An Dương Vương trong thư tịch và truyền thuyết

An Dương Vương trong thư tịch và truyền thuyết

Mở đầu lịch sử văn học viết Việt Nam là các tác phẩm được các tác giả sử dụng ký tự để sáng tạo, đã trộn lẫn với rất nhiều hình thức ghi chép sử, luật, triết, chế, chiếu, biểu…v.v. Thành tựu nghiên cứu ở nửa cuối thế kỷ XX gọi đây là “thời kỳ văn sử bất phân”. Đồng thời với việc hình thành một nền văn học viết, văn học dân gian vốn đã có diện mạo từ rất lâu, trước thời điểm này lại tiếp tục phát triển; đi tiếp những chặng đường phát triển độc lập của mình bên cạnh văn học viết. Văn học dân gian được các nhà tri thức ghi lại thành văn bản vào thời điểm nào đó, thì lập tức có ngay một dị bản tác phẩm văn học dân gian, đồng thời cũng là một tác phẩm văn học viết nằm trong cấu tạo hợp thức của văn học viết. Đặt vấn đề nghiên cứu truyện An Dương vương trong mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết theo quan điểm “hai dòng văn học” của Lênin thì thấy khá nhiều sự biến dạng mang tính vùng miền, tính lịch sử trong phổ biến của một cộng đồng dân tộc. Tình tiết câu chuyện được thêm bớt tùy thuộc vào lăng kính của người viết hoặc người truyền tụng. Người truyền tụng trong diễn xướng dân gian không giống như một người truyền giáo hay thuyết giảng. Câu chuyện Thục Phán cầm quân đánh thắng vua Hùng, đổi tên vương quốc Văn Lang thành Âu Lạc với niên hiệu An Dương. Gắn liền với kết cục mối tình bi thảm của chính con gái vua An Dương vương khi vua mắc mưu Triệu Đà và cái chết của Mỵ Châu đã trở thành bia miệng tiếng đời. Bởi vậy, chủ đề truyền thuyết An Dương vương có ba dị bản xuất hiện vào thế kỷ XV trong văn học viết Việt Nam ở ba tác phẩm. Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp viết về An Dương vương ngắn gọn, nhiều câu văn giầu hình ảnh. Chẳng hạn, đoạn miêu tả cảnh khi cha con cùng đường, Mỵ Châu chết oan vì hiếu tình trọn vẹn, nàng bộc lộ: “Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin: -Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín bị người phỉnh phờ thời hóa làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này.Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng, hóa thành minh châu. Vương cầm sừng tê bảy tấc theo thần Kim Quy rẽ nước đi xuống biển. Đời truyền nơi ấy ở chân núi Mộ Dạ, làng Cao Xá nay thuộc châu Diễn.Quân Triệu Đà đuổi đến đây không thấy gì hết, chỉ có tử thi Mỵ Châu. Trọng Thủy ôm thây nàng khóc, mang về chôn ở Loa Thành; hóa thành giếng Ngọc. Trọng Thủy thương cảm vô cùng, thấy lại những chỗ trang điểm hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng, bèn nhảy xuống giếng mà chết. Sau này ai được ngọc châu ở minh hải, múc nước giếng ấy mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. ” Bản Vũ Quỳnh – Kiều Phú viết: “Vua vô tình gả con gái là Mỵ Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái nẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng, nói dối là về phương Bắc thăm cha; Thủy nói với Mỵ Châu rằng: – Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như hai nước bất hòa, bắc nam cách biệt, ta tìm nàng lấy gì làm dấu? Mỵ Châu đáo: – Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt ly thì đau đớn khôn xiết.” Sách Tân đính Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh thì gắn kết câu chuyện theo xâu chuỗi liên hoàn và đặt tên:

Vua An Dương phí sức xây thành
Thần Kim Quy hiến kế chém yêu tinh.

