nlxh bai hoc vuong tron

NLXH: BÀI HỌC VUÔNG TRÒN

Dẫu lỡ chọn nhầm nghề cũng xin bạn dung cảm chọn lại lần nữa lựa chọn công việc có thể ảnh hưởng đến ta trong nhất thời, nhưng thái độ sống lại có tác động đến cả cuộc đời ta.

Một hôm cháu gái bỗng hỏi tôi: “Chú à, nếu lỡ đi nhầm đường thì phải làm sao?”

Tôi đinh ninh rằng con nhóc này đang gặp chuyện phiền phức nên hỏi thẳng: “Có phải cháu đang lầm đường lạc lối không? Nhanh chóng tỉnh ngộ đi!”

“Chú nghĩ đi đâu thế. Cháu đi làm đã gần một năm rồi, nhưng cảm thấy không thích công việc hiện tại. Lúc đầu mẹ cháu nhất quyết bắt cháu học kế toán. Thực ra, cháu rất muốn làm hướng dẫn viên du lịch để ngày ngày được đi du lịch miễn phí. Bây giờ lại phải theo giờ hành chính, làm công việc mình chẳng hề hứng thú. Cháu còn trẻ thế này, không muốn sống như vậy cả đời. Mấy ngày trước, bạn cháu bỏ nghề kế toán, đến studio xin làm trợ lý nhiếp ảnh gia. Cháu nghe nó kể mà thích quá.”

Hóa ra là chuyện nghề nghiệp.

Đời người thường có hai kiểu “nhầm đường”. Một là lầm đường lạc lối, nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, phải nghiêm trọng, phải dừng lại càng sớm càng tốt. Một kiểu khác giống như cháu tôi vừa nói, chọn nhầm nghề. Nhiều người cho rằng khi nhận ra mình làm nhầm ngành, đừng ngần ngại, hãy dừng lại ngay để tìm hướng đi khác. Thực ra, có vài người cảm thấy bản thân đi nhầm đường chỉ vì đơn giản không thích trạng thái hiện tại, hoặc gặp khó khan trong công việc, cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Dù có lập tức đổi công việc khác, thậm chí đổi sang một lĩnh vực khác , chưa chắc họ đã thấy khá hơn, bởi vì chuyển đi đâu, làm việc gì, họ vẫn sẽ gặp phải những vấn đề như vậy.

Bất kể là lĩnh vực nào, ta cũng sẽ gặp khó khăn, không ai có thể mãi thuận buồm xuôi gió. Không chỉ vấn đề trong công việc, chuyện to chuyện nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng sẽ khiến cảm xúc lên xuống thất thường, đây là điều hết sức bình thường. Chúng ta không thể vừa gặp khó khan đã nghĩ đến việc từ bỏ, tìm con đường khác. Giống như khi yêu nhau, không thể vừa cãi nhau đã đòi chia tay, bởi vì có va chạm ta mới hiểu và biết cách yêu thương nhau. Chắc gì chia tay xong bạn đã tìm được một người tốt hơn.

Công việc cũng vậy. Hay nhảy việc cũng là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm với bản thân. Bởi bạn không thể chắc chắn mọi thứ sẽ tốt hơn sau khi đổi công việc khác.

Nếu bạn hỏi tôi, lỡ chọn nhầm nghề thì phải làm sao, tôi nghĩ rằng, đầu tiên bạn cần hiểu rõ mình có thực sự chọn nhầm nghề hay không. Ta không thể coi sở thích của bản than là tiêu chuẩn đánh giá. Nó là yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất. Đầu tiên, hãy nghĩ kĩ xem có đúng là mình rất ghét lĩnh vực đang làm hay không. Tiếp theo, hãy phân tích tình trạng hiện tại của bản thân, có phải bạn thực sự không phù hợp với công việc này, đã nỗ lực hết sức vẫn chẳng đạt được thành tích gì? Cuối cùng, hãy suy nghĩ xem lĩnh vực mình đang làm có tiềm năng phát triển hay không.

