Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc

Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc

Đề bài

Ta về, mình có nhớ ta   

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD Việt Nam, Tr.111)

Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.

 

Bài làm

 

Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật

Mỗi giọt mật thành đôi vạn chuyến ong bay

Nay rừng nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc

Ngọt mật đồng bằng mà hút nhụy tận miền Tây.

(Chế Lan Viên)

Cuộc sống được ví như cánh đồng hoa trải dài vô tận, ở đó hoa nào cũng đẹp, loài nào cũng thơm. Người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật không chỉ thu thập những điều vang tỏa nơi hiện thực cuộc sống, mà từng câu, từng chữ họ viết ra đều là thành quả quý giá sau nhiều lần nằm gai nếm mật, đối diện với muôn vàn hỉ nộ ái ố của cuộc đời, là “giọt mật” kết tinh từ những tinh hoa mang dư vị ngọt ngào len lỏi vào tận sâu thẳm trái tim người đọc. Nhà thơ như đôi cánh ong miệt mài, chăm chỉ, cố gắng duy trì những xúc cảm mênh mang có thể được bung tỏa và hiện hữu một cách chân thực trên từng đầu nét bút. Lật lại một miền ký ức qua từng trang văn Tố Hữu, ta có thể nhìn ra tất thảy cả bầu trời nỗi nhớ mênh mang mang dáng hình những năm tháng đã lùi vào dĩ vãng. Đứa con của “Huế đẹp và thơ” ấy đã thổi hồn vào Việt Bắc vẻ đẹp tuyệt diệu của bức tranh tứ bình mang đậm nỗi niềm nhớ nhung da diết, qua đó bộc lộ tấm lòng ân nghĩa thủy chung của nhà thơ nói riêng và người cán bộ chiến sĩ nói chung. Thành công của đoạn thơ được thêu dệt nhờ tài năng khắc họa tâm trạng nhân vật trữ tình cùng tính dân tộc đậm đà, vốn là tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật Tố Hữu:

Ta về, mình có nhớ ta

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

 

Tố Hữu là nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam hiện đại, là một một đại diện xuất sắc và là một trong những lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng. Thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang. Nổi bật trong phong cách thơ ông chính là giọng thơ trữ tình – chính trị, mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn sâu sắc. Nhà thơ thường tập trung phản ánh những vấn đề cốt yếu của đời sống Cách mạng và vận mệnh đất nước trong giọng điệu tự hào, ngợi ca, đôi lúc lại tâm tình, ngọt ngào, tự nhiên, chân thành đằm thắm. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp, dân tộc mang tầm vóc thời đại lớn lao. Nổi bật trong quá khứ vàng son ẩn chứa tại vô vàn thi phẩm của Tố Hữu là “Việt Bắc” – bài thơ được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp văn thơ Tố Hữu. Tháng bảy năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Đến tháng mười năm 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về tiếp quản Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử ấy, “Việt Bắc” ra đời.

 

Ngay ở những dòng thơ mở đầu, Tố hữu đã ngân lên những dòng cảm xúc chủ đạo của toàn đoạn thơ, đó là nỗi nhớ khôn nguôi về Việt Bắc, mảnh đất không chỉ là quê hương của đồng bào nơi chiến khu mà còn là quê hương thứ hai nuôi dưỡng Cách mạng từ những ngày đầu và tâm hồn người cán bộ chiến sĩ về xuôi:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Câu hỏi tu từ cất lên vừa tha thiết lại vừa bâng khuâng nhưng không mong cầu lời đáp lại. Việc hỏi chỉ là cái cớ cốt để bộc lộ chiều sâu của cảm xúc, bồi hồi xao xuyến trong giây phút chia ly. Vẫn là lối đối đáp “Mình” – “ta” quen thuộc trong ca dao dân ca xưa để thể hiện tình cảm đậm sâu của những đôi nam nữ yêu nhau hay của cặp vợ chồng keo sơn gắn bó:

Mình về có nhớ ta chăng?

Ta như lạt buộc khăng khăng nhớ mình

Ta về ta cũng nhớ mình

Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.

