NLXH: Sự cần thiết của việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

 

Bài làm

Điều gì khiến bạn tự hào về đất nước thân yêu của mình? Truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hoá dân tộc,… Câu trả lời tuỳ thuộc vào quan điểm và sự trải nghiệm của mỗi người. Đối với tôi, có lẽ một câu trả lời bao quát cho tất cả những câu trả lời khác, đó là những điều tích cực về vẻ đẹp đất nước là đều khiến mỗi người con trên mảnh đất ấy tự hào. Và một trong những giá trị tươi đẹp của đất nước ấy chính là “bản sắc văn hoá dân tộc” – một giá trị mà xưa kia danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi đã từng khẳng định trong bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc Đại Việt.

 

Những điều thuộc về bản sắc văn hoá luôn mang những giá trị lâu đời, phổ quát và tự hào đối với mỗi con người. Nói về bản sắc văn hoá là nói về những điều có tính chất lặp đi lặp lại, đặc trưng cho từng khu vực quốc gia. Tức là kết hợp của tất cả những gì tốt đẹp đã trải qua trong các giai đoạn lịch sử. Chúng làm nên bản sắc riêng, truyền lại cho các thế hệ mai sau và theo quy luật của thời gian được bổ sung những giá trị mới. Khi bàn về những bản sắc văn hoá dân tộc thì dường như chẳng có giới hạn nào cho những nét đẹp xưa cũ, lâu đời của một quốc gia, dân tộc. Ví như là những nét riêng của văn hoá ngày Tết, lễ hội mỗi dân tộc, là truyền thống phong tục, tập quán mang màu sắc đặc trưng của mỗi vùng miền. Bản sắc văn hoá dân tộc vừa có tính ổn định thống nhất vừa có tính vận động biến đổi theo quy luật của thời gian, lại vừa có giá trị lịch sử nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu cho con người. Suy cho cùng, bản về bản sắc văn hoá là bàn về những giá trị riêng của mỗi dân tộc, có bề dày lịch sử lâu đời.

 

Bản sắc văn hoá dân tộc tạo nên vẻ đẹp linh hồn của một quốc gia, dân tộc. Đó có thể là những giá trị vật chất, giá trị tinh thần. Gọi là linh hồn bởi lẽ nó mang những nét tinh túy của những gì đặc sắc nhất, lâu đời nhất, ý nghĩa nhất của dân tộc. Bản sắc văn hoá mang hơi thở của những giai đoạn lịch sử, là sự kết tinh của những tinh hoa văn hoá dân tộc trải qua hàng nghìn năm mà cha ông đã dày công vun đắp. Nó như là cuốn sổ lưu giữ lại những gì đặc sắc, bền vững trong đời sống văn hoá của một đất nước. Để rồi, khi nhắc một khía cạnh, một phương diện, hay một hình ảnh liên quan đến văn hoá của dân tộc, con người ta có thể biết nó thuộc về vùng miền nào. Chẳng hạn khi nhắc đến lễ hội cồng chiêng người ta biết đến là nét đẹp văn hoá của người dân tộc Ê – đê, nhắc đến văn hoá nhuộm răng, người ra biết đến con người Việt Nam của thời xưa. Đặc biệt những giá trị ấy không chỉ tạo nên sự gắn kết, điểm chung giữa con người với con người trong phạm vi cộng đồng rộng lớn mà còn là cơ hội để phát triển du lịch, quảng bá vẻ đẹp của đất nước đến với mọi người. Những vẻ đẹp văn hoá tựa như sợi dây vô hình gắn kết những con người xa lạ lại với nhau, kích thích sự khám phá, tìm tòi và phát triển.

 

Bản sắc văn hoá thể hiện và khẳng định bề dày lịch sử của nền văn hoá mỗi dân tộc. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Sự lâu đời của một đất nước không chỉ thể hiện qua bề dày lịch sử mà còn về bề dày của những văn hiến. Từ đó xây dựng niềm tự hào cho mỗi con người. Tự hào về những tinh hoa văn hoá dân tộc có sự kết tinh lâu đời, mang tính kiểm nghiệm, sàng lọc. Đây còn là nỗi nhớ khôn nguôi của những người con xa xứ sở. Bởi lẽ, vẻ đẹp của bản sắc văn hoá dân tộc khiến con người ta ghi nhớ, khắc sâu trong mỗi trái tim. Những bản sắc văn hoá dân tộc còn như là một loại vũ khí, một phương diện khẳng định bản ngã của một dân tộc. Đó chính là điều đầu tiên mà tác giả Nguyễn Trãi nhấn mạnh trong bài cáo – một tác phẩm được ví như “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc”.