Nếu bạn thực sự ghét công việc hiện tại, có tiếp tục cũng sẽ ngày càng phát điên vì nó, hoặc nó không thể giúp bạn phát triển bản thân, vậy thì nên từ bỏ. Nếu bạn không ghét nó lắm, hơn nữa cảm thấy ngành nghề mình đang làm có nhiều cơ hội phát triển, hãy tiếp tục cố gắng. Trên thế giới này, có rất nhiều người đều đang làm công việc mình không hề thích, bạn hỏi những người xung quanh sẽ rõ, rất ít người nói rằng họ hài lòng với công việc hiện tại.

Không phải lúc nào sở thích, hứng thú cũng giúp ta đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp. Từ xưa đến nay vẫn vậy, nó không đóng vai trò quyết định thành tựu của ta.

Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Elson đã làm một cuộc khảo sát với 100 người xuất chúng trên nhiều lĩnh vực và thu được kết quả đáng ngạc nhiên: Hơn 61% những người thành công nói rằng lĩnh vực họ đang làm không phải lĩnh vực yêu thích nhất hoặc cảm thấy lý tưởng nhất của họ. Điều này chứng tỏ: cho dù làm công việc mình không thích cũng có thể tạo ra thành tựu to lớn.

Susan sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, từ nhỏ đã vô cùng yêu thích âm nhạc. Nhưng dòng đời xô đẩy, sau cùng cô lại học ngành quản trị kinh doanh. Dù không thích ngành học này, cô vẫn chăm chỉ học hành, thành tích học tập không hề kém. Sau khi tốt nghiệp, Susan được cử đến Học viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology) học thạc sĩ Quản trị kinh doanh, sau đấy cô học tiếp lên bậc tiến sĩ.

Đến nay, dù đã là nhân vật có tiếng tăm trong giới chứng khoán, Susan vẫn cảm thấy tiếc nuối: “Thực lòng mà nói, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không thích công việc mình đang làm. Nếu được chọn lại lần nữa, tôi sẽ không do dự mà chọn âm nhạc. Nhưng tôi biết đó chỉ là một giả thiết đẹp đẽ, hiện tại tôi chỉ có thể làm tốt công việc mình đã chọn. Tôi cố gắng làm tốt việc mình không thích vì đó là trách nhiệm với nghề, cũng là trách nhiệm với bản thân.”

Câu chuyện trên nói với chúng ta rằng: Thành công của rất nhiều người không liên quan đến “thích” mà nằm ở thái độ công việc. Có người làm công việc mình không thích với thái độ qua loa, đối phó, như vậy mãi mãi sẽ không đạt được thành tích gì. Hơn nữa, khi thái độ đó trở thành thói quen, có lẽ đến bát cơm manh áo cũng khó giữ.

Lựa chọn nghề nghiệp, môi trường là việc chỉ là biểu hiện bên ngoài, đường đời chân chính nằm ở giá trị quan của bản thân, đó là thái độ với công việc, với mọi người và với bản thân. Sống với thái độ đúng đắn thì dù làm bất cứ việc gì, kết quả sẽ không quá tệ. Bởi vì, lựa chọn công việc có thể ảnh hưởng đến ta trong nhất thời, nhưng thái độ sống lại có tác động tới cả cuộc đời ta.

Gần đây tôi luôn nghĩ, thế nào mới là con đường đúng đắn? Chẳng lẽ nhất định phải là thứ mình yêu thích hay sao?

Tôi nghĩ rằng không phải. Chẳng hạn như những cặp đôi tự do yêu nhau, lúc mới yêu thì dính nhau như sam, cuối cùng có khi lại quay sang ghét nhau. Hoặc bạn vô cùng thích công việc nào đó, nhưng chưa chắc bạn sẽ thích nó cả đời, biết đâu sẽ có một ngày bạn tìm đến công việc khác.

Sở trường và nguyện vọng của mỗi người trong công việc chưa chắc là một. Chúng ta không chỉ thích hợp với một ngành nghề, cho nên không nhất thiết phải giới hạn phương hướng cuộc đời.