Đại Việt sử ký toàn thư của các sử thần triều Lê thì tinh giản đến mức tối đa và biến tình tiết truyện thành sự kiện.Tuy cùng ra đời trong khoảng thời gian gần nhau, nhưng ở cả ba dị bản đều có biểu hiện khác nhau về cách xây dựng văn bản.Có lẽ Đại Việt sử ký toàn thư đã sử dụng lại tư liệu từ hai sách trên để viết sử Việt trong phần thượng cổ thời đại. Với tư cách là một dị bản văn học dân gian được phổ biến theo trình độ học vấn, rồi chuyển hóa trở lại theo phương thức truyền miệng, sách Đại Việt sử ký toàn thư ở phần Ngoại kỷ viết: “An Dương vương ở ngôi 50 năm. Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Giáp Thìn năm thứ nhất (257 tr.CN) vua đã kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc. Lúc đầu vua nhiều lần đem quân đánh Hùng vương, nhưng Hùng vương binh mạnh, tướng giỏi, vua bị thua mãi. Hùng vương bảo rằng: “- Ta có thần giúp sức, nước Thục không sợ ư ? ” Rồi Hùng vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, vua hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết. Dư chúng quay giáo đầu hàng Thục vương”. Đoạn sau nói rõ việc Thục vương đắp thành Cổ Loa, chống giặc Tần, đổi tên nước Văn Lang thành nước Âu Lạc xưng vua, hiệu là An Dương vương. Khi “nỏ thần vô ý trao tay giặc” thì mất nước.Năm 1758, sách Đại Việt sử ký tiền biên có phủ nhận một điều: “An Dương vương húy Phán, người Ba Thục ở ngôi 50 năm. Sử cũ chép là họ Thục, không đúng.” Các tác giả cũng chép lại nhiều sự kiện như Đại Việt sử ký toàn thư và nhấn điểm “tổ tiên vua Thục kết hôn với con gái Hùng vương là Mỵ Nương không được, lấy làm căm giận, di chúc cho con cháu đời sau phải diệt nước Văn Lang. Đến nay, vua có đủ dũng cảm bèn thôn tính.” Thực tế từng đoạn văn trần thuật trên đã trở thành một dị bản văn học dân gian, nhưng chưa thật hoàn chỉnh và còn thiếu tính hình tượng văn học. Đó là dị bản thứ tư ở thế kỷ XV (ĐVSKTT) và thứ ba ở thế kỷ XVIII (ĐVSKTB) của truyền thuyết An Dương vương. Ở thế kỷ XV Ngô Sĩ Liên đàm luận: “Vì là thần tựa vào người mà hành động, thác vào vật để mà nói năng. Nước sắp thịnh thì thần minh giáng để xét đức ra sao; nước sắp mất thần minh cũng giáng để xét ác ra sao…An Dương vương hưng công đắp thành có phần không dè dặt sức dân, cho nên thần minh nhập vào rùa vàng để răn bảo, thế chẳng phải là làm cho dân oán trách quá mà đến thế ư?” Và theo lý lẽ rất biện chứng của sử gia thì mọi chuyện thần thánh, ma quái“đều là lối giả thác ra để làm thành vật thiêng mà thôi. Bằng như giữ nước chống giặc, tự có đạo lý, đúng đạo thì được nhiều người giúp mà nước hưng thịnh, lỗi đạo thì ít người giúp mà nước bại vong, không phải là vì những thứ ấy.” Hơn 200 năm sau, sử thần Ngô Thì Sĩ cũng có lời bàn tương tự “phàm vật gì mà trái với thường trái với thường thì gọi là yêu, yêu khí mạnh tất phải có gì dựa vào, nhưng dựa vào con gà và người con gái mà đạp đổ được thành thì rõ ràng không có lý.”Cổ thời, khi các tiểu vương quốc đã và đang hình thành ở các nước Đông Nam Á, nhiều khi sự tranh giành địa phận cư trú hoặc tính tự tôn tộc người cũng để lại dấu ấn lịch sử. Dấu ấn lịch sử đó được lưu giữ, truyền lại cho rất nhiều thế hệ sau, nhưng tất cả những dị bản đó đều đã bị “tô hồng” hoặc “bôi đen” theo sự trưởng thành của mỗi cộng đồng tộc người. Nói cách khác, truyền thuyết dù đã được ấn định thành một văn bản nào đó hoặc vẫn được truyền miệng thì mỗi dị bản đó đều mang dấu ấn riêng ở tình tiết câu chuyện.Đến giữa thế kỷ XVI (khoảng 1548-1553), tác giả Việt Sử diễn âm cũng căn cứ vào sử cũ và chắc cũng có điều tra lại mảng truyền thuyết An Dương vương ở địa phương nên những dòng diễn ca ở tác phẩm này dài hơn(từ câu 65 đến câu 165). Điều đáng lưu ý về cái chết của Mỵ Châu không phải do cha chém mà do nàng tự vẫn:

