Phân tích Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi (đoạn 1)

đoạn 1 bình ngô đại cáo

Nếu như ở thế kỉ XI, giặc Tống hồn xiêu phách lạc khi nghe bài thơ thần Nam quốc sơn hà vang lên bên bến sông Như Nguyệt, đến năm 1945, thực dân Pháp cũng chẳng còn lý do gì để tiếp tục “khai hóa, mẫu quốc” An Nam sau khi nghe những lời tuyên bố dõng dạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản “Tuyên ngôn Độc lập”, thì ở thế kỉ XV, áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc Việt. Ra đời sau chiến thắng giặc Minh vang dội của quân khởi nghĩa Lam Sơn, bài cáo là sự kết tinh của lòng yêu nước, ý chí đánh giặc quật cường của một dân tộc phải sống trong những ngày tháng đau thương, khổ nhục mà rất đỗi vinh quang. Cho đến ngày nay, “Bình Ngô đại cáo” được người đời coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước nhà.

Nhắc tới “Bình Ngô đại cáo”, người ta nhớ ngay đến một văn kiện lịch sử, một khúc ca khải hoàn của một đất nước đã trải qua hai mươi năm đằng đẵng với đầy những khổ cực dưới ách đô hộ của giặc Minh. Áng “thiên cổ hùng văn” là áng văn hùng tráng được lưu truyền đến cả nghìn đời. Để có được danh xưng ấy đòi hỏi một tác phẩm văn chương xuất sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật, những giá trị lịch sử, tư tưởng vĩ đại mà nó để lại. Trước Nguyễn Trãi, thời Lý và Trần đã có những áng văn chính luận nổi tiếng như “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn hay “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, nhưng chỉ đến Bình Ngô đại cáo, tính chất hùng ca mới được thể hiện một cách toàn diện từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Nguyễn Trãi đã biến một văn kiện lịch sử mang tính khô khan, cứng nhắc, đầy chất sắc lệnh trở thành một áng “thiên cổ hùng văn” say mê lòng người và có giá trị đến nghìn đời.

Dù đã sáu thế kỉ trôi qua, nhưng chắc hẳn dân tộc ta vẫn luôn tự hào khi có một bản hùng văn tráng lệ như “Bình Ngô đại cáo”. Tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng hòa bình, ý chí bất khuất trên con đường đấu tranh bảo vệ đất nước. Trong từng câu, từng chữ của Nguyễn Trãi chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có sự kiên quyết, vững trãi trong lời mở màn đầu tiên:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Nhân nghĩa vốn là một tư tưởng đạo Nho, thể hiện cách hành xử tốt đẹp giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lý. Từ tư tưởng ấy, Nguyễn Trãi đã chắt lọc lấy hạt nhân cơ bản của tư tưởng nhân nghĩa: nhân nghĩa chủ yếu để yên dân, mà muốn cho dân yên thì trước hết phải lo tiêu diệt quân tàn bạo. Tư tưởng đó đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Đó chính là cơ sở để tác giả bóc trần những luận điệu xảo trá của giặc Minh, đồng thời khẳng định lập trường chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn và tính phi nghĩa của kẻ thù xâm lược.

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trãi còn đầy tự tin, bản lĩnh khẳng định chủ quyền của dân tộc ta, ông không chỉ khẳng định trên phương diện cương vực lãnh thổ, mà còn khẳng định ở những phương diện mang chiều sâu, thuộc về vốn văn hóa, truyền thống của mỗi dân tộc:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Tác giả đã liệt kê hàng loạt các yếu tố như: nền văn hiến, núi sông bờ cõi, phong tục, lịch sử và hào kiệt đã xác lập một cách trọn vẹn về nền độc lập của nước nhà, cho thấy sự tồn tại hiển nhiên, vốn có từ lâu đời của một nước Đại Việt độc lập, có chủ quyền và văn hiến. Với giọng điệu đanh thép, dứt khoát, mang tính chất của một lời tuyên ngôn, ông đã hoàn thiện quan niệm về quốc gia, dân tộc, đây là một bước tiến không hề nhỏ so với “Nam quốc sơn hà” được coi là bản tuyên ngôn độc lập trước đó. So với “Sông núi nước Nam”, “Đại cáo bình Ngô” đã được Nguyễn Trãi nâng tầm chân lý độc lập một cách toàn diện, rất cụ thể chứ không mơ hồ. Cái toàn diện ấy được thể hiện qua việc Lý Thường Kiệt mới chỉ xác định được sự sống còn của một dân tộc ở hai phương diện, đó là lãnh thổ và chủ quyền. Trong khi đó, Nguyễn Trãi đã xác định định nghĩa của “dân tộc” trên nhiều phương diện khác nhau: từ lãnh thổ, nền văn hiến, phong tục tập quán đến lịch sử, chế độ và con người. Còn nhớ trong “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt chỉ căn cứ vào “thiên thư” – sách trời, yếu tố tâm linh chứ không phải theo dòng lịch sử, còn Nguyễn Trãi đã ý thức rõ về văn hiến, truyền thống lịch sử và con người – những yếu tố thực tiễn cơ bản nhất, các hạt nhân xác định hai chữ “dân tộc”. Tuy nhiên sức thuyết phục trong cách khẳng định độc lập chủ quyền này ở chỗ, nhà văn chính luận kiệt xuất ấy đem đặt trong thế so sánh giữa hai quốc gia Đại Việt với Đại Hán. Không xét đến các yếu tố lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, mà xét theo việc có hay không, thì cả năm yếu tố nhà văn chỉ ra hai đất nước, hai dân tộc đều tương xứng. Cách khẳng định chân lý độc lập vì thế mà có giá trị cao hơn, vừa chắc chắn vừa nâng tầm vị thế của dân tộc ta ngang hàng với dân tộc, quốc gia Đại Hán. Hơn nữa, các từ ngữ như “từ trước”, “đã lâu”, “đã chia”, “cũng khác”, “bao đời”,… liên tiếp nhau cho thấy sự tồn tại hiển nhiên, vốn có, lâu đời của một nước Đại Việt độc lập, có chủ quyền và văn hiến, cũng lâu như thể sự tồn tại của đế cường phương Bắc. Cách khẳng định chủ quyền ấy chính là một đòn giáng chí mạng vào những kẻ đang “thừa cơ gây họa” đối với dân tộc ta.