Thực tế, không có lựa chọn nghề nghiệp nào hoàn toàn sai hay hoàn toàn đúng, bơi dẫu sao đường đời không đơn giản như đường đi. Nếu nói đời người cũng có một đích đến, thì đó hẳn là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Con đường nào cũng có thể giúp ta đạt đến mục tiêu đó, nhưng nó không có sẵn, mà đòi hỏi ta phải tìm tòi, khám phá. Giống như Lỗ Tấn từng nói: ”Trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.”

Trước khi nghĩ về phương hướng cuộc đời, hãy xem lại thái độ sống của bản thân. Năm tháng dài rộng, sự đời khó lường, biết đâu trong tương lai, công việc ta đang làm và nghề nghiệp lí tưởng của ta sẽ có điểm giao nhau.

Bất kể bạn đang làm gì, có thích hay không, sau cùng cũng là để đảm bảo đời sống vật chất và làm phong phú thế giới tinh thần. Phải tin rằng, nếu thực sự dồn hết tâm sức cho công việc, ta không những có thể tạo ra nhiều thành tựu huy hoàng mà có thể sẽ yêu luôn công việc đó. Nhiều lúc chúng ta không thích không có nghĩa là nó không tốt, có thể do chúng ta không hiểu được sự kỳ diệu của nó, giống như một người mù âm nhạc sẽ không cảm nhận được cái hay của giai điệu, một người mù hội họa sẽ không nhìn ra ý nghĩa ẩn giấu trong tranh.

Bạn nghĩ con đường mình lỡ chọn nhầm sẽ không có phong cảnh đẹp? Có thể do bạn chưa học được cách cảm nhận thôi. Cuộc sống vốn không thiếu những điều kỳ diệu, chỉ thiếu con mắt tinh tế để phát hiện ra chúng.

Nếu bạn cho rằng con đường hiện tại là sai lầm thì cũng không cần nản lòng, mỗi người đều có quyền lựa chọn, dù chưa đủ dũng cảm và bản lĩnh, hãy cứ thử “liều một phen”, lựa chọn lại từ đầu, đừng ngồi một chỗ buồn phiền vì vấn đề này.

Nếu vấn đề nằm ở bản thân bạn, đừng dung tram ngàn lí do để giải thích, bao biện cho sự do dự, chán nản của mình nữa, nó chỉ càng trói buộc bạn và làm mọi chuyện tệ hơn thôi. Lúc đấy, bạn nên kiên trì tiếp tục công việc hiện tại, bởi cho dù có chọn lại, công việc mới cũng chưa chắc phù hợp với bạn.

Tôi đã nói với cháu gái: “Làm tốt công việc mình thích là điều đương nhiên, còn làm tốt công việc mà mình không thích mới là có bản lĩnh.”

Đời người không có con đường nào được trải sẵn, chỉ cần bạn làm đủ tốt, đường có dài đến mấy cũng không hề xa. Chúng ta tán dương lòng dũng cảm và ngưỡng mộ bản lĩnh của những người dám làm điều mình thích và nói không với điều mình không thích. Nhưng điều mà xã hội này cần hơn chính là những người dẫu không làm công việc lý tưởng của mình vẫn cố gắng tạo ra thành tích.

Hầu hết thất bại trên thế giới này đều do tính cách và cách làm người. Nếu cứ đứng núi này trông núi nọ, không đào sâu nghiên cứu, cho dù có nghe theo tiếng gọi con tim, cuối cùng cũng sẽ không thấy thỏa mãn vì nhiều lý do.

Đường đời vốn do chúng ta lần mò từng bước mà nên, bởi vậy từ trước đến nay chưa bao giờ có đúng sai tuyệt đối.

Nội dung được trích dẫn từ cuốn sách Bài học vuông tròn (Ngọc Anh dịch – Nhà Xuất Bản Thế Giới)


Xem thêm:

Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Xã Hội tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlxh/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học