Kỹ năng viết NLXH 200 chữ

kỹ năng viết đoạn nlxh 200 chữ

I. Phân tích đề

– Là đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ (được viết từ 200 – 250 chữ) hoặc khoảng 20 – 25 dòng.

– Đúng cấu trúc của một đoạn văn (Bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ, không xuống dòng giữa đoạn, kết thúc bằng dấu ngắt câu,…)

– Một số kiểu cấu trúc đoạn văn:

  • Đoạn văn diễn dịch
  • Đoạn văn quy nạp
  • Đoạn văn tổng phân hợp
  • Đoạn văn song hành
  • Đoạn văn móc xích

=>Khuyến khích sử dụng đoạn văn tổng phân hợp

Đoạn văn tổng phân hợp là đoạn văn kết hợp giữa đoạn văn diễn dịch và đoạn văn quy nạp. Câu mở đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo khai triển ý khái quát, câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng để khẳng định lại vấn đề, đưa ra thông điệp hoặc nêu bài học nhận thức thức và hành động của bản thân. Những câu khai triển được thực hiện bằng thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận,…

– Nội dung nghị luận trong các năm vừa qua đề đều là dạng Nghị luận về một tư tưởng đạo lý:

Ví dụ:

+ Đề Văn minh họa năm 2021: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách.”

+ Đề Văn năm 2020 lần 1: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.”

+ Đề Văn năm 2020 lần 2: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống.”

+ Đề Văn năm 2019: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.”

– Vấn đề nghị luận là một khía cạnh/một bình diện của một vấn đề lớn.

Ví dụ:

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết/vai trò/sức mạnh/ý nghĩa/tầm quan trọng/nguyên nhân/hậu quả/… của (vấn đề nghị luận). Bởi vậy khi viết đoạn chỉ tập trung vào vấn đề nghĩ luận tránh lan man sang các vấn đề khác như biểu hiện hay phản đề.

– Tránh nhầm lẫn viết đoạn văn thành bài văn thu nhỏ và tư tưởng “Thừa còn hơn thiếu”.

Đoạn văn

+Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận

+Thân đoạn:

  • Giải thích từ khóa
  • Bàn luận
  • Dẫn chứng

+Kết đoạn: Liên hệ bản thân, đưa ra bài học nhận thức và hành động

Bài văn thu nhỏ

+Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận

+Thân đoạn:

  • Giải thích
  • Bàn luận
  • Dẫn chứng
  • Ý nghĩa
  • Phản đề

+Kết đoạn: Liên hệ bản thân, đưa ra bài học nhận thức và hành động.

II. Kĩ năng viết đoạn

1. Cách mở đoạn Nghị luận xã hội

Có lẽ một “công thức” mở đoạn quen thuộc của học sinh khi viết đoạn Nghị luận xã hội 200 chữ đó chính là: “Trong cuộc sống…” mặc dù nó đúng nhưng nó đã quá cũ, không tạo được điểm nhấn và không thu hút người đọc.

a. Đưa ra phản đề

Ví dụ:

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của lịch sử dân tộc đối với thế hệ trẻ. (Trích Đề số 9 – Bộ Tài Liệu Đọc Hiểu Và Nghị Luận Xã Hội)

Chúng ta sẽ có mở đoạn như sau:

Người ta nói, lịch sử là người thầy của tương lai, thế nhưng trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay dường như người thầy ấy đang dần mất đi vị trí quan trọng của mình. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của lịch sử dân tộc để tìm lại những giá trị cao quý của cha ông ta.

b. Trích dẫn một câu châm ngôn, lời bài hát, câu thơ, câu văn,…

Ví dụ:

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: “Tôi sẽ thương lượng với thời gian như thế nào?” (Trích Đề số 1 – Bộ Tài Liệu Đọc Hiểu Và Nghị Luận Xã Hội)
Chúng ta sẽ có mở đoạn như sau:

“Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí” câu nói của Nikolai A.Ostrovsky đã khiến bản thân mỗi chúng ta đặt ra một câu hỏi lớn: “Tôi sẽ thương lượng với thời gian như thế nào?”

c. Đưa ra những liên tưởng, tưởng tượng.

Ví dụ: Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng khoan dung trong cuộc sống. (Trích Đề số 19 – Bộ Tài Liệu Đọc Hiểu Và Nghị Luận Xã Hội)
Chúng ta sẽ có mở đoạn như sau:

Cuộc sống mỗi ngày một phong phú, nó như một kệ hàng tạp hóa bán đủ mọi thứ kể cả sự hận thù, ghen ghét, đố kỵ thậm chí là chết chóc. Nhưng dù sao đi chăng nữa, trong tôi vẫn có niềm tin rằng lòng khoan dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong xã hội ngày nay.

d. Đưa ra những hình ảnh mang tính biểu tượng.

Ví dụ:

Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tinh thần lạc quan đối với tuổi trẻ.
Chúng ta sẽ có mở đoạn như sau:

Như loài hoa hướng dương luôn sống khao khát hướng mình dưới nắng vàng thơm ngát, luôn rạng rỡ đẹp tươi dưới ánh nắng mặt trời thì thế hệ trẻ cũng cần vươn tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống với tinh thần lạc quan.

Tùy từng vấn đề nghị luận mà ta viết mở đoạn cho hợp lý, không quá gượng ép, gò bó theo một công thức nhất định nào!

2. Diễn đạt trong thân đoạn.

a. Phần giải thích.

Chúng ta chỉ cần giải thích đối với những từ ngữ khó hiểu, chưa rõ nghĩa hoặc mang ẩn ý trong vần đề nghị luận. Nếu trường hợp từ ngữ đã rõ nghĩa thì không nhất thiết cần giải thích tránh việc càng giải thích càng gây khó hiểu cho người chấm.

b. Phần bàn luận.

– Cần xoáy sâu vào vấn đề nghĩ luận.

Ví dụ vấn đề nghĩ luận là trình bày ý nghĩa của… thì ta cần tập trung vào phần ý nghĩa tránh lan man sang các vấn đề khác.

– Cần nhìn nhận vấn đề nghị luận dưới nhiều khía cạnh, góc độ để giúp bài viết thêm hấp dẫn, cuốn hút và sâu sắc.

Ví dụ:

đề bài yêu cầu “Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của tình yêu thương.” thì ta cần nhìn nhận dưới 2 khía cạnh: ý nghĩa đối với bản thân và ý nghĩa đối với xã hội. Hay đề bài yêu câu “Viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày nguyên nhân dẫn đến bùng phát lại dịch Covid nhiều lần trên thế giới.” thì ca cần nhìn nhận dưới 2 khía cạnh: nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

c. Phần dẫn chứng.

– Một đoạn văn Nghị luận xã hội cần “đủ” dẫn chứng (lấy từ 1 – 2 dẫn chứng).

– Dẫn chứng cần chính xác, thuyết phục, mang tính thời sự, mới lạ và tránh việc lấy dẫn chứng quá cũ.

Ví dụ: dẫn chứng về tinh thần yêu nước

Thay vì việc chọn dẫn chứng là “Bác Hồ bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài để tìm đường cứu nước…” đây là dẫn chứng hoàn toàn chính xác nhưng nó đã quá cũ, quá “lạc hậu” và không còn mang tính thời sự hay cấp thiết nữa. Thay vào đó chúng ta có thể lấy dẫn chứng là “những y bác sĩ trong đại dịch Covid vừa qua – những chiến binh áo trắng đã oằn mình cũng những con virut để mang đến sự an toàn cho người dân khắp Tổ quốc.”

– Hạn chế tuyệt đối việc lấy dẫn chứng trong văn học.

– Lấy dẫn chứng cần phải phân tích sơ qua

Ví dụ:

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về thế kỷ đau thương.

+ Dẫn chứng: Đại dịch Covid khiến toàn thể nhân loại biến động, số người thiệt mạng đã lên tới 3,5 triệu người trên toàn thế giới.

+ Phân tích dẫn chứng: đó lại là một phép thử trước nghịch cảnh để thử thách tình yêu thương, tinh thần đoàn kết hay sự tự giác của mỗi con người qua đó cùng nhau đối đầu với thế kỉ đau thương và khôi phục nền kinh tế toàn cầu.

3. Kết đoạn

– Nhiệm vụ chính của phần kết đoạn là khái quát lại vấn đề, liên hệ bản thân, đưa ra bài học nhận thức và hành động.

– Hạn chế sử dụng “công thức” kết đoạn quen thuộc: “là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường…” mặc dù nó không sai nhưng nghe rất “giả trân” khiến người chấm khó chịu. Thay vào đó chúng ta có thể viết: “Là một thế hệ trẻ sống giữa thời kì toàn cầu hóa với những biến chuyển không ngừng của thời đại…”.

4 Làm thế nào để có một đoạn văn Nghị luận xã hội ấn tượng?

a. Sử dụng các từ ngữ chuyển ý.

Ví dụ: bên cạnh đó, mặt khác, cùng với đó, thứ nhất là, thứ hai là, vậy nên, tuy nhiên…

Điểu này giúp bài mạch lạc, sáng ý, mang màu sắc lập luận. Mặc dù sẽ khiến bài viết cứng nhắc, không được bay bổng nhưng trước khi có một đoạn văn hay thì cần phải có một đoạn văn đúng.

b. Sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, sáng tao và mang tính biểu tượng.

Ví dụ:

+ Nếu nói về sự mất phương hướng ta có thể viết như sau: “những người mất phương hướng không khác nào những con tàu ma lênh đênh giữa biển cả mênh mông.”

+ Nói về những con người sống thụ động ta có thể viết như sau: “những kẻ sống thụ động, thiếu trải nghiệm chỉ như những cây non èo uột sống trong mảnh vườn nhỏ được chăm tưới tắm cẩn thận nhưng sẽ bị quật ngã trước gió to, bão lớn.”

+ Nói về giá trị riêng của bản thân ta có thể viết như sau: “Chanh chẳng thể xin cho mình vị ngọt, muối chẳng thể xin cho mình vị cay, đường chẳng thể xin cho mình vị đắng,… bởi lẽ vạn vật đều có cho mình những màu sắc, tính chất khác nhau, thay vì trộn lẫn sao bạn không thử tạo ra giá trị cho riêng mình?”


Xem thêm:

Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Xã Hội tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlxh/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học