Cảm nhận bài Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cảm nhận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Lê Quý Đôn từng cho rằng: “Thơ khởi phát từ lòng người ta”. Quả đúng là như vậy, thơ là nơi chứa đựng biết bao nhiêu rung cảm, trăn trở của người cầm bút. Một tác phẩm thơ chân chính, muốn vượt lên sức mạnh của thời gian, của lòng người, ẩn chứa trong đó những tình cảm thật, suy nghĩ thật đã phải trải qua biết bao mồ hôi và nước mắt của nhà thơ. Với “Nhàn”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi tới người đọc những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, thời đại mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn phải suy ngẫm.

“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

Có thể nói từ thế kỉ XV trở đi, thơ Nôm của Việt Nam đã có những thành tựu, đủ sức giữ thế song hành cũng văn học chữ Hán. Các trí thức Nho học, bên cạnh sáng tác chữ Hán bao giờ cũng dành phần ưu ái cho các tác phẩm chữ Nôm. Nếu như Nguyễn Trãi có “Quốc âm thi tập” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có “Bạch Vân quốc ngữ thi”. Khi viết thơ Nôm Đường luật, cả Nguyễn Trãi lẫn Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có ý thức Việt hóa triệt để:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”

Xét về mặt ngôn ngữ cũng như hình tượng thơ, thơ xưa, nhất là thơ Đường luật thiên về sử dụng những hình ảnh ước lệ, trang nhã hơn là những hình ảnh cụ thể, bình dị như mai, cuốc, cần câu. Số từ trong câu thơ trên cũng là con số thực chứ không phải là những con số ước lệ. Mai dùng để đào đất, cuốc dùng để xới đất, cần câu để câu cá. Đó là những nông cụ lao động dân dã của người nông dân. Với cách điệp số từ một…một…một, tạo nhịp điệu chậm rãi, câu thơ thể hiện tư thế sẵn sàng của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho một cuộc sống bình dị, giản đơn. Có thể gọi đây là hiện tượng phá vỡ tính quy phạm và là một cách Việt hóa thể thơ Đường luật. Nguyễn Bỉnh Khiêm chấp nhận cuộc sống cần lao của một lão nông tri điền, mặc cho người đua đòi chạy theo bao thú vui phù phiếm, ông vẫn giữ tâm thế bình thản, điềm nhiên với cuộc sống thanh bần mình đã chọn. Trước hết ta phải hiểu cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là kiểu nhàn hưởng lạc, nhàn lười biếng vì không quan tâm sự đời. Người xưa thường cho rằng “nhàn cư vi bất thiện”, người quân tử có học không bao giờ để thân mình được thảnh thơi. Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng đến cái nhàn trong tâm, không vướng bận danh lợi đua chen, tâm nhàn chứ thân không nhàn. Là vị quan từ bỏ cân đai áo mão, ông trở về cuộc sống lao động vất vả, tự cung tự cấp rất lương thiện của những người nông dân nghèo, ông vẫn phải lao động để nuôi sống mình chứ không trông cậy vào bất kì ai, không mang theo vàng ngọc chốn quan trường để về quê hưởng lạc.

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thường bàn nhiều về lẽ dại – khôn, vấn đề này không mới đối với tâm thức của người Á Đông xưa nay, một kiểu triết lí theo tinh thần nhân quả của Phật giáo dân gian:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.”

Có thể nói cặp câu thực này đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng phép đối tương phản để khẳng định sự đối lập gay gắt giữa quan niệm sống của ta và người. Nơi vắng vẻ là nơi lánh xa sự ồn ào, tranh chấp, là miền thôn dã hiền hòa là chốn thiên nhiên thuần phác.

Chốn lao xao là nơi quan trường đua chen, tranh quyền đoạt lợi, là chốn thị thành náo nhiệt, giả trá, lọc lừa. Ta từ bỏ cân đai áo mão, danh lợi, tiền tài để trở về chốn thiên nhiên, miền thôn dã chấp nhận cuộc sống nghèo khó nên ta tự nhận mình dại. Người sống trong vòng danh lợi xô bồ nên người tìm đến chốn quan trường náo nhiệt mà tìm sự thăng tiến, đua đòi quyền lực, địa vi, người nghĩ rằng mình khôn. Những kẻ tầm thường sẽ luôn hiểu như thế. Nhưng hai câu thơ là một cách nói mỉa mai ngược giọng, kẻ tưởng mình khôn mà hóa ra là dại, kẻ nhận mình dại thật ra là khôn. Nguyễn Bỉnh Khiêm có 2 câu thơ khác cắt nghĩa điều này rõ hơn:

“Khôn mà ác hiểm là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.”

