NLXH từ tác phẩm văn học

NLXH: Đạo lí “uống nước nhớ nguồn” được rút ra từ tác phẩm “Ánh trăng”

Đạo lí “uống nước nhớ nguồn” là một vấn đề nghị luận được rút ra từ tác phẩm “Ánh trăng” của tác giả Nguyễn Duy. Đây cũng chính là dạng đề “Vấn đề NLXH được rút ra từ tác phẩm văn học” mà có thể xuất hiện trong các đề thi. Các bạn cùng tham khảo một đề và đoạn văn cụ thể của dạng này ở dưới đây nha!

Đề bài: Bài thơ “Ánh trăng” là lời nhắc nhở thấm thía về tình cảm, thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ gian lao, tình nghĩa. Qua lời nhắc nhở ấy, em có suy nghĩ gì về tình cảm, thái độ sống đối với quá khứ của thế hệ trẻ hiện nay? (Trình bày suy nghĩ của em thành một đoạn văn khoảng 2/3  trang giấy thi). 

Bài làm

Bài thơ “Ánh trăng” cũng là một lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Ánh trăng không chỉ là chuyện riêng của nhà thơ, chuyện của một người mà có ý nghĩa với cả một thế hệ bởi nó đặt ra vấn đề, thái độ “Uống nước nhớ nguồn” đối với quá khứ, với những người đã khuất và cả đối với chính mình. “Thái độ sống với quá khứ” chính là đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung, trân trọng, ghi nhớ công lao của người đi trước, gìn giữ, phát huy những thành quả mà ông cha đã gây dựng. Có một câu nói khuyết danh rằng: “Hôm nay là học trò của hôm qua” nghĩa là mỗi con người đều trưởng thành từ trong quá khứ. Chính quá khứ sẽ cho chúng ta những bài học, trải nghiệm, hiểu hơn về bản thân, về cuộc sống và cũng sẽ là hành trang vững chắc cho tương lai. Trân trọng quá khứ còn là cách để con người ta nỗ lực hơn, trân trọng hơn nữa cuộc sống thực tại của chính bản thân mình. Người biết trân trọng, biết ơn quá khứ là những người có tấm lòng nghĩa tình đáng quý. Đặc biệt với giới trẻ, việc có thái độ ân nghĩa với quá khứ cũng là một cách để thể hiện sự biết ơn với những công lao của ông cha nói chung và với những nỗ lực của bản thân mình nói riêng. Ví như trong đại lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh em bé dân tộc Thái ôm lá cờ đỏ sao vàng diễu hành cũng là một cách thể hiện sự biết ơn đến những công lao của ông cha và ý thức trách nhiệm của bản thân ở thời đại mới. Trong cuộc sống hiện đại hối hả, con người càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy tấp nập của cuộc sống, quay cuồng với danh lợi, tiền tài mà vô tình quên đi những thứ bình dị, quên những giá trị mà ông cha đã tạo dựng. Sự lãng quên ấy, sự quay lưng lại với kí ức, với những kỉ niệm là những hành động thật đáng trách, thật đáng lên án. Thiếu tình cảm biết ơn, sống phụ nghĩa quên công, con người trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm, những kẻ ấy sẽ bị người đời chê trách, mỉa mai, bị gạt ra ngoài lề xã hội và lương tâm của chính họ sẽ kết tội. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều những con người luôn hướng trái tim mình về quá khứ gian lao, nghĩa tình của đất nước. Họ trân trọng, biết ơn những hi sinh, mất mát, ý thức hơn nữa nhiệm vụ của bản thân và cuộc sống hoà bình. Trân trọng, biết ơn quá khứ không phải là sống mãi trong quá khứ mà là lấy đó làm cơ sở, động lực nỗ lực cho hiện tại và tương lai. Quả thật, “Ánh trăng” là hồi chuông cảnh tỉnh đối với ai đã đối xử một cách vô ơn bạc nghĩa với những người đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ. Bài thơ nhắc nhở một lẽ sống tốt đẹp của con người cũng là đạo lí của dân tộc, là lẽ sống tốt đẹp từ bao đời nay cho nên thế hệ đi sau cần kế thừa và phát huy. Bởi là con người thì trước hết phải biết sống có đạo đức nhân nghĩa, thủy chung.

| Bài viết được biên tập và chỉnh sửa từ bài viết của Anh Qua

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học