Phân tích đồng chí

Phân tích bài thơ ĐỒNG CHÍ (Phần 1)

I. Mở bài

“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường cát trắng quê tôi, anh thanh niên vẫn đến trường làng vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…”. Hình ảnh vết chân tròn chắc hẳn ai cũng biết đó là do chiến tranh để lại, để có độc lập và cuộc sống yên bình như hiện tại bạn có biết bao người đã phải hy sinh không? Anh thương binh tuy tật nguyền nhưng còn có thể trở lại quê hương, tuy nhiên có những người ra đi mãi mãi và mãi mãi. Cũng từ đó mà hình ảnh người lính đi vào thơ ca của người thi sĩ cách mạng Chính Hữu một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Ông thật sự xúc động và thương xót và cho ra đời bài thơ vào năm 1948. Không biết thế nào mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua sợi tơ tình đồng đội vẫn con ngân vang, rung động trong lòng người đọc với giai điệu riêng của mình.

II. Thân bài

Bằng ngòi bút tài hoa của mình Chính Hữu cùng với câu thơ tự do, thủ thỉ đầy tâm tình, ông dẫn người đọc từ từ vào cơ sở hình thành nên tình đồng chí :

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Với cấu trúc song song cùng thành ngữ “nước mặn đồng chua“ chính là nơi anh ra đi, còn với tôi là nơi “đất cày lên sỏi đá”. Tác giả đã giới thiệu với chúng ta hoàn cảnh xuất thân của những người chiến sĩ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi với anh đều là những người nghèo khổ, đều là những người “mới hôm qua còn tì tay lên cán cuốc” mà hom nay đây, vì đất nước thân yêu, vì phải chóng lại bọn giặc xâm lược mà tôi với anh đã khoác lên mình màu áo xanh của chiến sĩ. Chính thi nhân đã làm nên sự mộc mạc, giản dị mà hết sức đáng yêu và cũng chính là cơ sở hình thành nên tình đồng chí sau này.

Họ đều ở những nơi khác nhau, nhưng Chính Hữu đã nhắc đến họ với một hình dáng thân quen, gần gũi với nhau :

“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Họ là những người ra đi từ những vùng miền khác nhau, chẳng biết gì đến nhau nhưng cùng chung một chữ “nghèo” và chung một lý tưởng cách mạng. Chính lòng yêu nước đã để họ gặp nhau, để cùng thắp lên ngọn lửa quyết tâm chống giặc ngoại xâm, điều đó đã từng được nhà thơ Hồng Nguyên nhắc đến trong bài thơ “Nhớ” của chính mình :

“Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ
Gặp nhau hòi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một hai
Súng bắn chưa quen quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến ”

Cũng chính từ đó mà chúng ta hiểu rõ hơn về cơ sở hình thành của tình đồng chí, tác giả tiếp tục khắc họa hình ảnh người lính như sau :

“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Tác giả đã điệp lại từ “súng ” và “đầu” đến hai lần, có thể thấy với cách vận dụng biện pháp nghệ thuật như vậy, Chính Hữu đã tạo một âm hưởng có phần khỏe khoắn, vui tươi, cổ vũ người lính đang đấu tranh trong lúc “mưa bom lửa đạn”. “Súng” là một cách nói hàm súc, đó là một vật mang ý nghĩa chiến đấu, một biểu tượng mang tâm hồn của người lính sống và đấu tranh hết lòng. Còn “đầu” hình ảnh thể hiện ý chí và tinh thần bất khuất của người lính tiền tuyến hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy ác liệt. Không những chỉ phải đấu tranh gian khổ, họ phải cam chịu thêm những thiên tai nơi rừng núi hoang sơ. Đêm rét không đủ ăn, không đủ ấm nhưng họ vẫn chia sẻ cho nhau những gì mình có. Độ lạnh bên ngoài không làm vụt tắt đi “ngọn lửa” trong lòng của người lính. Họ chia ngọt sẻ bùi cũng đủ sưởi ấm cho nhau cho những gì người lính cảm nhận được. Chính vì cùng nhau vượt qua những cái khó khăn, gian khổ ấy mà họ đã trở thành “đôi tri kỷ”. Mooột tình bạn tốt đẹp, thân mật, gắn chặt bền bỉ, họ xem nhau như bản thân của họ, cứ thế mà chia sẻ, cũng như trong bài nhớ “Chiều mưa đường số 5” của Thâm Tâm đã từng viết :

“Ôi núi thẳm rừng sâu
Trung đội cũ về đâu
Biết chăng chiều mưa mau
Nơi đây chăn giá ngắt
Nhớ cái rét ban đầu
Thắm mối tình Việt Bắc”.

Đã là đôi tri kỉ phải hiểu nhau thông cảm cho nhau , chia sẻ ngọt bùi cho nhau . Phải là người bạn chí cốt bên nhau . Để có được mối tình tri kỉ này hẳn nhiên họ phải cùng chung hoàn cảnh xuất thân , cùng chung lí tưởng chiến đấu . Câu thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh cụ thể , giản dị mà hết sức gợi cảm .

Lời thơ như gấp gáp hơn, nhịp thơ dồn dập hơn, câu thơ cũng trở nên gần gũi hơn, như một bản lề khép lại :

“Đồng chí!”

Chỉ với hai tiếng ngắn ngủi nhưng âm điệu mới mẻ đã tạo nên một nốt nhạc trầm ấm, thân thương trong lòng người đọc. Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất, nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thở của bài thơ cũng như sâu lắng hơn. Dường như Chính Hữu đã thổi vào bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu.

(Còn tiếp…)


Bài làm của Thái Nguyễn Anh Duy – thành viên nhóm Thích Văn học.

Xem thêm:

Vẻ Đẹp Của Bài Thơ Đồng Chí – Chính Hữu

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học