Cuộc sống luôn tồn tại những ranh giới. Ranh giới chật hẹp không tồn tại ở những nẻo đường, trong những ngôi nhà mà nằm ngay trong chính chúng ta. Dùng những đường biên để tạo hình và phản ánh thực trạng phân chia giai tầng trong xã hội, “Parasite” (“Kí sinh trùng”) – bộ phim Hàn Quốc làm nên lịch sử khi giành tượng vàng Oscar (2020) đã đặt ra “những gạch ngang lớn” trong lòng người xem, khiến ta phải trăn trở, suy ngẫm. Đường biên ấy, liệu có phải chỉ đơn thuần là ranh giới giữa giàu và nghèo chăng?
Bộ phim đã khéo léo đưa những đường thẳng được sắp đặt tự nhiên mỗi khi nhân vật thuộc gia đình nhà giàu và nhà nghèo xuất hiện cùng lúc. Đường biên đó đã đẩy họ về hai phía đối lập. Lấy bối cảnh Hàn Quốc, “Parasite” đã nêu lên thực trạng tồn tại trong đất nước này. Hàn Quốc như hiện diện ở hai thái cực song song giữa tầng lớp giàu có và nghèo khổ. Từ đó, những khái niệm thìa vàng, thìa đất ra đời để chỉ những người con sinh ra ở hai tầng lớp trên. Không đơn thuần là ranh giới về vật chất, trong bộ phim, ta còn thấy được sự ngăn cách rõ rệt giữa một bên gia đình nhà giàu tốt bụng, không vì của cải mà kiêu căng với một bên nhà nghèo nhưng không hề có ý chí tự thân vươn lên mà chỉ tìm mọi cách để “kí sinh”. Dẫu biết rằng mỗi người khi sinh ra đều có một điểm xuất phát khác nhau, ta không thể lựa chọn một bệ phóng cho riêng mình nhưng hoàn toàn có thể chọn lựa thay đổi cách sống của bản thân. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những đường biên, không chỉ là “gạch nối” giữa giàu – nghèo mà còn là thành công – thất bại và nỗ lực từng ngày – ỷ lại, ăn bám.
“Bạn không chết đuối vì bạn ngã xuống nước mà vì bạn cứ ở đó” (“Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao”). Tâm lí của những người sinh ra trong thiệt thòi thường bất mãn về sự đầu thai kém may mắn của bản thân. Đó có thể là thiếu thốn về vật chất, về thể xác, về tinh thần,… Đứng ở vạch xuất phát sau, nhiều người dễ chùn bước trên chặng đường đời khi phải nhìn theo bóng lưng của những kẻ đi trước. Ta cứ thế chết ngạt trong “cái ao lầy” vì chẳng thể thoát khỏi chính ranh giới mà mình đặt ra. Trong khi đó, cuộc sống đặt ra những ranh giới là để vượt qua. Thời gian đã chứng minh khả năng của con người là vô hạn. Ta mãi không thể bước qua chỗ đứng hiện tại của bản thân thì ranh giới, đường biên vẫn luôn nằm đó.
Không ai sinh ra đã hoàn hảo, trong chúng ta mỗi người đều tồn tại một chữ “khuyết”. Khuyết về vật chất, cậu học trò nghèo An Kim Bằng vẫn xuất sắc giành được huy chương vàng Toán học quốc tế. Khuyết về thể xác, Nick Vujicic, sinh ra đã mất tứ chi – điều hiển nhiên với người bình thường, vẫn có thể bơi lội, chơi thể thao,… và trở thành một diễn giả nổi tiếng. Họ sinh ra đã “khuyết” nhưng tự biết làm “đầy” cho mình, từ chối việc than trách số phận, sống ỷ lại, dựa dẫm.
