Phân tích “Tỏ lòng” – Phạm Ngũ Lão

Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

Triều đai nhà Trần đã đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu một giai đoạn rực rỡ với những mốc son chói lọi của ba lần chiến thắng chống quân Nguyên – Mông. Hào khí Đông A ấy đã vang dội vào thơ văn tạo nên một dòng văn học yêu nước đặc sắc. Nằm trong dòng chảy ấy, “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão là một thi phẩm đã thể hiện sâu sắc không khí thời đại, tinh thần yêu nước và tầm vóc con người trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của non sông.

Phạm Ngũ Lão là một danh tướng nổi tiếng đời Trần, ông được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn yêu mến và tin tưởng. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, Phạm Ngũ Lão đã có nhiều đóng góp làm nên chiến thắng chung của dân tộc. Tuy là một quan võ nhưng ông thích đọc sách, yêu thơ phú là một người văn võ toàn tài. Số lượng tác phẩm Phạm Ngũ Lão để lại không nhiều nhưng đều là những thi phẩm có giá trị. “Thuật hoài” là một trong những sáng tác đặc sắc của ông. Bài thơ được ra đời vào khoảng thế kỉ XII khi lực lượng quân dân nhà Trần đã lớn mạnh với khí thế chiến thắng tưng bừng nhưng cuộc kháng chiến vẫn chưa đi đến thắng lợi cuối cùng. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, thuộc loại thơ trữ tình ngôn chí được sáng tác để bày tỏ nỗi lòng. Bốn câu thơ như dồn đọng, chứa đựng trong đó không chỉ tâm tư của tác giả mà còn cả không khí của cả một thời đại oai hùng, mang dấu ấn của lịch sử và cảm xúc của muôn người.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh người tráng sĩ với tầm vóc sánh ngang vũ trụ:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”.

Dịch thơ:

“Múa giáo non sông trải mấy thu”.

So sánh bản dịch thơ và phiên âm, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt. Hành động của người tráng sĩ trong ý thơ của Phạm Ngũ Lão là “hoành sóc”, nghĩa là “cầm ngang ngọn giáo”, nhưng bản dịch thơ lại dịch là “múa giáo”. Động tác múa giáo chỉ thiên về biểu hiện, chưa diễn tả được hết tư thế, khí phách của người tráng sĩ sẵn sàng ra trận. Bản dịch thơ đã chưa dịch được sát và toát được trọn vẹn hồn thơ trong nguyên bản. “Cầm ngang ngon giáo” là hành động để trấn giữ, bảo vệ non sông, là nhiệm vụ nhưng cũng là hoài bão của biết bao tráng sĩ đời Trần, trong đó có cả Phạm Ngũ Lão. Câu thơ như gợi lên hình ảnh người tráng sĩ hiên ngang, hùng dũng và vững chãi, luôn sẵn sàng bảo vệ non sông. Hình ảnh ấy cũng được làm nổi bật hơn trong bối cảnh không gian, thời gian đặc biệt. Đó là một không gian rộng lớn được đo bằng chiều dài của sông núi, đất nước. Ngọn giáo được cầm ngang như để đo được tầm vóc mênh mông của vũ trụ, như để xứng tầm với giang sơn, Tổ quốc. Không những được đặt trong không gian rộng lớn, hình ảnh người tráng sĩ còn được làm nổi bật hơn bởi thời gian lâu đến “mấy thu”. “Mấy thu” là mấy mùa hay mấy năm đã trôi qua, một hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng chỉ thời gian dài lâu sánh cùng không gian rộng lớn. Có thể nhận thấy rằng chính không gian và thời gian đó càng làm tôn thêm tư thế hiên ngang, khí phách anh hùng của người tráng sĩ. Hình ảnh người anh hùng thời đại càng được tô đậm, gây ấn tượng mạnh trong tâm trí người đọc với vẻ đẹp sánh ngang cùng núi sông, mang tầm vóc vũ trụ lớn lao, cao đẹp.

