Sống không có ước mơ

NLXH: Sống không có ước mơ

Đề bài:

“Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi mà là người không có lấy một ước mơ”

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – Phạm Lữ Ân

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.

Bài làm

“Ai cũng có cả bầu trời đại dương để bay nếu điều đó nằm trong tim họ. Mạo hiểm chăng? Có thể. Nhưng giấc mơ nào biết đến biên giới” (Amelia Earhart). Chẳng ai đánh thuế những ước mơ và cũng chẳng ai thành công khi chưa từng ấp ôm cho mình một ý nguyện lớn lao. Đơn giản một điều, chúng ta sống suy cho cùng cũng vì những ước mơ. “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân đã để lại trong lòng người đọc những dòng chữ thật sâu sắc:”Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi mà là người không có lấy một ước mơ”.

“Ước mơ” đã không còn là từ ngữ xa lạ với chúng ta. Nó được hiểu là hoài bão, là lí tưởng, là “ánh mặt trời” mà mỗi người muốn hướng đến. Mỗi cá nhân sẽ có những ao ước riêng. Có người ôm giấc mộng trở thành tỉ phú, phí hành gia vũ trụ hay người đứng đầu một công ty lớn…Song, vẫn có đó những ước mơ giản đơn như một bữa cơm sum hợp bên gia đình, có đủ cha và mẹ… Câu nói trên còn hướng đến một định nghĩa mới mẻ về “giàu – nghèo”. Có người cho rằng “giàu” là có đủ điều kiện để đáp ứng những mưu cầu của bản thân, là nắm trong tay những tấm Black Card bạc tỉ hay khối tài sản kết xù. Người khác lại cho rằng “giàu” là sự đủ đầy về mặt sức khỏe và tinh thần, là được đằm ấm, yên vui bên gia đình. Riêng tác giả lại tâm niệm “người giàu” chính là người có cho mình những ước mơ và hoài bão riêng. Còn “người nghèo” chẳng phải là người thiếu thốn về mặt vật chất mà là người thiếu hụt về mục tiêu, trống rỗng về ước mơ, không có được cho mình lối đi riêng, sống mờ nhạt và vô vị. Câu nói trên quả thật là một quan điểm sâu sắc, một thông điệp đúng đắn về vai trò và ý nghĩa của “ước mơ” – gia vị không thể thiếu trong cuộc sống.

Trong tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho có câu :”Chúng ta đừng bao giờ ngưng ước mơ. Ước mơ cung cấp dinh dưỡng cho linh hồn, cũng như một bữa ăn cho cơ thể”. Thật vậy, sẽ thật sai lầm nếu ta phủ nhận vai trò to lớn của ước mơ đối với quỹ đạo của mỗi người. Nó không chỉ là ngọn hải đăng soi sáng, dẫn lối giúp con thuyền của đời ta thoát khỏi mê cung của biển cả. Mỗi ước mơ còn là một bức tranh đầy cảm hứng về tương lai, giúp khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, mong muốn, ý chí và cảm xúc của bạn, là nguồn sức mạnh nội sinh nâng những bước chân của bạn vững vàng tiến gần hơn đến hoài bão. Một ước mơ đáng giá theo đuổi là một bức tranh tổng thể, một bảng kế hoạch chi tiết về mục tiêu và tiềm năng của mỗi người. Hoa hướng dương sống vì ước mơ ngẩng cao đầu đối diện với ánh mặt trời. Chú chim nhỏ sống để cất cao tiếng hát cho đời thì hà cớ gì con người không tìm được lẽ sống mà bản thân muốn theo đuổi ?

Có người cho rằng sao ta phải bận lòng đến những ước mơ vì vốn dĩ vị lai là những điều khó đoán ? Ước mơ là lí tưởng, là những rạng rỡ phía chân trời đang “đợi” chúng ta khám phá chứ không phải “bắt buộc” chúng ta phải đạt được. Vì trong quá trình phấn đấu hướng đến ước mơ lớn ấy, bạn sẽ phải sử dụng hết năng lượng, sự tỉnh táo và sáng tạo của mình để vượt qua những vấp ngã trong cuộc sống. Bạn đã cố gắng 100% sức mạnh nhưng vẫn thiếu một bước, không sao cả, ít ra bạn cũng đã thử, đã nỗ lực rất nhiều. Bởi thế, thay vì thất vọng, bi quan về bản thân thì ta nên lắng lại để cảm nhận niềm vui của việc sống cùng ước mơ. “Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải là ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng.” (Tôi là Bêtô – Nguyễn Nhật Ánh).

