40 MỞ BÀI CHỌN LỌC CHO LỚP 11 (phần 2)

40 mở bài chọn lọc lớp 11

5. Chiều tối

+ MB1: (Bài viết của Nguyễn Thái Bảo – Lớp 11D2 khối chuyên ngữ, trường THPT chuyên Hùng Vương – Thành phố Việt Trì – tỉnh Phú Thọ
(Giải nhất cuộc thi HSG toàn thành phố năm 2007).

“Chiều tối” là bài thơ được viết trong thời điểm gần kết thúc của một chuyến chuyển lao. Bài thơ là một bức tranh vẽ cảnh chiều tối nơi núi rừng – cảnh đẹp bởi nó ánh lên sự sống ấm áp của con người. Qua đó, bộc lộ một tâm hồn thi nhân nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một tấm lòng nhân hậu đối với con người, một phong thái ung dung luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Hay nói đúng hơn đây là một thực thể của sự kết hợp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại.

+ MB2: (Bài viết của Lê Đức)

Ai đó đã nói rằng: “Điều kì diệu tuyệt đỉnh của nghệ thuật, đặc biệt thi ca, là ở nơi đó ta có thể tự do sắp đặt một thế giới riêng như mình khao khát. Thế giới ấy dẫu ảo huyền hay u ám tới đâu cũng phải thấm đẫm tính nhân văn cao cả, hướng nhân loại tới sự cao đẹp.” Thi ca bao giờ cũng thế, phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống, nếu thi nhân quay lưng với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu, mọi giá trị văn chương chỉ còn là kỹ xảo. Sức nặng của những trang thơ chính từ cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia mà tạo thành, nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính hiện thực cuộc sống, dù nó có thế nào đi chăng nữa thì thơ anh vẫn phải “thấm đẫm tính nhân văn cao cả” và phải “hướng nhân loại tới sự cao đẹp”. Hồ Chí Minh đến với thơ ca cũng vậy, những trang thơ của Người mang đậm trong mình chất “thép”, đó chính là cảm hứng đấu tranh tích cực, là tính chiến đấu của thơ ca và văn học nghệ thuật. Người luôn biến những thứ tầm thường thành thú vui tiêu khiển, tạm quên đi cảm giác khó nhọc bị tra tấn nơi đất khách quê người, đặc biệt qua bài thơ “Chiều tối” đã cho ta thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống,‎ ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt đầy phi thường của người tù cách mạng:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

+ MB3: (Nhãn tự trong bài thơ Chiều tối – Bài viết của Lê Đức)

Ở Senegal, với mẩu gỗ mun người ta có thể tạo ra hàng trăm nghìn hình tượng nghệ thuật. Trong tranh thủy mạc, chỉ với vài nét người họa sĩ có thể phác họa cả vũ trụ càn khôn,… Dường như đó chính là bí quyết tiết kiệm của “Nghệ thuật nhà nghèo” và là bảo bối của những ai đã chán ngấy xài sang: xài sang chất liệu, xài sang thời gian hay xài sang chữ nghĩa. Cũng bởi lẽ vậy mà ta thưởng hay nhắc đến “nhãn tự” trong thơ. So với nhiều thể loại khác, thơ ca thường có dung lượng khiêm tốn hơn song để phản ánh thế giới hiện thực muôn màu, thế giới tình cảm phức tạp của con người ngôn ngữ thơ phải thực sự hàm súc, là kết quả của sự chắt lọc công phu từ người nghệ sĩ, Nguyễn Duy đã từng viết:

“Tôi nhặt nhạnh li ti bụi chữ
Đốt lò tâm linh chơi trò luyện chữ”

+ MB4:

Bác Hồ khi xưa đã từng nói rằng:

“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.

Trong lời giãi bày Bác vốn không ham làm thơ, nhưng khoảng thời gian trong ngục làm thơ ngẫm ngợi để vơi đi nỗi buồn, đồng thời làm thơ cũng là để thể hiện ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng. Trong tập Nhật kí trong tù ta không thể không nhớ đến bài thơ Chiều tối, tác phẩm được sáng tác khi Bác chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ đã làm bật lên tinh thần kiên cường của người tù cách mạng.

