Tri thức làm nên giá trị của con người

NLXH: Tri thức làm nên giá trị của con người

Xten mét xơ là người từng được trả đến 10.000 đô cho việc kẻ một gạch nối để sửa chiếc máy phát điện của Pho. Phản bác lại những ý kiến cho rằng ông đang bắt bí để lấy tiền, Xten mét xơ nói rằng 9999 đô la trong đó là trả cho tri thức mà ông dùng để biết cách kẻ vạch ở vị trí chính xác. Câu chuyện trên đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Tôi đồng tình một phần với ý kiến này. Tri thức quả thật góp phần quan trọng quyết định giá trị của một con người. Hội đồng kĩ sư của Pho dù bỏ ra 3 tháng vất vả làm việc cũng không thể được trả 10.000 đô, trong khi Xten mét xơ chỉ mất vài phút để nhận được khoản tiền đó. Bởi dựa vào tri thức của mình, ông có thể làm điều không ai làm được. Giá trị của một cá nhân được đánh giá, nhìn nhận dựa trên những cống hiến, đóng góp không thể thay thế của anh ta cho công việc và rộng hơn là cho xã hội. Dân gian có câu “Một người biết lo bằng kho người biết làm” chính là nói ý đó. Một người có tri thức càng thâm hậu, sâu sắc bao nhiêu thì giá trị họ tạo ra càng có khả năng đóng góp được những giá trị khác biệt và khó thay thế bấy nhiêu. Nhìn vào James Watt với máy hơi nước hay Alexander Graham Bell với chiếc điện thoại đầu tiên, có thể thấy rằng chính tri thức thâm hậu đã giúp họ có cống hiến quan trọng cho sự phát triển chung của cả loài người, khiến họ được tôn vinh đến tận ngày nay – hay nói cách khác là tạo ra giá trị con người của họ. Thực tế, khi nhìn vào cách Hoa Kỳ cấp thẻ Xanh cho các trí thức nước ngoài hay chính sách ưu đãi của chính phủ các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất dành cho nhà khoa học toàn thế giới, ta cũng có thể thấy rõ mối quan hệ xuôi chiều giữa tri thức và giá trị của một con người vậy. Tuy nhiên, theo tôi, tuy tri thức góp phần quan trọng nhưng không phải yếu tố duy nhất, làm nên giá trị con người còn có một yếu tố không thể thiếu là nhân cách. Tài đức thường đi liền với nhau là như vậy. Nếu tri thức là phương tiện, công cụ tạo ra giá trị thì nhân cách sẽ là kim chỉ Nam dẫn lối cho tri thức ấy được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp, nhân văn. Sẽ ra sao nếu các nhà khoa học sử dụng tri thức của mình để làm những việc phi đạo đức hay vi phạm pháp luật? Khi đó, tri thức sẽ không còn làm nên giá trị của một con người nữa. Tóm lại, tri thức quả thật góp phần quan trọng trong việc tạo nên giá trị của một con người. Tuy nhiên, khi nhìn nhận đánh giá một ai đó, cần phải quan tâm đến cả hai phương diện tài năng và đạo đức. Nói cho cùng, giá trị của một con người chính là sự hài hoà giữa tài năng và đức độ vậy.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học