Hai câu thơ mà từ “nhớ” được lặp lại hai lần, từ “ta” được lặp những bốn lần như nhấn mạnh nỗi nhớ đậm tràn, khắc khoải của người ra đi dành cho người ở lại. Liệu khi rời ra chiến khu, đồng bào Việt Bắc có còn nhớ tới những con người đã có mười lăm năm đặt chân lên mảnh đất này. Những ngày tháng gian khổ, cùng nhau kề vai sát cánh liệu có còn ở lại trong tâm thức hay lại mau chóng bị xóa nhòa theo thời gian. Từ “ta” với âm “a” là âm mở làm câu thơ mang âm hưởng ngân xa, khiến cho những cảm xúc nhớ nhung như được chắp thêm đôi cánh để bay cao, vang vọng và mênh mang. Dấu phẩy sau “ta về” như một khoảnh khắc lắng đọng của tiếng lòng khi thổ lộ những dòng suy tưởng ra ngoài. Người cán bộ chiến sĩ ra đi vẫn luôn ấn tượng với vẻ đẹp huyền thoại của “hoa” và “người”. “Hoa” là những gì tươi đẹp nhất của tự nhiên, là kết tinh hoàn hảo của hương sắc thiên nhiên núi rừng. “Người” là “hoa của đất” mang phẩm chất tốt đẹp của đời sống xã hội và cuộc đời. Từ nối “những”, “cùng” đã kết nối hai hình ảnh được cạnh nhau song hành, chúng luôn luôn nâng đỡ cho nhau, hòa quyện không thể tách rời. Nhớ hoa là nhớ về thiên nhiên Việt Bắc đẹp đẽ vô ngần. Nhớ người là nhớ về hình ảnh người dân chiến khu đậm đà nghĩa tình, đậm đà lòng son. Nỗi nhớ cứ thế được xoắn chặt, lưu luyến và vấn vương trong tâm can. Đây cũng chính là khúc dạo đầu, là lời dẫn dắt đưa người đọc đến với thế giới riêng về thiên nhiên và con người lao động hiện lên rất đỗi thơ trong tám câu thơ tiếp theo.

 

Bức tranh tứ bình tươi đẹp được Tố Hữu thể hiện qua nỗi nhớ về thiên nhiên qua sự luân chuyển của bốn mùa Đông – Xuân – Hạ – Thu với những nét độc đáo, riêng biệt, không thể trộn lẫn. Trong đó, hiện lên hình ảnh con người với dáng vóc khỏe khoắn mang theo tinh thần hăng say lao động. Bức tranh đầu tiên là bức tranh mùa đông tràn đầy sức sống qua những nét bút phác họa về hình khối và màu sắc đầy tinh tế:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng.

Tố Hữu đã thực tài tình khi chọn mùa đông là mùa để bắt đầu cho bộ tranh tứ bình trong thi phẩm của mình. Mùa đông là khoảng thời gian đánh dấu sự kiện trọng đại của toàn thể dân tộc: các chiến sĩ cán bộ rời ra chốn thủ đô Hà Nội ngập nắng vàng để đặt chân tới chiến khu Việt Bắc xa xôi. Để rồi sau mười lăm năm gắn bó trường kỳ, hòa bình được lập lại, những con người ấy phải ngậm ngùi trở về miền xuôi trong bao niềm tiếc nuối. Mùa đông là mùa của những cái rét đến thấu xương, mùa của những cành cây khô khẳng khiu trơ trọi trước gió lạnh, mùa của màn đêm đen đặc bao phủ chẳng nề hà tới thời gian. Ta từng bắt gặp trong những dòng thơ của Huy Cận về một bức tranh mùa đông lạnh lẽo, cô liêu. Cảnh vật nhuốm màu ảm đạm như nỗi sầu vũ trụ và nỗi sầu nhân thế đang chất chứa trong tâm hồn thi nhân:

Gió lạnh chiều đông nhớ tuổi thơ

Bầy chim chèo bẻo, nấp bên bờ

Mênh mông nước bạc đồng sau gặt

Một nỗi buồn xa như sóng xô.

