Xét về thể loại, tác phẩm TỰ SỰ có thể được phân chia theo dung lượng thành TRUYỆN NGẮN, TRUYỆN VỪA và TRUYỆN DÀI (tiểu thuyết).
Trong đó, truyện ngắn và tiểu thuyết là những đơn vị kiến thức quan trọng về thể loại, xuất hiện nhiều trong các bài kiểm tra, đánh giá Ngữ văn THPT.
Cô Na sẽ mang đến bạn 2 bài đăng liên quan đến 2 thể loại này, để chúng ta bước đầu có những cách tiếp cận phù hợp với các tác phẩm tự sự được học trong chương trình.
Chờ đón bài đăng tiếp theo liên quan đến tác phẩm truyện ngắn nhé cả nhà!
1. Tri thức cần đạt
Tiểu thuyết hiện đại:
Xét theo nghĩa hiện đại, thuật ngữ “tiểu thuyết” ở Việt Nam dùng để chỉ truyện dài, phản ánh đời sống xã hội thông qua một cốt truyện hoàn chỉnh, mô tả môi trường và tập trung vào việc khắc họa nhân vật…
Xét về dung lượng, đây là từ dùng để chỉ tác phẩm tự sự quy mô lớn, có khả năng thể hiện đa dạng nội dung, bao quát phạm vi hiện thực rộng lớn, trải dài trên nhiều không gian, thời gian khác nhau.
Tiểu thuyết hiện đại quan tâm nhiều tới vấn đề số phận, đời tư, con người cá nhân, …
Tiểu thuyết hiện đại thể hiện một lối tư duy mới, mang tính hiện đại về đời sống. Có thể kể tới những đặc điểm lớn sau ở tiểu thuyết hiện đại:
- Nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư, quan tâm đến cái thường ngày, cái đang diễn biến với các tiếp cận gần gũi, không lí tưởng hoá hiện thực.
- Nhân vật là “con người nếm trải”, không bất biến, có quá trình phát triển nhiều khi quanh co, phức tạp về tính cách, tâm lí.
- Có kết cấu nhiều tầng lớp tuyến tính hoặc phi tuyến tính, có sự đan xen của nhiều bè ngôn ngữ, phản ánh sự tồn tại, xung đột thường xuyên giữa các ý thức xã hội.
- Có khả năng tổng hợp cao mọi kinh nghiệm nghệ thuật của các thể loại văn học khác để hình thức luôn ở trong trạng thái biến đổi không ngừng.
2. Các yếu tố cần lưu ý khi tiếp cận tác phẩm
Theo thầy Trần Đăng Suyền, khi phân tích tác phẩm tự sự, người ta chú ý đến tình tiết, cốt truyện, kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ nghệ thuật.
- Tình tiết và cốt truyện
- Kết cấu
- Nhân vật
- Ngôn ngữ nghệ thuật
Đối với các yếu tố này, cô Na sẽ lên một bài viết riêng để trình bày kiến thức chi tiết hơn nhé! Các bạn đón đọc nha!
3. Nhận định đặc sắc về tiểu thuyết và tác phẩm tự sự
- “Một tiểu thuyết thực sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà còn chủ yếu hơn là giúp đỡ chúng ta nhận thức cuộc sống, lí giải cuộc sống.” (Gioóc-giơ Đuy-a-men)
- “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ.” (Sê-khốp)
- “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là thực sự ở đời.” (Vũ Trọng Phụng)
- “Truyện có thể có cốt truyện, có thể không có cốt truyện, nhưng không thể nghèo chi tiết. Nếu thế truyện sẽ như nước lã.” (Nguyên Ngọc)
- “Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt, nông cạn. Nhà văn không bê nguyên si các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động… Thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người… Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thực sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian…” (Sách Lí luận văn học)
- “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp.” (Ai-ma-tốp)
- “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn.” (Nguyễn Khải)
- “Người làm văn tình cảm rung động mà phát ra lời, người xem văn phải rẽ văn để thâm nhập vào tác phẩm.” (Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp)
4. Đề xuất một số tác phẩm tiểu thuyết nổi bật
Đối với bậc học THCS:
Văn học Việt Nam
- Búp sen xanh – Sơn Tùng
- Đất rừng Phương Nam – Đoàn Giỏi
- Dế mèn phiêu lưu kí – Tô Hoài
- Điều không tính trước – Nguyễn Nhật Ánh
- Bắt sấu rừng U Minh Hạ – Sơn Nam
- Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán
Văn học nước ngoài
- Hai vạn dặm dưới đáy biển – J. Verne
- Hoàng tử bé – Antoine de Saint – Exupery
- Robinson Crusoe – D. Defoe
- Sherlock Holmes – A. Doyle
Đối với bậc học THPT:
Văn học Việt Nam
- Đất – Anh Đức
- Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái
- Mẫn và tôi, Trước giờ nổ súng – Phan Tứ
- Ở xã Trung Nghĩa – Nguyễn Thi
- Số đỏ – Vũ Trọng Phụng
Văn học nước ngoài
- Người thầy đầu tiên – Aimatov
- Ông già và biển cả – E. Hemingway
- Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung
- Trăm năm cô đơn – G. Marquez
Tham khảo những bài viết liên quan:
Lí luận văn học về đặc trưng nội dung của thơ
Nhận định về chức năng của văn học và cách vận dụng vào bài viết
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học