các cách mở rộng, nâng cao vấn đề trong bài viết nghị luận văn học

Các cách mở rộng, nâng cao vấn đề trong bài viết NLVH

Để đạt được điểm số cao cho bài thi Ngữ văn THPT quốc gia, bài làm không chỉ cần đúng, trúng, đủ ý mà còn cần  đặc sắc và độc đáo. Một trong những thao tác quan trọng để tạo sự lôi cuốn cho bài viết là mở rộng và nâng cao vấn đề. Đây cũng đồng thời là một yếu tố quan trọng trong barem điểm, giúp “sản phẩm” của chúng ta gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo. Hãy cùng TVH điểm qua một số cách mở rộng, nâng cao vấn đề cho bài làm của mình nhé!

Mở rộng bằng cách liên hệ tới các tác phẩm cùng đề tài, chủ đề

– Để làm rõ điểm khác biệt, độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và điểm nhìn hiện thực, chúng ta có thể sử dụng cách liên hệ với các tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề. Từ đó phân tích, chứng minh những nét riêng nghệ thuật của từng tác giả. VD: Hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng-Chính Hữu; đề tài đất nước của Nguyễn Khoa Điềm- Nguyễn Đình Thi; hình tượng nhân vật nữ bi kịch giữa Mị-chị Dậu,…

VD: Cùng viết về đề tài người lính, nhưng hình tượng người lính trong thi phẩm Tây Tiến có sự khác biệt rõ rệt so với những người lính bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Nếu như người lính trong hồi ức của Quang Dũng ánh lên vẻ hào hoa, lãng mạn, đặc biệt là trong những dòng thơ về khung cảnh đêm liên hoan thì người lính trong thi phẩm “Đồng chí” lại đầy giản dị, chất phác, họ thực chất là những người nông dân khoác áo lính, từ bỏ đồng ruộng, quê hương để nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Sự khác biệt trong việc xây dựng hình tượng ấy có lẽ bắt nguồn từ hai cái “tôi” nghệ thuật đầy khác biệt, độc đáo. Nếu như Quang Dũng là một hồn thơ đầy tài hoa, lãng mạn thì ở Chính Hữu, ta thấy ở đó một chất giọng riêng đầy thuần hậu, dung dị.

Mở rộng bằng cách liên hệ với các tác phẩm khác nhau về mặt thời đại.

-Thực tế văn học đã chứng minh, mỗi thời điểm, thời đại khác nhau với những khuynh hướng và quan điểm sáng tác đổi mới đều cho ra đời những hình tượng nhân vật, cách tái hiện đời sống riêng. Tuỳ vào từng đề bài, vấn đề nghị luận, ta có thể liên hệ, mở rộng bằng cách thực hiện thao tác so sánh các tác phẩm khác thời kì để tìm ra những điểm riêng rẽ và giao thoa.

VD: Liên hệ hình tượng nhân vật bi kịch của văn học trước Cách mạng tháng 8 và sau Cách mạng tháng 8. Tràng-Chí Phèo-Lão Hạc, Mị-chị Dậu-người đàn bà hàng chài,…

VD: Liên hệ mở rộng cho hình tượng nhân vật bi kịch trước và sau CMT8: Nếu như trước CMT8, các nhân vật văn học của chủ nghĩa hiện thực như Chí Phèo, Lão Hạc chấp nhận một kết thúc đầy bi kịch, bế tắc thì sau CMT8 sự xuất hiện của cách mạng- hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng “bay phấp phới” dường như đã đem lại niềm hi vọng mới cho đời sống bi kịch của anh cu Tràng. Dù chỉ là suy tưởng mơ hồ, nhưng chi tiết đắt giá về “Việt Minh”, “cờ đỏ sao vàng” như đã hé mở cho người đọc về một con đường tự giải phóng, vượt lên nghịch cảnh của nhân vật.