6. Hai đứa trẻ

+ MB1: (Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong Chí Phèo và Hai đứa trẻ)

Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói tình cảm của con người, là sự tự giải bài và gửi gắm tâm tư. Đúng như vậy, nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng luôn là công cụ để khám phá tâm lý con người, từ đó nói lên được phẩm chất và bộc lộ tính cách của nhân vật, đồng thời thể hiện được tình cảm và tài năng của chính tác giả. Phải chăng vì thế mà nhiều nhà văn đã chọn miêu tả tâm lí nhân vật để thể hiện được chính mình, trong số đó nổi bật lên Thạch Lam và Nam Cao. Tài năng miêu tả tâm lí nhân vật, được thể hiện rõ qua hai nhân vật trong truyện ngắn tiêu biểu của hai nhà văn là Liên trong “Hai đứa trẻ” và Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên.

+ MB2: (Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Hai đứa trẻ)

Mở bài 1

Đau đớn, quằn quại, Chí Phèo chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện. Mòn mỏi, leo lét; hai đứa trẻ trong truyện ngắn cùng tên của Thạch Lam âm thầm tiến đến cái “chết” ngay khi chúng đang sống. Hai cuộc đời, hai kiếp người cùng vọng lên tiếng kêu thống thiết đòi được SỐNG; sống làm người lương thiện và sống với đúng nghĩa của từ này. Nam Cao và Thạch Lam bằng trái tim nhân ái của người nghệ sĩ chân chính; bằng tài năng riêng của mình đã nâng đỡ và cứu vớt những kiếp người đáng thương ấy, đã gióng lên những hồi chuông vang vọng và khẩn thiết: Hãy cứu lấy con người.
(Trần Thị Thúy Anh)

Mở bài 2

Hình như đâu đây vẫn còn vọng lại tiếng còi tàu hối hả; cứ hiện lên đau đáu ánh mắt nhìn xa vời về một thế giới rực rỡ ánh sáng vừa tan biến vào hư không. Đêm phố huyện buồn thảm như đi qua miền không gian xưa cũ đã từ lâu vắng tiếng thở nồng nàn của sự sống. Cứ ám ảnh không yên về một con người vừa ra đi, quằn quại chết trên cái ranh giới mỏng manh của cõi thiện và ác… Bể sầu nhân thế ấy Thạch Lam đã đi qua? Nam Cao đã đắm hồn mình trong đó? Con tim ta cảm rung lên những niềm trở trăn và day dứt khôn nguôi. Đã bao năm rồi có ngủ yên chăng khi hai mầm cây đang cố vươn lên khỏi không gian tăm tối, ngột ngạt của phố huyện nghèo, chỉ có ánh đèn leo lét, nhỏ nhoi? Có còn tiếng thét đau thương của chí đòi quyền làm người? Thêm một lần đọc Nam Cao và Thạch Lam lại càng thấy thấm thía cảm hứng nhân đạo do những tác phẩm của các văn nhân mang lại.
(Trần Thu Hà)

Mở bài 3

“Một tác phẩm thật giá trị phải là một tác phẩm vượt trên trên bờ cõi và giới hạn phải chứa đựng một cái gì vừa lớn lao mạnh mẽ lại vừa đau đớn, phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn” (Nam Cao). Phải chăng vì thế mà Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao cứ ám ảnh hồn ta mãi. Mỗi trang văn của hai ông như thấm đẫm những day dứt đau đớn về số phận con người, đau đáu một khát khao hạnh phúc nhân thế và ngời sáng một niềm tin bất diệt vào con người. Dẫu hai tác phẩm ấy được viết theo hai phong cách khác nhau, một bên là những thanh âm nhẹ nhàng trong trẻo mà da diết u buồn, bên kia là dấu nặng trở trăn nhức nhối; nhưng hai nhà văn đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân chính mọi thời: ấy là cảm hứng nhân đạo thiết tha.