 

Thế nhưng, đi ngược lại với lẽ hiển nhiên đó, Tố Hữu đã không cho phép sự u ám, lãnh đạm len lỏi vào trang thơ của mình. Ngày đông trên Việt Bắc hiện ra với tất thảy sức sống, sự tươi tắn và rạo rực vốn có của nó. Hai gam màu xanh – đỏ tưởng chừng như chẳng hề ăn nhập nhưng chúng lại hòa hợp đến lạ kỳ. Trên tấm thảm xanh trải bạt ngàn, điểm xuyết những bông chuối rừng đỏ rực lung linh dưới ánh mặt trời. Sự kết hợp mạnh mẽ về thị giác khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

Hay trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng nhắc đoạn:

Đêm đông lửa lựu lập lòe đâm bông.

Trông xa, từng chấm “đỏ tươi” hệt như những ngọn đuốc đang sáng rực tại khu rừng già heo hút. Vô vàn ánh lửa hồng bập bùng được thắp lên khiến bức tranh trở nên tươi sáng, ấm áp và dạt dào sức sống hơn bao giờ hết. Phải chăng, ánh lửa đó còn chính là biểu trưng của ý chí nghị lực bền bỉ, niềm lạc quan tin tưởng và cả niềm vui sướng hân hoan trong chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”?

 

Song hành với hình ảnh thiên nhiên núi rừng là hình ảnh con người lên núi làm nương, phát rẫy, sản xuất lương thực phục vụ kháng chiến: 

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Tố Hữu không đi vào sâu việc miêu tả khuôn mặt mà chỉ chớp lấy một khoảnh khắc sáng rực nhất. Đó là khi vầng chiêu dương chiếu rọi vào chiếc dao đi rừng gài ở ngang lưng. Phép đảo ngữ “nắng ánh” làm bừng sáng cả khoảng không gian rộng lớn, con người chính là điểm tụ của ánh sáng, là trung tâm của thiên nhiên vũ trụ. Câu thơ vừa mang nét trữ tình thi vị độc đáo, vừa khéo léo phô diễn tài năng trong nghệ thuật nhiếp ảnh mà nhà thơ chính là nhân vật làm chủ ống kính. Con người lao động khi ấy cũng xuất hiện ở một vị trí đẹp đẽ nhất – “đèo cao”. Một tư thế hiên ngang, oai phong, ngạo nghễ giữa gió lộng, nắng vàng: 

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta.

(Nguyễn Đình Thi)

 

Họ làm chủ tự do, làm chủ lao động, làm chủ cuộc đời và họ cũng chính là linh hồn của bức tranh mùa đông. Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ không còn xa lạ mà trở nên gần gũi, thân quen. Từ đó, tác giả đã thể hiện thái độ trân trọng, trân quý công việc mà nhân dân trên chiến khu Việt Bắc đã và đang cống hiến cho một ý nghĩa lớn lao, cao cả.

 

Như một thước phim tua chậm về miền ký ức thân thương, người đọc như được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Một mùa xuân ngập tràn sắc trắng của hoa mơ dần hiện lên tiếp nối bức tranh mùa đông tràn trề nhựa sống:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của trăm loài cựa mình tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Nếu xuân tới trên đất Bắc có thấp thoáng cánh hồng đào khoe sắc thắm giữa tiết trời se lạnh, trời Nam trong xanh nắng ấm rực rỡ với bông mai vàng, thì Việt Bắc lại nổi bật lên với sắc trắng của hoa mơ – loài hoa đặc trưng của thiên nhiên vùng cao. Nghệ thuật đảo ngữ “trắng” được sử dụng như một động từ, sắc trắng phủ mờ lấn át cả sự xanh tươi của lá, thiên nhiên rừng như đang bừng sáng, khóa trên mình tấm áo mới trong gam màu nhẹ nhàng, thanh bạch, để rồi từ đó gợi ra cảm giác mơ màng, bâng khuâng khiến lòng người xao xuyến khôn nguôi. Phải chăng “trắng” ở đây còn chính là tính từ gợi ra nét đẹp sáng trong trong phẩm chất và tận sâu tâm hồn của đồng bào Việt Bắc? Động từ “nở” trong câu thơ như tỏa ra, sự sống đồng loạt được đánh thức tựa một bức tranh 3D đang thực sự chuyển động dưới đôi mắt người đọc. Đây không phải là lần đầu tiên Tố Hữu viết về hoa mơ, chính thi nhân trong khoảng thời gian Bác Hồ trở về Việt Nam sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước cũng đã từng nao lòng trước vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa ấy:

