Đối với dạng bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ, ngoài cách so sánh theo hướng song hành, các bạn 2k7 có thể sử dụng cách so sánh theo hướng nối tiếp để triển khai bài viết. Thích Văn học tiếp tục gửi đến bạn dàn ý chung cho cách so sánh này và dàn ý minh họa qua việc so sánh bức tranh mùa thu trong “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu) và “Sang thu” (Hữu Thỉnh). Cùng tham khảo để làm quen với dạng bài này nha!
Nội dung được sưu tầm và biên soạn lại.
1. Dàn ý chung
Mở bài:
- Giới thiệu hai tác phẩm thơ sẽ so sánh, đánh giá
- Nêu vấn đề, khía cạnh cần so sánh, đánh giá
Thân bài
- Giới thiệu chung về hai tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, đề tài, vị trí trong nền văn học,…)
- Phân tích tác phẩm thứ nhất:
- Nội dung: mạch cảm xúc, nhân vật trữ tình, chi tiết thơ tiêu biểu,…
- Nghệ thuật: vần, nhịp, biện pháp tu từ, ngôn ngữ,… (hoặc khía cạnh cần so sánh)
- Phân tích tác phẩm thứ hai:
- Nội dung: mạch cảm xúc, nhân vật trữ tình, chi tiết thơ tiêu biểu,…
- Nghệ thuật: vần, nhịp, biện pháp tu từ, ngôn ngữ,… (hoặc khía cạnh cần so sánh)
- Đánh giá, nhận xét, mở rộng
- Chỉ ra và đánh giá về sự tương đồng & khác biệt giữa hai tác phẩm thơ.
- Chỉ ra nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt giữa 2 tác phẩm.
- Khẳng định giá trị độc đáo và đóng góp của mỗi tác phẩm.
- Liên hệ, mở rộng đối với những tác phẩm khác cùng đề tài, cùng giai đoạn sáng tác…
Lưu ý: Khi nêu điểm tương đồng & khác biệt, nên nêu một cách khái quát để tránh lặp ý đã phân tích ở bên trên.
Kết bài: Khẳng định lại những giá trị chung và nét độc đáo ở mỗi tác phẩm & nêu cảm nghĩ về phong cách sáng tác của mỗi tác giả.
2. Dàn ý thân bài so sánh bức tranh mùa thu trong “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu) và “Sang thu” (Hữu Thỉnh)
1. Phân tích bức tranh mùa thu trong “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu)
Nội dung:
- Khổ thơ thứ nhất: bức tranh thu đẹp, thấm nỗi buồn từ cây cỏ nhưng không ảm đạm làm nặng trĩu lòng người (rặng liễu trầm mặc như “đứng chịu tang”; sắc màu cỏ cây vạn vật đều đổi thay)
- Khổ thơ thứ hai: cảnh vật thu biến đổi gợi sự phôi pha, tàn úa (hoa”rụng cành”, sắc đỏ lấn dần ở cây cỏ, cây cối bắt đầu rụng lá
- Đằng sau những sắc thu của đất trời, hoa lá, cây cỏ, của núi xa, của nàng trăng, của làn gió thu se lạnh,… là tiếng thu xôn xao, rung động trong tâm hồn thi sĩ tuổi đôi mươi và trong lòng thiếu nữ tuổi trăng tròn).
- Khổ thơ thứ ba: Vầng trăng thu như một con người với những cảm xúc buồn vui; những chuyến đò nhộn nhịp thường ngày cũng thưa thớt, đến đìu hiu khi thu về.
- Khổ thơ cuối: mùa thu được cảm nhận với nỗi buồn về sự chia li (cánh chim đang di cư tránh rét; bầu trời trầm buồn, u uất) & hình ảnh người thiếu nữ đa tình hay chính Xuân Diệu với nỗi buồn mơ hồ.
Hình thức thể hiện: Vần thơ giàu nhạc điệu (láy âm “đìu hiu – chịu”, “tang – ngàn – hàng”, vần lưng); thi liệu vừa ước lệ tượng trưng nhưng có sự cách tân, sáng tạo; bút pháp lấy động tả tĩnh.
