Mở bài ăn điểm

Cách viết mở bài “ăn điểm” – Phần 2

Xem lại phần 1 ở: Cách viết mở bài “ăn điểm”

Mở bài văn nghị luận theo cách trực tiếp

Rất rõ ràng, mở bài theo cách trực tiếp nghĩa là các em đi thẳng vào nội dung của vấn đề cần bàn luận và phân tích trong bài viết. Một ví dụ về mở bài theo cách trực tiếp:

Đề bài: Em hãy phân tích nghệ thuật Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh để thấy rõ nghệ thuật lập luận đặc sắc của Bác Hồ?

Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là một tác gia lớn của nền văn học dân tộc Việt Nam. Người đã viết thành công trên nhiều thể loại văn chính luận, truyện ký, thơ ca và ở thể loại nào cũng có những tác phẩm xuất sắc mẫu mực. Riêng ở thể loại văn chính luận Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một cây bút xuất sắc, mẫu mực mà dẫn chứng hùng hồn là tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” 1945. “Tuyên ngôn độc lập” là một bản tuyên bố lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại vườn hoa Ba Đình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Bản “Tuyên ngôn độc lập” vừa tuyên bố nền độc lập của dân tộc vừa bác bỏ luận điểm xâm lược của kẻ thù. “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận vừa có giá trị pháp lí, giá trị lịch sử, giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật cao. Cái tạo nên giá trị nghệ thuật cao chính là ở bút pháp lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, dẫn chứng hùng hồn, văn phong xúc tích trong sáng.

Mở bài văn nghị luận theo lối quy nạp

Nhiệm vụ của mở bài đó là nêu nội dung vấn đề để phần thân bài phân tích và xử lý vấn đề. Với cách này, bạn lập luận đi từ những ý nhỏ rồi bắc cầu sang ý lớn (vấn đề mà đề bài yêu cầu giải quyết). CÔNG THỨC: PHÂN (Ý NHỎ) => TỔNG (Ý LỚN – Ý ĐỀ)

Ví dụ mở bài Đất Nước:

Đất nước là những nỗi niềm thân thuộc, những kí ức đẹp đẽ trong tuổi thơ của mỗi người. Đất nước là những nét văn hóa truyền thống mang bản sắc quê hương, dân tộc đậm đà sắt son. Đất nước còn là “Đất Nước của nhân dân” – một tư tưởng sáng ngời trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971. Với chín câu thơ đầu, nhà thơ đã tái hiện thật sinh động và sâu sắc tất cả các đặc trưng ấy của đất nước bằng một hồn thơ phóng khoáng và trọn tình vẹn nghĩa, khiến người đọc không khỏi bịn rịn luyến lưu.

Mở bài văn nghị luận theo lối diễn dịch

Cách mở bài này theo trình tự như sau: Bạn dùng một ý khái quát lớn hơn vấn đề mà đề bài đặt ra, dùng ý lớn đó như một “bầu trời” để dẫn vào “đám mây” mà bạn cần làm rõ. CÔNG THỨC: TỔNG (Ý LỚN – KHÁI QUÁT) => PHÂN (Ý NHỎ – CỤ THỂ)

Ví dụ mở bài Việt Bắc:

Chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, dân tộc Việt Nam đã cùng đồng lòng quyết tâm chiến đấu, bảo vệ và giữ gìn hòa bình cho đất nước. Cùng với chặng hành trình gian khổ ấy, các nhà thơ, nhà văn đã gắn bó với kháng chiến bằng bút lực và tài hoa của mình, và tiêu biểu trong những người nghệ sĩ tuyệt vời ấy, nhà thơ Tố Hữu – người được mệnh danh là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam” đã riêng dành cho dân tộc những tuyệt bút hào hùng, nổi bật với bài thơ “Việt Bắc” được ông sáng tác vào tháng 10/1954, thể hiện nỗi nhớ, sự lưu luyến và tấm lòng son sắt của người dân Việt Bắc với chiến sĩ cách mạng miền xuôi. Với một trái tim nồng nàn yêu nước, nhà thơ đã bồi hồi nhớ lại và phác họa nên bức tranh …. (Dẫn ý đề).