Nếu câu thơ thứ nhất làm nổi bật hình ảnh đẹp đẽ người tráng sĩ thì câu thơ thứ hai lại gợi đến hình ảnh “ba quân”. Phải chăng, đó không còn là hình ảnh của một người, một cá nhân mà là hình ảnh chung cho cả một thế hệ, một thời đại, một dân tộc:

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”.
Dịch thơ:

“Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”.

Một lần nữa, bản dịch thơ lại chưa chạm tớ được hồn cốt của ý thơ. Hình ảnh so sánh ngầm “tì hổ” trong nguyên tác không được diễn tả trọn vẹn ở bản dịch thơ. Đánh mất đi hình ảnh so sánh ngầm đó, bản dịch thơ đã không làm nổi bật được cái khí thế mạnh mẽ oai hùng riêng có của quân dân nhà Trần thuở nào. Vế sau của câu thơ có nhiều cách hiểu. Chúng ta có thể hiểu như bản dịch thơ, sức mạnh của ba quân có thế nuốt trôi trâu hoặc cũng có thể hiểu theo cách khác là sức mạnh của ba quân lấn át cả sao Ngưu. Dù hiểu theo cách nào chúng ta cũng nhận thấy một điểm chung đó là sức mạnh hùng dung, oai phong riêng có của quân dân thời Trần, sức mạnh làm nên hào khí Đông A vang dội trong lịch sử. Ở câu thơ này, ngoài hình ảnh so sánh ngầm đậm tính ước lệ “tì hồ”, tác giả còn sử dụng biện pháp phóng đại để diễn tả khí phách ba quân. “Khí thôn ngưu” chỉ cách nói ấy, hình ảnh ấy mới làm nổi bật được cẩ một đội quân binh hùng tướng mạnh. Đó đâu chỉ là một đội quân võ biền mà là sức mạnh của cả trí và lực, của cả tinh thần sục sôi, yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Tinh thần ấy, khí thế ấy khiến ta như thấy được trước mắt hình ảnh hội ngị Diên Hồng vang to lời các bô lão: “Đánh!”, “Đánh!”, như thấy đâu đây hình ảnh đoàn binh một lòng đoàn kết, một lòng quyết tâm với chữ “Sát thát” trên tay. Phải chăng vì thế, đội quân ấy đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng, để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Khi đặt hai câu thơ trong sợi dây liên kết, chúng ta càng nhận thấy sự cao đẹp của con người thời đại này. Hình ảnh người tráng sĩ được đặt trong hình ảnh ba quân, hòa vào ba quân làm nên sức mạnh và khí phách oai hùng, lẫm liệt. Tầm vóc con người đã được nâng cao lên thành tầm vóc vũ trụ, lớn lao trường tồn. Trong văn học trung đại, ta từng bắt gặp hình ảnh người tráng sĩ ra trận:

“Áo chàm đỏ tựa rang pha
Người chàng sắc trắng như là tuyết in”.

Người tráng sĩ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm là người tráng sĩ mang vẻ đẹp lãng mạn trong nỗi nhớ nhung của người chinh phụ nơi quê nhà. Còn ở “Thuật hoài”, ta lại thấy tác giả khắc sâu vào khí phách, làm bật lên không khí thời đại, thể hiện sự hài hòa của hình ảnh con người, anh hùng cá nhân với đội quân đông đảo, hùng hậu, ba quân. Nó không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của một người cụ thể mà dường như còn gợi ra sức mạnh vững chắc của cả một dân tộc hiên ngang trước kẻ thù hung bạo.

Nếu hai câu thơ đầu trong bài xây dựng hình ảnh người tráng sĩ lòng trọn ba quân thì hai câu thơ sau thiên về tâm trạng của nhân vật trữ tình đúng như nhan đề bài thơ “Thuật hoài” – kể lại nỗi lòng:

“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Trong văn học trung đại, ta đã nhiều lần được nghe tới chí làm trai:
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho thỏa sức anh hùng trong bốn bể”.

