Đề bài:
Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao đã để nhân vật Hộ nghĩ rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương”. Ý kiến của anh (chị) về vấn đề này? Theo anh (chị), mỗi người cần có thái độ như thế nào khi lựa chọn nghề nghiệp và thực hiện công việc?
Bài Làm
Trong truyện ngắn Đời thừa – tác phẩm có ý nghĩa như một trong những tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao, nhà văn đã để cho nhân vật Hộ nghĩ rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương”. Tuy rằng đó không phải là vấn đề trung tâm mà Nam Cao đề cập đến trong tác phẩm, song đặt ra yêu cầu về trách nhiệm cần có của mỗi người trong công việc của mình cũng là một vấn đề vô cùng cần thiết mà ta cần xem xét.
Nghề nghiệp – hiểu theo nghĩa đơn giản nhất – là công việc mà ta làm để tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần nhằm phục vụ cho cuộc sống. Gắn với mỗi nghề là một yêu cầu, đòi hỏi về trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm với công việc. Cẩu thả trong nghề nghiệp là thái độ hời hợt, vội vàng, chỉ cốt hoàn thành chứ không quan tâm đến hiệu quả, chỉ coi trọng số lượng mà không để tâm đến chất lượng công việc, đó là biểu hiện cụ thể của thói vô trách nhiệm. Nhà văn Nam Cao đã thể hiện một thái độ phê phán gay gắt đối với hiện tượng này khi đồng nhất thói quen cẩu thả với bản chất của con người xấu xa, vô lương tâm: “Cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương”. Như vậy, có thể thấy đối với Nam Cao, ý thức trách nhiệm trong nghề nghiệp chính là một thước đo nhân cách con người.
Tinh thần trách nhiệm trong công việc là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công. Cho dù bạn có tài mà không chuyên tâm làm việc thì cũng không thể nào phát huy được hết khả năng vốn có, công việc không thể đạt được hiệu quả tối ưu. Công việc ta làm gắn liền với lợi ích của cá nhân ta. Nếu như đến cả cuộc sống của bản thân mà ta cũng không để tâm đến nữa thì sao có thể trở thành một con người hoàn thiện, chưa nói đến việc lo lắng, chăm sóc cho người khác. Thế nhưng, quan trọng hơn là công việc của mỗi người đều có liên quan trực tiếp đến những người xung quanh, đến hiệu quả của cả một hệ thống làm việc, một dây chuyền sản xuất. Bởi vậy, bất cẩn trong công việc tức là thiếu trách nhiệm với cả cộng đồng, với công việc chung của mọi người. Một kĩ sư nhầm lẫn trong thiết kế sẽ kéo theo sự sai sót trong quá trình thi công, công việc sẽ vì thế mà phải đình đốn. Mỗi người tựa như một mắt xích trong guồng máy chung đang hoạt động. Nên vô trách nhiệm trong công việc của bản thân mình cũng đồng thời sẽ là lãng phí không chỉ những của cải vật chất mà cả công sức của người khác, ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Mỗi công việc luôn đòi hỏi ở con người một lương tâm, ý thức. Bởi có những sai lầm sẽ không bao giờ có cơ hội sửa chữa, làm lại. Bác sĩ, y tá mà sơ suất có thể hại chết người bệnh. Giáo viên vô trách nhiệm có thể làm hỏng cả một thế hệ học trò. Người buôn bán vì tiền mà gian dối, lọc lừa sẽ khiến người tiêu dùng thiệt hại. Bởi thế, trách nhiệm của mỗi người trong công việc luôn phải được đặt lên hàng đầu. Có người từng vì thói vô trách nhiệm như một thứ axit ăn mòn cả xã hội. Một khi con người không để tâm đến những hậu quả mà mình có thể gây ra khi cẩu thả trong công việc, đó cũng là lúc lương tâm đã không còn hiện diện, để phán xét, nhắc nhở, để điều chỉnh mỗi hành vi.