Sống trong một thời đại mà triều chính nhiễu nhương, vua không anh minh lại thiếu bề tôi hiền thì liệu cái chí tu, tề, trị, bình của một người trí thức Nho học chân chính có thể nào thực hiện được chăng? Muốn tồn tại trong bối cảnh nhà Mạc đương thời, kẻ làm quan như Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có thể dửng dưng trước thời cuộc để yên thân hoặc chấp nhận đánh mất khí tiết, vào lòn ra cúi, xuôi theo bọn gian thần xu nịnh để được thăng tiến.

Chốn quan trường, chốn thị thành nói chung là nơi con người phải tranh chấp, phải hơn thua, phải dùng trí xảo, mưu mô để đạp lên nhau mà sống và dành lấy địa vị…Chốn lao xao là môi trường dễ khiến kẻ sĩ đánh mất khí tiết và nhân phẩm, thậm chí trở nên tàn độc hại người. Cái khôn ấy là cái khôn thâm ác, xảo trá, theo quy luật nhân quả sớm muộn cũng sẽ lãnh lấy quả báo và đánh mất đi chính mình. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn lối sống ẩn dật, ông tự nhận mình dại vì chê danh lợi nhưng đó là cái dại thức thời, cái dại của kẻ hiểu được quy luật vần xoay của thế sự nhân sinh…Ông từ bỏ tất cả để đổi lấy trạng thái bình yên, thanh thản của tâm hồn, giữ vững khí tiết của người có học…

Cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xét ở một khía cạnh nào đó chỉ là một phản ứng bất đắc dĩ đối với thời cuộc để giữ gìn nhân cách của mình chứ nó không phải là lí tưởng sống. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là bậc đại Nho bước ra từ cửa Khổng sân Trình, ông hiểu sâu sắc triết lí nhập thế để giúp đời, nhưng thời cuộc đảo điên, sau lần dâng sớ đề nghị chém 18 tên lộng thần không thành, ông hiểu rằng mình đành bất lực và từ quan là sự lựa chọn đúng đắn nhất, không thực hiện được hào bão cao cả thì ít ra còn giữ gìn được phẩm tiết.

Nếu như Nho giáo đề cao tinh thần nhập thể cứu đời, đề cao kỉ cương, phép tắc thì Lão – Trang lại muốn tháo tung hết mọi sự ràng buộc, tự nhiên nhi nhiên mà sống. Thế nhưng cả hai tư tưởng này không hề loại trừ nhau mà trở nên cặp đối trọng tồn tại song song trong nền văn hóa Trung Quốc cũng như Việt Nam thời xưa. Các trí thức Nho học Việt Nam một mặt nhất quán tinh thần nhập thế, trả nợ công danh nhưng sâu trong tâm hồn lại khát khao trở về với thiên nhiên, sống cuộc sống tiêu dao tự tại. Họ nhập thế không phải đua đòi quan lộc để được vinh quy bái tổ mà để lo cho dân, bản lai diện mục của họ vẫn là con người yêu chuộng thiên nhiên, xem nó là bản thể, là thiên đường của sự sống thực sự.

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

Hai câu thơ tạo nên bức tranh tứ bình bốn mùa tuyệt đẹp về cuộc sống thanh cao của một con người trở về với tự nhiên. Ở hai câu thực, phép đối tương phản tạo ra sự đối lập gay gắt thì ở hai câu luận này, phép đối tương hổ tạo ra một kết cấu cân xứng hoàn hảo. Ta chú ý đến hai động từ chính trong 2 câu thơ: ăn/tắm. Đó là 2 nhu cầu tối thiểu nhất của con người. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất đơn giản, chỉ cần ăn đủ để sống và tắm để sạch.

Cuộc sống giản dị ấy được thiên nhiên che chở, đất trời là tặng phẩm là nguồn sống có sẵn không cần phải đua đòi hay tranh giành mới có được. Hay nói đúng ông sống thuận lẽ tự nhiên, mùa nào thức ấy, có chi dùng nấy, rất thong dong, trong lành. Nguyễn Bỉnh Khiêm tả về cuộc sống bình dị của mình tuy nghèo mà không hèn, giọng điệu lại rất lạc quan, sắc thái vô cùng tươi sáng. Điều đó đủ thấy cuộc sống của ông là một chân trời tự do trong lành, ông thực hành đúng cái đạo của hiền nhân: “tri túc”. Cuộc sống này vốn không xa lạ với tâm thức của người xưa:

“Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì ;
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.”
(Cổ thi – Trung Quốc)

Nguyễn Bỉnh Khiêm không cần ăn ngon, chẳng màng ăn no, không cần mặc ấm, bởi người trí thức Nho học luôn thấm nhuần đạo lí: quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cuộc sống lao động vất vả nhưng lạc quan, ông nhìn cuộc sống ấy rất thi vị. Khi đối sánh với vẻ đẹp sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm ta lại thấy, 4 câu thơ trên gợi tả sự hưởng thụ có phần sang trọng (dĩ nhiên là sự hưởng thụ chính đáng, giản đơn) còn Nguyễn Bỉnh Khiêm lại gợi tả cuộc sống nhàn mộc mạc hơn, ông chỉ hướng đến những nhu cầu tối thiểu để sống chứ không dệt nên kiểu sống thoát li vương giả (ngao du, uống rượu, làm thơ). Bốn câu thơ trên chủ về gợi tả nếp sống phong lưu, tiêu dao tự tại ; tứ thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên về vẻ đẹp đơn giản, trong lành, thuần lẽ tự nhiên. Trong sự cộng hưởng với tâm thức người xưa, cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có sắc thái khác lạ của riêng nó.

Phần hai câu kết được viết theo lối dụng điển quen thuộc xưa nay. Ta liên tưởng đến câu chuyện Thuần Vu Phần uống rượu nằm ngủ dưới gốc cây hòe để thấy được thông điệp của tác giả: công danh chỉ là giấc mộng phù phiếm, tỉnh giấc mọi thứ sẽ tan biến thành hư ảo. Có lẽ điểm nổi bật nhất của hai câu kết là hiện tượng đảo cú pháp ở câu 7: “Rượu đến cội cây ta sẽ uống”. Từ rượu được đưa ra đầu câu, khi đọc phải nhấn mạnh, ngắt thành một nhịp thật sảng khoái để thấy được tư thế tiên phong đạo cốt của tác giả đứng ngoài vòng thế sự.

Nhàn không phải là một lí tưởng nó là một trạng thái sống. Nhàn ở đây là sự thanh thản của tâm hồn không bận tâm bởi danh lợi chứ không phải là cái nhàn hưởng thụ của kẻ lười nhát. Nhàn là không để lòng vấy bẩn bởi sự tranh đoạt quyền lợi, hơn thua với người đời chứ không phải là quên đời, sống ít kỉ, vô trách nhiệm. Bằng chứng là khi từ quan Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tham vấn chính sự cho nhà Mạc. Nhàn vừa là một khát vọng sống tiềm ẩn trong tâm thức của những nhà Nho có nhân cách vừa là một kiểu phản ứng của người trí thức với thời cuộc đảo điên. Bởi vì nhận ra mình không thể thực hiện được lí tưởng của thánh hiền dạy nên đành thức thời lùi một bước. Phải hiểu như thế mới thấy rằng tư tưởng Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề tiêu cực hay ít kỉ như những kẻ có suy nghĩ máy móc, học thuộc lòng tư tưởng Mác–Lênin mà hiểu không tới nơi dám lên giọng chê bai Nguyễn Bỉnh Khiêm và tinh thần Lão Trang.

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề đi ngược lại đạo đức Nho học, rất hài hòa với tinh thần Lão Trang và cả Phật giáo. Nó là một đóa hoa thơm ngát được kết tinh từ vẻ đẹp bảng lảng của 3 tôn giáo tuyệt đẹp và vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Kẻ thức thời, thông lào đạo Trung Dung sẽ không vội phê phán Nguyễn Bỉnh Khiêm tiêu cực, ít kỉ bởi Khổng Tử từng nói: trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn. Trong tiếng Hán, chứ tiên (thần tiên) được tạo nên từ chữ nhân và chữ sơn. Trở về với thiên nhiên là tinh thần đẹp ăn sâu trong tâm thức của người Á Đông xưa nay. Kẻ sĩ muốn đạt được chữ nhân (lòng thương người) và đạt được chính tâm thì nên tìm về thiên nhiên mà di dưỡng, thiên nhiên là bản thể, là bản lai diện mục của con người.


Hình ảnh: Hương Lê
Biên tập nội dung: Ngọc Anh
Hình ảnh và nội dung do team Thích Văn Học thực hiện. Vui lòng không repost nếu như chưa nhận được sự đồng ý của chúng mình!

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học

Phân tích Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm