NHỮNG ĐOẠN VĂN NLXH MỚI MẺ, ĐẠT ĐIỂM CAO

NLXH

Ý NGHĨA CỦA SỰ TỰ TIN 

Nữ văn sĩ, diễn giả người Mỹ Helen Keller từng nói “Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin” để khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của sự tự tin trong cuộc sống. Trước hết, tự tin là khi con người tin tưởng vào khả năng, giá trị và sức mạnh của bản thân, từ đó hành động với sự quyết đoán, nhanh nhẹn mà không bị dao động bởi các yếu tố bên ngoài. Bởi vậy mà việc có được sự tự tin sẽ không chỉ giúp ta cải thiện chính mình mà còn góp phần to lớn vào thành công trong công việc, đời sống hàng ngày. Sự tự tin giúp ta có sự đánh giá khách quan, đúng đắn về năng lực, giá trị của bản thân, đồng thời tạo điều kiện để ta phát huy tiềm năng của mình. Không chỉ vậy, nó còn là động lực thúc đẩy con người phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được nguyện vọng, ước mơ ta hằng mong muốn. Khi có niềm tin vào chính mình, ta học cách sống chủ động, độc lập hơn và biết nắm bắt các cơ hội quý giá trong cuộc sống, qua đó có được thành công, niềm vui cho bản thân và người xung quanh. Khi còn trẻ, tổng thống Joe Biden từng bị bắt nạt, dè bỉu từ bạn đồng trang lứa bởi thói nói lắp của mình. Dẫu vậy, ông vẫn giữ vững thái độ tự tin, lạc quan và nỗ lực theo đuổi đam mê, để rồi ông trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới ngày hôm nay, truyền cảm hứng, động lực đến hàng triệu người. Trái lại, một số cá nhân còn tự ti, có thái độ tiêu cực về chính mình, về cuộc sống, nên hễ gặp khó là nản chí, bỏ cuộc, để rồi trở thành gánh nặng cho toàn xã hội. Qua đây, ta cần nhận thức rõ ý nghĩa của sự tự tin để có thêm động lực thúc đẩy bản thân, vì tương lai là do chính mình nắm giữ và dựng xây. 

THÁI ĐỘ SỐNG TÍCH CỰC 

 Nhà soạn kịch Oscar Wilde từng nói “Sống là điều hiếm thấy nhất trên thế gian. Phần lớn người đời chỉ tồn tại mà thôi” để thúc đẩy mọi người cố gắng giữ cho mình một cái nhìn lạc quan, tích cực trong cuộc sống. Trước hết, thái độ sống tích cực là lối suy nghĩ, nhìn nhận vào những điều tốt đẹp và sự tìm kiếm niềm vui, ý nghĩa trong đời sống thường ngày. Trước sự chuyển biến không ngừng của xã hội, việc giữ cho mình thái độ lạc quan, cởi mở ngày càng trở nên quan trọng, thiết yếu vì lối suy nghĩ tích cực sẽ giúp con người ổn định tinh thần, có định hướng đúng đắn và mở ra nhiều cơ hội mới. Ta sẽ có thêm động lực, sức mạnh để đối diện mọi khó khăn, thử thách cuộc sống đặt ra, từ đó xây dựng, bồi đắp các giá trị tốt đẹp và lan tỏa chúng tới mọi người xung quanh. Chúng ta có thể bắt đầu từ chính mình – học hỏi trong một môi trường cởi mở, lành mạnh; tích cực tìm kiếm giải pháp trong tình huống khó khăn hay đơn giản chỉ là tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc. Những cử chỉ, hành động tuy bé nhỏ nhưng tất cả đều đóng vai trò to lớn để nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, tiếp thêm cho ta ý chí để vượt qua chông gai, tiếp bước trên con đường đến thành công. Oprah Winfrey, dù sinh ra và lớn lên trong cái đói, cái nghèo, thế nhưng bà đã vượt lên tất cả bằng thái độ lạc quan, tích cực và trở thành người dẫn chương trình, nhà từ thiện nổi tiếng toàn cầu. Câu chuyện của bà đã lan tỏa tới trái tim nhiều người, giúp họ thay đổi lối sống, suy nghĩ của mình theo hướng tốt đẹp hơn. Trái lại, một số cá nhân còn có thái độ bi quan, vô cảm với cuộc sống, với chính mình, để rồi mỗi ngày của họ đều trôi qua trong sự phí hoài và tiếc nuối. Qua đây, ta cần hành động, thay đổi chính mình để có được thái độ tích cực, để tâm hồn không “tàn lụi”, vì sự phát triển của bản thân và xã hội sau này. 

