Cảm ơn bố!

Cảm ơn bố

Tiếng “Cảm ơn bố” – Con thay lời văn để truyền tải lòng mình

– Cô giáo bảo con đi thi Sử để nhường suất thi Văn cuối cùng cho bạn Ph.anh bố ạ!

– Thế con có nhường không?

– Con không. Nhưng mà giờ con sợ lắm! Lỡ đi thi không đạt giải, cô sẽ loại con ra khỏi đội tuyển mất!

– Yên tâm, kiểu gì đi thi cũng được giải cao.

Lời nói đó của bố khiến tôi nhớ mãi. Mỗi khi có chuyện gì, dù nhỏ hay lớn, dù là ngày bé bỏng ở với bố mẹ hay đã “lớn tồng ngồng” rồi đi học xa nhà, lời bố nói “yên tâm” vẫn luôn khiến tôi tin vô điều kiện. Quả thực, nụ cười của bố và câu “yên tâm” đó đã luôn là thứ tạo nên niềm tin cho tôi suốt những chặng đường đã qua.

Bố tôi năm nay đã gần sáu mươi rồi. Mọi người hay nói, “ông này” nhỏ xương, lại được bà vợ đảm nên trẻ lâu. Thế nhưng, những nỗi vất vả của bố, kể sao cho hết…
Thân hình nhỏ bé đó, đều đặn mỗi năm ba vụ, vác những bao ngô to hơn cả người, vượt triền đê cao ngất để chở về nhà sau mỗi vụ thu hoạch. Đôi vai gầy với những vết thâm do gánh gồng đó, được che đi bởi tấm áo lao động đã sờn chỉ, bạc màu. Và đôi tay đó, đã nổi lên những cục chai sạn màu vàng ngà, cứng đơ, không cách nào che giấu nổi…

Nhưng, dấu chân của thời gian không đủ sức che đi nét hiền hậu trên gương mặt bố. Dù những nếp nhăn ngày một nhiều lên, và thoáng đâu đó dưới làn da đã nổi lên những vết đồi mồi, nhưng trông bố vẫn luôn đẹp – nét đẹp của một người đàn ông thôn quê hồn hậu, thật thà. Người ta sẽ già đi cùng năm tháng, da sẽ nhăn, lưng sẽ còng, nhưng những nét chất phác, toát lên từ khuôn mặt đến dáng người đó, chắc rằng sẽ chẳng thể nào lu mờ.Mỗi khi cả nhà ngồi chuyện trò sau bữa cơm, mẹ tôi thường nói, từ nét mặt, đến đôi mắt hay vết đồi mồi của bố, đều giống hệt ông nội. Ngay cả tiếng nói ấm, nhẹ nhàng đó cũng rất giống ông. Chẳng biết là bà đang nhắc khéo các con về việc bố mẹ đã lớn tuổi rồi, hay là đang hạnh phúc, vì có một người đang từng ngày, từng ngày cùng mình già đi?

Ngày tôi 4 tuổi, cũng là lúc tỉnh kế bên mới có điện lưới quốc gia được kéo về. Và bố tôi, luôn có những chuyến dài ngày, đi lắp đặt hệ thống điện cho những nông trường, những miền xa xôi nào đó. Chỉ có một điều rất lạ là, dù ngày ấy chưa có điện thoại liên lạc như bây giờ, nhưng chỉ cần bố nói đi công việc X ngày, là chắc chắn X ngày sau, bố sẽ đạp xe mấy chục cây số để trở về, thăm chị em tôi và dúi cho mẹ một vài thứ “hay ho” là đặc sản của nơi mà bố đi tới.

Dần dần, tôi đã luôn chờ mong, và tin bố nhiều hơn. Những niềm tin và mong mỏi của tuổi thơ luôn được bố bù đắp bằng những gói kẹo bi nhiều màu, hay gói bánh “sẹo trâu” mà cả nhà tôi đều rất thích.

Còn nhớ, hồi học lớp 8, tôi ấm ức về kể với bố chuyện suýt không được đi thi HSG, bố đã động viên tôi bằng những lời như thế. Kết quả là, thành tích của tôi đứng nhất toàn trường. Bố vui lắm, có lẽ không phải vì lời nói trước đó của bố đã “trúng phóc”, mà là vì đã gieo được vào lòng tôi một niềm tin to lớn.
Từ đó, bố luôn là người tạo niềm tin cho tôi trong mỗi bước đi trên đường đời. “Từng kì thi nối tiếp nhau, tuổi thơ “tôi” trôi qua rất mau”. Và trong tất cả những kì thi đó, chỉ có duy nhất kì thi Đại học là tôi thất bại.

Một vấp ngã đầu đời… Tôi trượt Đại học với nguyện vọng 1, chỉ đậu nguyện vọng 2 vào khoa Văn, trường Sư phạm. Bố không nói với tôi một lời nào, suốt 21 ngày, chỉ vì tôi nói sẽ từ bỏ tất cả những cơ hội đó, để ở nhà ôn thi lại một năm nữa. Vì không thể chịu nổi áp lực quá lớn ấy, tôi đành phải nhập trường sau các bạn tròn một tháng, như để tránh đi thái độ lạnh lùng và nghiêm khắc của bố.
Bố nói con đường đến vị trí thẩm phán xa lắm, tôi sẽ trở thành một giáo viên Văn thôi, nghề đó hợp. Tôi chẳng tin… Nhưng rồi, sau ngần ấy năm đi học, ra trường rồi thử sức với nhiều công việc khác nhau, cuối cùng tôi đã là một giáo viên Văn, đúng như lời bố nói.
Tôi vẫn luôn tin bố, như thế!