Câu nói được lặp đi lặp lại trong bài diễn văn của mục sư M.Luther King :”I have a dream” (Tôi có một ước mơ) đã trở thành bất hủ. Steve Jobs – CEO của Apple là một người có đam mê mãnh liệt với công nghệ máy tính. Chắc hẳn ít ai ngờ rằng chính Steve Jobs đã từng bị Apple sa thải. Đam mê và ước mơ không cho phép ông nản lòng, ông vẫn kiên trì kiến tạo lại sự nghiệp và nỗ lực phát minh ra những công nghệ có sức ảnh hưởng lớn, đột phá và mới mẻ. Nghệ sĩ ba lê nổi tiếng Anna Pavlova đã sống không hối tiếc với đam mê nghệ thuật của mình đến những giây phút cuối đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà yêu cầu được mặc bộ váy mà bà vẫn mặc khi biểu diễn vở “Cái chết của con thiên nga”. Vào đêm biểu diễn tiếp theo của bà trên sân khấu ở Hague, người ta để duy nhất một chiếc đèn chiếu tỏa ảnh sáng xuống một điểm dành cho diễn viên ba lê để tưởng nhớ Anna Pavlova. Vòng tròn ánh sáng trống không như muốn nói lên rằng: Sân khấu ba lê thế giới đã phải gánh chịu nỗi mất mát lớn lao như thế nào khi phải vĩnh biệt nữ hoàng của nó.

Bạn có biết không, chỉ cần đứng yên thôi là chúng ta cũng có thể trở nên lạc hậu rồi. Vậy nên sống trên đời nhất định phải biết mơ và cất cánh cho ước mơ. Hãy tự trả lời câu hỏi :”Bạn thích điều gì?”. Ước mơ là của chính bạn vậy nên đừng chạy theo cái bóng của kẻ khác, đừng lung lay vì những chê bai, khinh thường. Song, biết chọn lọc ý kiến của người khác để xác định và hành động đúng đắn vì ước mơ là việc nên làm. Bên cạnh đó, bạn có ước mơ nhưng không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân thì ước mơ ấy chỉ mãi là những ảo tưởng. Đầu hàng trước nỗi sợ đồng nghĩa với việc bạn sẽ chẳng thể thấu cảm và chuyện trò với trái tim mình được nữa. Những tháng năm dốc toàn lực chinh phục ước mơ chưa bao giờ là dễ dàng cả . Quảng đường ấy chẳng bao giờ có chỗ cho sự hèn nhát, sợ hãi, đắn đo, nó chỉ có chỗ cho sự dũng cảm, lòng quyết tâm, nhiệt huyết và khao khát chiến thắng. Bạn không thể biết bạn có thể mạnh mẽ và tiến xa đến mức nào đâu. Cứ thử thách bản thân, cứ dấn thân trải nghiệm và cứ vấp ngã đi vì cuộc đời cho phép. Chẳng ai bắt lỗi những chuyện này cả. Dẫu ước mơ không phân biệt tuổi tác nhưng ta cũng đừng sống hoài sống phí tháng năm tuổi trẻ cho những thứ không đáng để khi về với những ngày vãn niên ta không phải hối hận vì khoảng thời gian đã qua.

Thế nhưng, xã hội vẫn còn đó những con người sống mà không có ước mơ. Họ đánh mất niềm tin vào hiện tại và chẳng thèm đoái hoài hay hi vọng về tương lai. Một vấn nạn đáng lo ngại là hiện nay một bộ phận giới trẻ đang sống thay ước mơ của cha mẹ. Họ không có chính kiến cũng chẳng có mục đích riêng mà chỉ luôn chạy theo thậm chí là bị bắt buộc phải bán mạng sống dưới cái bóng của “con nhà người ta”, mất đi cái “tôi” của chính mình. Những người không có ước mơ, ngay cả khi họ có rất nhiều của cải và thời gian, họ vẫn cảm thấy đời vô vị và tẻ nhạt. Cuộc đời họ tựa như viên đạn lạc, không biết mình sẽ bay về đâu. Bên cạnh đó là những cá nhân có ước mơ về lợi ích vị kỉ, nhỏ nhen hay hết sức xa vời thực tại. Và chắc chắn một điều, có hoài bão thì phải luôn nỗ lực theo đuổi và hành động thiết thực chứ không phải ngồi chờ đợi thời cơ hay món quà bất ngờ của cuộc sống. Như Lỗ Tấn từng nói:”Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Bạn thấy đấy, câu nói trên quả là một quan điểm vô cùng đúng đắn. Như Tam Mao từng nói :”Một người phải có ít nhất một ước mơ, có một lí do để mạnh mẽ. Nếu như trong lòng không có nơi chốn dừng chân, vậy thì đi đến đâu cũng là lang thang cả”. Hãy cứ mơ và cứ phấn đấu từng ngày. Hãy xem “ước mơ” là người bạn tri âm tri kỷ cùng đồng hành với bạn trong xuyên suốt chuyến hành trình chính phục thành công và hướng đến tương lai tươi sáng. Ước mơ sẽ là lí do để bạn mạnh mẽ, là đôi cánh giúp bạn bay cao và xa hơn nữa. Điều tuyệt vời chỉ đến với những người xứng đáng. Cứ đi rồi sẽ đến, cứ kiên trì rồi sẽ thành công.


Bài làm của Mẫn Nhi – thành viên group Thích Văn học.

Xem thêm:

Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Văn Học tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlvh/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học