“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa.”
(Sổ tay thơ, Chế Lan Viên)
Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ phải bén rễ vào cuộc đời, hút lấy nguồn nhựa dạt dào chảy ngầm trong lòng cuộc sống, đem những xúc cảm cá nhân tôi luyện qua năm tháng để kết tụ thành những hạt ngọc ánh ngời, tỏa sáng giữa đại ngàn văn chương muôn lối. Nhặt nhạnh hết thảy từ cuộc đời bao tinh túy, bao sự kiện, bao tâm trạng đổi thay, chất riêng đã và dần hiện hữu trong cái tôi của nhà thơ như một lẽ thường tình, xây đắp cho tâm hồn con người biết bao tình cảm, suy nghĩ, trăn trở về tương lai. Nhà thơ Quang Dũng, người đã rất thành công trong việc để lại dấu ấn đặc trưng trong lòng độc giả về hình tượng người lính Tây Tiến nổi bật với phẩm chất “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Điều đẹp đẽ, thiêng liêng ấy được nhà thơ “xứ Đoài mây trắng” ký gửi qua khổ thơ thứ ba của bài:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
…
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Tác giả Quang Dũng là một gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam ngay từ đầu những năm kháng chiến chống Pháp với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh khi tác giả rời xa đơn vị Tây Tiến chưa được bao lâu. Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô” (1968). Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập vào năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ. Đoàn quân sau một thời gian dài hoạt động ở Lào đã trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại làng Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”. Khi in lại, ông đổi tên thành “Tây Tiến”. Việc đổi tên đã khiến đoàn quân Tây Tiến trở thành hình tượng trung tâm của thi phẩm cũng như được vĩnh cửu hóa. Đó không chỉ là một đoàn binh sống trong nỗi nhớ tha thiết của Quang Dũng mà còn trở thành hình tượng bất tử trong thơ. Và trên cả, cách đặt tên mới còn đảm bảo được tính hàm súc của thơ, “văn hay mạch không bị lộ” chính là mang ý nghĩa như thế.
Mở đầu đoạn thơ là chân dung người lính trên nền hùng vĩ, dữ dội:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Đảo ngữ “Tây Tiến đoàn binh” để nhấn mạnh khí chất của đoàn quân trong hồi ức của nhà thơ, lại nhớ về những ngày đầu những anh lính nuôi dưỡng, quý mái tóc phi-lô-dốp của mình. Các anh vừa tắm vừa gội đầu, hãnh diện với mái tóc của mình lắm. Nhưng tại sao lại là “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”? Vì các anh còn xông pha chiến trận còn đánh giáp lá cà với bọn địch, các anh còn chịu rét mà rụng tóc. Hiện thực khắc nghiệt buộc những người lính đứng dậy với một diện mạo mới chẳng còn dáng vẻ thư sinh của chàng trai Hà thành nữa. “Quân xanh màu lá” cũng là một hình ảnh thực chỉ màu xanh lá ngụy trang trong lối đánh du kích của quân đội ta và cũng là màu da xanh xao của người lính chịu cơn sốt rét nhưng vẫn kiên cường,
Câu thơ vừa đối lập lại vừa ẩn dụ vẻ xanh xao trong mắt nhà thơ càng trở thành tựu văn cường bất khuất. Các anh chiến sĩ giờ đây mang trên mình một khí thế dữ tợn, oai phong của “chúa sơn lâm”. Cách so sánh này đã từng xuất hiện trong bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
Bằng bút pháp tả thực Quang Dũng đã vẽ ra một bức tranh trần trụi khốc liệt về chiến tranh nhưng sự trần trụi ấy lại đậm tính lãng mạn. Có lẽ vì vậy mà ta vừa cảm thương vừa khâm phục những người lính vô cùng. Vẫn là theo mô tuýp bài thơ, sau khi dùng như ý thơ để tả hiện thực bi tráng thì đến tiếp theo là những câu thơ của một tâm hồn lãng mạn, tài hoa.
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Trong những ngày ngập chìm bom đạn khói lửa, những lần suýt chết trong gang tấc, tâm hồn họ lại nhạy cảm và mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hình ảnh “mắt trừng” vừa là cách nói cường điệu của bút pháp lãng mạn vừa là hoán dụ. Người đọc có thể hình dung về người lính trong những đêm nhớ nhà, nhớ quê, họ trằn trọc với tấm chân tình đã phủ khăn từ rất lâu rồi, họ trằn trọc suy tư về con đường hành quân ngày mai. Mặt khác “mắt trừng” là cách thể hiện sự căm thù tức giận của người lính, họ có thể ngã xuống nhưng niềm hi vọng đánh tan giặc thì không bao giờ dập tắt được. Đều là những chàng trai Hà thành hào hoa lãng tử, họ đã quên đi mối tình chóng vánh mới nở ở quê nhà yêu dấu để bước chân lên đường chiến đấu. Phải đánh tan lũ giặc thì mới bảo vệ được người mình yêu, mới cho người mình thương cuộc sống tự do hạnh phúc. Ở nơi này “dáng kiều thơm” chỉ dám xuất hiện trong đêm mơ. Câu thơ có vậy mà đã gây ra bút chiến, lại nhớ nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từng viết: “Người Đức họ không cấm thanh niên họ đọc Werther mà họ vẫn cường, người Anh họ không cấm thanh niên họ đọc Romeo et Juliette mà họ vẫn mạnh. Tôi dám chắc chỉ có những nhà nhân đạo mới tự cấm lấy mình thôi. Nếu cầm hết đi như vậy thì còn biết chi là cái hay cái đẹp ở đời” Hai câu thơ diễn tả tâm trạng rất thật của người lính trên đất Lào, họ gửi nỗi nhớ qua biên giới cũng chẳng chờ hồi âm chỉ mong chiến thắng.