Rằng tôi thần đạo thực thà
Vì chồng cho lỗi đạo cha muôn đời
Bởi vì lòng dễ nghe lời
Há rằng tôi có mỗ lời chẳng ngay
Tả hết nỗi lòng đắng cay

Mỵ Châu tự vẫn thương thay khôn nài.Đầu thế kỷ XVII (khoảng 1624 – 1657) dường như tác giả Thiên Nam minh giám đọc quá kỹ các bộ sử cũ và rất tâm đắc với những lời bình đầy tính biện chứng của Ngô Sĩ Liên mà rằng:

Họ Cao nhiều chước đem quân
Một niềm son đỏ mười phần thảo ngay
Từng nhiều trận ra tay thước lạ
Thao lược nhiều khác giá mọi ngươi
Dựng nên thần nỏ để đời

Vuốt rùa chẳng có sức người sao thiêng.Khi cùng phiên âm Thiên Nam ngữ lục với Nguyễn Lương Ngọc – khoảng giữa thế kỷ XX (1959), Đinh Gia Khánh đã nhận xét: “Thiên Nam ngữ lục không theo sử mà đã thuật thảm tình Mỵ Châu Trọng Thủy theo truyền thuyết và thần tích; đại ý truyền thuyết cho Trọng Thủy là đứa bất lương đã đánh trộm nỏ thần lại còn bày mưu cho Mỵ Châu rắc lông ngỗng dọc đường để dễ bề theo đuổi cha con An Dương vương; còn Mỵ Châu thì không những không phải lòng Trọng Thủy (như sách Trung Quốc đã chép) mà còn rất hiền và rất chung thủy; khi Mỵ Châu chết, xác trôi ngược sóng từ bể nam về đến Cổ Loa; hồn Mỵ Châu nhập vào một phiến đá, đêm đêm thường hiện lên mà mà ta oán cha con Triệu Đà…”Rõ ràng là đoạn sau truyền thuyết An Dương vương ở dị bản lập thành trong Thiên Nam ngữ lục – diễn ca lịch sử của thế kỷ XVIII, có tình tiết về cái chết và hành trình trở về của Mỵ Châu (mặc dầu chỉ còn là xác chết) kể khác hẳn các dị bản trước. Khác biệt hơn, dị bản Thiên Nam ngữ lục còn hư cấu thêm chuyện Mỵ Châu có một con trai với chồng rồi tai họa mới xảy ra:

Xương chu giồng ắt nở lên
Năm sau nàng Mỵ mỗ liền có thai.
Mãn nguyệt sinh đặng con trai
Diện mạo hiền tài tư chất thonh dong…
Và ông ngoại An Dương vương thì:
An Dương dấu nể trong lòng
Lấy làm khí huyết sinh cùng thịt xương.
Nâng niu xem bằng ngọc vàng
Yêu con dấu mị chẳng phương chút rời

Chẳng con trai đã cháu trai…Quốc sử triều Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám cương mục không viết dị bản mới về truyền thuyết An Dương vương mà chỉ chép lại theo Đại Việt sử ký toàn thư. Song, một dị bản truyện An Dương vương lại được tái hiện trong Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái với 35 câu thơ trên sáu dưới tám. Đoạn sử ca thuật lại câu chuyện từ lúc An Dương vương lên ngôi đến khi “cơ mưu chẳng nhiệm thôi còn trách ai” , nhưng trước khi tỏ thái độ phê phán An Dương vương; tác giả đư được khá nhiều sự kiện lịch sử vào văn bản truyện kể. Nhà Tần thôn tính thiên hạ, đặt chức úy, lệnh cho quan văn, quan võ trị nhậm ở từng quận huyện:

Thục vương có nỏ thần quyền
Muôn quân buông một lượt tên còn gì
Nhâm Ngao mắc bệnh trở về
Triệu Đà lại khiến sứ đi xin hòa.
Bình Giang rạch nửa sơn hà
Bắc là Triệu úy, nam là Thục vương.
Mặt ngoài hai nước phân cương
Mà trong Triệu lại mượn đường thông

Nhìn nhận khách quan từ những câu ca tả thực, rõ là“biên cương” thời các tiểu vương quốc chỉ là ranh giới tạm chấp nhận với nhau giữa các dòng họ hoặc một tộc người mà thôi. Nếu quả đúng như lời ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì thời đó, sông Thương (tức sông Bình Giang trong diễn ca) giữ vị trí giáp giới “hai nước” một của Triệu Đà, một của Thục Phán. So với hiện tại, địa phận do các ông cai tri chỉ nhỏ như một tỉnh hoặc ba, bốn huyện ngày nay.Như vậy nhân vật Thục Phán – An Dương vương“người Ba Thục” có hành trạng cuộc đời ra sao, các dị bản truyền thuyết từ thời Lê đến thời Nguyễn chỉ ghi chép sơ lược từ khi ông thôn tính nước Văn Lang và “ở ngôi 50 năm” thì ông mất. Cả bốn dị bản trong thư tịch cổ Việt Nam đều thống nhất một cốt truyện, nhưng khá chi tiết về mối tình và bi kịch tình yêu của Trọng Thủy- Mỵ Châu.