Thói quen cẩu thả có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Có thể là do bản tính ích kỉ, vô tâm, thiếu trách nhiệm của con người. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp, đó là do con người chán nản, bất mãn với công việc mà mình đang đảm nhiệm. Nghề nghiệp, với một số người chỉ là cách thức mưu sinh, cũng có người coi đó là nghĩa vụ lao động để đóng góp và cống hiến, lại có người làm việc vì niềm hứng thú, đam mê. Cách nhìn về nghề nghiệp khác nhau sẽ khiến con người có những thái độ khác nhau với nghề nghiệp của mình. Coi nghề là con đường kiếm sống, ta có thể sẽ vì món lợi của bản thân mà đi ngược lại với lương tâm nghề nghiệp. Coi nghề là nghĩa vụ, ta có thể sẽ phải làm việc với tâm lí bị ép buộc, không thoải mái. Chỉ khi coi nghề là niềm vui, ta mới có thể hết lòng vì những việc đang làm và hơn thế nữa, có thể sáng tạo tìm ra những con đường, cách thức mới hiệu quả nhất, tối ưu nhất cho công việc. Và chính những niềm vui nho nhỏ ấy lại là động lực để ta tiếp tục vươn lên và thành công trong công việc của mình. Như vậy cách duy nhất để ta không mắc thói quen cẩu thả trong công việc chính là tìm trong đó niềm hứng thú, đam mê thực sự. Muốn vậy, ta cần cẩn trọng ngay từ lúc lựa chọn nghề nghiệp, để chọn lựa được công việc phù hợp với sở thích, ý muốn của bản thân. Tuy nhiên, ta cần phải phân biệt giữa ý thích nhất thời và niềm đam mê thực sự. Những người chọn nghề nghiệp theo ý muốn nhất thời thường sẽ chọn những nghề thời thượng, để rồi khi nghề ấy trở thành lỗi thời, lạc hậu lại hối hận, rồi thay đổi. Thích mà không xem xét đến khả năng, điều kiện theo đuổi nghề nghiệp ấy thi khi đối mặt với những khó khăn liên tiếp, ta cũng sẽ nhanh chóng chán nản. Hãy giành thời gian để cân nhắc xem nghề nghiệp nào thực sự phù hợp với bản thân. Bởi chỉ khi chọn nghề mà mình đam mê, ta mới có thể gắn bó với nó một cách bền vững lâu dài, mới có động lực để vượt qua những trở ngại mà bất cứ nghề nghiệp nào cũng có, và quan trọng nhất là chỉ với nghề mà mình yêu thích, ta mới dễ dàng tìm được hứng thú với công việc, để có thể cẩn trọng, chu đáo trong từng chi tiết. Lựa chọn nghề nghiệp là một quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, đừng bao giờ vội vàng, hấp tấp. Cần tránh mọi quan điểm sai lầm trong lựa chọn nghề nghiệp như chọn nghề theo phong trào, chọn nghề thiếu thực tế, không gắn với nhu cầu xã hội, hay thậm chí là chọn theo may rủi, bói toán… Nếu bạn cẩu thả ngay cả trong quyết định này, bạn sẽ phải trả giá bằng tương lai của chính mình và có thể sẽ tiếp tục trở thành một con người cẩu thả trong công việc mà mình không mong đợi.
Và bởi “tập quán xấu ban đầu chỉ là người khách qua đường” – sự cẩu thả luôn bắt nguồn từ những điều tưởng như vụn vặt, như một lần tặc lưỡi cho qua để công việc sớm hoàn thành, một lần ngại ngần kiểm tra, xem xét … nên hãy luôn hình thành và gìn giữ cho mình thói quen cẩn trọng từ những chi tiết dù là nhỏ nhặt. Đôi khi, chính từ những tiểu tiết mà không ai chú ý đến ấy lại có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Chỉ cần một chiếc ốc vít không được vặn chặt trong máy móc đôi khi cũng có thể gây ra những tai nạn chết người. Chỉ cần nhầm lẫn một con số trong thống kê, tính toán là có thể sẽ thất thoát một số tiền không nhỏ. Cây lớn một ôm khởi sinh từ một cái mầm nhỏ, đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất – những điều lớn lao sẽ luôn được hình thành từ những gì tưởng chừng đơn giản nhất, hãy luôn khắc ghi điều đó.
Quan niệm của Nam Cao là một thái độ đúng đắn, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của một người nghệ sĩ có lương tâm nghề nghiệp. Bản thân Nam Cao cũng luôn trăn trở với cái nghiệp cầm bút của mình, nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, khát khao hoàn thiện bản thân. Bởi đối với Nam Cao, cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương, nhưng cẩu thả trong văn chương là một sự đê tiện. Bởi văn chương, khác với những lĩnh vực thông thường ở chỗ nó tác động trực tiếp đến thế giới tâm hồn của con người. Chức năng, giá trị của văn chương là hình thành nhân cách, bồi đắp nhân tỉnh cho con người. Và chính nhờ vào ý thức trách nhiệm ấy mà Nam Cao đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ, còn mãi với thời gian.
Cuộc sống luôn đặt ra những trách nhiệm cần thực hiện cho mỗi con người. Và ý thức đúng đắn, nghiêm túc trong nghề nghiệp cũng là một trong những đòi hỏi ấy. Ai cũng phải làm việc, nhưng chỉ khi thực hiện công việc bằng cả tâm huyết, lòng nhiệt tình, ta mới có thể tạo ra những giá trị thực sự, những đóng góp thực sự có ý nghĩa cho cuộc sống.
Bài viết của Trần Thị Lý, THPT chuyên Nguyễn Trãi – Hải Dương
(đăng trên Tạp chí VH&TT số tháng 12 – 2010)
Xem thêm:
Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Xã Hội tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlxh/
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học