Mở bài văn nghị luận theo lối đối lập

Mở bài theo lối đối lập tức là các em nêu một vấn đề đối lập, từ đó làm thế bắc cầu để nêu lên vấn đề mà mình cần phân tích.

Ví dụ mở bài Vợ chồng A Phủ:

Nếu trước đây, ta từng ngỡ ngàng và rồi thấu hiểu, yêu thích nhân vật Thị Nở trong trang văn Nam Cao – người được nhà văn miêu tả với những đường nét thô kệch khác biệt, thậm chí mang một chút “lạ lẫm” so với của vẻ đẹp phụ nữ chuẩn mực thường thấy trong văn chương; thì đến trang viết của Tô Hoài, hình ảnh người con gái dân tộc Mèo của vùng Tây Bắc sương phủ hiện lên quá đỗi đặc biệt, với vẻ đẹp thật khiến người ta không khỏi đắm say. Nhưng người ta thường nói: “hồng nhan bạc phận”, có phải những người con gái tài sắc thường chịu chung một số phận đắng cay? Quả vậy ít nhiều, bởi trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Mị hiện lên với tài sắc vẹn toàn, nhưng số phận với muôn nỗi truân chuyên đã làm thổn thức bao tấm lòng độc giả.

Ví dụ mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?

(MB này có tương đồng và có đối lập).
Nếu như phía Nam có con sông Chín Rồng, phía Bắc có sông Hồng đi vào muôn thuở văn chương, thì đến với Huế, đôi chân người phong sương không thể thoát khỏi sự đắm say, khắc khoải những nỗi niềm vẹn nguyên như lúc vừa gặp gỡ. Giữa khúc ruột miền Trung nắng gió, Huế hiện lên thật đặc biệt với chuyện tình đắm say cùng nàng Hương giang thơ mộng trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sáng tác năm 1981, khứ hồi một thời lịch sử, thơ ca nhạc họa đều như rót mật vào trang văn.

Mở bài văn nghị luận theo lối đối lập

Mở bài theo lối tương liên, tức là tìm một vấn đề tương tự để làm cầu nối nêu ra vấn đề cần phân tích. Chúng ta có thể nêu một ý giống với ý nêu trong đề bài rồi bắc cầu sang vấn đề cần nghị luận. Ý được nêu trước thường là tục ngữ, cao dao, đoạn thơ, câu thơ, câu danh ngôn, hoặc những chân lí phổ quát, những sự kiện nổi tiếng.

Ví dụ mở bài Sóng:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”
(Vì sao – Xuân Diệu )

Đã mấy thập kỉ trôi qua, những vần thơ tình cảm của Xuân Diệu vẫn vang lên như những nốt nhạc huyền ảo, vấn vương mãi trong tâm hồn độc giả. Thử hỏi tình yêu là gì? Tại sao tình yêu lại có sức sống mãnh liệt đến vậy? Tình yêu không chỉ xuất hiện trong cuộc sống mà nó đã đi vào thơ như một huyền thoại. Thơ ca Việt Nam luôn dành một chỗ đứng nhất định cho đề tài tình yêu, các nhà thơ hòa mình vào dòng cảm xúc lắng đọng để cất lên những tiếng ca vang cho tình yêu tươi đẹp. Cùng với Xuân Diệu, nền văn học Việt Nam tự hào chào đón thi sĩ Xuân Quỳnh – nữ hoàng thơ tình yêu đã dệt nên bài thơ Sóng năm 1967 – một kiệt tác bất hủ của cuộc đời. Sóng – bản tình ca của “ sóng “ và “ em “, là những trạng thái cảm xúc “ dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ “ . Ẩn sâu trong bài thơ là một quan niệm mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh: chủ động đi tìm kiếm tình yêu rồi hòa tan để trường tồn muôn đời với thời đại. Đó là hành trình của con sóng và của chính “em”, và hành trình đó được bộc lộ mãnh liệt qua 2 đoạn thơ đầu và cuối của tác phẩm.


Những mở bài trên đây là những gì cơ bản nhất là Thích Văn Học gửi đến bạn. Nó như những công thức để dù chúng ta có lười biếng đến đâu, cũng có thể ĐIỀN TỪ VÀO CHỖ TRỐNG mà có được cách bắt đầu thật ưng cho bài viết nghị luận văn học.

Tham khảo các bài nghị luận xã hội tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlxh/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học