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

 

Một lần nữa, nhà thơ lại có dịp được khẳng định vào thi đàn thơ ca kháng chiến tài năng trong nghệ thuật sử dụng từ của mình: điệp âm “mơ”, “nở” gợi ra sự ngân vang, đồng vọng khiến người đọc liên tưởng bản thân đang lạc vào chốn thần tiên cổ tích. Một khung cảnh đẹp đẽ, nên thơ, có đầy đủ ánh sáng, hương thơm cùng sự tinh khiết vô ngần của sắc hoa, tất cả hiện lên huyền ảo hệt như một giấc mộng chẳng có lối ra.

 

Thấp thoáng trong cánh rừng mơ nở tươi mát là hình ảnh những con người đang trong tư thế hăng say lao động:

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Con người trên mảnh đất chiến khu hiện lên đẹp tự nhiên trong công việc thầm lặng, bình dị hàng ngày: đan nón thủ công. Từ “chuốt” vừa gợi liên tưởng tới đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn, đẹp đẽ giống hệt những bông hoa của núi rừng Việt Bắc; vừa gợi ra những dấu ấn đáng quý trong tâm hồn, tính cách của người lao động: tỉ mỉ, cần mẫn, khéo léo, tài hoa. Lượng từ “từng” được đặt ở sau như một lẽ thường tình. Họ nhẫn nại, tỉ mẩn trong từng cử chỉ, hành động để tạo ra những thành quả quý giá cho cuộc đời. Tâm huyết, niềm yêu thích say mê đã được họ gói ghém và đặt trọn vẹn vào công việc của mình. Những sản phẩm làm ra ấy không chỉ để phục vụ cho cuộc sống lao động thường nhật mà còn là một món quà thay cho tấm lòng dành tặng người cán bộ chiến sĩ. Quan niệm “Văn học vị nhân sinh” từ xa xưa vẫn luôn đúng và trước mắt nó đang sáng ngời trong những trang thơ Việt Bắc đầy thiết tha. Để rồi từ đó, thi nhân bộc lộ thái độ trìu mến thân thương và trên cả là sự trân trọng, biết ơn với những con người lao động mang phẩm chất cao đẹp.

 

Ta nhớ đến một câu nói của “mặt trời thi ca Nga” Puskin đã từng nhận định: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Và bức tranh thiên nhiên Việt Bắc khi hè về chính là cái nôi gieo hạt hình thành nên “cánh đồng màu mỡ” đó của Tố Hữu. Cảnh vật, màu sắc được ông kí gửi qua những lời thơ trác tuyệt:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Bức tranh thiên nhiên mùa hạ tươi đẹp được gợi ra qua tiếng ve và phách đổ vàng. Tiếng ve kêu chính là tín hiệu quen thuộc báo hiệu mùa hè tới, âm thanh bật ra không chỉ làm cho núi rừng thiên nhiên vang động mà còn khiến cho màu sắc của cây lá biến đổi. “Đổ” là một động từ mạnh diễn tả sự thay đổi đột ngột và đồng thời diễn ra cả loạt hành động của âm thanh và sắc màu. Việc vận dụng chính xác và tinh tế ngôn từ ấy khiến ta nhớ tới mùa thu từng lặng lẽ trở về trong thi phẩm “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Từ “rũa” biểu đạt sự chậm chạp, từ tốn; những đốm đỏ xuất hiện trên bề mặt lá mà chẳng ai hay biết, nó loang dần, loang mãi từ ngày này qua ngày khác cho đến khi chiếc lá ấy chỉ toàn sắc đỏ. Hay trong “Tương tư” của Nguyễn Bính cũng có đoạn:

Lá xanh đã nhuộm thành cây lá vàng

Sự chảy trôi của thời gian lại được tác giả ý nhị thể hiện qua từ “nhuộm”. Mặc dù “nhuộm” có vẻ như diễn ra nhanh chóng hơn “rũa” nhưng cuối cùng vẫn là mang cảm xúc phải đợi chờ, ngóng trông.

 

Nhận ra được lẽ thường ấy, Tố Hữu đã sáng tạo, chấp nhận vượt lên trên tất cả để thổi vào trang thơ của mình một làn gió mới. Nếu “lá” của Xuân Diệu phải tranh chấp nhau trên từng hạt diệp lục nhưng phạm vi cũng vẫn chỉ là chiếc lá, “lá” của Nguyễn Bính có ngả vàng nhưng phạm vi cũng vẫn chỉ duy cái cây, thì “lá” trong thơ Tố Hữu lại được biến chuyển ở một quy mô lớn hơn, đó chính là cả thiên nhiên Việt Bắc. Từ “đổ” khiến ta liên tưởng tới sự biến đổi đồng loạt, mau lẹ của rừng phách trong những ngày cuối xuân – thời điểm mà những cánh hoa vẫn còn đang nấu kín trong mầm nụ non xanh. Và chỉ tới khi có tiếng ve vang lên, chúng mới nhất loạt trổ hoa vàng như đã chờ đợi khoảnh khắc hữu hạn này trong khoảng thời gian dài vô tận. Dùng âm thanh để gọi dậy màu sắc, dùng màu sắc để miêu tả thời gian. Tiếng ve lan đến đâu, sắc vàng dậy tới đó, hay cũng chính tiếng ve râm ran vang vọng cả đất trời ấy đã đánh thức mầm nụ trên những cây phách đầu mùa nở hoa. Nhưng có ai đã từng nghĩ tới từ “đổ” còn ẩn chứa một ý nghĩa riêng biệt khác. Ấy chính là những trận mưa hoa phách nương mình theo vô vàn phương hướng trong không gian khi có cơn gió bất chợt thổi qua. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác đã phá vỡ đi sự tĩnh lặng của bức tranh mùa hè và thay vào đó trở nên sinh động, tươi vui hơn bao giờ hết.

 

Hình ảnh người con của Cách mạng lại một lần nữa được gửi gắm nhẹ nhàng sau những vần thơ đặc tả vẻ đẹp của thiên nhiên:

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Cách gọi người con gái bằng từ “cô em gái” thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca của tác giả dành cho đồng bào Việt Bắc cần cù, tần tảo, chịu thương chịu khó, cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu. Hành động “hái măng một mình” như khắc họa vào bức tranh một hiện thực không kém phần thi vị, trữ tình. Giữa mênh mông bát ngát đại ngàn, “cô em gái” phải “hái măng một mình” nhưng ta lại không nhìn ra được nét cô tịch, đơn côi trong tưởng tượng ban đầu. Bởi lẽ, cô xem thiên nhiên gắn bó như một người bạn gần gũi, thân quen; được bao quanh bởi khoảng không rộn ràng và đẹp đẽ óng ả, con người như đang được chiêm ngưỡng một khung cảnh toàn bích, nguyên sơ. Điệp phụ âm “m” trong ba chữ “măng một mình” đi liền nhau khiến nhịp điệu câu thơ trở nên da diết, quyến luyến. Có lẽ, cái “một mình” nhỏ bé ấy khi kết tụ lại sẽ tạo thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh không gì sánh nổi, mỗi một công việc được hoàn thành, từng điều ý nghĩa được tạo nên như đang góp phần làm nên biến chuyển của thời đại. Tác giả đã truyền tải trọn vẹn tình yêu thương vô bờ dành cho những cống hiến thầm lặng, phục vụ Cách mạng, phục vụ kháng chiến của những con người với sắc tím chàm đặc trưng, mang theo hơi thở của thiên nhiên đất mẹ.