 

Bản sắc văn hoá dân tộc tồn tại sâu căn và bền vững trong đời sống của con người. Ngay từ khi chào đời, thuở còn chõng tre đung đưa à ơi lời ru của mẹ, văn hoá đã thấm nhuần và đi sâu vào giấc ngủ của trẻ thơ. Nói đến bản sắc văn hoá dân tộc là nói đến những điều đã hoà vào sinh hoạt hằng ngày. Để nói rằng, bản sắc văn hoá không phải chỉ là những điều lớn lao hiện hữu như những lễ hội, nghi thức truyền thống mà ngay trong chính bản thân mỗi con người chính là kết quả của quá trình văn hoá kết tinh. Đến nước Indonesia, bạn sẽ thấy những người phụ nữ khăn che kín đầu hay là ngay trong 54 dân tộc anh em ta cũng thấy rõ những màu sắc văn hoá riêng. Một dân tộc Thái với đặc trưng văn hoá ẩm thực, dân tộc Mông có kho tàng âm nhạc dân gian giàu bản sắc,… Bản sắc văn hoá chính là cuộc sống, là hơi thở để cho đất nước, con người có thể tự hào và phát triển. 

 

Đặt trong bối cảnh hiện đại khi xã hội hóa có sự mở cửa hội nhập thì những bản sắc văn hoá dân tộc vừa có những thời cơ vừa có những thách thức. Trước hết đó là cơ hội quảng bá nền văn hóa dân tộc đến bạn bè năm châu nhưng cũng như thách thức trước sự pha trộn, phai nhạt, đánh mất đi bản sắc văn hoá dân tộc. Vũ Đình Liên đã từng nuối tiếc khôn nguôi về nghệ thuật thư pháp – câu đối đỏ khi đã bị mất đi vị trí văn hóa, bản sắc ngày Tết vốn có. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho mỗi con người là cần hoà nhập nhưng không hoà tan làm đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Chúng ta cần có hành động thiết thực bảo vệ giá trị truyền thống như tuyên truyền nét đẹp văn hoá, tổ chức các lễ hội mang đúng bản chất, trân quý và tích cực khám phá những nền văn hoá của các dân tộc anh em. Sẽ ra sao nếu như một đất nước lại đánh mất đi  bản sắc văn hoá dân tộc? Nó tất thảy là linh hồn, là niềm tự hào của một dân tộc. Mất đi bản sắc văn hoá cũng giống như con người mất đi bản ngã, đời sống văn minh của chính mình. Bản sắc văn hoá hình thành qua những phong tục tập quán, qua lao động sản xuất và qua những sáng tạo của con người. Nó như là điều vốn có, là điều quan trọng chi phối đến đời sống sinh hoạt và tinh thần của con người. Theo lẽ đó, đặt ra cho mỗi con người chúng ta thái độ trân trọng, bồi đắp và ngày càng làm phong phú hơn những giá trị văn hoá cao đẹp ấy.

 

Và tôi luôn cảm thấy tự hào khi mình là một con người Việt Nam. Tôi cũng ý thức được trách nhiệm về việc giữ gìn, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc. Đó có thể là duy trì những phong tục, tập quán ở quê hương như tảo mộ, thờ cúng tổ tiên ngày Tết, ăn Rằm tháng giêng, tháng bảy, tham gia các hội diễn các làn điệu dân ca ví dặm. Những nét đẹp văn hoá ấy như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần và làm phong phú thêm tâm hồn tôi. 

Giữ gìn bản sắc văn hoá không chỉ là điều cần thiết mà còn thuộc về trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam. Để có được bề dày về bản sắc văn hoá tốt đẹp là cả một quá trình của ông cha. Đó là quá trình “bốn ngàn năm Đất nước” mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã gợi nhắc cho mọi thế hệ qua lời thơ giàu cảm xúc:

“Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước”

Không ai khác, chính chúng ta sẽ là người giữ gìn và viết tiếp những trang tiếp theo cho bản sắc văn hoá dân tộc. Hãy bắt đầu ngay từ việc điều chỉnh hành vi, ý thức của bản thân mình. 

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học