Đề bài:
Đây là lời người bố tâm sự với con trong bài thơ của Trương Đăng Dung:
“…Mai ngày con lớn lên
bố không biết những điều con sẽ nghĩ
bố không biết những con voi còn chết cóng phía trời xa
bố không biết những đàn chim còn bay về xứ nóng?….
bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng
trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con”
(Viết cho con, trích Những mảnh ghép của huyền thoại, Nguyễn Thanh Tâm tuyển chọn – giới thiệu, NXB Văn học, 2024)
Là một người con, em hãy đáp lại những mong mỏi của người bố trong đoạn thơ trên bằng một bài văn nghị luận.
Bài làm
“Từ năm 2000 tới năm 2019, thế giới đã ghi nhận 7.348 thảm họa thiên nhiên lớn gây ảnh hưởng tới 4,2 tỷ người”
“Trên 3 triệu trẻ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần”
“Hàng triệu người dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh quân sự ở Israel và Palestine”
Giọng nữ phóng viên trầm lắng đọc từng mẩu tin. Tôi ngán ngẩm mân mê cuốn tiểu thuyết ngôn tình đang đọc dở. Những câu chuyện xa xôi ấy tại sao tôi cần quan tâm? Những vấn đề của những con người xa lạ, tôi biết để làm gì? Tôi thầm nghĩ rồi tự mình chìm đắm vào trang sách. Bỗng cha tôi, không biết tự khi nào, gửi cho tôi một đoạn thơ của thi sĩ Trương Đăng Dung:
“…Mai ngày con lớn lên
bố không biết những điều con sẽ nghĩ
bố không biết những con voi còn chết cóng phía trời xa
bố không biết những đàn chim còn bay về xứ nóng?….
bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng
trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con”
(“Viết cho con”)
Như có một sức hút kì lạ, tôi im lặng giải mã từng dòng thơ. Nổi bật lên là hình ảnh đầy tàn khốc của thiên nhiên đang bị hủy hoại “những con voi chết cóng”, “những đàn chim bay về xứ nóng”…. Từ “còn” như xoáy sâu thêm vào thời gian của những thực trạng tàn khốc ấy, đó không chỉ là câu chuyện hiện hữu ở thực tại mà còn xuất hiện ở quá khứ và có thể sẽ tiếp diễn ở tương lai. Hai dòng thơ cuối khiến tim tôi hẫng đi một nhịp: “bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con”. Tôi chợt vỡ lẽ, những dòng thơ là lời nhắn nhủ, cũng đồng thời là mong muốn của cha đối với tôi. Cha hi vọng trái tim tôi sẽ không nguội lạnh “lạc lõng”, không dửng dưng, thản nhiên trước cuộc sống, trước những bất hạnh, khổ đau. Cha cũng mong trái tim tôi ít nhất hãy biết rung cảm, hay làm một điều gì đó giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và hơn thế, có lẽ cha còn mong muốn: dòng đời dù có vần xoay, ngoại cảnh có thay đổi thì “tâm” mình lại càng phải vững vàng.
Càng suy ngẫm, tôi càng đồng cảm với những lời gửi gắm của người cha. Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng để quan tâm đến thời cuộc, đến thế thái nhân tình đang xoay vần. Bởi lẽ, thế giới này luôn đầy rẫy những bất trắc khó lường. Hạnh phúc và khổ đau là hai mạch nguồn đan xen chẳng thể tách rời. Chúng ta, những người trẻ, là thế hệ tương lai, là những người sẽ đảm đương trọng trách góp sức mình cho sự phát triển của xã hội. Nếu không quan tâm đến thời cuộc, nếu trái tim anh đóng cửa trước những âm vang của cuộc đời, làm sao anh có thể tìm ra cách ứng phó và lường trước những nguy cơ ẩn hình?
Khi trái tim ta biết lan tỏa yêu thương, khi tâm hồn ta rộng mở đến đón nhận ngọn gió của thời đại, mảnh đất nhân cách trong ta sẽ càng màu mỡ. Mỗi người chúng ta đều có những điểm mù trong trường nhìn, và cách để chúng ta giảm thiểu điểm mù ấy là học cách nhìn nhận toàn diện về thế giới. Ta không chỉ cần nắm bắt những thông tin, sự kiện xung quanh mình mà còn những vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu. Dẫu những sự kiện ấy đang tồn tại ở một địa điểm rất xa, nhưng sức ảnh hưởng của nó lại có trường lan tỏa mạnh mẽ. Quan tâm đến thực trạng thời đại cũng là cách để chúng ta tự làm giàu chính mình, từ trí tuệ đến tâm hồn, từ nhận thức đến tính cách.
