Đề bài: Từ câu chuyện “Những sự trở về” (Annie Ernaux), hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tình trạng mất kết nối giữa các thế hệ trong gia đình ở xã hội hiện nay.
Bài làm
Trong đoạn trích “Những sự trở về” của nhà văn Annie Ernaux, người đọc bắt gặp một câu chuyện tưởng như giản dị nhưng lại chất chứa biết bao xúc cảm về mối quan hệ giữa mẹ và con. Qua từng lời thoại ngắn ngủi, từng hành động nhỏ bé, hình ảnh người mẹ già yếu, lặng lẽ, đôi khi hờn trách và mang trong mình những tổn thương hiện lên thật chân thực và gần gũi. Dù vẫn có sự quan tâm, yêu thương nhưng giữa hai mẹ con vẫn luôn tồn tại một khoảng cách vô hình. Câu chuyện ấy không chỉ gợi nhiều suy ngẫm, mà còn phản ánh một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện đại: sự mất kết nối giữa các thế hệ trong gia đình – một vết rạn đang âm thầm bào mòn những giá trị tình thân.
Mất kết nối giữa các thế hệ trong gia đình là khi các thành viên không còn sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó như trước. Mỗi người sống theo một lối riêng, mang trong mình những suy nghĩ, mối quan tâm và ưu tiên khác biệt, dẫn đến bất đồng, xung đột trong quan điểm, lối sống, mục tiêu sống,… Những bữa cơm gia đình trở nên lặng lẽ, những dịp lễ Tết thiếu vắng sự đoàn tụ, và các cuộc trò chuyện dần bị thay thế bởi điện thoại, mạng xã hội – tất cả đều là biểu hiện rõ nét của sự rạn nứt trong mối liên kết tình thân.
Trong đoạn trích, cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con được miêu tả với nhiều khoảng lặng. Dù người con vẫn yêu thương mẹ nhưng lại không thực sự thấu hiểu những cảm xúc sâu kín của bà. Ngược lại, người mẹ – với tuổi già và nỗi cô đơn lại mang trong mình cảm giác bị bỏ lại phía sau. Cuộc trò chuyện giữa họ trở nên rời rạc, ngắn ngủi, đầy gượng gạo, như thể họ đang sống ở hai thế giới khác nhau. Những lời than nhẹ nhàng của người mẹ như “Rất là phiền hà” không phải là sự trách móc, mà là cách bà phản ứng với cảm giác bị lãng quên, bị bỏ lại phía sau. Hình ảnh ấy khiến người đọc không khỏi chạnh lòng, bởi đó cũng là tâm trạng phổ biến của nhiều người trong xã hội hiện nay: sống giữa gia đình mà vẫn cảm thấy lạc lõng và cô đơn.
Sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình xuất phát từ nhiều phía. Trước hết là sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại làm gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ. Khác biệt trong lối sống, cách nghĩ, những mong mỏi và kỳ vọng, cách ứng xử và thể hiện bản thân… ngày càng trở nên rõ nét, khiến các thế hệ khó tìm được tiếng nói chung. Người trẻ có xu hướng sống nhanh, sống vội, bị cuốn vào công việc, học tập và các mối quan hệ bên ngoài, trong khi người lớn tuổi lại giữ nếp sống truyền thống, giản dị và cần sự quan tâm trực tiếp từ con cháu.
Bên cạnh đó, áp lực ngày càng lớn từ cuộc sống hiện đại đã lấy đi quỹ thời gian quý giá của mỗi người dành cho gia đình. Những căng thẳng, mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần khiến con người trở nên thu mình, ít chia sẻ hơn. Công nghệ hiện đại – thay vì kết nối lại đang khiến con người xa rời nhau hơn, khi ai cũng mải đắm chìm trong thế giới ảo, mà quên mất những mối quan hệ thực sự đang hiện hữu xung quanh. Đáng nói hơn, cả hai phía đôi khi đều thiếu đi sự chủ động, cởi mở và nỗ lực để hiểu nhau, khiến những khoảng cách ấy ngày càng khó khỏa lấp.