Nhờ những nét tiêu biểu mà Quang Dũng chọn lọc thật kỹ lưỡng, đoạn thơ thứ ba đã khắc họa lên tượng đài tập thể của người lính Tây Tiến: vừa bi tráng lại vừa lãng mạn, nét bút không ngơi nghỉ mà tạo ra khí thế hào hùng. Nói Quang Dũng là một trong những nhà thơ hàng đầu thời kỳ chống Pháp Quả là không sai.
Hi sinh mất mát trong chiến tranh là điều hiển nhiên, cũng là một điều cấm kỵ trong giới làm nghệ thuật lúc bấy giờ. Ấy vậy mà qua “Tây Tiến”, lý tưởng quên mình đó không còn sự bi lụy, thê lương:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Có người nói cảm hứng của Quang Dũng đôi lúc sắp chìm vào trạng thái bi thương thì ngay lập tức được nâng đỡ bởi đôi cánh lý tưởng lãng mạn. Từ láy “rải rác” ở đầu câu thơ kết hợp với những từ Hán Việt như “biên cương” “viễn xứ” đã làm bức tranh nhuốm màu tang thương, một sự thật nghiệt ngã và đau lòng. Đối mặt với bom đạn tinh thần con người có cao đến mấy cũng chỉ tan xương nát thịt. Cuộc đời của những chàng trai trẻ mãi mãi bỏ lại nơi xa xôi. Dường như, họ đã phụ lòng chờ đợi của những người ở quê hương yêu dấu. Đảo cấu trúc “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” khiến cho giọt nước mắt bi thương kia được hong khô hẳn. Giờ đây chỉ còn tâm thế cầm chắc súng, hiên ngang sẵn sàng đấu tranh bảo vệ dân tộc. Hình ảnh hoán dụ “đời xanh” đã gây ra sự quên mình vì tổ quốc của người lính ở độ tuổi đẹp nhất họ cống hiến sức người thanh xuân của mình cho sự nghiệp của Tổ quốc. Đúng, đó chính là tinh thần trong câu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Từ phủ định “chẳng tiếc” để khẳng định tầm vóc lớn lao lý tưởng cao đẹp của binh đoàn Tây Tiến. Sương giăng hay khói lửa cũng chẳng làm mờ đi hình tượng người lính. Tính phi thường trong câu thơ còn nằm ngay ở cái chết.
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Nơi chiến trường trận mạc, những người lính nằm xuống cũng chẳng có tấm chiếu manh để che đậy. Tác giả gọi áo người lính là “áo bào” để bày tỏ sự kính trọng. Họ vẫn được xem như những vị quan thời xưa được “da ngựa bọc thây” khi tử trận nơi sa trường. Hiện thực tuy khắc nghiệt nhưng cái chết vẫn trang trọng qua vần thơ của Quang Dũng. Nghệ thuật nói giảm “anh về đất” chỉ sự ra đi nhẹ nhàng và lý tưởng. Các anh chỉ trở về đất mẹ sau một kiếp rong ruổi đầy bụi trần mà thôi. Hình ảnh nhân hóa “sông Mã gầm lên” kết hợp từ Hán Việt “khúc độc hành” đã tạo ra một giọng thơ đang hào hùng bi ai bỗng ngay lập tức trở nên bi tráng. “Sông Mã cọp gầm”, ngay cả chúa rừng xanh cũng thương tiếc cho người lính, rừng thiêng sông núi như dâng một khúc ca hoành tráng để tiễn đưa vong linh người đã khuất càng làm cho khí thế đoàn quân thêm phần mạnh mẽ. Đồng đội của họ đã ngã xuống, họ phải tiếp tục chiến đấu vì lý tưởng vì quê hương, vì trả thù.
Bàn về chất riêng trong thi ca, nhà văn I.X Tuocghenhev từng nhận định: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác.” Đọc Tây Tiến, ta như đang đi vào một thế giới mới, một thế giới mà trong đó bút pháp lãng mạn lại được kết hợp với cảm hứng bi tráng, điều ấy đã giúp nhà thơ khắc họa chân thực cái chết của người lính vừa oanh liệt vừa hào hùng. Chân dung người lính qua câu thơ đã thể hiện nét phi thường từ diện mạo, tâm hồn cho đến khí phách. Giọng thơ lúc trầm lúc bổng tựa như một bản hòa tấu làm sống dậy một thời chiến đấu gian khổ, trường kỳ của dân tộc.
Đọc xong những vần thơ đầy cảm xúc hướng về những người lính bộ đội cụ Hồ, liệu các bạn có giống như tôi, có tự bất giác hỏi lòng mình rằng: “Chúng ta là ai? Chúng ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì? Tại sao chiến tranh lại xảy ra? Tại sao phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc? Tại sao nạn đói vẫn tiếp tục tồn tại? Tại sao người ta vẫn ra giảng về hòa bình, nhưng lại reo rắc chiến tranh ở khắp nơi?” (Cuốn sách “Thế giới trong bạn”, nhà tư tưởng và giáo viên tôn giáo Krishnamurti). Nhưng dù ở nơi đâu, ở bất kì độ tuổi nào, họ vẫn luôn sáng trong mình lòng yêu nước và tinh thần quật cường quật khởi. Bạn và tôi, chúng ta đều là những người trẻ, chúng ta cũng giống những con người đó, gánh vác trên mình trọng trách lớn lao. Vậy nên hãy cống hiến hết mình, sống một đời ý nghĩa, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người xung quanh bạn nhé!
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học