bố cũng lần đầu tiên làm bố

NLXH: Chữa đề HSG tỉnh Quảng Nam năm 2022

Câu 1: (8,0đ)

a. Trong bộ phim “reply 1988”, sau những ứng xử thiếu tinh tế với cô con gái tên là Duk Sun, người bố giãi bày:
Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.

b. Trong bài viết “Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!”, nhà báo Trần thu Hà chia sẻ:
Mẹ tuy nhiều tuổi nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.
(Dẫn theo Kênh 14.vn ngày 02.4.2022)
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ.

DÀN BÀI

1. Mở bài

  • Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận về tình cảm gia đình thiêng liêng, gắn bó, bền chặt.
  • Dẫn dắt, trích nguyên văn 2 câu nói trong đề bài. Nhấn mạnh vấn đề nghị luận: Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ.

2. Thân bài

a. Giải thích

*Trong bộ phim “Reply 1988”, sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái Duk Sun, người bố giãi bày: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”.

  • Câu nói trong bộ phim gợi nhiều xúc động về tình cảm cha con.
  • Người bố sau những giây phút nóng giận đã ngồi lại, tìm cách tâm sự, lắng nghe con và giãy bày nỗi lòng của mình, mong con hiểu cho người lần đầu làm bố.

*Lời tâm sự, chia sẻ của nhà báo Trần Thu Hà trong bài viết “Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!”.

  • Cũng bàn về trách nhiệm làm mẹ của người phụ nữ, cũng là lần đầu tiên làm mẹ, cũng có lúng túng và cũng mắc sai lầm như con.
  • Những hành động, lời nói vô ý đôi khi làm tổn thương con, làm cho con thất vọng nhưng mong rằng con hãy hiểu cho mẹ, vì chính mẹ còn thất vọng về bản thân mình gấp bội lần.

=> Sự thấu hiểu là gì? Là đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn từ góc độ của họ để hiểu rõ về bản thân họ, từ đó đồng cảm, yêu thương nhau hơn.

=> Cả hai câu nói đều bàn về sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ và nỗi lòng mong con có thể hiểu cho mình. Hai lời tâm tình ấy đều được bộc bạch một cách chân thành, sâu lắng của bậc làm cha, làm mẹ. Không phải cha mẹ vừa sinh ra đã được gọi hai từ thiêng liêng ấy. Họ cũng từng là một người con, cũng có cha mẹ của riêng mình. Đây cũng là lần đầu tiên mà họ trở thành cha mẹ. Mong rằng con cái sẽ thấu hiểu cho những lỗi lầm, bao dung, tha thứ cho những khuyết điểm còn lúng túng, vụng về của họ.

b. Phân tích & chứng minh

Vì sao con cái cần có sự thấu hiểu với cha mẹ?

  • Sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái là sự thấu hiểu.
  • Khi ta lắng nghe những lời cha mẹ nói, biết trân trọng, yêu thương những điều cha mẹ làm cho ta thì cũng đã một phần nào báo đáp công ơn to lớn của cha mẹ.
  • Không phải mọi lời nói, hành động của cha mẹ đều hoàn toàn đúng, vì sinh ra ở hai thời đại khác nhau, tư tưởng khác nhau. Nhưng suy cho cùng, mọi thứ họ làm cũng chỉ vì muốn thể hiện tình yêu thương, bảo vệ chúng ta.
  • Hãy quan sát thật kĩ những điều cha mẹ làm, những áp lực cha mẹ gặp phải. Vì ngoài việc chăm lo cho ta, cha mẹ còn phải gánh chịu những áp lực về công việc, cơm áo gạo tiền và những khó khăn khác chất đầy. Những lúc họ nổi cáu, nóng giận với ta hãy nghĩ đến những vất vả mà họ gánh chịu.
  • Quan tâm, chia sẻ với cha mẹ dù chỉ là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng khiến họ được an ủi, hạnh phúc hơn.
  • Tại sao chúng ta lại chưa từng nghĩ: Ta có thể sai lầm, có thể khóc, có thể nóng giận, cũng có những khuyết điểm của người làm con vậy tại sao cha mẹ lại không thể?
  • Chúng ta không nên quát mắng cha mẹ trong lúc nóng giận. Vì đó thực sự là bất hiếu. Hãy bình tĩnh và lắng nghe cha mẹ giải thích. Vì gia đình cần sự thấu hiểu và yêu thương, bao dung, tha thứ cho nhau những sai lầm.
  • Lấy những dẫn chứng về tình cảm gia đình, đề cao sự thấu hiểu hoặc có thể lấy từ câu chuyện của chính mình để chứng minh.

c. Bình luận

  • Hai câu nói trong đề bài được trích dẫn vô cùng cảm động và sâu lắng. Đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa triết lý và là lời khuyên dạy cho con cái hiếu thuận hơn.
  • Đề cao tình cảm gia đình – thứ tình cảm diệu kì mà thượng đế ban tặng cho thế giới này.
  • Sự thấu hiểu của con cái dành cho cha mẹ sẽ là liều thuốc làm gia tăng tình cảm gia đình, gắn chặt hơn tình yêu chân thành, quý giá ấy.

d. Bác bỏ

  • Sự thấu hiểu ở đây là sự thấu hiểu hai chiều. Nếu như cha mẹ thấu hiểu con cái mà con cái lại không hiểu cho nỗi lòng cha mẹ và ngược lại thì sẽ gây ra những tranh cãi, hiểu nhầm.
  • Có một số người còn bất hiếu, chối bỏ công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ chỉ vì những giây phút nóng giận, cãi vã.
  • Mỗi người sinh ra không có quyền lựa chọn cha mẹ. Chính cha mẹ đã mang ta đến thế giới này bằng tình yêu chân thành, cao cả. Đừng bao giờ đem cha mẹ mình ra so sánh, đánh giá. Đừng ghen tị với cha mẹ của người khác.
  • Một số cha mẹ còn quá bảo thủ, áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của mình lên con cái. Chưa thật sự quan tâm con muốn gì và để ý đến cảm xúc của con. Điều đó có thực sự là tốt cho con hay không?
  • Những đáng tiếc xảy ra gần đây khi có vụ án mạng xảy ra khi những em học sinh nhảy lầu tự tự vì một phần vì áp lực học tập, một phần vì những kì vọng quá cao của cha mẹ. Dù chưa biết thực hư ra sao nhưng quả thực là đau buồn, đáng tiếc.

3. Kết bài

  • Rút ra suy nghĩ, bài học của bản thân từ vấn đề nghị luận trong đề bài.
  • Khẳng định hai câu nói trong đề bài vô cùng sâu sắc, cảm động, không những giáo dục con cái mà còn định hướng cho cha mẹ trong cách ứng xử, dạy dỗ con.

Xem thêm:

Xem thêm bài viết tham khảo của đề thi tại: https://thichvanhoc.com.vn/nlxh-chua-de-thi-hsg-tinh-quang-nam-nam-2022-bai-viet-tham-khao/

Tham khảo các tài liệu về Tác phẩm văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-pham/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học