Đại văn hào người Nga Maxim Gorky từng quan niệm: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình người”. Sẽ ra sao nếu con người quay lưng đi với tiếng kêu cứu của đồng loại? Liệu hành tinh này có còn tươi đẹp khi trái tim ta bỏ mặc mẹ Thiên nhiên đang cầu khẩn sự giúp đỡ? Thờ ơ với mọi người xung quanh, thờ ơ với những vấn đề xã hội cũng chính là đang thờ ơ với chính sự tồn tại đáng trân quý của mình. Tôi còn nhớ, hằng năm khi người người đồng lòng tham gia sự kiện “Giờ Trái Đất” thì vẫn còn đó một bộ phận người thản nhiên bật nhạc, bật đèn. Thậm chí, trong dịch bệnh Covid 19, đã có một nhóm người dân thản nhiên lợi dụng lòng tốt của các mạnh thường quân, lấy cắp đi những phần quà không đồng dành cho người nghèo. Tôi hiểu rằng, những mong mỏi của người cha xuất phát từ chính thực trạng cuộc sống hiện đại đang dần bào mòn trái tim con người, đang dần biến họ thành những thực thể vô cảm.
Nhận thức là gốc rễ, hành động chính là quả ngọt. Muốn thay đổi thế giới hãy bắt đầu từ việc thay đổi chính chúng ta. Những lời nhắn nhủ của người cha đã đánh thức trong tôi bao suy ngẫm về trách nhiệm của mình. Đã có một thời tôi chỉ lo lắng cho những chuyện riêng của riêng mình. Đã có một thời tôi không bận tâm đến bao vấn đề cấp bách ngoài kia. Đã có một thời tôi dửng dưng trước lời kêu cứu của đồng loại. Giờ đây tôi cần học cách mở lòng mình ra, cần học cách lắng nghe những vấn nạn của thời đại tôi đang sống. Mỗi ngày tôi dành thời gian vài phút để đọc những trang báo uy tín luôn cập nhật thường xuyên về những biến động trong nước và quốc tế. Tôi học cách phân biệt đâu là hành vi đúng để học tập và rèn luyện, đâu là tư tưởng lạc hậu, vị kỉ cần phải bài trừ. Tôi còn nhớ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có một số người dân ở Anh, Mỹ,… đã biểu tình chống đeo khẩu trang với lý do là đang bị xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng có lẽ họ đã không hiểu rằng, hành động đó càng chứng tỏ trái tim họ đang dần vô cảm và nhận thức của họ chỉ đang xoay quanh mình. Kiểu tư duy đó cần phải bài trừ để con người không dần sa vào vô cảm.
Nhận thức chỉ thực sự mang lại kết quả khi nó tạo ra hành động. Là một người trẻ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn tự nhủ bản thân phải tích cực tham gia các hoạt động tình nguyên hoặc tham dự các diễn đàn, hội thảo về các vấn đề thời sự. Khi chiến tranh xảy ra ở biên giới Ukraina, những kiều bào người Việt đã tổ chức một gian hàng nhu yếu phẩm để giúp đỡ cho những người dân đang gặp khó khăn. Một tấm lòng son lan tỏa thành hàng nghìn, hàng vạn tấm lòng ấm áp, đẹp đẽ khác. Những biến cố là điều không tránh khỏi, nhưng chính tinh thần nhân ái sẽ là sợi chỉ đỏ kéo xích những trái tim lại gần nhau hơn.
Những câu thơ đầy ám ảnh cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Thế giới luôn vận động và biến đổi không ngừng. Những sự kiện cứ tiếp diễn. Dù ở thời đại nào, thời gian nào vẫn có những vấn đề cần sự chung tay chia sẻ và quan tâm từ mọi người xung quanh. Những con voi sẽ vẫn còn ngã gục trong giá lạnh, những cánh chim sẽ còn mỏi mệt tìm nơi trú ẩn nếu con người vẫn dửng dưng, vô cảm trước thời cuộc. Mở rộng tâm hồn và quan tâm đến thời cuộc chính là trách nhiệm của mọi công dân thời đại mới.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo sách Chuyên đề Lí luận văn học phiên bản 2024: Tủ sách Thích Văn học
- Tham khảo bộ tài liệu độc quyền của Thích Văn học siêu hot: Tài liệu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học