 

Khép lại bộ tranh tứ bình Việt Bắc là bức tranh rừng thu cùng âm thanh tiếng hát giã bạn để lại dư vị âm vang đến tận miền tâm thức sâu thẳm:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả dân tộc Việt ta chìm trong cảnh lầm than, nô lệ, vậy nên bao trùm lên các bài thơ thu trong thời gian lúc bấy giờ là xúc cảm của người dân mất nước, u uất, sầu tư. Với thi sĩ Huy Cận, mùa thu nhẹ nhàng đi tới gieo vào nỗi lòng nhà thơ một nỗi buồn hiu hắt:

Sắc trời trôi dạt dưới khe

Chim bay, lá rụng cành nghe lạnh lùng

Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu.

(Thu rừng)

 

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng có những rung cảm đầy tinh tế và giàu chất Tây về mùa thu nhưng lại mang vẻ tang tóc, chia ly:

 

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

(Đây mùa thu tới)

 

Nhưng với Tố Hữu, ông đã khoác lên tấm áo mới cho mùa thu là vẻ đẹp bình yên, thơ mộng, hòa quyện gắn bó cùng vầng trăng sáng. Bởi mùa thu ấy là mùa thu của hòa bình, mùa thu của Cách mạng, “giọt mưa thu” buồn nay đã được thay bằng “Mùa thu nay đã khác rồi”. Đứng trước bước ngoặt lịch sử của đất nước, của dân tộc và còn là của thời đại, Tố Hữu đã góp vào dòng chảy trôi bằng những vần thơ hào hứng, sôi nổi:

 

Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát

Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta

Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt

Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa.

(Mùa thu mới)

 

Cảnh thu được mở ra từ không gian ngập tràn ánh trăng thanh bình soi chiếu khắp chiến khu. Trăng là người bạn tri âm tri kỷ, là chứng nhân lịch sử trên từng chặng đường dài của dân tộc từ xa xưa kim cổ, đông tây cho đến những năm tháng chiến đấu oanh oanh liệt liệt, gian khó trường kỳ. Trăng “rọi” những ánh hòa bình xuống nhân thế, len lỏi vào từng vòm cây kẽ lá, xuyên qua từng mái nhà lau xám, tưới tắm cho thiên nhiên cảnh vật và cả lòng người những trong trẻo mát lành, thuần khiết và thanh tươi. Nỗi đau về mất mát, hy sinh dường như đã được trút bỏ toàn vẹn, nhường lại cho xúc cảm trong những tinh túy đến ngẩn ngơ về một thế giới hư mộng huyền ảo, một đất nước độc lập tự do. Trăng đi vào trang thơ của Bác như có hồn và dịu nhẹ:

 

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

(Ngắm trăng)

 

Trăng là hiện hữu cho lời thức tỉnh nhẹ nhàng mà hết sức sâu sắc về triết lý ân nghĩa ở trên đời trong thơ Nguyễn Duy:

 

Ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

(Ánh trăng)

 

Giữa bao la nơi núi rừng đại ngàn, đâu đó lại vang lên tiếng hát. Đại từ phiếm chỉ “ai” như lời đồng vọng của “Tiếng ai tha thiết bên cồn”, đó có thể được phát ra từ ai đó đang có mặt hay là của toàn thể đồng bào Việt Bắc. Tiếng hát như lời nhắc nhở về lối sống ân nghĩa thủy chung: người về xuôi đừng quên những người miền ngược, dù sống ở chốn “Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo” thì trong lòng mãi mãi phải tạc ghi những dấu ấn, những kỉ niệm về khoảnh khắc cùng nhau chiến đấu, kề vai sát cánh vượt qua khó khăn muôn trùng đại ngàn, cùng chia nhau từng củ sắn lùi, miếng cơm chấm muối, mảnh chăn sui đơn sơ. Quân và dân cùng chung lý tưởng, trái tim cùng chung nhịp đập và niềm hy vọng bất diệt vào ngày mai tươi sáng. Bức tranh mùa thu trên chiến khu Việt Bắc đã làm hoàn chỉnh bộ tranh tứ bình đầy thi vị và tuyệt mĩ. Lời hát khép lại đoạn thơ gợi cho cả người về và người đọc những rung cảm sâu xa của tình yêu quê hương, yêu đất nước.

