điều bình thường vĩ đại

NLXH: Điều bình thường vĩ đại

Đề bài:

Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện “Chim sâu và chiếc lá”.
Chim sâu hỏi chiếc lá:

– Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
– Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
– Bạn đừng có giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa kia lại có vẻ rất biết ơn bạn?
– Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. Tôi lớn dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế cho đến bây giờ.
– Thật như thế sao? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường ŕ rầm kể suốt ngày đêm chưa?
– Chưa! Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.
– Thế thì chán thật! Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa chuyện.
– Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi – những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói đến.
(Tiếng Việt lớp 4, tập 2)

Bài viết:

ĐIỀU BÌNH THƯỜNG VĨ ĐẠI

“Ta mong với trời cao và biển rộng
mà quên rằng hoa từ đất mà ra.”

(Thụy Thảo)

Con người là những “cây sậy có tư tưởng” luôn khao khát vươn tới những điều lớn lao bởi dẫu là một “tiểu vũ trụ” thì chúng ta vẫn luôn quá đỗi bé nhỏ trước cuộc đời rộng lớn. Thế nhưng sống thế nào mới thực sự là có ích, mới thực sự là “đáng sống”? Có phải chỉ làm những việc lớn lao, “vá trời lấp bể” mới là đáng tự hào? Câu chuyện giữa chim sâu, chiếc lá và bông hoa sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi này.

Câu chuyện xoay quanh lời đối thoại của chim sâu – lá – hoa. Đó là hình ảnh đồ chiếu cho mỗi con người chúng ta. Chim sâu vì nghe hoa kể sự kính trọng mà nó dành cho chiếc lá nên tò mò, đích thân tìm lá để hỏi lí do, nhờ lá kể cuộc đời của nó cho chim sâu nghe. Bất ngờ trước câu trả lời về một cuộc đời bình thường của lá, chim sâu thắc mắc tại sao bông hoa kia lại biết ơn lá như vậy?… Lá vẫn quả quyết, trả lời chắc nịch: “Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường!” Như bao chiếc lá khác, lá lớn dần thêm thành búp non và cứ là lá như bây giờ. Lá không biến “thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho con người”, lá chỉ là lá, xanh tốt đêm ngày… Chim sâu có phần chán nản, và nói bông hoa kia đã làm mình thất vọng. Tuy nhiên, hoa vẫn một mực trả lời: “Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mà có chúng tôi – những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói đến.”. Một câu nói cuối cùng của hoa đã đúc rút ra ý nghĩa của câu chuyện nhỏ: không có những điều bé nhỏ, sẽ chẳng có những điều lớn lao. Sống một cuộc đời ý nghĩa là bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Bạn thấy mình là ai trong chim sâu, lá và hoa kia? Có lẽ phần nhiều chúng ta thấy mình trong chim sâu. Lá và hoa thì tĩnh tại, cả đời chỉ ở trên thân cây, gắn chặt cuộc sống quanh thân cây, không di chuyển đi ra nơi khác; chim sâu thì có vẻ như “đi nhiều, biết rộng” hơn, nhưng hóa ra lại không thông thái bằng. Chim sâu không sai, khi cho rằng sống một cuộc đời “thành hoa, thành quả, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người” mới là đáng ngợi ca, đáng ngưỡng mộ, đáng sống. Đó là những cuộc đời với những đóng góp lớn lao, vĩ đại, có tầm ảnh hưởng vĩ mô như Thomas Edison – nhà phát minh thiên tài đã cho ra đời bóng đèn sợi đốt thắp sáng nhân gian, là Anh-xtanh với “Thuyết tương đối” làm thay đổi bộ mặt sinh học thế giới, là Cô-péc-ních, Ga-li-lê đã chứng minh được định lí “Trái đất xoay xung quanh mặt trời”, là Neil Amstrong, Buzz Aldrin – những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, khai màn cho công cuộc khám phá vũ trụ của loài người. Những vĩ nhân ấy là những tấm gương, những hình mẫu lí tưởng mà con người chúng ta vẫn luôn trân trọng, tôn thờ và ngưỡng vọng. Ai khi trẻ không mơ ước mình có thể trở thành một Bill Gates, một Steve Jobs, một Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) thứ hai, được cả thế giới biết đến? Ai khi đứng tuổi không mong ước mình được trở thành một Harland Sanders – 65 tuổi sáng lập ra hệ thống gà rán KFC, và như Deshun Wang – ông già 80 tuổi người Trung Quốc, dù tuổi đã cao những vẫn có thể tự tin sải bước trên sàn catwalk? Những ước mơ và khát khao vươn tới “trời cao và biển rộng” đó không sai, đó là những ước vọng chính đáng của con người. Như Chế Lan Viên đã từng viết:

“Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt, Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…”

Từ thuở lọt lòng, chúng ta đã được kí thác, được mọi người hi vọng, gửi gắm sẽ “làm nên chuyện”, sẽ làm nên những điều kì diệu, lớn lao trong cuộc đời. Thế nên có lẽ chúng ta đã vô tình quên đi, như chim sâu kia, quên đi “hoa từ đất mà ra”, quên đi những điều nhỏ bé, bình dị mới là nền tảng để tạo nên những giá trị sự sống…

Có câu hát, rằng: “Em ơi có bao nhiêu, sáu – mươi – năm cuộc đời…”. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi, dòng trôi sinh mệnh đến và đi nhanh chóng vô cùng. Điều quan trọng là chúng ta đã sống như thế nào chứ không phải là chúng ta sống được bao nhiêu thời gian trong “sáu – mươi – năm” ấy. Có người chọn làm cánh chim đại bàng vượt trùng dương, nhưng có những người lại mặc:

“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh.”

(Lá Xanh – Nguyễn Sĩ Đại)

Chỉ cần sống “xanh”, sống cống hiến thầm lặng, sống một cuộc đời bình thường, và là chính mình. Và phần đông những người trong số chúng ta sẽ sống như thế (thậm chí nhiều kẻ phải khao khát để được sống như thế!). Vĩ nhân trên thế giới không nhiều, thiên tài dẫu chúng ta có thể kể ra hàng dài danh sách thì vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong thế giới, nhân quần. Xung quanh chúng ta, đó là:

“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”

(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

chứ không phải là bao la những thiên tài, vĩ nhân. Nhưng họ đã làm ra “Đất Nước”, điều ấy không đáng ngợi ca sao? Sự vĩ đại nào chẳng bắt nguồn từ những điều nhỏ bé! Một bông hoa muốn tươi tắn, rạng ngời có thể quên đi lá, đi hạt, đi cành? Một cây đại thụ tốt tươi có thể quên đi hạt mầm nhỏ bé dâng đời chắt chiu? Một cuộc kháng chiến thành công có thể nào chỉ nhớ đến sự chỉ huy, lãnh đạo của vua quan, tướng lĩnh mà quên đi nhân dân góp sức?

Những giáo viên vùng cao vẫn ngày đêm miệt mài đem con chữ tới các làng bản hiện lên trong hình ảnh 47 thầy giáo trường Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An), hơn 40 năm trời không quản ngại khó khăn, đường xá, gác lại mọi vấn đề thuộc về cá nhân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hay giản đơn hơn là mang đến cho những đứa trẻ nghèo con chữ, tình người là không đáng ngợi ca hay sao? Những anh lính cứu hỏa, nhũng biệt đội anh hùng S.O.S Sài Gòn sẵn sàng xả thân vì an toàn – an ninh cho con người là cả một niềm tự hào của dân tộc, đất nước! Hay chiến thắng của U23 Việt Nam: chúng ta chỉ thấy chiếc Cúp danh giá trên tay họ mà đâu biết đằng sau đó là biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi vì tập luyện đến mệt nhoài, kiệt sức; biết bao nhiêu máu đã chảy vì chấn thương, tôi rèn…; cả bao nhiêu những cố gắng, tiếp sức thầm lặng của những cầu thủ chưa một lần ra sân… Họ trở thành anh hùng trong tim mỗi chúng ta – từ những điều bình dị vĩ đại như thế!

Dù thế nào, cuộc đời chúng ta cũng sẽ đi đến dấu chấm hết. Mà dấu chấm nào cũng đều khao khát mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Nhưng đừng vội mà lao đi như những mũi tên tìm “chân ái – chân thiện – chân mĩ” lớn lao của đời mình. Hãy sống là mình và đóng góp, cống hiến cho xã hội từ những điều nhỏ nhất. Như cô bé Hải An mới 5 tuổi nhưng dám dũng cảm hiến giác mạc để mong có thể “nhìn thấy sự sống của mình trong người khác”, để có thể san sẻ cho những con người bất hạnh – bị khiếm thị những ánh sáng cuộc đời. Như cựu chiến binh Nguyễn Văn Hội (An Giang) vẫn đêm ngày dùng xe ba gác của mình để đưa đón các em học sinh nghèo đến trường. Như cậu bạn Trường Sinh (Hải Dương), 10 năm cõng bạn đến trường trong niềm vui sướng và hạnh phúc khôn cùng vì được giúp đỡ người khác. “Cái lầu cao chín tầng bắt đầu bằng nắm đất nhỏ, hành trình xa ngàn dặm khởi sự từ những bước chân con.”, Lão Tử đã từng tâm niệm…

Mà làm những việc nhỏ bé ấy, chỉ “xanh như chiếc lá” thôi thì cũng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, bởi đó là hành trình của sự trưởng thành gian truân, để ta ngày một người hơn. Có biết bao cô cậu chơi Game hàng ngày mà mong ước trở thành Steve Jobs, có biết bao thanh niên lười biếng nghĩa rằng tượng vàng Oscar tự… có “chân” chạy đến với Leonardo Davinci bởi vì ông có tài năng… Vâng nếu thế thì chỉ cần ngủ ngày, Nguyễn Thị Ánh Viên – cô gái vàng của làng bơi Việt Nam cũng có thể như vậy mà lượm một rổ huy chương ở thế vận hội, xã thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ cần đi chơi cũng có thể đạt Huy chương Vàng Olympic, làm rạng danh hai chữ “Việt Nam”!

Cuộc sống không phải là một mặt hồ yên ả, một con đường nhung trải đầy những hoa hồng. Thử thách và khó khăn luôn đến để sàng lọc con người xem ai có thể qua được tấm lưới đau đớn mà vinh quang ấy. Lựa chọn là ở bạn. Sống một cuộc đời như thế nào là ở bạn. Hạnh phúc là bông hoa nở từ đôi tay bạn chứ không phải do ai dành tặng bạn, hay ban phát cho bạn như trong những giấc mơ thơ bé, những cổ tích xa xưa.

Có những kẻ chỉ biết sống ích kỉ, thụ động, nghĩ rằng “sống như chiếc lá” là tầm thường, đơn giản, dễ dàng, sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc. Họ sẽ mãi chỉ tồn tại như những thể xác dần tàn, chứ không thể sống với linh hồn cống hiến. Họ sẽ mãi chỉ thấy cuộc đời toàn là những vô nghĩa, vô lí, bất công, ngang trái và nạn nhân là họ. Họ sẽ mãi quẩn quanh trong cái “ao đời bằng phẳng”, và có “muốn bay” cũng không “cất nổi mình mà bay”, nếu cứ giữ nguyên thái độ sống như thế. Dần dà, những con người ấy sẽ trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Một xã hội với những “nhân quần” như thế sẽ trì trệ đi bao nhiêu?

Bạn có biết câu chuyện cùng một đêm, cùng 18 tuổi, có người đăng quang Hoa Hậu Việt Nam 2018 (Trần Tiểu Vy), nhưng cũng có kẻ may mắn thoát cơn hấp hối vì ma túy đá ở Công viên nước Hồ Tây?

Sống như thế nào là ở bạn. Vươn tới “trời cao và biển rộng” rất đáng trân trọng, nhưng đừng bao giờ quên đi “hoa từ đất mà ra”, quên đi những điều bình thường, bé nhỏ, sẽ tạo nên sự vĩ đại, lớn lao bạn nhé.
Vì dẫu sao, cuộc sống là hành trình chứ không phải là điểm đến. Đừng vội vã, bon chen, hối hả,… hãy là mình, là chính mình, sống cẩn thận và chậm rãi thôi, rồi hãy khao khát những điều lớn lao khi đã có đủ nền tảng và bước đệm vững vàng. Khi ấy, thành công mới là vững chãi. Ý nghĩa cuộc đời mới thực sự tồn tại.

“Em thương mến,
Không có gì để vội.
Lá vẫn xanh thanh thản hát trên cành
Có những lúc ta chỉ cần phải đợi
Kẻ vội vàng, đôi lúc hóa mong manh.”

(Nguyễn Thiên Ngân)

Nội dung: Nguyễn Thị Ngọc Mai, ĐTQG Văn 2016-2019, THPT Chuyên Bắc Ninh

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học