Cách làm giàu ý trong bài viết NLXH

Cách làm giàu ý phần phản đề và mở rộng vấn đề bài NLXH

Khi chấm bài cho học sinh nói chung, cô Na thấy các bạn đang “khá đuối” ở phần phản đề, đặc biệt là phần “mở rộng vấn đề” nên cô mong muốn với những chia sẻ sau đây sẽ giúp các bạn “gỡ rối” và “làm giàu ý” của cho bài viết NLXH của mình nhé!

1. Phản đề thông qua tư duy từ ngữ đối lập

Phản đề thông qua tư duy từ ngữ đối lập

Hướng dẫn: Nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn và không ngừng đặt những câu hỏi vì sao và suy nghĩ đối lập để nảy sinh ý. 

Tích cực “tìm những từ trái nghĩa” với vấn đề nghị luận và “phân tích qua việc đưa lí lẽ về hậu quả, tác hại của vấn đề”. 

  • Nếu đi ngược lại vấn đề nghị luận con người sẽ như thế nào? Bản thân? Gia đình? Xã hội?
  • Tránh chỉ liệt kê một số từ ngữ trái nghĩa mà không có sự phân tích.

Ví dụ: Vấn đề nghị luận về sự sáng tạo

Những từ trái nghĩa: thụ động, sao chép, không tích cực trong việc tư duy và tìm kiếm những điều mới mẻ, không biết hướng đến những giá trị mới, lạc hậu, lỗi thời,…

Những lí lẽ, phân tích qua việc nêu tác hại (Đi ngược lại vấn đề nghị luận, con người sẽ như thế nào?): con người ta sẽ khó có thể hái được quả ngọt nếu cứ mãi duy trì trạng thái tiêu cực, không có sự sáng tạo ấy. Đó là sự thất bại ngay từ chính bản thân của mỗi người.

2. Mở rộng vấn đề thông qua việc đặt các câu hỏi logic

Mở rộng vấn đề thông qua việc đặt các câu hỏi logic

Hướng dẫn: Mở rộng vấn đề chính là phần nâng cao, có khả năng phân hoá học sinh. Để làm tốt phần này, phải có góc nhìn toàn diện, đầy đủ. Một số câu hỏi giúp gợi mở vấn đề:

  • Vấn đề nói thế đã đủ chưa? 
  • Vấn đề cần bổ sung gì không? Hay ngoài vấn đề thì cần có thêm vấn đề nào khác để được toàn diện?

Ví dụ: Vấn đề nghị luận tình yêu thương

Tình yêu thương là một yếu tố cần thiết để gắn kết giữa người với người trong cuộc sống. Nhưng yêu thương nhưng không phải cho đi một cách bố thí, hời hợt mà là sự phát khởi từ chân thành. Và để tạo nên một xã hội văn minh thì không chỉ là tình yêu thương mà con người cần trau dồi những phẩm chất khác như bao dung, vị tha, kiên trì,…

3. Phản đề, mở rộng vấn đề thông qua nhận định, danh ngôn, ca dao, tục ngữ,…

Phản đề, mở rộng vấn đề thông qua nhận định, danh ngôn, ca dao, tục ngữ,...

Hướng dẫn: Bên cạnh việc tìm từ trái nghĩa thì các bạn có thể phản đề thông quan nhận định, danh ngôn,…. Những câu nhận định, danh ngôn có thể đồng nghĩa với vấn đề nghị luận. Phân tích ý nghĩa của câu nhận định từ đó đưa ra phản đề có những người không đạt được ý nghĩa đó (ý nghĩa của nhận định) do (nêu mặt trái vấn đề)

Ví dụ: Vấn đề nghị luận ý chí, nghị lực

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

(Nhật ký trong tù – Hồ Chí Minh )

Thành công luôn đến từ những nỗ lực, những quyết tâm, kiên trì ví như những lời gửi gắm mà Bác Hồ đã góp nhặt trong những vần thơ. Ấy vậy, vẫn còn đó những con người không biết “gian nan rèn luyện mới thành công”, sống hèn nhát, thụ động, lười nhác, không có ý chí vươn lên trước nghịch cảnh của cuộc đời.

4. Đọc bài viết tham khảo, sách báo, ghi chép ý và tích cực luyện đề, học ôn tập các bài viết đã được chấm chữa

Đọc bài viết tham khảo, sách báo, ghi chép ý và tích cực luyện đề, học ôn tập các bài viết đã được chấm chữa

  • Chăm chỉ, tích cực đọc những bài viết ở các sách tham khảo, sách, báo để học cách diễn đạt, làm giàu vốn ngôn ngữ và trải nghiệm của bản thân, va chạm được với nhiều vấn đề nghị luận mới mẻ, thú vị. 
  • Ghi chép: Chủ động ghi chép vấn đề nghị luận và ghi chép ý đã đúc rút ra được từ những bài viết tham khảo. Thao tác này sẽ giúp các bạn ghi nhớ kịp thời và lâu dài ý, tránh tình trạng đọc bài nhưng không neo đậu được kiến thức. 
  • Ngoài việc đọc thì cần thực hành viết nhiều để tăng khả năng huy động ý, tư duy trực tiếp vấn đề nghị luận. Hơn nữa, luyện đề nhiều cũng là cách để các bạn tiếp xúc nhiều dạng đề và được chấm chữa, ôn tập.
  • Ưu tiên luyện đề của giáo viên giảng dạy đưa ra và đề trong các cuốn sách có đáp án để tham khảo. 
  • Chủ động ôn tập, ghi nhớ những bài viết, những dàn ý đã được giáo viên chữa để làm giàu ý.

Tham khảo những bài viết liên quan:

Những lưu ý khi làm bài Nghị luận xã hội theo chương trình mới

Những dẫn chứng Nghị luận xã hội tiêu biểu

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học