Nhưng rồi, giờ lớn lên, đi học rồi làm việc xa nhà, tôi mới lại càng hiểu được, bố mới chính là người nói dối “trắng trợn” nhất.

… 6h sáng, mẹ gọi điện khi tôi còn chưa ngủ dậy. Mẹ nói, bố đi mổ. Thế đấy, bố đi mổ, nhưng khi ca mổ đã thành công, bố tỉnh và ăn được cháo rồi, mẹ mới báo cho hai chị em tôi biết. Bố nói bố không đau, “tiểu phẫu nhẹ nhàng ấy mà”. Nhưng có ai đi mổ về, mà lại không đau cơ chứ? Rồi trái gió trở giời, vết mổ cũ sẽ lại âm ỉ đau, sao có thể lành?
Rồi lại thêm một cú ngã gần đây. Hai chị em tôi ở xa, nghe nói bố bị ngã xe máy và câu chuyện “bố không sao đâu”, thì chỉ biết lẳng lặng thở dài. Tôi đã quá hiểu cách nói dối của bố mẹ rồi, nên nghe tin thì sắp xếp về ngay. Và cái “không sao đâu” của bố chính là việc đau đến nỗi phải uống thuốc an thần, giảm đau mới ngủ được; nằm ngủ cũng chẳng thể chuyển mình vì vết thương. Nếu tôi không về và hỏi chuyện kĩ càng, chắc mẹ cũng sẽ chẳng bao giờ nói “bố đau mấy hôm mà bạc hết cả tóc, nghe nói con gái về là vội vàng đi nhuộm lại ngay”.

Mỗi lần bố phải nhuộm lại tóc, tôi càng hiểu, mình chẳng còn bé bỏng gì nữa rồi. Dù về nhà vẫn đòi ngủ chung với bố mẹ, nhưng việc chị em tôi ngày càng lớn lên, còn bố mẹ mỗi ngày lại thêm già đi, là sự thật. Nhìn bố mới nhuộm lại tóc, người ta có thể khen “Ông Minh có con gái về lại trẻ ra chục tuổi”, nhưng chỉ vài ba hôm sau đó thôi, chân tóc trắng lại lũ lượt phủ lên mái đầu bố, chẳng thể giấu che nổi.

Thực sự tôi chẳng hiểu, con cái là cái giống loài gì, mà đủ lông đủ cánh sẽ bay đi? Chỉ còn lại bố mẹ, ở lại cùng nhau dưới mái nhà cũ, chăm sóc nhau như để bù đắp những tháng ngày tuổi trẻ, bận con cái, bận mưu sinh mà chưa kịp quan tâm, yêu thương nhau nhiều. Chớp mắt một cái, tuổi già đã đến trên đầu rồi…
Bố mẹ của chúng ta, ai cũng vậy, gánh trên đôi vai mình cả một giang sơn. Khi còn trẻ thì ôm đồm công việc, lắng lo cho các con đến từng kẽ tóc chân răng, chỉ đến khi thực sự biết mình già đi, họ mới bắt đầu “ý thức” được về việc, các con mình cũng đã lớn…

Hơn 3 năm trước, gia đình tôi xảy ra một biến cố lớn. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bố khóc. Khác hẳn với những lần trước, bố không còn che giấu tôi một điều gì cả. Bố lo gì, nghĩ gì, ấm ức điều gì, đều giãi bày hết cả. Nhưng trong những khoảnh khắc đó, tôi không khóc được. Tự dặn lòng phải cứng cỏi lên để làm chỗ dựa cho bố, cho gia đình, tôi chỉ dám rơi nước mắt khi đã tắt máy. Tôi không thể ngờ rằng, đến một thời điểm trong cuộc đời, người đàn ông luôn nghị lực, luôn cứng cỏi để gánh vác cả gia đình ấy, lại khóc trước mặt con gái và thừa nhận: “Bố già rồi, và cũng không làm được gì hơn nữa. Trông đợi cả vào các con đấy!”

Sau cú sốc đó, tôi như trở thành một con người khác: Làm việc nhiều hơn, ít nói ít cười hơn, và cố gắng sắp xếp thời gian về thăm nhà nhiều hơn trước. Mỗi lần về, nhìn gương mặt bố lo lắng và ánh mắt như đục dần đi, tôi lại càng không cho phép mình được yếu đuối. Bố đã dành một nửa đời người, để gieo cho tôi một niềm tin to lớn vào cuộc sống. Có lẽ, đã đến lúc, tôi cần phải đáp lại điều đó rồi…Có thể chúng ta hiểu, và luôn thầm cảm ơn những gì mà bố đã dành trao. Nhưng không phải ai cũng nói ra được câu “cảm ơn bố” hay một lời bày tỏ cảm xúc chân thành “con thương bố nhiều lắm!”
Không nói ra những câu chuyện nhỏ nhặt, hay tỉ mỉ dặn dò sớm tối như mẹ, những việc làm của bố rất lặng thầm. Thay vì la mắng chuyện cắm sạc điện thoại ở gần đầu rất nguy hiểm, bố lắp thêm một ổ cắm điện nữa phía dưới chân giường tôi; bố không nhắc đi ngủ sớm nhưng lại trở dậy tắt wifi trước 12h, … Và thế rồi, chúng ta cứ vin vào cái lí do, vì bố quá cứng cỏi và nghiêm khắc, mà không dành những lời yêu thương, cảm ơn cho người đàn ông yêu thương ta nhất trên đời đó.
Liệu rằng, có phải chính cuộc sống bộn bề này, đã khiến ta “quên” mất cách thể hiện tình yêu thương với bố rồi không?