NLXH: Suy nghĩ về câu chuyện ứng xử – Người đầu tiên

người đầu tiên

Đề bài:

Trong hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, ngoại trừ Neil Alden Armstrong mà ai cũng biết, còn một người nữa là Edwin Eugene Aldrin. Chuyến du hành của hai ông là chuyến đi vĩ đại của lịch sử loài người. “Bước chân nhỏ của riêng tôi nhưng là bước đi lớn của nhân loại”. Câu nói bất hủ này của Armstrong đã trở thành danh ngôn được mọi người truyền tụng.

Trong cuộc họp báo chúc mùng chuyến đổ bộ lên mặt trăng thành công, có nhà báo hỏi Aldrin một câu khá nhạy cảm:

“Ông có cảm thấy tiếc nuối không khi để cho Armstrong trở thành người đầu tiên bước chân lên mặt trăng?”

Câu hỏi gây được sự quan tâm đặc biệt cho cả khán phòng. Trước sự chú ý của mọi người, Aldrin đã tỏ ra rất phong độ, đĩnh đạc trả lời: “Thưa quý vị, các vị nên nhớ, khi trở về Trái Đất, chính tôi là người đầu tiên bước ra khoang tàu vũ trụ đấy”. Ai nấy im lặng, lấy làm khó hiểu không biết ông định nói gì. Ông ngừng một lát, nhìn khắp lượt rồi cười xòa, hóm hỉnh tiếp: “Vì thế tôi là người đầu tiên từ hành tinh khác bước chân lên Trái Đất chứ còn gì nữa!”
Mọi người cười vang và vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.
Suy nghĩ về ba chữ “người đầu tiên” từ câu chuyện.

Bài làm:

Một email muộn được gửi đến vào lúc 0:00 phút. Tôi nhấn vào đó và đọc ngay, như thường lệ. Và tôi thực sự thấy bàng hoàng.

Xin giới thiệu qua một chút, tôi đang làm tư vấn viên ở một trung tâm giải tỏa cũng như giải đáp các cung bậc tâm trạng của con người. Chúng tôi kết nối với mọi người bằng những email, và lắng nghe tâm sự của họ.

Email lần này là của một em gái 16 tuổi. Em kể em đang học Trung học phổ thông và gặp phải rất nhiều áp lực: “Chào chị. Em cảm thấy mình thật kém cỏi chị ạ. Em đã từng là một người đứng đầu mọi phong trào cũng như điểm số ở Trung học cơ sở. Nhưng từ khi lên cấp 3, em không còn giữ được vị trí ấy nữa. Em cảm thấy mình thất bại và hổ thẹn với bản thân vô cùng. Áp lực quá lớn từ nhiều phía. Nhiều lúc em muốn chết đi một lúc.”

Tôi lạnh người trước email của em, lạch cạch gõ những dòng chữ về câu chuyện “Người đầu tiên” gửi cô bé. Truyện kể về hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng: Neil Alden Armstrong và Edwin Eugene Aldrin. Armstrong đã từng phát biểu câu nói: “Bước chân nhỏ của riêng tôi nhưng là bước đi lớn của nhân loại.” Sau cuộc hành trình đó, người ta biết đến Armstrong nhiều hơn Aldrin. Trong một cuộc họp báo chúc mừng, có người đã hỏi Aldrin một câu khá nhạy cảm về việc ông có thấy tiếc khi để Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng? Nhưng trái với những gì mọi người nghĩ, Aldrin đĩnh đạc trả lời: “Thưa quý vị, các vị nên nhớ, khi trở về Trái đất, chính tôi là người đầu tiên bước ra từ khoang tàu vũ trụ đấy… vì thế tôi là người đầu tiên từ hành tinh khác bước chân lên Trái đất chứ còn gì nữa!”. Sau câu nói ấy, mọi người ai nấy đều cười vang và vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.

Cô bé nhận được và trả lời lại rất nhanh sau đó: “Chị ơi, vậy người đầu tiên thực sự là ai ạ?”

Và cuộc nói chuyện của chúng tôi cứ thế tiếp diễn, xuyên qua mọi cách trở của màn đêm…
– Theo em thì là ai?
– Em vẫn nghĩ là Armstrong. Vì người đầu tiên phải là người khai phá ra hay sáng tạo, tạo lập ra một cái gì đấy mới. Như Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng,Edison là người đầu tiên phát minh ra bóng đèn sợi đốt ạ…
– Nhưng Aldrin cũng là người đầu tiên mà – người đầu tiên từ hành tinh khác đặt chân lên trái đất.
– Nhưng trái đất đã có nhiều người khai phá rồi mà chị, từ hàng trăm triệu năm trước…
– À, thế thì chị hiểu vấn đề của em rồi. Đó là ở cách nhìn nhận vấn đề của em. Em chỉ nhìn nhận vấn đề ở chiều xuôi nhưng bản chất của nó lại được kiến tạo từ hai phía. Em thấy không, Aldrin dõng dạc, đĩnh đạc trả lời không một chút sân si, tị nạnh với bạn mình về việc ai mới là người đầu tiên. Hoàn cảnh, hay quá khứ là những điều không thể thay đổi và thực sự khó chuyển dời. Quan trọng là em phải tự thay đổi từ chính nội tại trong em, tư tưởng của em và cái nhìn của em về ba chữ “người đầu tiên”. Người đầu tiên là người ở vị trí số một, khai sáng hay “mở màn” cho một cái gì đó mới mẻ, một điều gì đấy mà chưa ai biết đến! Đúng, không sai. Đó là Tản Đà – người “dạo bản nhạc Tân kỳ” cho phong trào Thơ Mới. Đó là Cô-péc-ních – người đầu tiên dám đứng lên và khẳng định chân lý “Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh Mặt Trời.”. Hay là trong cuộc sống, đó là những con người can đảm dám đi khai hoang, khám phá những vùng đất mới; là bác nông dân Phạm Văn Hát lần đầu sáng chế ra “robot gieo hạt” để hỗ trợ sản xuất; là hai cậu học trò đất Quảng Trị với sản phẩm “Bẫy điện” đầy sáng tạo, lần đầu xuất hiện đã “làm mưa làm gió” Hội thi “Sáng tạo trẻ”;…Tất thảy những con người ấy, những việc làm ấy đều rất đáng trân trọng, dù là vĩ mô lớn lao hay vi mô nhỏ bé. Bởi như Armstrong đã nói: “Bước chân nhỏ của riêng tôi nhưng lại là bước đi lớn của nhân loại.” Nhờ có những con người đầu tiên mở đường khai phá mà thế giới, nhân loại ngày càng tân tiến, hiện đại, phát triển. Những con người đầu tiên như thế đã làm chủ được thế giới nhưng trước đó chắc chắn họ phải làm chủ được chính mình! Em ạ, điều em khao khát phải chăng là như thế? Trở thành những “người đầu tiên” như thế?

– Vâng chị ơi. Em thực sự khao khát. Em thực sự thấy buồn lắm khi bạn em xếp thứ cao hơn em, thậm chí là tức giận nữa chị ạ. Chúng em cùng xuất phát điểm, chúng em cùng ở huyện lên thành phố học… Thậm chí nhiều lần em còn đứng thứ cao hơn bạn ấy, em luôn là người xếp thứ nhất trong mọi kì thi…

– Chị hiểu. Bởi chị cũng từng như vậy. Cho đến khi chị đọc được câu chuyện “Người đầu tiên”! Em biết không, Nam Cao chẳng phải là nhà văn đầu tiên viết về giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức nghèo tiểu tư sản nhưng ông vẫn luôn được coi là người thành công nhất ở thể loại này. Xuân Diệu chẳng phải “người mở đường” cho phong trào Thơ mới 1932-1945 nhưng ông vẫn được người đời ngợi ca là “Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”! Em đã từng đọc câu chuyện về những người đứng lên cho rằng “Trái đất quay xung quanh Mặt trời” chưa? Cô-péc-ních là người đầu tiên. Đúng vậy. Nhưng về sau này Ga-li-lê chứng minh lại thì điều ấy mới được công nhận. Vậy Ga-li-lê không được coi là người đầu tiên sao? Chị từng được nghe kể về anh Phạm Vĩnh Lộc. Anh là một người trẻ yêu lịch sử và hết lòng theo nó, khám phá nó. Anh tuy chẳng phải người trẻ “đầu tiên” kể sử, nói về lịch sử, nhưng với những lối chia sẻ mới lạ, với những quan điểm thú vị về một vấn đề tưởng chừng như khô khan, mọi người đều công nhận rằng anh là đại diện cho lớp trẻ tiên phong – “cách mạng” lại một lần nữa nền sử học dân tộc, khiến cho “Lịch sử là những góc nhìn”, chân thực như chân lý vốn có của nó. Hay là trưởng nhóm nhạc – nhảy ST.319 với câu nói “Cho dù 10 năm hay 20 năm nữa, em nhất định phải thay đổi được nền giải trí Việt Nam”. Dù anh chẳng phải là người đầu tiên đứng lên đi theo con đường này và có những định hướng rõ ràng với lối đi mới của nền giải trí Việt Nam nhưng với những thành công mà anh đạt được, với những đề cử mà anh được nêu tên,… anh hoàn toàn xứng đáng! Anh xứng đáng vì đã theo đuổi đam mê đến cùng, và là người đầu tiên thực sự thành công khi áp dụng những mô hình giải trí mới vào nền nghệ thuật nước nhà. Và em có biết không, người Hàn Quốc chẳng phải là người tiên phong trên bản đồ giải trí quốc tế, song họ đã khẳng định được mình, họ đã định nghĩa được rất rõ nét nền giải trí của họ. Có thể nói là khác biệt hoàn toàn so với các cường quốc giải trí khác trên thế giới, và đương nhiên, nền giải trí của Hàn Quốc đã được đánh giá rất cao, luôn đứng nhất nhì thế giới về tầm ảnh hưởng và nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả! Và cũng như em thôi, em có thể không phải là người xếp thứ nhất, là người đầu tiên trong danh sách những người đạt điểm cao, nhưng chị tin là em sẽ là người đầu tiên trong nhiều lĩnh vực và phương diện khác. Vì cuộc sống xung quanh chúng ta đâu chỉ có học hành, đúng không em? Và quan trọng hơn cả, là em, lần đầu tiên – là người đầu tiên chiến thắng chính mình.
– À. Em đã hiểu ra rồi chị ơi. Nhưng làm thế nào để mình có thể có được những nhận thức ấy một cách vững vàng và có thể phong độ, đĩnh đạc trả lời như Aldrin hả chị? Em thực sự thấy khó khăn…

