Lí luận văn học là một nội dung mà có thể giúp các bạn nâng tầm bài viết của mình. Nhưng muốn vận dụng lí luận văn học vào bài viết thì trước hết các bạn phải hiểu về bản chất của nó.
Dưới đây là những kiến thức lí luận về “đặc trưng nội dung thơ” được trình bày ngắn gọn, các bạn tham khảo nhé!
1. Thơ ca là gì?
Thơ ca là sản phẩm của nhận thức, tưởng tượng và sáng tạo, nhờ đó mà ngôn ngữ được phát triển. Thơ ca là dạng thức ban đầu của văn học, ngoại trừ thần thoại thời nguyên thuỷ tồn tại chủ yếu dưới các hình thức cúng tế, lễ hội. Thơ là hình thức nghệ thuật cổ xưa hơn văn xuôi rất nhiều.
Vào thời cận, hiện đại, thơ có nghĩa hẹp chỉ riêng loại hình sáng tác cụ thể như thơ trữ tình, thơ tự sự, trường ca,…
2. Thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức
Tính trữ tình là một đặc trưng nổi bật nhất của thơ. Vần, nhịp đều cần cho thơ nhưng chưa phải là bản chất của thơ. Thơ không miêu tả sự vật bên ngoài, không kể các sự việc xảy ra mà chỉ biểu hiện các xúc động nội tâm, những tình cảm, cảm nhận của con người trước sự việc, giúp ta hiểu con người chủ thể bên trong.
Tình cảm là sinh mệnh của thơ. Thơ là sự biểu lộ tình cảm mãnh liệt. Tình cảm mãnh liệt ở đây không phải là thứ tình cảm kêu gào, khóc cười ồn ào ở bên ngoài, mà là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò chấn động trong tâm hồn.
Tình cảm trong thơ là tình cảm lớn, tình cảm đẹp, cao thượng, thấm nhuần bản chất nhân văn, chính nghĩa. Tình cảm tầm thường không nên làm thơ.
=> Một tình cảm mãnh liệt được ý thức, siêu thoát, không lệ thuộc vào đối tượng miêu tả cụ thể, làm cho thơ trở thành nghệ thuật đẹp, nghệ thuật tự do nhất trong các nghệ thuật.
3. Thơ – nghệ thuật của trí tưởng tượng
Thơ không xây dựng các hình tượng khách thể như nhân vật trong truyện hay kịch, kí, mà xây dựng hình tượng của bản thân dòng ý thức, cảm xúc đang diễn ra, vì thế tưởng tượng ở đây chủ yếu là liên tưởng, giả tưởng, huyễn tưởng. Liên tưởng là hoạt động tâm lí từ việc này, người này mà nghĩ tới việc khác, người khác.
4. Tính cá thể hoá của tình cảm trong thơ
Thơ bao giờ cũng tự thể hiện cái tôi tác giả của nó, dù nhà thơ có ý thức điều đó hay không. Thơ là gương mặt riêng của mỗi con người. Thơ gắn với ý niệm về cái tôi thi nhân của nhà thơ là một điều hiển nhiên. Cái tôi trong thơ là một vũ trụ riêng, khác với cái tôi thực tại của nhà thơ. Cái tôi này là một trung tâm giá trị thẩm mĩ, là cái tôi thứ hai của nhà thơ.
5. Chất thơ của thơ
Thơ không nói ở những điều nó viết ra, mà nói ở những chỗ trống nó không viết ra, chỗ trắng, chỗ im lặng giữa các chữ, các lời. Ý nghĩa có tính thơ là ý nghĩa ngoài lời, ngoài hình ảnh do chính hình ảnh gợi lên.
Nguồn: Trần Đình Sử (chủ biên) (2016), Lí luận văn học (Tác phẩm và thể loại), NXB Đại học Sư phạm.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học