một số lỗi thường gặp khi viết NLXH và cách khắc phục

Một số lỗi thường gặp khi viết bài nghị luận xã hội và cách khắc phục

Trong thời gian gần đây, Thích Văn học nhận được một số câu hỏi của rất nhiều bạn học sinh gửi về, chẳng hạn như: “Em viết như này tại sao lại bị giáo viên trừ điểm ạ?”, “Bài viết này của em có lỗi nào không ạ?”… Vô vàn những câu hỏi tập trung vào việc tìm ra lỗi sai trong bài viết NLXH.

Tổng hợp lại những thắc mắc trên, Thích Văn học dưới đây xin gửi tới các bạn một số lỗi khi viết NLXH mà các bạn hay mắc phải và cách khắc phục cho những lỗi đó.

 

1.Thiếu logic và khả năng triển khai logic:

Bài viết cần phải có cấu trúc logic, từ luận điểm, luận cứ đến dẫn chứng để minh chứng cho quan điểm mà đề bài đưa ra hoặc phản bác lại quan điểm của đề bài, sau cùng là tổng kết lại vấn đề. Nếu cấu trúc bài viết không rõ ràng hoặc thiếu logic, người đọc sẽ khó hiểu và không thể theo dõi tư duy của bài viết.

 

2. Sử dụng ngôn ngữ phức tạp:

Tránh sử dụng ngôn ngữ quá phức tạp, cụm từ khó hiểu hoặc từ vựng quá khó. Bài viết nghị luận xã hội cần phải truyền đạt ý kiến một cách rõ ràng và dễ hiểu tới người đọc, người nghe.

 

3. Thiếu dẫn chứng:

Để thuyết phục người đọc, ta cần phải cung cấp bằng chứng và dẫn chứng cụ thể để làm sáng rõ những luận điểm, lập luận. Việc thiếu bằng chứng có thể làm mất tính thuyết phục của bài viết.

 

4. Lạm dụng quan điểm cá nhân:

Mặc dù bài nghị luận có thể bao gồm quan điểm cá nhân nhưng cũng cần phải cân nhắc và đánh giá một cách khách quan. Việc lạm dụng quan điểm cá nhân có thể làm mất tính khách quan của bài viết.

5. Sử dụng thông tin không kiểm chứng:

Điều tối kỵ khi viết một bài văn hoặc một đoạn văn nghị luận xã hội là sử dụng thông tin sai lệch, không kiểm chứng, không đáng tin. Bởi lẽ, mục tiêu của một bài viết NLXH là nhằm thuyết phục người đọc, người nghe tin vào điều mình đang muốn đề cập tới. Vậy nên, cần luôn kiểm tra và đảm bảo tính xác thực của thông tin trước khi sử dụng trong bài viết.

6. Viết quá dài hoặc quá ngắn:

Bài viết quá dài có thể gây rối, mất tập trung cho người đọc, trong khi viết quá ngắn có thể làm cho bài viết trở nên thiếu chi tiết và không đầy đủ. Cần duyệt và chỉnh sửa bài viết để đảm bảo các yếu tố ĐÚNG – ĐỦ, trình bày ý kiến một cách mạch lạc, sâu sắc.

7. Thiếu sự sáng tạo:

Nhiều bài văn nghị luận xã hội trở nên nhàm chán do thiếu sự sáng tạo và cái tôi cá nhân. Biểu hiện tiêu biểu thường đến từ việc sử dụng quá nhiều một mẫu câu lặp đi lặp lại, ví dụ “Trong cuộc sống…”, “Trong xã hội hiện đại ngày nay…”; sử dụng quá nhiều một dẫn chứng hay liên hệ bản thân theo một cách khuôn phép “Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường…”; diễn đạt theo lối hô hào “Chúng ta phải…”, “Chúng ta cần lên án, phê phán…”. Những điều ấy không sai nhưng nó đã trở nên quá nhàm chán, việc sử dụng nhiều sẽ khiến bài viết không được đánh giá cao. Vậy nên, muốn bài viết NLXH không bị rập khuôn, ta cần đưa ra những góc nhìn mới, quan điểm độc đáo, đọc tài liệu tham khảo nhiều hơn để “tích góp” thêm cho mình những cách diễn đạt mới.

8. Lỗi về hình thức:

Trong quá trình làm bài, một số bạn thường không chú ý tới yêu cầu đề bài là cần một “đoạn văn”, hay một “bài văn” dẫn đến các bạn thường trình bày sai về mặt hình thức. Và một điều mà hầu như các bạn làm bài đều bỏ qua đó là kiểm tra lại chính tả trong bài. Nên nhớ rằng, một bài NLXH đã bao gồm cả điểm về khía cạnh hình thức này, nếu có sai sót thì sẽ bị trừ điểm khá nhiều.

9. Lạc đề:

Sau cùng là lỗi mà hầu hết các bạn không nắm vững kiến thức phân tích đề bài đều mắc phải: lạc đề. Nếu đề bài yêu cầu chỉ ra Ý NGHĨA/VAI TRÒ thì ta tập trung bàn luận về những lợi ích, điều đối tượng nghị luận mang lại và vị trí của nó trong cuộc sống. Nếu đề bài đi theo hướng CẦN LÀM GÌ thì nên tập trung vào bài học nhận thức và hành động, không nên thi theo khuôn mẫu mà chỉ tập trung bàn về vai trò còn phần chính là hành động thì bàn qua loa.

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học