Đến ngày nay, truyền thuyết dân gian về An Dương vương ở Cao Bằng vẫn kể: Trước đây hơn 2000 năm, ở phía bắc nước Văn Lang ngay đầu sông Tả, có nước Nam Cương, do chín xứ: Bảo Lạc, Hà Quảng, Hạ Lang, Thái Ninh, Thạch An, Thạch Lâm, Phục Hòa, Quảng Uyên, Quỳ Sơn hợp thành. Vua đặt niên hiệu là Thục Chế An Trị, đóng đô ở quận Nam Bình (tức Cao Bình = Cao Bằng sau này). Sau 60 năm trị vì, vua Thục Chế qua đời, thọ 95 tuổi. Con trai là Thục Phán kế ngôi mới có 10 tuổi. Trên thực tế, Thục Phán nối ngôi cha, nhưng quyền hành cai quản nước Nam Cương do cháu vua là Thục Mô đứng sau rèm nắm giữ. Lãnh chúa chín vùng trong nước Nam Cương không thuần phục, nổi dậy chống đối. Trì hoãn tình hình cũng chỉ được vài ba năm, Thục Mô phải trao lại tất cả quyền hành cho đương kim hoàng thượng Thục Phán. Vua Thục Phán cho mở cửa thành, mời cả chín chúa trong nước vào hội kiến. Sau khi thống nhất việc tiếp tục xây dựng biên cương bờ cõi nước Nam Cương. Thời gian sau, chín chúa xin vua Thục Phán mở hội thi tài. Vua vui vẻ nhận lời và hai cuộc thi tài đã được tổ chức.Chẳng những thế, vua Thục Phán còn ra điều kiện là qua hai cuộc thi tài, ai giành phần thắng vua sẽ nhường ngôi báu. Cuộc thi thứ nhất là các cặp chúa đấu võ với nhau. Cụ thể là: Tiến Đạt xứ Thạch Lâm đấu với Ngọc Tăng xứ Phục Hòa, Thiết Vận xứ Quảng Yên đấu với Việt Dũng xứ Thái Ninh,Văn Thắng xứ Quỳ Sơn đấu với Thành Giáng xứ Hạ Lang, Tuyền Thương xứ Hà Quảng đấu với Quang Thạc xứ Bảo Lạc và Tiến Đạt lại đấu tiếp với Kim Đán xứ Thạch An. Cả chín chúa ai cũng tự cho mình là tài giỏi võ nghệ. Hết thời hạn thi đấu, không có cặp nào thắng cuộc. Cuộc thi thứ hai là thi trình nghề. Thời gian hạn định trong ba ngày ba đêm, trước lúc gà gáy canh năm ai hoàn thành việc mình đã được nhận thi tài trình nghề đến trước thì được vua trao ngôi cho. Lần thi tài thứ hai vua “ra đề” có linh hoạt hơn: Chúa Quảng Thạc mua trống đồng từ Bắc quốc, chúa Ngọc Tăng đóng thuyền rồng, chúa Việt Dũng làm nghìn bài thơ, chúa Tiến Đạt nhổ mạ cấy phủ kín đồng Chúp, hai chúa Tuyền Thương và Thành Giáng lấy đá đốt vôi gạch đủ xây thành, chúa Văn Thắng đẽo đá làm guốc, chúa Kim Đán bắn rụng lá đa bằng cung tên, chúa Thiết Vận mài lưỡi cày làm kim.Biết là công việc giao cho mỗi chúa đều khó khăn cả, vua còn cho tuyển chọn đủ chín cung nữ xinh đẹp, có võ nghệ đoan trang khôn khéo ngầm đi theo chín chúa để làm tình với chín chúa trong thời hạn thi tài. Kết cục, chẳng ai thắng cuộc, cả chín chúa hết mộng được làm vua.Khẩu ngữ dân gian Tày ghi nhớ sự kiện chín chúa tranh vua bằng khẩu ngữ tiếng Tày là “cẩu chủa cheng vùa”. Một số địa danh, di tích nay vẫn còn được dân chỉ rõ, ví như phia Mịa xứ Thạch Lâm là núi Mịa của huyện Hòa An (tên cũ là Thạch Lâm), Quy Sơn nay thuộc Quảng Tây (Trung Quốc), đồng Chúp nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hòa An…v.v. Vua Thục Phán cai trị đất nước Nam Cương bình an thịnh vượng, đến năm 21 tuổi thì nhiều lần cất quân đi thôn tính các tiểu vương quốc lân cận. Đánh chiếm Văn Lang nhiều lần thất bại, cuối cùng Thục Phán cũng áp đảo và chiếm được tiểu vương quốc của Hùng vương. Sau khi đổi tên nước thành Âu Lạc, với quốc hiệu An Dương vương; ở ngôi gần 50 năm sau thì Triệu Đà ở phương bắc lại nhăm nhe xâm chiếm toàn cõi đất nước do vua Thục Phán gây dựng. Sau Triệu Đà dùng mưu cho con trai là Trọng Thủy sang cầu thân rồi làm con rể vua An Dương vương, Trọng Thủy lấy trộm được nỏ thần, Thục Phán chiếm được thành Loa, lập kinh đô mới. Thiên tình sử Trọng Thủy – Mỵ Châu để lại bài học cảnh giác và biết bao ai oán lụy sầu, khi người đứng đầu vương triều hai nước lân bang vì quá mức cả tin, lồng khéo chủ định thôn tính nhau của một phía, khiến cho đôi trẻ băn khoăn đôi ngả giữa việc công việc tư không đủ sức phân xử, dẫn đến bi kịch tình yêu như tiếng nấc muôn đời khôn nguôi. Nhiều câu ca, truyện thơ dân gian cũng phỏng theo cốt truyện mà sáng tác.Truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa đã được tác giả Lê Sơn viêt thành một truyện thơ dài hơn một nghìn câu, nhiều đoạn tả thực khá cụ thể:

Từ khi vua An Trị xưng vương
Dân đất nước An Cương an lạc
Không hề có quân giặc quấy mường
Chín xứ khắp bốn phương thần phục
Hoặc khi đổi tên nước là Âu Lạc thì có đoạn:
Thục Phán từ đó xưng vương
Hiệu là An Dương vương hoàng đế
Liền đóng đô ở Cổ Loa thành
Đổi quốc hiệu lấy tên Âuu Lạc
Từ đây là đất nước hùng cường
Nhân dân khắp bốn phương yên ổn.

