Lẫy thần chàng đổi móng,
Lông ngỗng thiếp đưa đường.
(Nguyễn Khắc Hiếu)
I
Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:
Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh.
Hiu hắt Mỵ-Châu nằm, trăng phủ.
Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.
Cát vàng le lói muôn hàng châu:
Long lanh trai tuyết nhìn canh thâu.
Thương ai sao biếc thầm gieo lệ.
Sương mờ bay tỏa bạc ngàn lau.
Chân nàng hoa lả nhuốm màu sương.
Vừng trăng lạnh lẽo, chim kêu buồn.
Thân ngà tóc rủ vờn man mác,
Thiêm thiếp em chờ ai bên đường?
II
Bơ vơ Trọng-Thủy lạc rừng hoang,
Vời theo lông ngỗng rơi bên đàng;
Đau lòng mắt nặng rùng đêm lạnh
Thoảng tiếng trăng thưa chen lá vàng.
Lẫy thần trao móng, chàng đi xa.
Yêu nhau sao nỡ bạc nhau mà?
Chàng đi — cho bao giờ gặp gỡ! —
Phiên-ngung nước cũ, lệ chan hòa.
Nào lúc con thuyền sóng vỗ quanh,
Hiu hiu mây thoảng da trời xanh,
Xiêm bay theo gió, hồn vơ vẩn.
Gương biếc nàng xưa êm tô hình.
Nào lúc chiều hôm vang lửa hồng,
Chim bay tan tác, trời mênh mông.
Lẹ gót hài tiên nàng yểu điệu,
Bên lầu tựa cửa cuốn rèm trông.
Nào lúc đêm thanh mờ bóng trăng,
Nhìn thấy nàng gợi tiếng dương cầm.
Tóc liễu đua bay vờn má ngọc,
Lời ca thánh thót, chàng quên chăng?
Bơ vơ ngày cũ tưởng càng đau,
Tìm trông phương nào, hỡi Mỵ-Châu?
Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ,
Chàng đi man mác buồn, đêm thâu.
III
Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!
Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời,
— Đầu non mây bạc êm đềm phủ,
Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười…
1-1933
Bài thơ của tác giả Nguyễn Nhược Pháp.
Câu chuyện về nàng Mỵ Châu đã đồng hành cùng chúng ta trong suốt thời gian học Văn – Sử, từ bài học về đất nước Văn Lang, Âu Lạc đến truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ”.
Hy vọng bài thơ này sẽ giúp chúng ta hiểu được thêm về nỗi niềm của nàng Mỵ Châu. Và nếu có ai đó còn băn khoan, vì sao máu của nàng xuống nước lại biến thành ngọc trai – một thứ ngọc sáng đẹp và tròn đầu, thì chắc rằng cũng sẽ có câu trả lời!
Xem thêm:
Tham khảo các tài liệu về Tác phẩm văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-pham/
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học