Mở bài 4

Bao nhiêu năm rồi, trong con tim người đọc vẫn còn đó daỵ dứt và ám ảnh không yên hình bóng hai đứa trẻ. Hai cái đốm sáng leo lét chông chênh trong đêm tối mịt mùng thăm thẳm của kiếp người buồn tẻ. Vẫn còn đó trở trăn, nhức nhối bóng dáng Chí Phèo ngật ngưỡng xiêu vẹo trên đường làng lênh láng ánh trăng đau khổ và đói nghèo của làng Vũ Đại ngày ấy… Hai tác phẩm, hai phong cách khác nhau, nhưng Thạch Lam và Nam Cao đều đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân chính mọi thời: ấy là cảm hứng nhân ,đạo dào dạt, thiết tha.
(Bùi Việt Lâm)

Mở bài 5

Cảm hứng nhân đạo… mới nghe qua, có người nói: Điều đó có gì mới lạ. Chẳng phải những Chuyện người con gái Nam Xương, Truyện Kiêu, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương… đã đặt ra vấn đề ấy từ mấy trăm năm trước? Cũng chỉ là lòng thương xót con người; nhưng mỗi nhà văn với tài năng nghệ thuật của riêng mình đã thể hiện cảm hứng ấy bằng những hình tượng nghệ thuật vô cùng đa dạng và độc đáo. Nếu chỉ là sự lặp lại nhàm chán, thì làm gì có chuyện các tác phẩm ấy cùng tồn tại đến tận bây giờ? Cũng bởi thế nên bên cạnh một chỉ Phèo ngật ngưỡng của Nam Cao, Hai đứa trẻ của Thạch Lam vẫn đậm đà màu sắc nhân đạo không kém phần độc đáo và sâu sắc.
(Đỗ Phương Thùy)

Mở bài 6

Nếu như các nhà soạn nhạc đặt cái tâm của mình trao gửi nỗi niềm thầm kín trong giai điệu nốt nhạc; thì nhà văn lại thể hiện niềm băn khoăn, trăn trở; những buồn vui của con tim vào trong trang viết như chứa chất máu và nước mắt của chính mình, Cùng thể hiện tiếng sóng biển, người nhạc sĩ này dùng những nốt nhạc trầm lắng, dịu nhẹ, êm ái… người kia lại dùng những âm thanh mạnh mẽ, ồn ào, dữ dội. Cùng một cảm hứng nhân đạo, nhưng nếu ở Nam Cao, nội dung ấy mạnh mẽ như băn khoăn, day dứt, như quằn quại trên trang văn, làm nhức nhối tâm can người đọc với giọng văn sắc lạnh… thì ở Thạch Lam cảm hứng nhân đạo ấy lại nhẹ nhàng, bình dị, không ồn ào mà trầm lắng và da diết ư buồn. Chí Phèo và Hai đứa trẻ là hai tác phẩm tiêu biểu cho hai cảm hứng nhân đạo ấy của Nam Cao và Thạch Lam.
(Lê Thị Kim Thanh)

+ MB3: (Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ – Thạch Lam)

Đã mấy mươi năm trôi qua, người đọc vẫn không quên một dáng hình khiêm nhường, từ tốn, rất mực đôn hậu bước những bước thật nhẹ vào làng văn hiện đại Việt Nam, mang theo những trang văn nồng nàn hồn thơ. Đúng như Nguyễn Tuân nói, “sáng tác của Thạch Lam đem lại một cái gì đó nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu”. Ta bắt gặp những cảm xúc ấy không chỉ ở “Dưới bóng hoàng lan”, “Gió lạnh đầu mùa” hay “Cô hàng xén”, “Hai đứa trẻ” lại một lần nữa dắt ta vào thế giới trẻ thơ với những cảm xúc êm nhẹ, buồn thương.

+ MB4: (Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Hai đứa trẻ – Bài làm của Lê Đức)

Nguyễn Siêu đã nói rằng: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”, quả đúng là như vậy! Đời sống xanh tươi là cội nguồn sinh dưỡng của văn học, cũng bởi lẽ vậy mà văn học luôn hướng tới con người, coi giá trị chủ yếu của văn chương không phải ở câu hay từ đắt mà ở chỗ có ích cho cuộc đời hay nói một cách đơn giản, giá trị của một tác phẩm hướng tới chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, hai giá trị này lại được nâng cao vị trí của mình hơn cả để phản ánh chính xác cuộc sống của con người. Một trong số những tác phẩm như vậy phải nhắc tới truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.