Chí làm trai đã ăn sâu vào cốt tủy những đấng trượng phu. Họ có khát vọng lập công – làm nên sự nghiệp lớn và khát vọng lập danh – để lại tiếng thơm cho muôn đời. Phạm Ngũ Lão cũng không nằm ngoài số đó. Đây cũng chính là quan niệm nhân sinh lành mạnh của ông: Khát vọng được làm nên nghiệp lớn mà cụ thể ở đây là bảo vệ và xây dựng đất nước, để lại tiếng thơm và dấu ấn trong lịch sử là một khát vọng chính đáng và cao cả. Nó không phải là lòng tham công danh tầm thường, không phải là sự háo danh hay ham quyền đoạt vị. Nó là khát vọng cháy bỏng được sống có ích, sống ý nghĩa, sống phi thường. Phải chăng, đây chính là nét đẹp trong tâm hồn nhà thơ – một con người có hoài bão, lí tưởng cao đẹp, cháy bỏng? Và cũng phải chăng, nhò những cá nhân với khát vọng cháy bỏng như thế mới là động lực để làm nên sức mạnh của ba quân, sức mạnh của dân tộc, của thời đại? Phạm Ngũ Lão cũng không nói suông, ông nói được làm được. Trong thực tế, Phạm Ngũ Lão là một tướng giỏi đã lập được nhiều chiến công, được phong danh, ban tước, được triều đình tin dùng và nhân dân yêu kính. Như thế, ông không chỉ lập ngôn mà còn lập được công danh cho mình. Nhưng ông vẫn tự thấy còn vương nợ, chưa trả xong món “nợ công danh” hay cũng chính là cái nợ với dân tộc khi chưa đánh đuổi được hoàn toàn giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi nước ta. Ông day dứt, cái day dứt của một con người có lương tri và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, trước nhân dân và thời đại. Phạm Ngũ Lão không chỉ thấy mình còn “vương nợ” mà còn thấy “thẹn” với lòng mình, “thẹn” khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu. Khổng Minh Gia Cát Lượng – người được coi là bậc đại trí, đại trung trong lịch sử Trung Hoa:

“Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.

Có lẽ, ông thấy mình chưa đủ tài, đủ lực để giữ nước như ngày xưa Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị chăng? “Thẹn” ở đây là sự tự xấu hổ, tự nhìn vào chính mình, tự trách chính mình. Đó là cái “thẹn” nâng tầm nhân cách, cái “thẹn” của một con người có trách nhiệm, lưu biết tự đấu tranh với chính mình. Tấm lòng của người tráng sĩ với đất nước ấy khiến ta nhớ tới hình ảnh người tráng sĩ bạc đầu mài gươm dưới trăng trong bài “Cảm hoài” của Đặng Dung thuở nào:

“Quốc thù chưa trả già sao vội
Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chày”.

Những người như Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung sống trong bối cảnh thời đại, lịch sử thật đặc biệt. Quân Nguyên Mông mạnh như vũ bão thống trị, khuất phục xâm chiếm biết bao vùng đất, quốc gia. Vậy mà, khi đặt chân tới bờ cõi nước ta lại bị quân dần nhà Trần hết lần này đến lần khác đánh cho tán tác mà tháo chạy. Đó chẳng phải là một niềm tự hào riêng có, một khí thế Đông A mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc, được tạo nên bởi những con người luôn biết “thẹn” như Phạm Ngũ Lão hay sao?

Bài thơ khép lại nhưng còn đọng mãi trong chúng ta hình ảnh người tráng sĩ, người anh hùng dân tộc mang khí phách hiên ngang, oai hùng lẫm liệt, mang hào khí Đông A tự hào của muôn đời. Bài thơ cũng gợi mở biết bao suy nghĩ cho thế hệ trẻ chúng ta hôm nay để sống trách nhiệm và ý nghĩa hơn. Tác giả đã khéo léo sử dụng những thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại như phóng đại, ẩn dụ, so sánh, … để truyền tải thông điệp của bài thơ, làm nên một thi phẩm có giá trị, còn mãi với thời gian.


Bài làm của Minh Thu – Học sinh lớp Văn cô Ngọc Anh.

Xem thêm:

Phân tích bài thơ Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão

Tham khảo các bài văn mẫu cơ bản tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/co-ban/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học