2. Phân tích bức tranh mùa thu trong “Sang thu” (Hữu Thỉnh)
Nội dung
- Những tín hiệu giao mùa gắn với đặc trưng của mùa thu miền Bắc: “hương ổi” phảng phất trong “gió se”; làn sương giăng mắc) được cảm nhận bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác và thị giác.
- Bức tranh sang thu từ những gì vô hình, nhỏ hẹp chuyển sang những nét hữu hình với không gian dài rộng (sự “dềnh dàng” của dòng sông; cánh chim trời bắt đầu di trú về phương Nam; đám mây mùa hạ chuẩn bị nhuốm màu thu)
- “Sang thu” không chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao của đời người.
Hình thức thể hiện: hình ảnh thơ gần gũi, mà mới lạ; giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng.
3. Chỉ ra và đánh giá về sự tương đồng trong bức tranh mùa thu giữa hai bài thơ
- Đều là những bức tranh thu tuyệt đẹp với những chuyển biến của vạn vật trong khoảnh khắc giao mùa & gửi gắm những cảm xúc sâu sắc trước sự thay đổi của đất trời, thời gian.
- Cả Xuân Diệu và Hữu Thỉnh đều sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, các biện pháp tu từ đặc sắc.
4. Chỉ ra và đánh giá về sự khác biệt trong bức tranh mùa thu giữa hai bài thơ
Nội dung:
Bức tranh thu:
- “Đây mùa thu tới”: Bức tranh thu nhuốm màu chia li, tàn phai; tập trung vào sự thay đổi mạnh mẽ, rõ nét của thiên nhiên.
- “Sang thu”: Bức tranh mùa thu nhẹ nhàng, sâu lắng hơn với sự thay đổi nhẹ nhàng nhưng có những nét hối hả, vội vã của tạo vật. Không gian mùa thu trong bài thơ này gần gũi, thân thuộc.
Cảm xúc, suy tư của nhà thơ:
- Xuân Diệu thể hiện nỗi buồn mơ hồ trước bước đi của thời gian, nhìn thấy trong mùa thu quy luật về sự tàn phai của tuổi trẻ, thời gian.
- Hữu Thỉnh ngỡ ngàng, bâng khuâng trước bước đi của thời gian nhưng vẫn đón nhận mùa thu với thái độ bình tĩnh, không vội vã. Tính triết lí ở chỗ khẳng định đời người vào thu (đến xế chiều) từng trải hơn, vững vàng hơn trước những biến động của cuộc sống.
5. Chỉ ra nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt giữa 2 tác phẩm.
Nguyên nhân giống nhau: cả Xuân Diệu và Hữu Thỉnh đều có những rung cảm sâu sắc trước vẻ đẹp của mùa thu; tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết; đôi mắt quan sát đầy tinh tế.
Nguyên nhân sự khác nhau:
- Thời đại ra đời ảnh hưởng đến cách cảm nhận về mùa thu: Sang Thu được sáng tác trong khoảng thời gian gần cuối năm 1977 (hai năm sau ngày đất nước được giải phóng), “Đây mùa thu tới” là bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới
- Phong cách sáng tác: ngòi bút Hữu Thỉnh sâu lắng, giàu triết lí, suy tưởng; ngòi bút Xuân Diệu tha thiết, mãnh liệt, nỗi buồn thơ ông bắt nguồn từ khát khao giao cảm, cảm thức mạnh mẽ về thời gian.
Tham khảo những bài viết liên quan:
Các cách so sánh, đánh giá tác phẩm thơ (Phần 1)
Nghị luận: So sánh chi tiết bát cháo hành trong “Chí Phèo” và chi tiết nồi cháo cám trong “Vợ nhặt”
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo sách Chuyên đề Lí luận văn học phiên bản 2024: Tủ sách Thích Văn học
- Tham khảo bộ tài liệu độc quyền của Thích Văn học siêu hot: Tài liệu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học