+ MB5: (Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ)

Trở về những năm 30-45 của thế kỉ trước, trào lưu văn học lãng mạn dường như đã khẳng định được vị thế của mình trên văn đàn văn học Việt Nam với hàng loạt những cây bút tên tuổi. Ta đã từng bắt gặp một Nhất Linh đau khổ, dằn vặt trên con đường đi tìm lý tưởng, hạnh phúc; một Khái Hưng sôi nổi yêu đời để hòa mình vào những ảo tưởng đẹp đẽ và ngây thơ hay một Thanh Tịnh mang trong mình vẻ đẹp đằm thắm, trong trẻo đậm chất lãng mạn thì Thạch Lam lại hiện lên như một thiên sứ mang một sứ mệnh đặc biệt với phong cách hoàn toàn mới lạ. Người con của tự lực văn đoàn không đưa ta đến những chân trời phiêu du, mộng tưởng của những tình yêu, khát vọng thường thấy trong trào lưu lãng mạn mà dắt ta đi vào giữa cõi đời ta đang sống. Con người dịu dàng nhân ái ấy đã nguyện gắn ngòi bút của mình với những kiếp người đau khổ, vẫn luôn trân trọng sự sống nơi trần gian. Ông từng nới rằng: “Cái đẹp man mác trong vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật” Và có lẽ nhờ vào khát khao đi tìm cái đẹp ấy đã là nguồn cảm hứng để ông sáng tác truyện ngắn “Hai đứa trẻ” – áng văn xuôi đặc sắc của nền văn học Việt Nam trước Cách mạng. Đặc biệt trong tác phẩm, cảnh đợi chuyến tàu đêm của hai chị em Liên chính là nơi kết tinh những giá trị nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ được Thạch Lam thể dưới ngòi bút đầy nhân đạo và trữ tình.

7. Chữ người tử tù

+ MB1: (Ánh sáng và bóng tối trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam – TS. Hoàng Thị Huế, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế)

Ánh sáng và bóng tối vốn là hai phương diện quan trọng của cuộc sống, luôn luôn tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung cho nhau. Trong hội họa, ánh sáng và bóng tối là một thủ pháp cơ bản được dùng để khắc họa con người và sự vật trong cuộc sống. Trong văn chương, ánh sáng và bóng tối cũng được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo tình huống truyện, chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Với Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nòng cốt “biểu hiện cách khai thác hình tượng đối với cuộc sống, như thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả”(1) của tác giả. Nguyễn Tuân và Thạch Lam tuy cùng thuộc dòng văn học lãng mạn nhưng mỗi người có một cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, tạo nên những thế giới nghệ thuật riêng biệt và độc đáo, mang đậm phong cách cá nhân của tác giả.

+ MB2: (Phân tích CẢNH CHO CHỮ trong Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân)

Nguyễn Tuân được biết tới là một nhà văn duy mĩ trước Cách mạng tháng Tám. Ông có tình yêu say đắm với cái đẹp, thông qua thơ văn để ngợi ca cái đẹp cũng như tôn thờ nó. Theo ông, mĩ (cái đẹp) là đỉnh cao của nhân cách con người. Ông săn lùng nó không tiếc công sức. Ông miêu tả nó bằng ngôn ngữ giàu có của riêng ông. Những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân phải là hiện thân của cái đẹp. Đó là những con người tài hoa hoạt động trong những hoàn cảnh, môi trường đặc biệt, phi thường. Ông phát hiện, miêu tả cái đẹp phải đạt được cả bên ngoài và bên trong của nhân vật. Cái đẹp của ông bao gồm cái chân và thiện; ông lại còn kết hợp mĩ với dũng. Truyện ngắn Chữ người tử tù (1939) trong tập Vang bóng một thời là áng văn hay nhất, tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân. Giá trị tư tưởng và dụng công nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện chủ yếu trong đoạn văn tả một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, cảnh tượng một người tử tù cho chữ một viên cai ngục.