Trên con đường vượt qua ranh giới của bản thân để vươn đến thành công, ta không chỉ đối mặt với những đường biên, vòng vây của chính mình mà còn từ xã hội. Những định kiến vẫn còn đó, điều quan trọng, ta có dũng cảm vượt qua. Nếu như mặc cảm, tự ti về chính bản thân, nếu như sợ hãi trước hủ tục lạc hậu, H’Hen Niê bây giờ sẽ không phải là một hoa hậu mà là một bà mẹ nghèo khổ với đàn con nheo nhóc. Chính những quan niệm xưa cũ đã khiến những người dân tộc thiểu số không thể vươn ra thế giới mà mãi quẩn quanh trong buôn làng. Dẫu biết rằng đường biên giữa mình và thế giới ngoài kia còn rất lớn nhưng H’Hen Niê vẫn không ngừng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng “lấp đầy” mình bằng học vấn để rồi tự tin bước lên ngôi vị hoa hậu danh giá. “Tôi làm được. Bạn cũng làm được!” – câu nói đã khiến bao người được thúc đẩy, có thêm sức mạnh vượt qua đường biên của chính mình.
Xuất phát trong hình dạng người con trai nhưng mang tâm hồn con gái, những người được gọi là gay phải đối diện với bao đường biên, bao nỗi sợ hãi từ bên trong lẫn bên ngoài. Suy cho cùng, dù là ai, cái đích mà ta muốn vươn tới trong cuộc sống đều là thành công. Nhưng xã hội vẫn còn đó những quan niệm khinh miệt, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, đẩy họ ra ngoài vòng xã hội, trói họ vào đường biên nhỏ hẹp. Nhiều người không biết rằng, trong số họ, có rất nhiều người vẫn vươn lên từng ngày và đạt được những chỗ đứng vững chắc trong xã hội mà không giới hạn nào có thể trói buộc được. Ai bảo LGBT không có quyền giàu, hãy đặt ra trước mặt họ tám tỷ USD mà David Geffen đang sở hữu. Ai bảo LGBT không có quyền thành công, hãy lấy ghế CEO Apple của Tim Cook ra mời họ ngồi.
Mặt khác, cuộc sống luôn có những đường biên mà ta không thể vượt qua. Ta không thể vì ghen ăn tức ở, ích kỉ mà đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, vươn lên, vượt qua giới hạn bằng mọi giá. Quá trình từ khuyết thành đầy không chỉ đi qua những ranh giới về tri thức và trí tuệ mà còn phải biết dừng lại ở ranh giới đạo đức, lẽ phải. Chúng ta vượt qua đường biên của bản thân bằng chính mình chứ không phải bằng cách giẫm lên vai của kẻ khác. Xin đừng biến mình trở thành người được in ảnh trên các mặt báo, không phải là người thành công mà với danh xưng một tên tội phạm giết người, cướp của để nuôi thành công!
Ranh giới giữa con người bạn ở hiện tại và con người bạn muốn trở thành là lựa chọn về cách sống. Dẫu bạn là sư tử hay linh dương, mỗi ngày thức dậy, bạn đều phải chạy. Vượt qua giới hạn của bản thân, của xã hội, đích thành công ngay trước mắt. Kẻ khôn ngoan là kẻ biết mình khuyết ở đâu để tự hoàn thiện, trau dồi và rèn luyện. Trên chặng đường đó, dù có gặp thất bại, xin hãy nhớ: nếu bạn không thất bại chứng tỏ việc bạn làm quá dễ dàng.
Bộ phim “Parasite” đã xuất sắc xây dựng một chi tiết đầy ám ảnh – thứ mùi kì lạ bốc lên từ những người nhà nghèo. Mùi đó phải chăng chỉ đơn thuần là mùi của sự nghèo khổ? Không, đó còn là mùi của những kẻ không biết cố gắng, sống dựa dẫm, sống “kí sinh”. Đó là “mùi” mà những người thành công không bao giờ có!
Bài viết của Hà Thị Ngọc Hương, học sinh lớp 12 Văn, THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Bài được đăng tại chuyên mục Mùa đầu văn học trên Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số tháng 3 năm 2021.
Xem thêm:
Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Xã Hội tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlxh/
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học