Và sau cùng, Nguyễn Trãi đã rất hả hê khi nhắc lại những chiến công oanh liệt do những anh hùng hào kiệt nước Đại Việt lập nên. Ông như muốn cười vào mũi bọn phương Bắc – cái lũ đã xem nước ta như một quận huyện nhỏ của chúng, cái lũ chỉ tham công, thích lớn, thậm chí còn trắng trợn muốn làm cỏ nước Nam – thế mà lại thua te tua và thảm hại, thua hết sức nhục nhã mỗi khi giao chiến với nước Nam nhỏ bé ấy:

“Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi”.

Phần đầu của bài cáo là một lời khẳng định hết sức tự hào về đất nước: Đây là một đất nước có nhân nghĩa, có một nền văn hiến hết sức lâu đời và nhờ lấy “nhân nghĩa” làm triết lí sống nên mới có được nền văn hiến lâu đời đến như vậy, mới đánh thắng được bọn xâm lược phương Bắc, những kẻ không có chút “nhân nghĩa” đó. Nguyễn Trãi đã tổng kết những chiến công oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Cách liệt kê, lồng ghép dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, cùng những lời lẽ chắc chắn, hào hùng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Người đọc thấy ở đây ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi đã vươn tới một tầm cao mới khi nêu cụ thể, rõ ràng từng chiến công oanh liệt của quân và dân ta ở “cửa Hàm Tử”, “sông Bạch Đằng”,.. thêm vào đó là sự xem thường, căm ghét đối với sự thất bại của những kẻ xâm lược không biết tự lượng sức : “Lưu Cung tham công”, “Triệu Tiết thích lớn”, Toa Đô, Ô Mã, tất cả chúng đều phải chết thảm. Đoạn thơ đã một lần nữa khẳng định rằng: Đại Việt là một quốc gia có độc lập, tự chủ, có nhân tài, có tướng giỏi, chẳng thua kém gì bất cứ một quốc gia nào. Bất cứ kẻ nào có ý muốn thôn tính, xâm lược ta đều phải chịu kết quả thảm bại. Cuộc chiến chống lại quân giặc, bảo vệ dân tộc là một cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, chứ không như nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa khác, cho nên, dù có thế nào đi chăng nữa, đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Nhà thơ Xuân Diệu từng nói: “Trước Lê Lợi, đã từng có chiến thắng oanh liệt đuổi sạch quân Nguyên xâm lược ở thời nhà Trần, sau thời Lê Lợi, sẽ có chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xâm lược, nhưng trong văn học sử chỉ có một áng văn Bình Ngô đại cáo, bởi các lẽ: không có ba Nguyễn Trãi để viết ba áng văn khải hoàn mà lịch sử đòi hỏi ở ba thời điểm, mà chỉ có một Nguyễn Trãi cụ thể, hiệu Ức Trai, ở đầu triều Lê cùng với tài thao lược kinh bang tế thế, đã có cái thiên tài viết văn”. Sau Bình Ngô đại cáo, văn học trung đại còn xuất hiện nhiều áng văn nghị luận khác nhưng có lẽ không sáng tác nào có đủ khả năng để vượt lên tính chất hùng tráng mà bản đại cáo này mang lại. Đọc áng “thiên cố hùng văn” này, ta đã phần nào cảm nhận được sức mạnh hơn mười vạn quân từ mỗi trang nghị luận của nhà tư tưởng, nhà văn kiệt xuất Nguyễn Trãi. “Bình Ngô Đại cáo” đã và đang giữ được giá trị và tầm ảnh hưởng qua các thế kỉ, khẳng định tài năng và ngòi bút vượt trội của Nguyễn Trãi. Áng “thiên cổ hùng văn” ấy được cả một quốc gia, một dân tộc ghi nhận, được đất trời, quần chúng chứng giám, là niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Đại Việt về chiến công lừng lẫy, đánh đuổi ngoại xâm. Đây xứng đáng được coi là tác phẩm chính luận xuất sắc nhất của văn học thời kì Trung Đại.


Bài làm của Khánh Linh, lớp Văn 10 cô Ngọc Anh.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu cơ bản tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/co-ban/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học