+ MB3: (Quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Chữ người tử tù)

Bài viết của bạn TRẦN HÀ NAM – lớp Chuyên Văn LQĐ Bình Định.
Nguyễn Tuân (1910 – 1987) cả một đời văn đi tìm cái Đẹp. Nhưng khác với Thạch Lam, tâm hồn ông hướng về với những nét toàn thiện toàn mĩ, vượt lên khỏi giới hạn của cái bình thường, luôn nhìn nhận thế giới và con người ở phương diện thẩm mĩ – văn hóa. Vang bóng một thời như là một điểm xuất phát của quan điểm nghệ thuật mang dấu ấn cá tính con người tài hoa tài tử Nguyễn Tuân. Mười một truyện ngắn dựng lên những chân dung đặc sắc khó quên của một thời quá vãng, tiêu biểu cho khuynh hướng thoát li của Nguyễn Tuân trước cách mạng: những thú chơi tao nhã, những con người của quá khứ xa xăm, thực ra là một cách cắt nghĩa cho tấm lòng của nhà văn vốn nặng tình cùng thời vàng son dĩ vãng. Nhưng ẩn chứa trong tập truyện là một tâm hồn dân tộc yêu tha thiết những giá trị đã trở thành truyền thống. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là nơi gửi gắm tâm sự yêu nước, tâm trạng bất hoà của một người trí thức luôn cảm thấy bức bối trong khuôn đời chật hẹp. Cảm hứng đặc biệt mãnh liệt của Nguyễn Tuân gắn với những nhân vật đối lập với trật tự khuôn phép phong kiến, thể hiện tập trung trong truyện ngắn Chữ người tử tù, giúp ta hiểu sự chân thành sâu lắng của Nguyễn Tuân trong cái vỏ khác người kiêu bạc.

+ MB4: (Phân tích nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân – Bài viết của Hoàng Thảo)

Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dành trọn đời mình để viết nên những trang văn mà ở đó có một nguồn mỹ cảm dạt dào dành cho tất thảy những gì đẹp nhất trên đời. Viết rất hay về những thú chơi đẹp, uống đẹp, nhắm đẹp, Nguyễn Tuân cũng không bỏ quên cái đẹp ngời ngời như ngọc sáng trong nhân cách con người. Có người nói sự nghiệp Nguyễn Tuân sẽ không thể toàn vẹn nếu thiếu đi “Vang bóng một thời”, và “Vang bóng một thời” cũng sẽ khiếm khuyết nếu không có sự góp mặt của thiên truyện “Chữ người tử tù”. Huấn Cao trong tác phẩm là một nhân cách sáng và đẹp mà Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên bằng cả niềm trân trọng và tài năng của mình, gửi vào đó nhân sinh quan về cái đẹp một cách sâu sắc.

+ MB5: (Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao – Chữ người tử tù)

Nhà văn Pauxtopki từng khẳng định: “Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật là bước vào thế giới của cái đẹp”. Tuy nhiên mỗi nhà văn lại có một lí tưởng riêng. Nếu Thạch Lam đưa người đọc đến với thế giới cái đẹp dịu dàng, êm đềm mà u buồn, man mác thì Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ tận hiến suốt đời cho cái đẹp lại dẫn ta đến thế giới thanh cao, sang trọng, lịch lãm mà cổ kính. Trong thế giới nghệ thuật độc đáo ấy của Nguyễn Tuân nổi bật lên hình tượng Huấn Cao – nhân vật chính của “Chữ người tử tù”, một nét son chói lọi trong văn nghiệp của Nguyễn Tuân.

8. Chí Phèo

+ MB1: (Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo – Bài làm của Trần Ngọc Mẫn)

Đại văn hào Andersen đã từng nói rằng: “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Hiện thực cuộc sống được xem là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chấp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy bức tranh hiện thực cuộc sống, con người trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng bạn đọc. Và Chí Phèo là một hình tượng trung tâm giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, đã khái quát số phận của một lớp người, bản chất của cả một xã hội, là hình ảnh ấm nồng về sự khát khao cho cuộc đời lương thiện.

+ MB2: (Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo)

Truyện ngắn “Chí Phèo” là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại của nhà văn hiện thực và nhân đạo Nam Cao. Qua tác phẩm, tác giả đã vẽ nên một bức tranh thê thảm, đầy bi thương của những kiếp sống lương thiện nhưng đói nghèo đã bị tha hóa cả về thể xác lẫn linh hồn. Tiêu biểu cho những kiếp người đó chính là nhân vật “Chí Phèo” và những bi kịch mà hắn phải chịu đựng, nếm trải trong chặng đường đời của mình.

