cho chúng ta. Nếu như cha mẹ có vô tình làm sai, vô tình tổn thương ta, hãy nhớ và khắc ghi đừng giận, đừng trách móc cha mẹ nhé. Cũng nhau bày tỏ quan điểm, cùng nhau tâm sự, cùng nhau lắng nghe để xua tan đi những gì buồn bã để lại trong mái ấm kia là tiếng cười và hạnh phúc.
Thế nhưng, để có được một gia đình hạnh phúc, cha mẹ con cái hòa thuận thì cần đến sự thấu hiểu hai chiều. Nếu như bạn là con tại sao không thử một lần đặt mình vào vị trí của cha mẹ, suy nghĩ những điều cha mẹ nghĩ, làm những việc cha mẹ làm, gánh vác, san sẻ nỗi vất vả của họ? Còn nếu như là cha mẹ, cũng hãy đặt mình vào vị trí của con, xem con nghĩ gì, áp lực học hành ra sao, quan hệ bạn bè như thế nào để có thể hiểu con hơn. Chỉ khi thực sự thấu hiểu, yêu thương và sẵn sàng bao dung, tha thứ, đó mới là gia đình.

Mỗi người sinh ra đều không có quyền lựa chọn cha mẹ hay con cái. Vậy nên đừng bao giờ đem cha mẹ so sánh, đánh giá. Đừng ghen tị với cha mẹ của người khác. Vì chỉ có cha mẹ mới là người thương yêu ta thật lòng, vô điều kiện trên thế gian này mà thôi. Có những người con bất hiếu, ngang bướng, chối bỏ cha mẹ mình chỉ vì hiểu lầm, nóng giận, bị cái xấu lôi kéo, tha hóa. Cũng có một số ít cha mẹ quá bảo thủ, cố chấp, áp đặt con phải làm theo những gì mình sắp xếp, chưa thật sự quan tâm xem con muốn gì, cảm xúc của con ra sao. Điều đó đã gây ra những trường hợp vô cùng đáng tiếc trong xã hội.

Có lẽ chúng ta sẽ bật khóc khi ngồi nghĩ lại những lần ta làm cha mẹ phải buồn, lo lắng. Đó là do cha mẹ chưa hiểu ta hay do ta chưa thấu hiểu cha mẹ? Lỗi lầm và nguyên do từ ai, từ đâu thực sự không quan trọng. Vì chúng ta là một gia đình nên cần đến sự sẻ chia, yêu thương và tha thứ. Con cái làm sai, cha mẹ trách mắng, dạy bảo. Cha mẹ chưa đúng, còn sai lầm thì chúng ta cần chia sẻ cho cha mẹ. Sự thấu hiểu giống như một loại tiên dược quý hiếm mà mỗi người cha, người mẹ, người con cần phải có trong cuộc đời. Câu thoại của người bố cho cô con gái Duk Sun và lời chia sẻ tâm tình của nhà báo Trần Thu Hà vô cùng thấm thía, cảm động. Đó không những là sự giáo dục dành cho con cái trong cách hiếu thuận với cha mẹ mà còn định hướng cho bậc làm cha, mẹ trong cách nuôi dạy con mình.


Xem thêm:

Xem thêm dàn bài chi tiết của đề thi tại: https://thichvanhoc.com.vn/nlxh-chua-de-hsg-tinh-quang-nam-nam-2022/

Tham khảo các tài liệu về Tác phẩm văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-pham/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học