 

Nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng Voltaire từng nhận định rằng: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Điều đó quả rất đúng trong những trang thơ Tố Hữu. Thơ chính là người bạn, là phương tiện giúp thi nhân bộc lộ nỗi nhớ sâu đậm, tha thiết của mình và cũng là của cả cán bộ về xuôi nói chung đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc. Thiên nhiên nơi chiến khu hiện ra hùng vĩ, nguyên sơ nhưng rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Con người lao động cần cù, chịu khó, đáng mến, đáng yêu. Phải chăng, chỉ có những trái tim gắn bó sâu nặng mới có thể khẳng định được những lời chắc nịch như thế, hệt như câu thơ:

 

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

(Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên)

 

Đoạn thơ có bốn cặp lục bát: câu sáu miêu tả thiên nhiên thì câu tám miêu tả con người qua đó làm hiện lên vẻ đẹp hài hòa giữa người và cảnh đan xen. Bức tranh tứ bình với cấu trúc cân đối, tương xứng về đường nét, màu sắc, ánh sáng đã tạo ra trước mắt người đọc một phong cảnh đẹp đẽ và thơ mộng lạ thường. Điệp từ “nhớ” được lặp đi lặp lại năm lần góp phần thể hiện rõ nét tình cảm sâu đậm, thiết tha của người ra đi khi rời Việt Bắc.

 

Đoạn thơ là tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu luôn đậm đà tính dân tộc từ nội dung cho đến hình thức. Về nội dung, trước hết phải kể đến cách lựa chọn chủ đề và hình tượng nhân vật trung tâm, đó chính là hình ảnh thiên nhiên và đồng bào Việt Bắc. Thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ, thơ mộng; con người Việt Bắc chăm chỉ, đáng mến. Tiếp đến, nhà thơ đã đưa những tư tưởng, hình ảnh Cách mạng hòa nhập và tiếc nuối với những truyền thống, đạo lý, tình cảm của dân tộc. Ấy là lối sống ân nghĩa thủy chung, hướng tới những gì đẹp đẽ thiêng liêng như cha ông ta từ ngàn xưa vẫn răn dạy con cháu rằng bài học về “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Về nghệ thuật, người con của xứ “Huế đẹp và thơ” ấy đã rất thành công trong việc sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc – thể thơ lục bát – làm chất liệu và phương tiện để truyền tải cảm xúc trên từng vần thơ câu chữ. Tố Hữu đã khai thác triệt để những vốn quý về từ ngữ trong kho tàng văn học dân gian: lối nói đối đáp “mình” – “ta” quen thuộc thể hiện tình cảm mặn nồng gắn bó của những đôi nam nữ yêu nhau, của cặp vợ chồng keo sơn gắn bó như là thước đo cho tình nghĩa của người về xuôi dành cho người ở lại; các biện pháp nghệ thuật như câu hỏi tu từ, đảo ngữ, điệp từ được vận dụng linh hoạt trên dưới đoạn thơ. Và tính dân tộc sau cùng được thể hiện ở việc phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt qua cách sử dụng các từ điệp âm, dấu phẩy ngăn cách… gợi ra sự ngân vang, đồng vọng.

 

Thước phim dài tập về quãng thời gian mười lăm năm với đoạn kết là khúc trường đoạn đầy hoài niệm, mang âm hưởng của thời đại vẫn sẽ luôn giữ được những giá trị vẹn nguyên sâu sắc dẫu cho có bị phủ mờ bởi bụi vàng hay có thuận theo dòng chảy đi tới bất kì khoảng không gian và thời gian nào. “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi”, “Cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam” Tố Hữu đã gửi gắm biết bao niềm tin, truyền lại một phần “tình cảm máu thịt” với thế hệ sau này qua những vần thơ, con chữ về lối sống ân nghĩa thủy chung son sắt, lòng tự hào về dải đất hình chữ S thân yêu cùng tinh thần yêu nước, lạc quan, cống hiến hết mình dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh và giàu đẹp hơn:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…

(Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm)

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học