+ MB3: (Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo – Nam Cao)

Đến với văn học hiện thực phê phán, Nam Cao bước chân đến với những người nông dân nghèo, có số phận đáng thương. Và ông đã vô cùng thành công khi bước vào trái tim người đọc với truyện ngắn “Chí Phèo” – hình ảnh một người nông dân từ chất phác, hiền lành đến tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. Khác với dòng ngôn ngữ bác học, văn phong chau chuốt, mượt mà, Nam Cao gây ấn tượng cho độc giả bằng hằng loạt tiếng chửi xuyên suốt tác phẩm. Tiếng chửi ấy để lại cho ta một nỗi thấm thía về một kiếp người nhưng lại bị cự tuyệt quyền làm người.

+ MB4: (Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo – Nam Cao)

Giữa những bộn bề phức tạp của buổi chợ phiên văn chương, giữa những náo nhiệt đông đúc của gian hàng hiện thực phê phán, Nam Cao được nhận là một chủ cửa hàng khác đặc biệt với tấm lòng nhân đạo và tình thương dành cho những người nông dân trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà văn đã đưa người đọc đi sâu khám phá cái đẹp ẩn sâu bên trong của những số phận bất hạnh, những con người “cùng hơn cả dân cùng”. Tiêu biểu cho cuộc hành trình gian truân vất vả ấy là truyện ngắn “Chí Phèo”. Đọc tác phẩm ta sẽ thấy rõ được tư tưởng nhân đạo cao cả cùng tình thương và nam cao dành cho nhân vật của mình.

+ MB5: (Phân tích tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao để làm rõ nhận định)

Đề bài:

“Ở mỗi truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó, có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy”
– Nguyễn Đăng Mạnh-
Anh (chị) hãy phân tích tác phẩm “Chí Phèo” để làm rõ nhận định trên.

Mở bài:

Đã có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Đúng như vậy! Chi tiết nghệ thuật tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tác phẩm. Chi tiết có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác câu tứ nghệ thuật của nhà văn trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chính vì thế, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định: “Ở mỗi truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó, có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy”. Minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên là tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao.

9. Hạnh phúc của một tang gia

+ MB1: (Nghệ thuật trào phúng trong “Hạnh phúc của một tang gia”)

“Số đỏ” là cuốn tiểu thuyết đặc sắc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trong đó mỗi chương là một hài kịch chương XV “Hạnh phúc một tang gia” được đánh giá là một trong những màn hài kịch thành công nhất. Qua việc miêu tả đám tang của cụ Tổ, Vũ Trọng Phụng đã phơi bày cái bộ mặt xấu xa của trưởng giả, cái xã hội “khốn nạn”, “chó đểu” đương thời như cách nói của nhà văn.

+ MB2: (In trong Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 11 nâng cao, NXB Giáo dục, 2007)

Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc của nền văn học VN. Có lẽ đặc sắc nhất là đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” được trích từ tác phẩm “Số đỏ”. Tác phẩm như một lời phê phán cái sự lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” lúc bấy giờ. Đó là những đứa con, cháu bất hiếu đã đi trái lại với truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

+ MB3: (Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng)

Từ điển Văn học đã đặt thông tin về “Số đỏ” là tác phẩm “lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị Việt Nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm hết sức lố lăng đồi bại đương thời.” Đây thực sự là cuốn tiểu thuyết trào phúng được viết theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Tác phẩm đã phát huy cao độ tài năng châm biếm, đả kích sắc sảo của Vũ Trọng Phụng trước những thói xấu xa, giả dối của xã hội thực dân, phong kiến nửa đầu thế kỉ XX. Dưới ngòi bút kì tài của Vũ Trọng Phụng, chương nào, đoạn nào cũng thú vị, hấp dẫn như một màn hài kịch trọn vẹn. Đặc biệt gây ấn tượng là chương Hạnh phúc của một tang gia.


Xem thêm:

40 mở bài chọn lọc lớp 11 (phần 1)

Tham khảo các bài văn mẫu cơ bản tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/co-ban/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học