– Ừm. Đúng rồi. Vì một người đều có lòng tự trọng, tham vọng, và cái tôi riêng. Chị vẫn tâm phục khẩu phục Aldrin bởi lẽ đó. Em ạ, câu chuyện “Người đầu tiên” này không chỉ là lời tuyên ngôn hay định nghĩa rõ ràng hơn về ba chữ “người đầu tiên” mà nó còn nêu lên cho ta một bài học ứng xử thật sâu sắc nữa. Trở thành “người đầu tiên” của một việc gì đấy, là người sáng lập ra một cái gì đấy thật là một điều tuyệt vời và đáng tự hào, ngưỡng mộ biết bao. Nhưng trở thành “người đầu tiên” trên sự “tái tạo” một cái gì đấy đã cũ cũng vinh dự không kém. Trên thực tế, chúng ta vẫn phải luôn cố gắng hết mình, kiên định với mục tiêu, lý tưởng và kế hoạch mà bản thân đã đề ra. Cùng với đó là phải luôn lạc quan, biết chấp nhận sự thật (thậm chí là những điều không vui như thất bại, vấp ngã). Hãy luôn giữ cho mình một tâm thế vững vàng trước mọi tình huống, hoàn cảnh; chuẩn bị cho mình hành trang vào “trường đời” thật vững vàng và đầy đủ, em nhé! Đừng quên khao khát trở thành “người đầu tiên” của cuộc đời nữa. Vì em biết đấy, có những người chẳng khao khát bao giờ, cũng có những người chẳng bao giờ màng đến chí tiến thủ, có mong ước mình trở thành “người đầu tiên” ở một lĩnh vực nào đấy; hay là những con người có quan điểm sai lệch về ba chữ “người đầu tiên”. Hãy lấy họ soi vào mình để tìm được hướng đi tốt nhất nhé. Không được bi quan và hãy luôn nở nụ cười, hi vọng một ngày nào đấy em sẽ được mọi người hoan hô và vỗ tay nồng nhiệt như Aldrin, em nhé!

– Em cám ơn chị thật nhiều, gặp được chị là một may mắn đối với em. Em sẽ thật cố gắng. Chúc chị ngủ ngon nhé, khuya lắm rồi.

Và cuộc nói chuyện của chúng tôi đã kết thúc như vậy. Ai thực sự là “người đầu tiên” chẳng còn quan trọng đến mức phải gồng mình lên cố gắng và đạt được nữa. Đâu phải “người đầu tiên” là “người mở đường” duy nhất đâu, đúng không? Cuộc sống có thật nhiều hướng đi và những lối rẽ, hãy chọn điều mà bạn cảm thấy phù hợp nhất.

Cám ơn bạn đã lắng nghe những tâm sự của tôi qua những con chữ này. Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến câu chuyện về “Người đầu tiên”.

Chúc bạn những ngày tháng an yên với hoài bão của đời mình.


Bài viết của Nguyễn Thị Ngọc Mai, ĐTQG Văn 2016-2019, THPT Chuyên Bắc Ninh

Xem thêm:

Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Văn Học tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlvh/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học