Trong các tình tiết của truyền thuyết Chín chúa tranh vua còn nói khá rõ địa danh Khau Khấu, Phia gót – nơi chúa Thành Giáng xứ Hạ Lang đã “Lấy đá để thay gạch xây thành/Nàng tiên nữ theo chàng lên núi/Khuôn đá xanh xuống núi xây thành/Giúp Thành Giáng cửa đông xây nốt” – nay thuộc xã Hoàng Trung, huyên Hòa An – nơi tọa lạc ngôi đền vua Lê trong khuôn viên thành Nà Lữ. Phải chăng sự kiện xây thành do truyền thuyết nói đến là đích thực. Theo chúng tôi, truyền thuyết dân gian chỉ là một tia hy vọng mỏng manh có ý nghĩa về ý thức văn hóa, nghĩa là tri thức dân gian đã hình tượng hóa biểu tượng, nhằm tô hồng hoặc bôi đen biểu tượng theo nhãn quan nghệ thuật truyền miệng. Song đối với bất cứ một truyền thuyết hay giai thoại dân gian nào cũng vậy, người nghiên cứu lịch sử văn hóa cần nghe để biết mà đi tìm sự thật. Dị bản do Lã Văn Lô viết lại năm 1963 đến nay vẫn còn được truyền tụng trong đời sống dân gian.Năm 2001, nhóm tác giả Non nước Cao Bằng lại kể Thục Phán là người ở bộ Vũ Định thuộc nước Văn Lang.Ngược lại khoảng thời gian 60 năm gần đây, truyền thuyết An Dương vương đã được các nhà khoa học Việt Nam sớm quan tâm nghiên cứu sưu tầm. Năm 1959 Nguyễn Đổng Chi trong Lược khảo thần thoại Việt Nam đã viết lại câu chuyện ngắn gọn, khúc triết theo văn phong hiện đại.Đoạn trích ví dụ: “Yêu quái trừ xong, quả nhiên An Dương vương xây thành không đổ nữa. Chẳng bao lâu thành đấp xong, cao lớn, dài hơn ngàn trượng hình xoáy trôn ốc, gọi là Loa thành. Trước khi ra về thần Kim Quy rút móng trao cho An Dương vương bảo dùng làm nẫy nỏ có thể là vật cự địch rất mầu nhiệm.”

Phạm vi bài An Dương vương trong thư tịch và truyền thuyết đã tự hạn chế đề cập vấn đề trong thư tịch và văn học dân gian Việt Nam.Sự thực trong cổ sử của bất cứ tộc người nào trên thế giới cũng đều có những trang mở đầu bằng truyện thần thoại; nhưng thần thoại đã gần như mất hết, chỉ còn mảnh vụn lưu lại trong sử thi và truyền thuyết dân gian. Song truyền thuyết đến độ phát triển của nó, thì nó lại vận dụng tối đa thủ pháp sáng tạo nghệ thuật của thần thoại, thậm chí là thần thoại hóa trong cốt truyện trong tình tiết. Hai xu hướng lịch sử hóa truyền thuyết và truyền thuyết hóa lịch sử ở Đông Nam Á nói chung, trường hợp Việt Nam nói riêng cứ đan xen tồn tại trong đời sống văn hóa dân gian khiến cho mối quan hệ giữa văn học viết – ở đây là một số đoạn sử ký trong các bộ cổ sử – và văn học dân gian không thể biệt lập về thể loại và nội dung phản ánh.Chỉ có điều truyền thuyết không phải tất cả là chính sử; nhưng dù biện luận bằng cách nào mở đầu trang sử của bất cứ tộc người nào cũng không thể bỏ qua.

|Trương Sĩ Hùng – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.


Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học