Ý NGHĨA CỦA VIỆC LỰA CHỌN ĐÚNG CÔNG VIỆC MÌNH YÊU THÍCH 

Từ thuở xưa, ông cha ta có câu “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” để nhắn nhủ tới thế hệ trẻ ngày nay về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc lựa chọn đúng công việc mình yêu thích. Trước hết, lựa chọn công việc là quá trình mỗi cá nhân tự định hướng việc làm cho mình để đáp ứng mong muốn, nhu cầu vật chất và tinh thần của bản thân. Trong quá trình đó, việc đưa ra lựa chọn đúng đắn sẽ giúp ta được sống là chính mình, đồng thời có thêm nhiệt huyết với công việc và làm việc có hiệu quả hơn. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ thì cơ hội nghề nghiệp ngày càng mở rộng nên các bạn trẻ có thể tự chọn nghề phù hợp với khả năng, sở thích và sức lao động của mình. Vì lao động sẽ chứng tỏ mỗi chúng ta là ai, nên khi lựa chọn đúng công việc sẽ thúc đẩy niềm say mê, hứng thú làm việc của mỗi người, đồng thời tạo điều kiện và thời gian để trau dồi nghề, từ đó làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp, ý nghĩa. Tiểu thuyết gia lừng danh người Nhật Haruki Murakami khi còn trẻ đã quyết định bán cửa hàng của mình để toàn tâm sáng tác tiểu thuyết, để rồi ông trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất của văn học hiện đại. Trái lại, một số cá nhân còn lười lao động, chọn sai nghề, họ dần thấy chán nản với mọi việc, từ bỏ đam mê và dẫn đến hiệu quả công việc không cao, ảnh hưởng đến tập thể. Qua đây, ta cần nhận thức rõ ý nghĩa của việc lựa chọn đúng công việc mình yêu thích để có động lực phấn đấu, vươn đến đam mê và thành công sau này. 

SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Từ xưa ông cha ta thường có câu: 

“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

để nhắn nhủ tới con cháu sau này về tầm quan trọng, sự thiết yếu của việc rèn rũa kỹ năng giao tiếp trong xã hội hiện đại. Trước tiên, giao tiếp là kỹ năng truyền đạt, phản hồi giữa người nói và người nghe trong sinh hoạt, công việc và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống hàng ngày. Nếu trước kia giao tiếp chỉ đơn thuần là công cụ kết nối, liên lạc giữa người với người thì nay, nó ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt đối với lớp trẻ, vì giao tiếp chính là chìa khóa dẫn tới sự thành công. Khi biết cách cởi mở, giao lưu với người xung quanh, con người từng bước làm chủ bản thân, trở nên tự tin hơn vào khả năng của mình, từ đó có thêm động lực tiến bước, không ngần ngại đón nhận cơ hội, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Kỹ năng giao tiếp còn giúp ta xây dựng các mối quan hệ với người thân, bạn bè và đồng nghiệp, để ta tích lũy thêm nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu, cải thiện chính mình và tiến gần hơn đến thành công trong tương lai. Để có kỹ năng giao tiếp tốt, bên cạnh sự chủ động, thái độ tự tin hay vốn hiểu biết sâu rộng thì mỗi người cần học cách lắng nghe, phản hồi đối phương với sự tập trung cùng thái độ cởi mở, chân thành. Hơn nữa, biết đối thoại, lắng nghe là chưa đủ mà ta nên dành thời gian để trau dồi ngoại ngữ, vốn từ vựng để mở rộng mối quan hệ, tạo cơ hội thăng tiến cho chính mình. Warren Buffet, để trở thành vị tỷ phú của ngày hôm nay thì ông đã rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thương thuyết của mình từ thuở bé bằng cách bán hàng rong. Câu chuyện của ông đã giúp nhiều bạn trẻ có nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của nghệ thuật giao tiếp. Trái lại, một số cá nhân còn coi thường tầm quan trọng của kỹ năng này, họ tự thu mình lại với xã hội, để rồi cuộc đời dần trở nên nhàm chán, tẻ nhạt và vô vị, thiếu vắng sự hiện diện của ước mơ, đam mê hay thành công. Qua đây, thế hệ trẻ cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của khả năng giao tiếp, từ đó chăm chỉ, kiên trì trau chuốt kỹ năng đó và biến nó thành công cụ đưa bản thân đến với thành công trong tương lai sau này.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học