Mở rộng bằng cách so sánh tác phẩm với các khuynh hướng, cảm hứng/phong cách khác nhau:

-Mỗi nhân vật văn học là sản phẩm của mỗi khuynh hướng, cảm hứng riêng biệt. Thậm chí, ở một phong cách nghệ thuật đã định hình, cũng diễn ra sự vận động, đổi khác của cảm hứng sáng tác. Việc nhận diện và so sánh sự khác nhau giữa các khuynh hướng, cảm hứng là một cách hữu hiệu để mở rộng, nâng cao vấn đề. Thao tác này giúp người viết thể hiện tư duy tinh tế, sâu sắc của mình tới vấn đề nghị luận.

VD: Hình tượng người lính theo khuynh hướng sử thi, lãng mạn trong thơ Tố Hữu, Quang Dũng với người lính theo khuynh hướng thế sự, đời tư trong văn học sau 1975 ( Nỗi buồn chiến tranh-Bảo Ninh)

Sự vận động, phát triển của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong các tác phẩm trước và sau cách mạng. Nếu như trước cách mạng, phong cách Nguyễn Tuân cơ bản ổn định, được dồn tụ lại trong một chữ “ngông” cùng sự xuất hiện của những con người đặc tuyển, những văn nhân tài tử của một thời quá vãng. Với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, cầu kì cùng hệ thống nhân vật từng một thời vang bóng, ta có thể thấy, dường như trước cách mạng, Nguyễn Tuân có xu hướng tìm kiếm một cái đẹp hoài cổ, trong quá khứ. Sau cách mạng, ta thấy sự vận động và phát triển đầy đặc sắc mà ổn định trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Vẫn tiếp cận con người ở phương diện văn hoá, nhưng đối tượng nghệ thuật mà ông nhắm tới là những con người lao động dung dị, đời thường nhưng không tầm thường đang góp mình cho sự phát triển của đất nước. Cái đẹp sau cách mạng của Nguyễn Tuân không còn âm hưởng hoài cổ, mà gắn liền với hơi thở thời đại, với nhịp sống hiện tại của đất nước.

Mở rộng bằng cách nâng cao, khái quát vấn đề nghị luận thành các vấn đề lí luận:

Khái quát các vấn đề nghị luận thành các vấn đề lí luận văn học là một cách hữu hiệu để người viết bộc lộ kiến văn của mình, từ đó gây ấn tượng mạnh mẽ tới giám khảo. Tuy nhiên, khái quát ở mức độ nào thì luôn cần đến sự thông thái và vừa vặn nha! Chúng ta có thể tạm chia việc áp dụng lí luận để nâng cao vấn đề thành các cấp độ:

  • Sử dụng các thuật ngữ lí luận. VD: chi tiết nghệ thuật, nhà văn và quá trình sáng tạo, hiện thực, chủ đề, đề tài, điểm nhìn trần thuật, thi pháp, hình tượng,…vv.
  • Sử dụng các nhận định mang tính lí luận. VD, đề bài yêu cầu phân tích nhân vật, có thể sử dụng các nhận định, câu văn, câu thơ có tính lí luận phù hợp với yêu cầu của đề.
  • Vận dụng lí luận vào nhằm bàn luận, đánh giá, khái quát, nâng cao. VD, từ chi tiết “giọt nước mắt của A Phủ”=> nâng cao thành vấn đề chi tiết nghệ thuật trong văn học; khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ => Sự giao thoa của hội hoạ với văn học;  hành trình săn ảnh của Phùng => quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhà văn và hiện thực cuộc sống,…vv

VD: Có người đã ví von nghề viết văn với nghề đào giếng, quả không sai, phải đào sâu vào lòng đất mới hòng tìm được mạch nguồn, giống như cái cách mà người nghệ sĩ chân chính không ngừng lặn sâu, thâm nhập vào đời để kiếm tìm chân lí và bản chất của đời sống. Đó cũng chính là hành trình theo đuổi nghệ thuật và khám phá sâu sắc những vấn đề mang tính bản chất đời sống của người nhiếp ảnh gia Phùng.  Cuộc gặp gỡ với người đàn bà hàng chài đã khiến Phùng nhiều lần vỡ lẽ,hoá ra cuộc đời chẳng hề giản đơn, xuôi chiều mà còn ngổn ngang những nghịch lí, con người là một sinh thể đầy bí ẩn và đa đoan, cần được đánh giá và nhìn nhận bằng con mắt của lòng bao dung và thấu cảm.

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học