Hậu quả của sự mất kết nối trong gia đình vô cùng nghiêm trọng và để lại những tổn thương âm ỉ, lâu dài. Trước hết, đó là sự nguội lạnh trong tình cảm khi các thành viên dần trở nên thờ ơ, vô tâm, lạnh nhạt với nhau. Mỗi người đều sống thu mình trong thế giới riêng, thiếu lắng nghe, thiếu thấu hiểu, dần dần, sự gắn bó và trách nhiệm với gia đình cũng phai nhạt. Cá nhân dễ đánh mất kỹ năng bày tỏ tình cảm, trở nên nghèo nàn về cảm xúc và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng những mối quan hệ lành mạnh ngoài xã hội. Xa hơn nữa, khi mái ấm không còn là điểm tựa tinh thần, con người có thể rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng, chông chênh giữa dòng đời. Từ đó, những hiện tượng tiêu cực như bạo lực gia đình, ly hôn, mâu thuẫn tài sản,… có nguy cơ phát sinh, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của cả gia đình lẫn xã hội.
Tuy nhiên, không thể quy chụp rằng khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình lúc nào cũng dẫn đến sự đổ vỡ hay mất kết nối. Thực tế cho thấy, trong nhiều gia đình hiện đại, dù có sự khác biệt về tuổi tác, tư duy hay lối sống, các thành viên vẫn có thể duy trì được mối quan hệ gắn bó thông qua sự cởi mở, lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Sự phát triển của công nghệ, nếu được sử dụng đúng cách, còn có thể trở thành cầu nối giúp các thế hệ thêm thấu hiểu và gần gũi hơn – chẳng hạn như việc con cháu dạy ông bà sử dụng điện thoại thông minh để trò chuyện, gọi video hay lưu giữ kỷ niệm. Điều quan trọng không nằm ở khoảng cách tuổi tác, mà ở nỗ lực vun đắp tình thân mỗi ngày từ cả hai phía.
Để thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ, điều quan trọng nhất là xây dựng sự thấu hiểu và đồng cảm trong từng mối quan hệ gia đình. Trước hết, mỗi thành viên cần chủ động lắng nghe, cởi mở chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình và sẵn sàng tiếp nhận quan điểm khác biệt từ thế hệ còn lại. Người trẻ nên dành thời gian cho gia đình, tôn trọng kinh nghiệm sống của cha mẹ, ông bà; còn người lớn tuổi cũng cần linh hoạt, bao dung hơn với những đổi thay của thời đại. Bên cạnh đó, những hoạt động gắn kết như cùng nhau nấu ăn, trò chuyện, đi dạo hay đơn giản là bữa cơm sum vầy mỗi ngày sẽ giúp nuôi dưỡng sợi dây tình cảm.
Từ đây, ta nhận ra rằng, tình cảm gia đình là điều thiêng liêng và quý giá nhất trong cuộc đời. Dù cuộc sống ngày càng hiện đại và bận rộn, chúng ta vẫn cần học cách lắng nghe, chia sẻ và dành thời gian cho những người thân yêu. Việc giữ gìn sự gắn bó giữa các thế hệ không chỉ giúp gia đình thêm hạnh phúc, mà còn nuôi dưỡng những giá trị đạo đức tốt đẹp trong mỗi con người. Đừng để đến một ngày, khi mất đi rồi, ta mới hối tiếc vì những khoảnh khắc đã không thể cùng nhau trò chuyện, cùng nhau thấu hiểu. Bởi lẽ, gia đình chính là nơi ta thuộc về, là điểm tựa bình yên nhất trong cuộc đời này.
Tham khảo các bài viết khác tại đây:
Giải thích vấn đề NLXH trong các đề thi vào Chuyên các năm học 2024 – 2025
Bài viết NLXH cho đề thi chuyên TP. Hà Nội năm 2024 – 2025
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo sách Chuyên đề Lí luận văn học phiên bản 2024: Tủ sách Thích Văn học
- Tham khảo bộ tài liệu độc quyền của Thích Văn học siêu hot: Tài liệu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học