Nhà văn kể chuyện dạy con làm văn

Nhà văn kể chuyện dạy con làm văn

Cách đây 15 năm, con gái tôi học lớp 4, có bài tả con lợn. Con gái rất tự hào bố là nhà văn, nên hỏi bố. Tôi hướng dẫn cho con tả con lợn, nói rằng, có thể có nhiều người trông thấy con lợn, nhưng con phải tả con lợn theo con mắt của con.

Hồi đó, khu vực công viên Cầu Giấy bây giờ còn ruộng bát ngát, làng còn làm cốm lác đác, nhà có chuồng trâu chuồng lợn không hiếm. Con gái nhỏ của tôi quan sát con lợn nhà hàng xóm, rồi viết thành bài văn ngộ nghĩnh, tả một con lợn thật sự rất có… cá tính.

Mấy hôm sau, con gái tiu nghỉu thông báo, bài văn của con tôi gần đội sổ trong lớp, được 6 điểm. Nó là đứa học hành chả mấy khi bị điểm 8, cho nên cái điểm 6 ấy khiến nó… choáng. Tôi đành an ủi con bằng cách kể chuyện con nhà văn Nguyễn Khải làm văn về tác phẩm của bố, vẫn được 2 điểm như thường.

Tôi mới tìm xem lý do của cô giáo là gì. Thì ra, cô giáo đã cho dàn bài sẵn rồi. Mở bài phải đủ những câu chữ như vậy, thân bài phải như vậy, vân vân…

Mấy hôm sau, tôi nói chuyện với Tiến sĩ Văn học ở trường đại học sư phạm. Anh cười rồi nói, nếu là bài tả con lợn thì phải mở bài: “Éc éc, ủn ỉn, nhà em có nuôi một con lợn. Sau đó phải nói cái đầu to bằng gì, cái thân bằng gì, cái đuôi nhất định phải ve vẩy,… , rồi kết luận phải là: “Con lợn làm bạn của nhà em. Nếu con ông tả con lợn hàng xóm, lập tức mở bài đã hỏng rồi…” Nghĩa là, chệch khỏi cái dàn bài của cô giáo, thì con lợn của ai đi nữa vẫn không phải con lợn.

Tôi giật mình, về nhà xem lại các bài văn khác. Té ra nếu tả con gà thì bắt đầu: Cúc cù cu… nhà em có nuôi một con gà. Tả con mèo thì: Meo meo meo, con mèo nhà em bằng cái chày giã cua… Thảo nào, có đứa học trò tả ông nội, mở bài: Khừ khừ… Nhà em có nuôi một ông nội.

Từ thực tiễn chuyện học của con mình và bè bạn, nhà văn Nguyễn Xuân Hưng đã kể lại câu chuyện về cảm thụ văn học vừa dí dỏm và không kém phần sâu sắc.

Tác giả chú thích về bức tranh:

Lợn độc. Tranh dân gian Kim Hoàng. Trên nền đỏ của giấy điều là con lợn được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng, cái đẹp của sự tương phản giữa đỏ – đen – trắng làm cho tranh có vẻ khúc chiết, cô đọng, mang tính tượng trưng.


Theo: Báo VietNamnet

Nguồn ảnh: Báo Lao động

#thichvanhoc trích dẫn

Xem thêm:

Xem thêm các bài viết được chia sẻ bởi độc giả của Thích Văn Học tại chuyên mục:https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-gia/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học